Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

23/2/21

Thứ tư MC.I: Còn Hơn Nữa (Lc 11,29-32)

29Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao quanh tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đòi dấu lạ

Não bộ con người thường bị kích thích với những gì chuyển động, màu sắc, mới lạ.

Con người mọi thời thích dấu lạ, tìm kiếm dấu lạ… và để thách thức Thiên Chúa/Ông Trời, con người đòi dấu lạ.

Đức Giêsu gọi những người đòi dấu lạ là “thế hệ gian ác”. Chẳng có gì có thể thỏa mãn được họ. Họ phải được đáp ứng và tăng mức đáp ứng không ngừng.

Trong một chừng mực nào đó, bạn có thấy mình “gian ác” khi đòi hỏi không ngừng, và không gì thỏa mãn được nhu cầu tăng cấp của bạn? Bạn có từng chạy theo phép lạ chữa bệnh, hoặc đến xem hiện tượng lạ của một bức tượng phát sáng hay khóc ra máu?

2/ Nhận ra dấu lạ

Đức Giêsu nhắc đến hai hiện tượng: Ông Giona đối với dân thành Ninivê, Vua Salomon đối với nữ hoàng Phương Nam (Sheba). Cả hai đều khá đặc biệt, nên hầu như dân Ninivê và nữ hoàng đều dễ nhận ra.

Đức Giêsu từ chối không cho họ dấu lạ nào khác, mà chỉ nhắc lại những câu chuyện cũ. Ôn cố tri tân là vậy. Học bài học của lịch sử là vậy. Người ta nói rằng người Do Thái trở nên khôn ngoan vì họ bước giật lùi về tương lai.

3/ Có nhận ra dấu lạ lớn hơn?

Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, ẩn mình giữa con người, giống như mọi người khác. Ngài mời gọi con người nhận ra dấu lạ lớn hơn: Thiên Chúa ẩn mình và đồng hành với con người và vũ trụ này.

Bạn có nhận ra Ngài vẫn đang hiện diện trong đại dịch Covid-19? Nơi những người đau khổ về nhiều phương diện? Nơi các bí tích? Nơi việc rước lễ thiêng liêng?

Những gì là đơn giản, bình dị, tầm thường nhất có đang mặc khải cho bạn về chính Thiên Chúa?

Kết nguyện

Hãy thân thưa với Chúa sự khao khát tìm kiếm Ngài của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

16/2/21

[Thứ Tư lễ Tro]: Đấng ngự nơi kín ẩn (Mt 6,1-6.16-18)

1“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16“Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu rõ được điều đang suy xét, được nhận biết mình, và được Chúa trợ giúp để sửa mình; hầu làm vinh danh và ca tụng Chúa hơn.

Lối cầu nguyện: Suy xét để quản lý mình [gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 1.

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đọc bản văn

Bạn hãy dành thời gian đọc bản văn, dù cảm giác của bạn là bản văn này rất quen thuộc. Lưu ý đến cách giảng dạy theo lối giả định của Đức Giêsu, Ngài dùng chữ “khi”. Chú ý đến những hướng dẫn của Đức Giêsu về cách thức thực hành và thái độ cần có.

2/ Suy xét về thái độ của tôi

a/ Làm việc lành phúc đức (cc. 1-2): Đây là phương thế “tu thân”.

Hãy xét xem tôi có quan tâm đến các việc tốt lành?

Tôi có thực hiện những việc tốt lành?

Tôi có dạy/khích lệ người khác làm những việc tốt lành?

Tôi thường làm/dạy/khuyến khích những việc tốt lành vì mục đích gì?

b/ Cách trao tặng (c. 3): Đây là tương quan của tôi với tha nhân và môi trường sống.

Tôi thấy mình “có” những điều gì?

Tôi thường giữ riêng cho mình hay muốn trao tặng?

Tại sao tôi lại muốn trao tặng? Thái độ của tôi thế nào khi trao tặng?

Có khi nào tôi đặt điều kiện cho người nhận khi tôi trao tặng, ngay cả yêu cầu một điều tốt?

c/ Cầu nguyện (c.5): Đây là mối tương quan của tôi với Thiên Chúa.

Hãy xét xem tôi có quan tâm đến mối tương quan với Thiên Chúa không?

Khi tôi thực hiện những thực hành thiêng liêng, tôi thường làm vì luật dạy hay vì lòng yêu mến?

Tôi làm để nối kết đời mình với Thiên Chúa hay để được khen là “đạo đức”?

Lời cầu nguyện của tôi thường gói trong các nhu cầu của tôi hay cho nhu cầu của người khác?

Tôi có mở rộng lối cầu nguyện của mình bằng cách hình thức cầu nguyện khác nhau, để ca tụng Chúa, thống hối, tạ ơn, hay chỉ biết xin ơn?

Lối cầu nguyện của tôi là khẩu nguyện (đọc kinh) hay tâm nguyện (cầu nguyện thinh lặng và một mình bằng Kinh thánh hoặc tâm tình với Chúa)?

d/ Ăn chay (c. 16-18a): Đây là sự rèn luyện bản thân trong quá trình hợp tác với ân sủng Chúa để nên thánh.

Tôi có nghĩ rằng tự mình có thể khổ chế, hy sinh hãm mình để lập công mà tự cứu độ mình?

Tôi có bù trừ khi ăn chay theo kiểu Ba Béo (Mardi Gras/Fat Tuesday), hoặc chờ đến 12 giờ đêm là có thể ăn nhậu?

Tôi có thường tìm khoái lạc qua việc ăn uống?

Tôi có sử dụng thực phẩm cách trân trọng và biết ơn?

Tôi có tích cực làm ra những thực phẩm sạch?

Tôi có ý thức về nguy cơ đói kém của các vùng, các nước khác nhau và muốn chia sẻ chính lương thực tôi có cho họ?

3/ Suy xét về sự kín ẩn (cc. 3.6.18b)

Đây là nền tảng để mọi hành vi con người được chuyển hóa thành hành vi thiêng liêng: thấy Chúa trong mọi sự và nhìn mọi sự trong Chúa. Đây cũng là cách thức nên thánh.

Bạn nghĩ gì về sự kín ẩn của Thiên Chúa? Ngài vốn giàu có và đầy quyền năng nhưng đã ẩn mình đi đến nỗi đôi khi con người là loài có trí khôn cũng chẳng nhận ra Ngài!

Ngài ngự nơi kín ẩn, Ngài biết những điều kín ẩn, và Ngài yêu thích thái độ kín ẩn của bạn.

Hãy xét xem tôi có sống, làm, trao tặng, rèn luyện bản thân, tương quan… với thái độ kín ẩn, nghĩa là quy tất cả mọi sự vào việc “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa” như lời Tổng nguyện ta vẫn dâng khi thực hành cầu nguyện theo lối I-nhã?

Kết nguyện

Bạn hãy dừng lại và thân thưa với Chúa về thái độ sống của mình trong mọi sự, nhất là sau khi đã suy xét các lời dạy của Đức Giêsu ở trên đây về làm việc lành phúc đức, cách trao tặng, cầu nguyện và ăn chay.

Đoạn dâng một Kinh Lạy Cha để tạ ơn Chúa Cha là Đấng ngự nơi kín ẩn, và xin được hưởng niềm vui bên Ngài sau khi bạn đã nỗ lực để sống, làm, nói, nghĩ, trao tặng, rèn luyện để trở nên hoàn thiện như Ngài. 

- Ảnh: Internet - 

8/2/21

Thứ tư TN.V: Tối dạ (Mc 7, 14-23)

14Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 16Ai có tai nghe thì nghe!”

17Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. 18aNgười nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? 18bBất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19abởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” 19bNhư vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. 21Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy về nguyên nhân gây nên sạch dơ tinh thần.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao quanh tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Xin đề nghị một cách phân chia đoạn văn theo cấu trúc đồng tâm.

A: Đặt vấn đề về cái làm người ta bị nhiễm uế

B: Các môn đệ không hiểu

A’: Giải thích chi tiết cái gì làm người ta bị nhiễm uế

Như vậy trọng tâm là vấn đề u minh, u tối và tối dạ của các môn đệ trước giáo huấn của Đức Giêsu trong khung cảnh luật lệ về sạch dơ tinh thần của Do Thái giáo.

1/ Nghe lần 1 (cc. 14-16)

Luật Do Thái quy định những thức ăn làm cho người ta bị nhiễm uế tinh thần để tránh, như thịt heo, vật chết ngạt (còn máu đọng trong cơ thể)… Như vậy họ nối yếu tố vật chất với tinh thần. Cái dơ vật chất làm ô nhiễm tinh thần. Sau này Phêrô có một thị kiến về tấm vải lớn chứa nhiều con vật khác nhau được thả từ trời xuống và mệnh lệnh hãy giết chúng mà ăn.

Ngày nay khoa học giúp chúng ta phân biệt cách rõ ràng các lãnh vực gây nhiễm uế khác nhau… Tuy vậy, trong đời sống hằng ngày, vẫn có sự lẫn lộn giữa chúng trong cách chúng ta nhìn sự vật sự việc.

Mời bạn dành thời gian nhìn lại cách chúng ta nghe, cách chúng ta nhìn, nói, nghĩ trong năm qua.

2/ Nghe lần 2 (cc. 18b-23)

Các môn đệ xin Đức Giêsu nói lại cách chi tiết hơn một lần nữa. Có lẽ họ có tai để nghe mà vẫn chưa hiểu. 

Hiểu được con đường thức ăn đi trong cơ thể không khó. Hiểu được gốc rễ của những gì làm cho chúng ta bị nhiễm uế tinh thần thì không dễ chút nào.

Mời bạn kiểm duyệt lại mình dịp cuối năm xem đâu đó có những thứ này trong mình: “ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”?

Giữa chúng có liên hệ gì với nhau không? Thánh I-nhã đề nghị một cách xét mình dựa trên Bảy mối tội đầu để tìm ra “tội gốc” – tội chính yếu kéo theo mọi tội lỗi khác.

3/ Tối dạ (cc. 17-18a)

Ngày cuối năm, bạn cho dám thật lòng nói với Chúa một lời: “Tôi/con không hiểu”; và dám xin Ngài giải thích, soi sáng giúp tôi hiểu những gì đang diễn ra trong tôi, trong gia đình, khu xóm, xã hội và thế giới?

Trong năm qua hoặc lúc này, Chúa có nói với bạn: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao?”

Khổng Tử đề ra sứ mạng cho mỗi người là "minh minh đức". Khi bạn sáng, bạn sẽ đến được đích và giúp người khác đến đích.

Kết nguyện

Hãy tâm sự với Chúa những gì còn khúc mắc trong bạn.

Đoạn kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

27/1/21

Thứ tư TN.IV: Sập bẫy kiến thức (Mc 6, 1-6)

1Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2aĐến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. 2bNhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. 2cHọ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. 4Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6Người lấy làm lạ vì họ không tin.

 

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Hội đường Nazareth vào một ngày Sa-bát.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao quanh tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Dân làng ngạc nhiên (cc. 1-2b)

Con đường giáo dục khoa học tự nhiên và xã hội là đối tượng từ ngoại cảnh tác động vào ngũ quan con người. Các ngũ quan tiếp nhận thông tin và gởi về não bộ xử lý và đưa ra kết quả. Có lúc người ta bị “đơ” do ngũ quan không tập trung tiếp nhận thông tin, do cảm xúc bị trơ, do não bộ mệt mỏi.

Sự ngạc nhiên làm cho con người hứng khởi để tiếp nhận và xử lý thông tin.

Mời bạn suy nghĩ về việc Đức Giêsu trở về quê hương mình, gặp lại những người quen thuộc đã sống với nhau cả 30 năm. Hôm nay có một yếu tố mới là các môn đệ về theo. Yếu tố quen thuộc là cứ đến ngày Sa-bát Đức Giêsu lại đến hội đường. Hôm nay Ngài mở miệng giảng, và người ta ngạc nhiên.

Bạn thấy họ tiếp nhận và sử lý được những thông tin nào?

2/ Dân làng bị sập bẫy kiến thức (cc. 2c-3)

Hãy liệt kê lại những điều họ đã biết về Đức Giêsu trong suốt 30 năm.

Những điều đó đã làm ngũ quan và não bộ của họ bị “đơ”. Họ không thể nhìn Đức Giêsu theo một cách khác xưa. Họ tin vào kinh nghiệm 30 năm của họ về một con người. Họ tin rằng “chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời” (Gv 1, 1-11).

Sự lặp đi lặp lại của thời tiết, của vòng đời, của thời trang, của sinh học và tâm lý… Tất cả làm cho con người tưởng mình nắm biết mọi sự. Người càng có tuổi, và trải nghiệm lại càng tự tin như thế.

Thật ra, mầu nhiệm Thiên Chúa vẫn đang mở ra cho bạn trong những điều bình dị, lặp đi lặp lại. Hãy xin cho mình có được tâm trí luôn mở ra với Thiên Chúa. Ngài đang can thiệp âm thầm trong những gì bạn thấy quá đỗi tự nhiên.

3/ Đức Giêsu ngạc nhiên (cc. 4-6)

Hãy nghĩ về câu chất vấn của Đức Giêsu: sự thân thuộc làm bạn xem thường.

Gốc rễ của thái độ xem thường này là “họ không tin” (c. 6). Khoa học tôn giáo có thể nghiên cứu rất tốt về giáo lý và vị sáng lập tôn giáo, nhưng nhà nghiên cứu đó vẫn “vô thần”. Đã có lúc người ta làm “Kitô học từ dưới lên” đến mức đánh mất cảm thức về sự linh thánh của Thiên Chúa làm người.

Bạn nỗ lực cầu nguyện để biết Đức Giêsu cách thâm sâu hơn, trở nên thân quen với Ngài hơn… Điều đó có làm bạn mất đi sự thành kính đối với Ngài?

 

Kết nguyện

Đối thoại với Đức Giêsu về những căng thẳng giữa việc học biết về Ngài và việc tin kính Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

Thứ tư 27/1/2021: Quảng đại gieo Lời (Mc 4, 1-12)

1Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền ở dưới biển mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. 2Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ.

3“Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống. 4Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. 8Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” 9Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe!”

10Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. 11Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, 12để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: bờ biển hồ Tiberia.

Ơn xin: Xin cho lòng tôi được Chúa chạm đến để biết khao khát Chúa, tai tôi đón nhận Lời Chúa và đời tôi được biến đổi.

Lối cầu nguyện: Suy chiêm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm và Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Khao khát nghe Lời (cc. 1-2)

Mời bạn bước ra bờ biển hồ Tiberia, hòa mình vào trong đám đông đang chen lấn để đến gần Đức Giêsu hơn hầu có thể nghe được rõ hơn.

Đức Giêsu đã phải sắp xếp để có thể giảng cho họ từ trên thuyền. Lúc này bạn và mọi người có thể ngồi xuống và lắng nghe. Đức Giêsu ngồi trên thuyền, và kể chuyện.

Bạn hãy lắng nghe những Lời đang thoát ra từ miệng Đức Giêsu. Bạn hãy lắng nghe lòng mình để cảm biết mức độ bạn khao khát Lời Chúa/ Ngôi Lời/ chính Thiên Chúa.

2/ Quảng đại gieo Lời (cc. 3-8)

Hãy đi vào câu chuyện Ngài kể hôm nay… Này người gieo giống…

Bạn hãy chiêm ngắm cách thế người đó vãi gieo hạt giống trên mọi mảnh đất. Hạt giống rơi xuống mọi chỗ. Người đó có vẻ không quan tâm đến kết quả… cứ vãi gieo mãi.

Thiên Chúa quảng đại đang “vãi gieo” chính mình.

3/ Mức độ hiểu Lời (cc. 9-12)

“Ai có tai thì nghe” (c. 9) – Chắc chắn bạn có tai sinh học để nghe (ngoại trừ người khiếm thính) – nhưng bạn có chắc là mình hiểu Lời Chúa không? Đọc được chữ? Hiểu được nghĩa? Hiểu được bối cảnh? Áp dụng được vào bản thân? Sống mối tương quan mật thiết hơn với Chúa?

“Những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn” (c. 10). Bạn có thân và gần đủ để hỏi riêng Chúa điều gì, nhất là về Lời Chúa/về chính Ngài?

Ơn ban: Cách nói của câu 11-12 cho bạn biết rằng hiểu được Mầu nhiệm Nước Trời trong các câu chuyện Đức Giêsu kể là một ơn, chứ không phải do tài trí của bạn. Có khi nào bạn từng khiêm tốn để xin cho mình được ơn đó chưa?

 

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giê su về điều gì trồi lên trong lòng bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

19/1/21

Thứ tư TN.II: Thiện ý (Mc 3,1-6)

1Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” 4aRồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” 4bNhưng họ làm thinh. 5aĐức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. 5bNgười bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” 5cNgười ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nơi cộng đoàn phụng vụ.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt đầy thiện ý của Chúa để tôi đón nhận sự chữa lành Ngài dành cho tôi và người khác.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Thử đề nghị một lối phân chia cấu trúc bản văn: Liên tiến đóng khung

A: ĐGS vào Hội đường – 1a

   B: Có người bại tay – 1b

      C: Pharisiêu rình xem - 2

         D: ĐGS gọi anh bại tay và chất vấn Pharisiêu – 3-4a

      C’: Pharisiêu làm thinh – 4b

         D’: ĐSG giận dữ với người Pharisiêu và chữa tay bại – 5ab

   B’: Tay hết bại – 5c

A’: Pharisiêu ra khỏi hội đường - 6

Trước hết hãy chiêm ngắm từng nhân vật rồi suy gẫm về chính mình, cuối cùng nhìn ngắm kết quả của các mối tương quan đó.

1/ Đức Giêsu (A, D-D’)

Mời bạn chiêm ngắm Đức Giêsu đang tiến vào hội đường. Ngài thấy anh bại tay. Ngài quan sát cái nhìn dò xét. Ngài gọi anh bại tai bước ra giữa. Ngài chất vấn những người đang dò xét Ngài. Ngài giận giữ. Ngài nhìn chằm chằm vào họ. Ngài muộn phiền vì họ cứng lòng. Ngài quyết định chữa tay bại cho người thanh niên.

Mọi hành động cứ tiếp nối và tiến tới.

2/ Người bại tay (B-B’, D-D’)

Hãy nhìn sự hiện diện của anh trong cộng đoàn phụng vụ đó. Anh im lặng. Anh bước ra khi được gọi. Anh đưa tay ra khi được yêu cầu. Tay anh được chữa lành.

Anh làm theo và cứ làm theo.

3/ Pharisiêu (C-C’, A’)

Hãy quan sát những người thuộc nhóm có địa vị trong cộng đoàn phụng vụ này, vì họ hiểu biết và nỗ lực sống nghiêm chỉnh. Họ cũng là nhóm người nổi bật trong nhóm vì cách ăn mặc đặc biệt của họ.

Họ đã ở trong hội đường trước khi Đức Giêsu bước vào. Họ để mắt quan sát trật tự lễ nghi và giúp người khác giữ đúng luật ngày lễ nghỉ. Họ nhìn Đức Giêsu. Họ từng nghe về Đức Giêsu. Họ dò xét, “rình xem” Đức Giêsu hành xử thế nào để “tố cáo”.

Khi bị chất vấn nên chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, họ “làm thinh”. Cuối cùng họ chọn bước ra khỏi hội đường.

4/ Hệ quả của cách tương quan với Giêsu

Bạn hãy chiêm ngắm mối tương quan giữa Đức Giêsu và anh bại tay. Đức Giêsu bước vào gặp anh… anh được khỏi bệnh.

Bạn hãy chiêm ngắm mối tương quan giữa Đức Giêsu và những người Pharisiêu trong hội đường hôm nay. Đức Giêsu bước vào gặp họ… họ chọn bước ra khỏi hội đường.

Bạn đang tương quan thế nào với Đức Giêsu? Đặc biệt là trong khung cảnh buổi phụng vụ.

 

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về mối tương quan của bạn với Ngài.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)


12/1/21

Thứ tư TN.I: Chữa lành (Mc 1, 29-39)

29Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33Cả thành xúm lại trước cửa. 34Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. 37Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” 38Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Thế giới trong đại nạn Covid-19: bệnh tật, chết, cách ly, thất nghiệp, thiếu nhu yếu phẩm và vắc-xin.

Ơn xin: Xin cho tôi được Chúa chữa lành để tôi biết góp phần với Ngài mà chữa lành thế giới.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Chữa lành bằng hành động (cc. 29-34)

Bạn hãy đọc đoạn Kinh Thánh Mc 1, 29-34, ghi nhận những động từ chỉ hành động của Đức Giêsu, bằng cách gạch chân, tô màu chữ đó. Kết nối các động từ lại và chiêm ngắm chuỗi hành động chữa lành của Đức Giêsu.

Bạn cũng chú ý đến các khung cảnh và thời khắc mà Đức Giêsu thực hiện hành động chữa lành.

Cuối cùng bạn hãy quan sát hành vi và thái độ của dân chúng, và cả của các môn đệ khi được chứng kiến Đức Giêsu thực hiện các hành động chữa lành.

Bạn có nghĩ rằng “cấm nói” cũng là một hành động chữa lành?

 

2/ Chữa lành bằng lời nói (cc. 29-39)

Bạn hãy trở lại cùng một đoạn văn để lắng nghe những điều được trao đổi trên đường giữa Đức Giêsu và các môn đệ; những lời nói được thốt lên trong ngôi nhà của Phê-rô; những lời đồn thổi của dân chúng và những lời trao đổi giữa họ với Đức Giêsu.

Khi thực hiện hành động chữa lành từng bệnh nhân, bạn nghe được Đức Giêsu trao đổi với từng người trong số họ thế nào?

Đâu là những lời nói “chuyển cầu” để việc chữa lành được thực hiện?

 

3/ Chữa lành bằng cầu nguyện (cc. 35-39)

Đa số các chuyên gia tâm lý ngày nay vẫn phải dựa vào yếu tố tâm linh để mong có một sự chữa lành toàn diện và đích thực trong chiều sâu. Bởi vì tâm lý học giúp con người khám phá chính mình, hiểu được nguyên do của các tổn thương, và cung cấp những kỹ thuật để khơi dậy và giải tỏa tạm thời, nhưng khoa trị liệu tâm lý không thể hoàn toàn chữa lành con người, bởi những nguyên nhân gây tổn thương đã đi vượt quá giới hạn của logic con người.

Mời bạn chiêm ngắm một Giêsu thức dậy sớm, thu mình vào trong một không gian tĩnh mịch để cầu nguyện lâu giờ. Ngài cần ơn soi sáng từ trên cao để hiểu được nguyên nhân gây bệnh tật. Ngài cần sức mạnh từ trên cao để có thể tiếp tục chữa lành người khác về thể lý, tâm lý và thiêng liêng.

 

Mời bạn trải nghiệm việc Đức Giêsu chữa lành bạn bằng hành động, lời nói và lời cầu nguyện của Ngài dành cho bạn.

Mời bạn sắm vai một “trợ tá” bên cạnh Đức Giêsu để hành động, nói, và chuyển cầu để ơn chữa lành được thực hiện cho thế giới hôm nay, giữa đại dịch Covid-19.

 

Kết nguyện

Hãy hướng về Đấng Chữa Lành (The Doctor of doctors) để dâng lên Ngài bất cứ tâm tình nào đang trồi lên trong bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

5/1/21

Thứ tư GS.II: Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! (Mc 6:45-52)

45Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. 46Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. 47Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa Biển Hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. 48Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. 49Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. 50Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” 51Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, 52vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!

Nhập nguyện

·         Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·         Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·         Khung cảnh: Biển hồ Galile vào ban đêm.

·         Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu Đức Giêsu và cảm nhận Ngài đang ở kề bên, để tôi an đảm và bình an bước theo Ngài.

·         Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp suy niệm]

 

Điểm cầu nguyện

1/ Mệnh lệnh khó hiểu (c. 45)

Một mảnh chuyện kể của Mac-cô cho thấy Đức Giê su ra lệnh (bắt buộc/ép buộc) các môn đệ ngưng lại, cắt đứt cảm giác sung sướng, vui mừng, tự hào… về thầy mình sau biến cố hóa bánh ra nhiều. Ghi nhận của Mac-cô có vẻ đi ngược hướng.[1] Cái ngược về địa lý như phản ảnh cái ngược trong tâm lý giữa Đức Giêsu và các môn đệ.

Bạn có từng cảm thấy có những “mệnh lệnh” quá trái ngược tâm lý, lý trí bạn? Bạn thường phản ứng thế nào trước mệnh lệnh đó?

Kitô giáo nói đến “tuân theo ý Chúa”; tu sĩ khấn “vâng phục”. Đó có phải là một chọn lựa khôn ngoan?

 

2/ Khoảng cách (cc. 46-48a)

Đức Giêsu trên núi, trên đất; các môn đệ trên thuyền, trên nước.

Đức Giêsu cầu nguyện; các môn đệ vất vả chèo chống vì ngược gió.

Màn đêm đang đến mỗi lúc một tối hơn, bao phủ cả hai bên. Tâm trạng hai bên rất khác nhau. Bạn hãy cụ thể hóa để hiểu được nguyên nhân tạo nên tâm thế của họ.

 

3/ Đến gần bên (cc. 48b-52)

Đức Giêsu thấy, Đức Giêsu biết sự vất vả và run rẩy của các môn đệ. Ngài quyết định đi đến với họ, và định vượt qua họ.

Ngài chưa vượt thì họ đã quá hoảng sợ! Đức Giêsu trấn an họ: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

Ngài quyết định lên thuyền của họ, “và gió lặng”. Điều đó có nghĩa là gì đối với bạn?

Bạn cũng có thể phân tích chuyển biến tâm lý của các môn đệ từ lúc “tạm biệt” thầy, cho đến lúc thầy bước vào thuyền của họ, để tự rút kinh nghiệm cho đời mình.

 

Kết nguyện

Hãy xin Chúa Giêsu tỏ mình Ngài cho bạn và giúp đỡ lòng tin của bạn.

Bạn cũng có thể nói với Ngài về những chao đảo của bạn trong cuộc đời.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)



[1] https://www.understandchristianity.com/timelines/chronology-jesus-life-ministry: 26-27-28 

29/12/20

Thứ tư 30/12/2020: Vén mở và kín ẩn (Lc 2:36-40)

36Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đền thờ Giêrusalem.

Ơn xin: Xin cho tôi được chiêm ngắm những việc lạ lùng mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện trong nhân loại cách tỏ tường hoặc kín ẩn, để tôi biết ca tụng Chúa.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm].

Gợi ý cầu nguyện

1/ Vén mở (cc. 36-38)

Trước hết, bạn hãy đặt mình vào khung cảnh của đền thờ Giêrusalem, nơi người ta tuôn đến với rất nhiều lý do: đọc thánh vịnh vào những giờ nhất định, cầu nguyện riêng, dâng lễ hy sinh và đền tội, làm nghi thức thanh tẩy… Đây là một nơi thường quy tụ đông đúc.

Giữa bao người qua lại, đến rồi đi, bạn hãy chú ý đến một cặp vợ chồng trẻ vừa ra khỏi đền thờ sau khi dâng lễ vật nhỏ để thanh tẩy người mẹ sau sinh theo truyền thống, và họ cũng đã dâng đứa bé cho Thiên Chúa. Họ bước ra và được ông cụ già Simeon chúc tụng; rồi đến bà cụ Anna 84 tuổi cất tiếng nói về đứa trẻ họ đang bồng ẵm.

Bạn hãy nhìn ngắm kỹ bà Anna. Tưởng tượng về những ngày cuộc đời bà khi còn ở gia đình, 7 năm chung sống với chồng, và suốt quãng đời thủ tiết của bà.

Bà xác tín vào Lời Thiên Chúa hứa. Bà nhận ra điều đó đang được thực hiện nơi đứa trẻ này. Bà nói cho những người lên đền thờ hôm đó biết… Bà “vén mở” về Đấng Cứu độ.

Hãy áp dụng ý nghĩa cuộc đời bà Anna vào chính bạn. Bạn mong chờ gì và tìm kiếm gì trong cuộc đời này? Bạn làm gì để hiện thực được điều mình tìm kiếm? Điều đó thuộc về những gì trong thế giới này, hay là chính Thiên Chúa?

 

2/ Kín ẩn (cc. 39-40)

Khác với thánh sử Mat-thêu, thánh Luca kể câu chuyện về thời thơ ấu của Đức Giêsu như là một gia đình bình thường, sau biến cố sinh con nơi Bê-lem (Miền Nam) trong hành trình đi “đăng ký hộ khẩu”, chờ cho mẹ con cứng cáp và hoàn tất việc thanh tẩy người mẹ và cắt bì cho đứa con (x. Lv 12, 2-8), thì trở về lại quê nhà ở Nazaret (Miền Bắc).

Sau vài “sự lạ” ồn ào ở miền Nam, họ rút về miền Bắc, sống một cuộc đời âm thầm.

Mời bạn đọc từng chữ câu 40 để nghiệm về thời gian “ngày càng” của bé trai Giêsu. Bạn có biết là chữ đó chứa đựng khoảng 30 năm? [(30*365 ngày)*24h]… Bạn có thể tính toán chi tiết hơn những năm tháng ngày giờ của Giêsu. Hãy chiêm ngắm sự lớn lên về mọi mặt của cậu Giêsu: thể xác, tinh thần, trí tuệ, thiêng liêng…

Bạn học được gì từ sự kín ẩn của mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người? Hành trình cuộc đời bạn có đang đi cùng hướng với kinh nghiệm về cuộc đời của Giêsu khi Ngài sống trên hành tinh này?

 

Kết nguyện

Hãy nói với Chúa về những gì bạn cảm nghiệm trong giờ cầu nguyện, và xin ơn để bạn được phát triển cách âm thầm mà toàn diện như Chúa Giêsu.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

22/12/20

Thứ tư 23/12/2020: Dấu chỉ (Lc 1, 57-66)

57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Ngôi nhà nhỏ trên miền núi Giuđa của ông bà Dacaria và Elisabet.

Ơn xin: Xin cho tôi được chiêm ngắm những việc lạ lùng mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện trong nhân loại, để tôi biết ca tụng Chúa.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm].

Gợi ý cầu nguyện

1/ Ngày chào đời (c. 57-58)

Mời bạn hãy sắm vai một nhân vật nào đó hiện diện trong ngôi nhà nhỏ trên niềm núi Giuđa (miền Nam xứ Palestin), vào một ngày đặc biệt của gia đình ông bà Dacaria.

Quan sát ngôi nhà từ bên trong, những sắp đặt và những chuẩn bị cần thiết cho cuộc sinh nở. Nhìn ngắm bà Elisabet, một phụ nữ lớn tuổi mang thai con so trong những ngày cuối thai kỳ.

Hãy theo dõi tiến trình của cuộc sinh nở. Nó có gì đặc biệt? Hãy nhìn ngắm một bé trai vừa chào đời và tận hưởng niềm vui của những người chứng kiến, của bà mẹ, của người cha.

Nhìn ngắm cảnh tượng những người thân quen kéo đến chúc mừng. Hãy nghiệm lý do họ chúc mừng: “Nghe biết Chúa đã QUÁ THƯƠNG bà như vậy”.

Cuối cùng, bạn hãy nhớ lại cuộc chào đời của bạn. Bạn được nghe kể thế nào? Có gì đặc biệt tạo nên niềm vui (hoặc nỗi lo) cho cha mẹ bạn? Bạn muốn nói gì với Chúa về ngày mình chào đời?

 

2/ Ngày cắt bì (cc. 59-66)

Một lần nữa, bạn hãy hiện diện trong ngôi nhà nhỏ ấy vào ngày thứ tám sau biến cố bé trai chào đời. Người ta quy tụ để làm lễ cắt bì (cắt 1 phần bao quy đầu của bé trai như dấu chỉ em thuộc về dân Thiên Chúa). Đây là một nghi thức truyền thống, và người ta thường đặt tên cho đứa trẻ theo tên cha nó. (Bạn có thể thấy trong tiếng Anh như Tom Johnson Jr. là con của Tom Johnson Sr.)

Hãy quan sát và lắng nghe cuộc trao đổi giữa họ về việc đặt tên cho bé trai ấy. Nhớ rằng ông Dacaria đang bị câm (người câm thường cũng bị điếc). Điều gì đã làm cho hai ông bà đi đến sự đồng thuận về một cái tên ngoài dòng họ? Tên Gioan có nghĩa là Thiên Chúa chúc phúc, hoặc Ân huệ của Thiên Chúa.

Ông Dacaria đột nhiên mở miệng cất tiếng nói. Bạn hãy chiêm ngắm sự kinh ngạc của những người hiện diện: bỡ ngỡ, kinh ngạc, đồn ra, tự hỏi…

Bạn có nhận ra những dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện trong những biến cố đời mình? Cụ thể là gì? Điều đó có gây kinh ngạc cho những người xung quanh?

Cuộc chào đời của Gioan đã nên một dấu chỉ. Bạn có tin rằng bạn cũng là dấu chỉ của Chúa cho thế giới hôm nay?

Gioan được sinh ra trước Đức Giêsu cho sứ mạng là người giới thiệu về Đấng cứu độ. Bạn được sinh ra cho sứ mạng gì?

 

Kết nguyện

Hãy nói với Chúa về ngày bạn chào đời, về cái tên của bạn, về hành trình đời bạn.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)