Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

24/1/23

Thứ ba TN.III: Mở rộng mối tương quan (Mc 3,31-35)

31Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. 32Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” 33Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 34Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu trong thời gian làm sứ vụ công khai. Mẹ và anh chị em họ hàng đi thăm Ngài.

Ơn xin: Xin đức Giêsu mặc khải cho tôi những điều thuộc về Nước Trời và xin ơn được sống theo ngay từ bây giờ.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Quan hệ theo huyết thống (c. 44)

Sự kiện: đức Giêsu là con đức Maria. Đức Maria là mẹ đức Giêsu và đức Giêsu là con của đức Maria. Đức Maria và thánh Giuse có họ hàng, nên đức Giêsu cũng có anh chị em họ hàng. Tất cả đều được sắp đặt theo lẽ tự nhiên và được bình thường hóa đến mức không ai đặt vấn đề gì cả. Việc những người này tương quan, chăm sóc, giúp đỡ, thăm viếng nhau là việc bình thường; và thường sẽ được tôn trọng. Những người có quan hệ huyết thống được mọi xã hội bảo vệ bằng pháp luật với những quyền lợi và nghĩa vụ. Vinh dự hay nhục nhã cũng thường gắn với nguồn gốc gia đình, dòng tộc.

Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, đã đi vào mối quan hệ huyết thống này. Ngài chọn lựa trở nên một người con trong một gia đình, một dòng tộc. Hãy ngẫm nghĩ về sự gắn bó của đức Giêsu với những người thân của mình trong 9/10 thời gian dương thế của Ngài.

Bạn hãy suy xét trong Chúa về gia đình và dòng tộc của mình. Những điều bạn được thừa hưởng và trân quý, những liên lụy mà bạn cùng gánh chịu. Hãy nói với Chúa về gia đình và dòng tộc mình. Hãy nói với Ngài về ước mơ và khao khát đóng góp của bạn cho gia đình và dòng tộc mình.

2/ Quan hệ theo pháp lý

Quan hệ pháp lý được thiết lập giữa những người không cùng huyết thống; dựa trên một cam kết lâu bền về trách nhiệm và nghĩa vụ của những người có liên hệ. Quan hệ này được bảo vệ bằng pháp luật.

Vợ chồng là quan hệ pháp lý. Con nuôi, con dâu/rể… là quan hệ pháp lý. Các mối tương quan này cũng được xã hội bảo vệ bằng pháp luật.

Trong Giáo Hội có mối quan hệ pháp lý giữa cha mẹ đỡ đầu và con thiêng liêng.

Đức Giêsu mở ra một quan hệ thiêng liêng với Ngài, dựa trên việc “thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

Bạn hãy xét xem bạn đã đi vào những quan hệ pháp lý nào và bạn đã thể hiện nghĩa vụ và hưởng quyền lợi từ những mối tương quan đó như thế nào?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những điều bạn được soi sáng qua bài cầu nguyện này.

Tạ ơn Chúa bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

18/1/23

[Mùng 3 Tết] Động cơ lao tác (Mt 25,14-30)

14“Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. 15Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, 16người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. 17Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. 18Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. 19Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. 20Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.’ 21Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ 22Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.’ 23Ông chủ nói với người ấy: ‘Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!’ 24Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: ‘Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. 25Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!’ 26Ông chủ đáp: ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, 27thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! 28Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. 29Vì ophàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. 30Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.’

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Dụ ngôn được Đức Giêsu kể trong bài giảng về Cánh Chung.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được giá trị của những lao tác hiện tại, để tôi biết cộng tác với ân sủng của Chúa mà hoàn thành đời mình một cách có ý nghĩa ngay từ hôm nay.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Những yến vàng đời tôi (cc. 44-45)

Mời bạn suy ngẫm về những yến vàng đời mình:

- Trước đó bạn không có gì (hư vô). Bạn được Thiên Chúa gọi tên vào đời, đó là ân huệ hiện hữu. Ngài kỳ vọng bạn sẽ đạt đến hạnh phúc đời đời.

- Thiên Chúa trao cho bạn những yến vàng tùy theo khả năng của bạn: sức khỏe, thời gian, tài năng, sáng tạo, gia đình, mọi sự nâng đỡ sự sống thể lý – tâm lý – thiêng liêng cho bạn… Mời bạn gợi lên từng yến vàng đời mình, và nói cho Chúa nghe về tâm tình bạn có khi nghĩ về chúng.

- Thiên Chúa như ẩn mặt đi để bạn cảm thấy tự do, tự nhiên sử dụng những yến vàng đó. Hãy ngẫm nghĩ và đánh giá điều này cho đời bạn.

2/ Cách thức sử dụng (cc. 16-18)

“Lập tức, 16người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. 17Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. 18Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.”

Với lương tâm ngay thẳng, hãy tự xét xem cách thức mình đã sử dụng những yến vàng đời mình ra sao, rồi thân thưa với Chúa về điều đó.

3/ Động lực lao tác (cc. 19-30)

19Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ.” – Thời lượng cho đời mỗi người khác nhau, nhưng chắc đủ dài cho mỗi người sinh lợi được từ vốn ban đầu. – Bạn đừng quên sẽ có một ngày bạn sẽ phải làm bản tổng kết đời mình dưới ánh sáng sự thật của Thiên Chúa.

Hãy đọc kỹ các câu 20-30 để hiểu rõ ý định của Thiên Chúa khi trao cho bạn những yến vàng rồi Ngài ẩn mặt đi. Hãy hỏi bản thân bao năm qua tôi lao tác vì động cơ nào? Vì tiền, danh vọng, địa vị, tiếng khen… hay vì đơn giản tôi muốn sống hết mình với những nén vàng được trao? Abraham Maslow nói đến nhu cầu tự-hiện-thực-hóa-bản-thân (self-actualization) như là đích đến của việc phát triển con người, sau những nhu cầu căn bản khác (sinh tồn, an toàn, yêu thương, tôn trọng).

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những tâm tình bạn có trong ngày Thánh hóa công ăn việc làm (mùng ba Tết)

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 

16/1/23

Thứ ba TN.II: Mở rộng tầm nhìn (Mc 2,23-28)

23Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” 25Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? 26Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”

27Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. 28Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Những câu chuyện đời thường và cách xử lý.

Ơn xin: Xin cho tôi học với Chúa Giêsu về nguyên tắc chung của đời sống, để tôi biết phân định, chọn lựa và hành xử giống như Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Phân định những sự kiện đời thường

Bản văn nói về diễn tiến của một câu chuyện: sự kiện diễn ra (môn đệ bứt lúa ăn trong ngày Sabát => đặt vấn đề: Không được phép => trưng dẫn trường hợp ngoại lệ à kết luận: Ngày sa-bát được tạo nên cho con người.

Trong cuộc sống vẫn luôn xảy ra những câu chuyện tương tự như thế, và diễn tiến cũng tương tự như thế. Cuộc sống cần có luật để dựa vào mà biện phân chọn lựa trước khi làm, và đánh giá sau biến cố. Luật là tốt. Luật giúp ổn định gia đình, nhóm, xã hội.

Trường hợp ngoại lệ: Chắc chắn không thể/không nên biện minh cho mọi trường hợp để phá bỏ luật. Tuy nhiên, luật được áp dụng uyển chuyển cho những trường hợp chạm đến những giá trị cao hơn. Ví dụ: dâng cúng cho nhà thờ hay cho công việc từ thiện là tốt, nhưng nếu cha mẹ già hoặc con nhỏ đang trong tình trạng bị đói ăn hoặc nguy hiểm đến sự sống thì hãy chăm lo cho những người lệ thuộc vào mình trước.

Nguyên tắc chung: “Luật vị nhân sinh” trong giá trị căn cốt của nó. Đừng ngụy biện để phá bỏ luật với ý hướng làm tổn hại mình và người khác.

2/ Mở rộng tầm nhìn

Level 1: phân định dựa trên luật đúng-sai, tốt-xấu

Level 2: phân định dựa trên luật tình yêu

Level 3: phân định theo cung cách của đức Giêsu: thấy Chúa trong mọi sự và nhìn mọi sự trong Chúa.

Từ một câu chuyện đời thường, đức Giêsu đã biến thành quy luật hành xử. Thậm chí Ngài còn phóng tầm và mặc khải về chính mình: Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.” Mời bạn mở rộng tầm nhìn như thế với Ngài.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những gì bạn hiểu được qua bài cầu nguyện này.

Dâng một Kinh Lạy Cha để cảm tạ Chúa. 

Ảnh: Internet

10/1/23

Thứ ba TN.I: Mắt thấy tai nghe (Mc 1,21-28)

21Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. 22Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

23Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 25Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” 26Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” 28Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu bắt đầu thời gian làm việc công khai của Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi được chứng thực về sự hiện diện độc đáo và đầy quyền năng của đức Giêsu trong đời tôi, để tôi thay đổi đời sống và bước theo Ngài.

Lối cầu nguyện: Áp dụng ngũ quan [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Áp dụng ngũ quan]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Sửng sốt về lời giảng dạy (c. 21-22)

Hãy nhập vào vai của một môn đệ đang bước đi vào hội đường cùng với đức Giêsu, hoặc một người đang tham dự buổi hội họp trong hội đường tại Ca-pha-na-um ngày Sabát hôm đó.

Dùng đôi mắt của bạn để nhìn ngắm khung cảnh hội đường, những người tham dự, đức Giêsu, các môn đệ… Có lẽ đức Giêsu được mời giảng trong buổi hội họp hôm đó. Nhìn ngắm phong thái Ngài, ánh mắt, khẩu hình…

Dùng đôi tai để lắng nghe bài giảng của Ngài. Ngài nói gì? Nó tác động vào bạn thế nào? Có điều gì làm bạn sửng sốt? Ngài nói dựa vào thẩm quyền, vai trò bản thân Ngài như thế nào? (Khác với cách nói: sách đã nói, theo truyền thống cha ông thì…)

Cảm cảm nhận được gì về con người Giêsu ấy?

2/ Kinh ngạc về việc làm (cc. 23-26)

Bạn tiếp tục để cho tiếng la hét và cử chỉ dữ dằn của người bị thần ô uế nhập, xâm chiếm bạn: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”

Dành đủ thời gian để nhìn ngắm sự “biến sắc” trên gương mặt đức Giêsu. Lắng nghe giọng ra lệnh của Ngài: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” 

Quan sát những gì tiếp diễn cho người bị thần ô uế nhập. Toàn bộ câu chuyện tác động lên bạn thế nào? Bạn cảm nghiệm được gì về đức Giêsu?

3/ Loan truyền (cc. 27-28)

Bạn muốn nói gì với người khác về cảm nghiệm của bạn về đức Giêsu? Bạn tiếp nhận cảm nhận của người khác về Ngài thế nào? Bạn có tiếp tục kể về câu chuyện đó cho nhiều người khác?

Kết nguyện

Tạ ơn Chúa về kinh nghiệm bạn được ban cho qua giờ cầu nguyện hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

2/1/23

Thứ Ba GS.I: Giới thiệu và làm chứng (Ga 1,29-34)

29Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. 30Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

31“Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ít-ra-en, tôi đến làm phép rửa trong nước.” 32Ông Gio-an còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. 33Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’ 34Tôi đã thấy, nên xin chứng thật rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Hôm sau ngày làm phép rửa cho đức Giêsu, ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu và làm chứng về đức Giêsu.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt thiêng liêng để nhận ra niềm vui cứu độ đang ẩn giấu ở đây và lúc này, để tôi biết đón nhận ơn niềm vui ơn cứu độ cho đời mình và giới thiệu về Đấng cứu độ cho người khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Giới thiệu (cc. 29-30)

Giới thiệu về một người tức là làm cho người đó được người khác nhận biết, là làm cho người đó trở thành “nhân vật chính”.

Ông Gioan giới thiệu về đức Giêsu thế này: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (c. 29). Ông Gioan là người Do Thái, sinh trưởng trong văn hóa và tôn giáo Do Thái. Ông và mọi người đều hiểu danh hiệu “Chiên Thiên Chúa” có nghĩa là gì. Ông đã chọn lọc và dùng danh xưng này để giới thiệu về đức Giêsu. Còn bạn, hôm nay bạn muốn giới thiệu về đức Giêsu cho người thân, bạn bè, người đương thời thế nào?

Ông Gioan tiếp tục giới thiệu về đức Giêsu thế này: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (c. 29-30). Ông sẵn sàng dùng mình làm bước đệm để đức Giêsu được nổi bật. Đó là sự thật, nhưng cách thế mà Gioan đã làm thì rất đáng học hỏi. Bạn đã/muốn giới thiệu về đức Giêsu ngang qua bản thân mình như thế nào?

2/ Làm chứng (cc. 31-34)

Làm chứng là lấy kinh nghiệm của mình để bảo đảm về một điều gì đó, một ai đó. Ông Gioan đã kể lại câu chuyện giúp mình nhận ra đức Giêsu, và giờ đây ông “xin chứng thật rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” (c. 34)

Bạn có kinh nghiệm thiêng liêng nào để làm chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, về tình yêu và lòng thương xót, về sự tốt lành và nhân hậu… của Ngài?

Kết nguyện

Tạ ơn Chúa vì bạn đã được lãnh nhận đức tin ngang qua lời giới thiệu và lời chứng của người khác. Xin ơn để bạn cũng trở nên chứng nhân cho Chúa hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest