1Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người,
có các môn đệ đi theo. 2aĐến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy
trong hội đường. 2bNhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. 2cHọ
nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm
sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3Ông
ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các
ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị
em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. 4Đức Giê-su bảo
họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa
đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5Người
đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh
nhân và chữa lành họ. 6Người lấy làm lạ vì họ không tin.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào
Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho
tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và
ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Hội đường Nazareth vào một ngày Sa-bát.
Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết
lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao quanh tôi.
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]
Gợi ý cầu nguyện
1/ Dân làng ngạc nhiên (cc. 1-2b)
Con đường giáo dục khoa học tự nhiên và xã hội là đối tượng
từ ngoại cảnh tác động vào ngũ quan con người. Các ngũ quan tiếp nhận thông tin
và gởi về não bộ xử lý và đưa ra kết quả. Có lúc người ta bị “đơ” do ngũ quan
không tập trung tiếp nhận thông tin, do cảm xúc bị trơ, do não bộ mệt mỏi.
Sự ngạc nhiên làm cho con người hứng khởi để tiếp nhận và xử
lý thông tin.
Mời bạn suy nghĩ về việc Đức Giêsu trở về quê hương mình, gặp
lại những người quen thuộc đã sống với nhau cả 30 năm. Hôm nay có một yếu tố mới
là các môn đệ về theo. Yếu tố quen thuộc là cứ đến ngày Sa-bát Đức Giêsu lại đến
hội đường. Hôm nay Ngài mở miệng giảng, và người ta ngạc nhiên.
Bạn thấy họ tiếp nhận và sử lý được những thông tin nào?
2/ Dân làng bị sập bẫy kiến thức (cc. 2c-3)
Hãy liệt kê lại những điều họ đã biết về Đức Giêsu trong suốt
30 năm.
Những điều đó đã làm ngũ quan và não bộ của họ bị “đơ”. Họ
không thể nhìn Đức Giêsu theo một cách khác xưa. Họ tin vào kinh nghiệm 30 năm
của họ về một con người. Họ tin rằng “chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời” (Gv 1,
1-11).
Sự lặp đi lặp lại của thời tiết, của vòng đời, của thời
trang, của sinh học và tâm lý… Tất cả làm cho con người tưởng mình nắm biết mọi
sự. Người càng có tuổi, và trải nghiệm lại càng tự tin như thế.
Thật ra, mầu nhiệm Thiên Chúa vẫn đang mở ra cho bạn trong
những điều bình dị, lặp đi lặp lại. Hãy xin cho mình có được tâm trí luôn mở ra
với Thiên Chúa. Ngài đang can thiệp âm thầm trong những gì bạn thấy quá đỗi tự
nhiên.
3/ Đức Giêsu ngạc nhiên (cc. 4-6)
Hãy nghĩ về câu chất vấn của Đức Giêsu: sự thân thuộc làm bạn
xem thường.
Gốc rễ của thái độ xem thường này là “họ không tin” (c. 6).
Khoa học tôn giáo có thể nghiên cứu rất tốt về giáo lý và vị sáng lập tôn giáo,
nhưng nhà nghiên cứu đó vẫn “vô thần”. Đã có lúc người ta làm “Kitô học từ dưới
lên” đến mức đánh mất cảm thức về sự linh thánh của Thiên Chúa làm người.
Bạn nỗ lực cầu nguyện để biết Đức Giêsu cách thâm sâu hơn,
trở nên thân quen với Ngài hơn… Điều đó có làm bạn mất đi sự thành kính đối với
Ngài?
Kết nguyện
Đối thoại với Đức Giêsu về những căng thẳng giữa việc học biết
về Ngài và việc tin kính Ngài.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.
(Ảnh: Internet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét