Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

12/5/20

Thứ tư PS.V: Người môn đệ: gắn kết và sinh hoa trái (Ga 15,1-8)

1“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tâm tình với các môn đệ Ngài về sự gắn kết mật thiết như cành nho với thân nho.
Ơn xin: Xin cho tôi được cảm hiểu thâm sâu về sự mật thiết mà Thiên Chúa muốn xây dựng với tôi, để tôi biết gắn bó với Ngài hầu có thể sinh hoa trái đời mình như một người môn đệ.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 2.
Gợi ý cầu nguyện
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dùng hình ảnh nông nghiệp để nói về mối tương quan mật thiết giữa Ngài với Cha, giữa Ngài với các môn đệ. Cây nho có rất lâu trong lịch sử con người và rất đa dạng về chủng loại. Là loài thân dây leo hóa gỗ: vừa mềm mại, vừa chắc chắn. Sức tái sinh của cây nho cũng rất mãnh liệt.[1]
Mời bạn thong thả dùng khả năng suy tư của mình để suy niệm trên từng câu từng chữ trong bản văn, bao lâu bạn còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và an ủi. Dừng lại lâu đủ để cho lời đó thấm vào bạn. Sau đó tâm sự với Chúa Giêsu về những điều bạn cảm nếm trong lòng. Không nhất thiết phải chiêm niệm tất cả các ý của bản văn được liệt kê dưới đây. Bạn cũng có thể chọn một hoặc một vài câu muốn chiêm niệm sâu. 
1“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.

Cây nho là thực vật sống. Sống là thật, sao Đức Giêsu lại nói về “cây nho thật”? Điều này liên quan gì đến “Cha Thầy là người trồng nho”?

2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.
“gắn liền” là lấy sức sống từ cây nho Giêsu, nhưng lại không sinh hoa trái – Có gì trục trặc ở giữa? Từ “phía nhận” hay “phía cho”? Làm sao để cải thiện?
Không sinh hoa trái sẽ bị “Cha” chặt đi, hay đó là chọn lựa “lìa cành” của “phía nhận”?
“Cắt tỉa” không ai thích cả. Chịu cắt tỉa là để được sinh hoa trái nhiều hơn: “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” (Dt 12, 7)

3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.
Lời Chúa thanh tẩy chúng ta. Bạn đã từng được Lời Chúa nào sửa dạy, thanh tẩy?

4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
Đọc câu đầu (4a) và chiêm nghiệm lời mời “ở lại”, tức là gắn kết với Thầy Giêsu; vì chính Ngài đã “ở lại” trong bạn trước.
Đọc câu sau (4b): nghĩ về cách thức hoạt động của một cây: rễ, thân, cành, lá, hoa, trái. Rồi đem áp dụng vào trong mối tương quan của bạn với thầy Giêsu.

5“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.
Câu 4 ở trên vừa nêu một lời mời. Ở đây một lần nữa lặp lại lời mời bằng một hình ảnh và cách nói khác (5a). Về phía Chúa là chắc chắn 100% Ngài ở với bạn, về phía bạn là bao nhiêu phần trăm bạn muốn ở với Ngài?
Có khi nào bạn “nhận vơ” điều gì đó là công lênh của mình (5b)? Thánh I nhã từng quan niệm: “Khi làm hãy làm như thể chỉ có tôi mà không có Chúa. Khi hoàn thành thì hãy biết rằng chỉ có Chúa mà không có tôi.” Điều này được chuyển ý thành: “Mọi sự cho vinh danh Chúa hơn”.

6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
Hãy suy nghĩ về hậu quả của việc chọn lựa “không ở lại trong Thầy”.

7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.
Điều kiện thành tựu mong ước đời bạn lệ thuộc vào quyết định “ở lại trong Thầy” hay không. Đức Giêsu là Ngôi Lời. Lời Chúa có đang ở trong bạn?

8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
“Sinh nhiều hoa trái” là kết quả, “trở thành môn đệ” là phương tiện. Nếu vậy cần phải xếp lại thứ tự của câu nói này! Tuy nhiên, cũng có thể chiêm ngắm theo một cách khác: người ta có thể “sinh hoa trái” và trở thành người hiệu năng, nhưng họ không là môn đệ của Thầy. Vậy phải xét xem tôi đang sinh hoa trái loại nào. Hoa trái đó có làm tôi nên người môn đệ? Khi đó việc sinh hoa trái và trở thành môn đệ đều là kết quả. Khi đó Chúa Cha được tôn vinh. Hãy cảm nghiệm niềm vui đó nơi lòng bạn, nơi Chúa Cha.

Kết nguyện
Thân thưa với Chúa Cha là Đấng đã trồng gốc nho Giêsu, và cho bạn được gắn với gốc nho này.
Thân thưa với Đức Giêsu là gốc nho thật đã cung cấp tất cả sự sống làm phát sinh hoa trái đời bạn.
Kết thúc bằng bài hát Chúa là cây nho của Lm. Ân Đức[2] hoặc dâng một kinh Lạy Cha.

5/5/20

Thứ tư PS.IV: Lắng Nghe Lời Chúa (Ga 12,44-50)

44Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; 45ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đối chất với một số người Do Thái về vấn đề đức tin và việc tuân giữ Lời Thiên Chúa được Ngài công bố.
Ơn xin: Xin cho tôi được cảm hiểu thâm sâu về sự thật nơi Lời Thiên Chúa, để tôi biết đón nhận hầu được sự sống đời đời.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 2.
Gợi ý cầu nguyện
Đặt mình vào bối cảnh: Tin Mừng Gioan đặt chúng ta vào những đối chất khập khiễng giữa sự mặc khải của Ngôi Lời Thiên Chúa với những lý luận của con người. Sau rất nhiều cuộc tranh cãi liên quan đến ơn tái sinh (Nicôđêmô, Ga 3), thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (Người phụ nữ Samari, Ga 4), công việc của Chúa Con (Ga 5), bánh trường sinh (Ga 6), nước hằng sống (Ga 7, 38), Ánh sáng trần gian (Ga 8, 12), tương quan giữa Cha và Con (Ga 6 – 11), chúng ta đến cuộc tranh luận cuối cùng của Đức Giêsu với người Do Thái về nguồn gốc và sứ mạng của Ngài (Ga 12). Đoạn này nằm cuối chương 12 và là phần Đức Giêsu nói với người Do Thái không tin vào Ngài hoặc mới chớm tin vào Ngài.
Mời bạn thong thả dùng khả năng suy tư của mình để suy niệm trên từng câu từng chữ trong bản văn, bao lâu bạn còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và an ủi. Dừng lại lâu đủ để cho lời đó thấm vào bạn. Sau đó tâm sự với Chúa Giêsu về những điều bạn cảm nếm trong lòng. Không nhất thiết phải chiêm niệm tất cả các ý của bản văn được liệt kê dưới đây. Bạn cũng có thể chọn một hoặc một vài câu muốn chiêm niệm sâu.

44Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi;
Đức Giêsu lớn tiếng nói…” như muốn cho mọi người, nhiều người có thể nghe được. Thánh Augustino từng thưa: “Chúa đã gọi con, đã gọi to và phá tan sự điếc lác của con.”
Tin vào Đấng đã sai tôi: Đấng đó là ai? Bạn nghĩ gì về việc tin “dây chuyền”: nghe và thấy Đức Giêsu à Tin vào Đấng đã sai Ngài? Hôm nay bạn có nghĩ rằng tin những điều Giáo Hội rao giảng là tin vào Đức Giêsu? Mà tin vào Đức Giêsu là tin vào Đấng đã sai Ngài?

45ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi.
Sự đồng hóa 100%, làm sao điều đó có thể xảy ra giữa Đức Giêsu và Đấng sai Ngài? Bạn có khám phá được điều gì ý vị ẩn tàng dưới câu nói đó?

46Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.
Đức Giêsu là Ánh Sáng. Làm sao để được ở trong Ánh Sáng này? Bạn thấy mình đang ở trong Ánh Sáng hay Bóng Tối?

47Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian.

Nghe mà không tuân giữ: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều” (Lc 12, 47). Không phải để bạn sợ hãi lảng tránh việc lắng nghe Lời Chúa, nhưng là đừng giả điếc làm ngơ!
Đức Giêsu không đến để xét xử, nhưng để cứu thế gian: Bạn hãy nghiệm xét điều này thật kỹ cho đến khi hình ảnh Thiên Chúa như một thẩm phán, hay như một “ông Kẹ” được thay đổi nơi bạn. 

48Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.
Chính Lời Chúa là Sự Thật “như lưỡi gươm sắc bén” sẽ xuyên thấu tâm can và phân xử chúng ta. Có Lời Chúa nào đang dấy lên trong bạn và nhắc nhở bạn điều gì? Lương tâm bạn (tiếng nói của Chúa bên trong bạn) có đang tán thưởng hay nhắc nhở bạn điều gì?

49Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.
Có phải Đức Giêsu không có quyền “tự do ngôn luận”? Bạn nghiệm thấy gì về mối thân tình giữa Cha và Con?

50Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”
“Tôi biết”: Mời bạn chiêm ngắm sự xác tín của Đức Giêsu về ý muốn yêu thương của Cha mình. Xác tín đó làm cho Ngài trở nên sứ giả trung thành nhất (the truest messenger).
Bạn hãy niệm câu: “Mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời” cho đến khi xác tín được vào điều đó.

Cuối cùng, mời bạn hãy chiêm ngắm một Giêsu không ngưng nghỉ trao ban những lời mang lại sự sống cho những người tỏ ra không tin vào Ngài, và cho những người chớm tin vào Ngài nhưng vì sợ hãi (hoặc ngại ngùng) chưa dám công khai niềm tin của mình.

Kết nguyện
Hãy thân thưa với Đức Giêsu và Chúa Cha về những gì bạn được trải nghiệm trong giờ cầu nguyện. Có thể dùng Tv 119, 1-176 để chiêm nghiệm Huấn Lệnh Chúa và tạ ơn Chúa.

28/4/20

Thứ Tư PS.III: Vòng Tay Thiên Chúa (Ga 6,35-40)

35Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! 36Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. 37Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đối chất với một số người Do Thái về Bánh Hằng Sống.
Ơn xin: Xin cho tôi được cảm hiểu thâm sâu về Bánh Hằng Sống và được gia tăng sự gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 2.
Gợi ý cầu nguyện
Mời bạn thong thả dùng khả năng suy tư của mình để suy nghĩ trên từng câu từng chữ trong bản văn, bao lâu bạn còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và an ủi. Ngưng lại lâu đủ để cho lời đó thấm vào bạn. Sau đó tâm sự với Chúa Giêsu về những điều bạn cảm nếm trong lòng. Không nhất thiết phải chiêm niệm tất cả các ý của bản văn được liệt kê dưới đây.

35Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

Chính tôi: nói về ai?
Bánh trường sinh: nghĩa là gì? Bánh nào? Tại sao ăn vào có thể “trường sinh” được?
Ai đến với tôi/Ai tin vào tôi: câu này ám chỉ đến ai? Gợi lên cho bạn điều gì?
Đói/khát: về điều gì? Tìm kiếm sự thỏa mãn ở đâu? Bằng cách nào?


36Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin.

Tôi: nói về ai?
Đã bảo: nói rồi, nói khi nào?
Các ông: nói về ai?
Đã thấy tôi: thấy ai? Thấy khi nào?
Thấy mà không tin: tại sao? Điều gì ngăn cản họ tin? Tin gì? Tin ai?


37Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài,

Những người Chúa Cha ban cho tôi: “tôi” ở đây nói về ai? Chúa Cha là ai? Những người Chúa Cha ban có phải là một số ít được tuyển chọn?
Sẽ đến với tôi: đến với ai? Làm sao để nối kết vế trước “Người Chúa Cha ban” và vế sau “đều sẽ đến với tôi”? Điều gì ở giữa để tạo nên điều đó? “đều” có phải là một sự đương nhiên?


38vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.

Tôi tự trời mà xuống: có nghĩa là gì? Xuống bằng cách nào?
Ý của Đức Giêsu là gì? Ý của “Đấng đã sai tôi”/Chúa Cha là gì?


39Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.

Hãy nối lại tất cả các ý trên để cảm nghiệm được câu nói này. Bạn hiểu thêm gì về Ý Chúa Cha?
“Không mất một ai” có liên hệ gì đến “sống lại trong ngày sau hết”?


40Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Thật vậy: ám chỉ điều gì? Diễn đạt điều gì?
Tất cả những ai thấy người Con: là ai? Nhiều hay ít? Họ ở đâu? Thấy bằng cách nào?
Thấy và tin: hai điều này liên hệ với nhau thế nào? Bạn có từng thấy Chúa? Bạn có tin Ngài không? Làm cách nào để có đức tin vào Ngài?
Thấy – tin – được sống muôn đời: bạn nghĩ gì về hệ quả này? Bạn có muốn không?
Sống lại trong ngày sau hết: có nghĩa là gì? Ai cho sống lại? sống lại cách nào?

Sau cùng, bạn nối lại toàn bộ những gì đã suy niệm ở trên và xin Chúa cho bạn cảm nghiệm được vòng tay tình yêu lớn lao của Thiên Chúa dành cho nhân loại, dành cho chính bạn. Ngài muốn ôm tất cả vào trong Ngài.

Kết nguyện
Tâm sự với Chúa Giêsu; cùng với Ngài cám ơn Chúa Cha vì Thánh ý Ngài dành cho bạn và cho nhân loại.
Đọc Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

26/4/20

Adelaide de Cicé - Mẹ của người nghèo (2)


“Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp con
Thuyền con bé nhỏ, mà biển cả thì mênh mông”
Breton Prayer

Năm Marie Adelaide khoảng 19-20 tuổi, chị bị hấp dẫn bởi các thú vui thế trần, và bắt đầu hưởng thụ những quyết rũ của cuộc đời. Kết quả là đời sống thiêng liêng của chị bị ảnh hưởng. Một người bạn có tâm hồn nhiệt thành sốt sắng đã đến gặp Adelaide. Trong tinh thần cởi mở và bác ái, người bạn này đã khuyến cáo Adelaide về những gì đang xảy ra với chị. Adelaide đáp lại: “Nhưng tôi vẫn giữ các điều răn”. Tuy nhiên, lời nhận xét của bạn đã khiến Adelaide suy nghĩ và chị đã sớm kéo mình ra khỏi tất cả các vui thú đó.

Một thời gian ngắn sau đó, chị vào Tập viện của dòng Thăm Viếng nơi chị đã từng theo học. Ở đó chị có thể theo đuổi đời sống chuyên cần cầu nguyện và kết hợp với Chúa. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành tông đồ và tình yêu đối với người nghèo, với bệnh nhân đã khiến chị thao thức, và chị đã rời tu viện.

Khi quay về với cuộc sống thường nhật, có nhiều chàng công tử tìm đến cầu hôn Adelaide, nhưng chị từ chối tất cả. Chị quyết tâm chỉ thuộc về Chúa mà thôi và dâng hiến trọn cuộc đời chị cho Ngài.

Cũng trong thời gian này chị gặp một vị linh mục tốt lành, Cha Abbe Boursoul. Cha linh hướng cho chị trong vòng 5 năm, và sau mỗi lần xưng tội chị ghi lại các lời khuyên của Cha.



Vào thứ hai tuần lễ Phục sinh năm 1794, khi Cha Boursoul đột ngột qua đời, Marie Adelaide viết: 
“Lạy Chúa, vị linh mục thánh thiện này đã nói với con nhân danh Chúa rằng con đã được dành sẵn để trở nên:
Một người Mẹ của người nghèo.
Một hiền thê của Chúa Giêsu Kitô.
Một thiên thần trong thế giới này và mai sau.
Ôi một vận mệnh hạnh phúc dường nào!
Lạy Chúa xin ban cho con, ơn phúc để thực thi sứ mạng này. Xin mãi mãi khắc vào tim con những huấn lệnh mà chính Người đã tỏ lộ cho con qua Cha Boursoul, và Cha đã cho con biết thánh ý Chúa nơi con."

21/4/20

Thứ Tư PS.II: Chọn lựa dứt khoát (Ga 3,16-21)

16“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”
Nhập nguyện
·         Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần
·      Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
·         Đặt khung cảnh: Đức Giêsu nói chuyện với ông Nicôđêmô vào ban đêm.
·        Ơn xin: Xin cho tôi đón nhận được bảo bối Thánh Thần mà chính Đức Giêsu trao tặng, để tôi được bước đi cùng với Thánh Thần trong suốt cuộc đời tôi.
·         Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện
1/ Chọn lựa của Thiên Chúa
(cc. 16-17)
Ba Ngôi Thiên Chúa chọn lựa tạo nên mọi sự vì muốn san sẻ tình yêu của mình. Ngài “tự đủ” nhưng chọn lựa không khép kín tình yêu trong chính mình.
Thiên Chúa Cha chọn lựa yêu con người đến cùng… đến nỗi “thí mạng” cả Người Con Một của mình để cứu nhân loại khỏi sự chết do tội lỗi gây nên.
Thiên Chúa chọn lựa cách để cho con người tự do chọn tin vào Con của Người để được sự sống đời đời. Ngài sai Con Ngài đến thế giới để cứu con người, chứ không để trừng phạt vì con người tội lỗi.
Đó có phải là một Thiên Chúa mà bạn đang tôn thờ? Bạn có tự do và muốn dùng tự do đó để chọn tin vào Thiên Chúa? Tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cha sai đến trần gian?

2/ Chọn lựa của con người (cc. 18-21)
Tự do là điều độc đáo nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho loài người. Độc đáo hơn nữa đó là Ngài không bao giờ “xâm phạm” tự do của bạn! Tình yêu đến cùng của Ngài dành cho bạn thể hiện qua sự tôn trọng tuyệt đối mà Ngài dành cho bạn.

a/ Chọn tin
Chọn lựa tin, con người thoát khỏi sự kết án: Ánh Sáng đã chiến thắng Bóng Tối. “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Chọn lựa tin nghĩa là chọn lựa sống theo điều mình tin. Thiên Chúa là Ánh Sáng. Người chọn tin Ngài chọn bước đi trong ánh sáng, chọn làm những điều phù hợp với Ánh Sáng.

b/ Chọn không tin
Trong tự do, bạn có một chọn lựa khác: chọn không tin vào Ánh Sáng, chọn bước đi trong Bóng Tối và chọn làm những việc của bóng tối.
Con người chọn không tin vì họ đang thích thú với những việc làm của bóng tối. Họ không thích ánh sáng vì sợ bị chê trách.
Chọn không tin thì bị kết án. Ai kết án bạn? Chính tự do của bạn kết án bạn. Triết gia Nietzsche lồng lộn với chính mình và cuộc đời nên sản sinh ra “siêu nhân”. Jean-Paul Sartre thấy đời quá “buồn nôn”.
Hãy xét xem mình có những lúc nào cũng chọn lựa không tin?
Từ nay tôi muốn dùng tự do của mình để chọn lựa thế nào?

Kết nguyện
Hãy thân thưa với Chúa về những gì liên quan đến tự do của bạn.
Tạ ơn Thiên Chúa là đấng luôn tôn trọng tự do của bạn bằng 1 Kinh Lạy Cha.