Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

16/6/20

Thứ tư 17/6/2020: Tu luyện thật (Mt 6, 1-6; 16-18)


1“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
16“Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu quảng diễn và ứng dụng Bài giảng trên núi cho các môn đệ và những ai khao khát đến nghe Lời Chúa.
Ơn xin: Xin cho tôi hiểu biết thâm sâu lời mời gọi của Chúa Giêsu để tôi được trở nên người nhà của Chúa trong Nước Ngài.
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Dẫn nhập: Mọi tôn giáo đều có những phương pháp tu luyện riêng. Ngay cả khi dùng chung hình thức tu luyện thì mục đích và ý nghĩa nhiều khi vẫn khác nhau. Đức Giêsu giới thiệu về ba điều giúp “tu luyện” là làm việc lành, cầu nguyện và ăn chay theo tinh thần của Ngài.
Tu luyện thật là làm cho mình trở nên tốt lành. Với Kitô giáo, tu luyện thật giúp bạn trở nên tốt lành như Đấng tạo dựng nên bạn: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).

1/ Làm việc lành (cc. 1-4)
Chia sẻ, giúp đỡ người khác là việc tốt. Ba Ngôi Thiên Chúa được định nghĩa là “chẳng giữ gì lại cho mình mà hoàn toàn dâng hiến cho Hai Ngôi vị kia”. Không chỉ dừng lại ở đó, sự giàu có, phong phú, tình yêu của các Ngài còn tràn ra trên mọi thụ tạo. Ngài tạo dựng nên tất cả cách tốt đẹp và quá âm thầm. Bạn có thấy mình giống Thiên Chúa ở điểm này chưa: làm mọi việc tốt cách âm thầm?

2/ Cầu nguyện (cc. 5-6)
Có nhiều kiểu cầu nguyện: khẩu nguyện, trí nguyện, tâm nguyện. Có nhiều mục đích cầu nguyện: tạ ơn, thống hối, ca tụng và xin ơn. Khi cầu nguyện, đối tượng hướng đến là chính Thiên Chúa.
Bạn thường cầu nguyện kiểu nào, với mục đích gì và hướng đến đối tượng nào? Bạn thấy mình có mắc phải “tật” phô trương mình thánh thiện hơn người khác qua việc cầu nguyện không? Bạn đã từng “nghe” được lời đáp trả của “Đấng hiện diện nơi kín đáo”?
Mời bạn chiêm ngắm cách thức, nơi chốn, thời gian và nội dung cầu nguyện của Đức Giêsu.

3/ Ăn chay (cc. 16-18)
Đây là một điều căn cốt của tu luyện. Bạn thường “ăn chay” hay “ăn kiêng”? Với mục đích gì?
Ăn chay không chỉ là không/giảm bỏ cái gì vào miệng, mà là tiết chế khoái cảm thân xác; Không nô lệ cho khoái cảm mà làm tiêu hao những phần quan trọng hơn là tinh thần và phần rỗi linh hồn. Điều gì trong cuộc sống gây khoái cảm cho bạn nhiều nhất? Bạn có nghĩ đến việc tiết chế chúng không?
Để hiểu ý nghĩa việc chay tịnh, bạn hãy ngẫm câu chuyện Đức Giêsu ăn chay và chịu cám dỗ trong sa mạc (Mt 4, 1-11).

4/ Lập công (cc. 4b. 6b.18b)
Có phải Thiên Chúa đã đặt các thiên thần quan sát bạn để ghi chép công trạng và tội lỗi của bạn hầu sau này có chứng cứ mà xét xử? Nếu Thiên Chúa của bạn là như thế thì bạn sẽ phải lập công rất nhiều qua việc làm những việc lành, cầu nguyện và ăn chay hãm mình. Khi đó, bạn có thể tự độ và không cần Đức Giêsu đổ máu cứu chuộc bạn nữa!
Vậy có cần nỗ lực làm những điều trên không? Việc bạn làm chỉ có nghĩa là bạn muốn nói với Chúa rằng con yêu Chúa, con muốn nên giống Chúa là Đấng tốt lành. Điều đó đủ lý do để Thiên Chúa cứu độ bạn.
“Chúa thật đáo để khi vừa ban thiên đàng, vừa cho chúng con cảm thấy mình xứng đáng với điều đó.” Cha José Luis Martín Descalzo

Kết nguyện
Thân thưa với Đấng hiện diện nơi kín đáo về những nỗ lực cộng tác của bạn để Chúa cứu bạn. Đoạn đọc 1 Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

9/6/20

Thứ tư TN.X: Kiện toàn lề luật (Mt 5,17-19)

17“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu trao đổi với người Do Thái về việc tuân giữ luật Chúa.
Ơn xin: Xin cho tôi biết yêu quý luật lệ đã được thiết định là thiên luật, luật tự nhiên và nhân luật; để tôi có đủ tự do mà đón nhận Đức Kitô và sống theo luật mới của Ngài.
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện
Dẫn nhập: Quá trình trưởng thành của một người cần đủ thời gian. Trong bụng mẹ và bé thơ cần vòng tay âu yếm. Ấu nhi và thiếu nhi cần sự chỉ dạy dịu dàng. Thiếu niên cần những chỉ dẫn theo luật và thực nghiệm an toàn. Thanh niên cần học biết phân định để chọn lựa và đánh giá hành vi bản thân và sự kiện xã hội. Càng lớn tuổi thì luật lệ càng trở nên ít quan trọng, vì nó đã trở thành thói quen bao năm; giờ đây họ sống và hành xử cách tự do theo luật của con tim.
Thánh Phaolo đã nói luật giống như người thầy chỉ giáo dẫn người ta đến gặp Đức Kitô; một khi đã gặp được Đức Kitô thì người đó sẽ sống theo luật tự do của con cái Thiên Chúa, luật của tình yêu.

1/ Xóa bỏ luật (c. 17a)
Luật Mô-sê là luật nhân bản, công bằng; Lời các ngôn sứ là sự nhắc nhở về lòng trung thành tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và hướng đến niềm hy vọng vào ơn cứu độ sẽ được Thiên Chúa thực hiện.
Tại sao người ta mong sẽ có ai đó đủ thẩm quyền đến để “bãi bỏ” điều trên? Có phải do người ta đã lạm dụng luật để triệt hạ nhau? Trong khi luật lệ là cần thiết để huấn luyện nhân bản cho con người, và chuẩn bị con người đón nhận Đức Kitô và sống theo luật tự do của tình yêu.
Bạn từng có thái độ nào đối với luật lệ, luật Công giáo…? Tại sao?

2/ Kiện toàn luật (cc. 17b-18)

Kiện toàn: làm cho nên trọn vẹn. Vậy luật đang thiếu điều gì? Hay thái độ sử dụng luật và ứng dụng luật đang thiếu điều gì? Bạn có thấy mình đang thiếu điều đó không? Nếu có, hãy xin với Đức Giêsu để Ngài làm cho nên trọn vẹn.
Không bỏ một chấm một phẩy: không cắt xén, không thay đổi nội dung của luật. Bạn có bao giờ giữ luật có chọn lọc? Giữ điều hợp với tôi và bỏ qua điều gây bất lợi?
Cho đến khi mọi sự được hoàn thành: Mời bạn trở lại phần dẫn nhập về quá trình con người cần đến luật để nên người ở trên; điều đó trở nên nền tảng để con người gặp gỡ Đức Kitô và thành toàn trong Ngài.

3/ Hệ quả (c. 19)
Ai bãi bỏ và dạy người khác như thế là người nhỏ nhất. Ai tuân giữ và dạy người khác như thế là người lớn nhất trong nước trời.
Tại sao luật lại có vai trò lớn lao đến mức như vậy? Một lần nữa, mời bạn trở về phần dẫn nhập để khám phá và xin ơn cho mình sống và truyền đạt về luật của Chúa.

Kết nguyện
Có thể chọn 1 số câu trong Thánh vịnh 119 để xin ơn vui sống luật Chúa.
Đọc 1 kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

2/6/20

Thứ Tư 3/6/2020: Cùng một tình yêu (Mc 12, 28-34)


28Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” 29Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” 32Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Sau khi vào thành Giêsuralem, theo tin mừng Mac-cô, Đức Giêsu tiếp tục tranh luận với những người Biệt Phái và Kinh sư về nhiều điểm giáo lý khác nhau.
Ơn xin: Xin cho tôi hiểu biết thâm sâu giáo lý của Chúa để tôi yêu mến và sống theo những giá trị của Ngài.
Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]
Gợi ý cầu nguyện
Mọi luật lệ Thiên Chúa thiết định và đặt để một phần trong luật tự nhiên, và cả nhân luật đều nhằm một mục đích: đưa mọi sự vào trong đúng trật tự của nó để chúng vận hành trong một hệ thống hài hòa mà không triệt tiêu cái khác.
Trong xã hội loài người, luật lệ giúp con người sống đúng vai trò, cư xử công bằng và bác ái đối với tha nhân. Trong Mười Lời (10 Điều Răn), có những điều “bắt buộc” phải làm, có những điều “cấm” không được làm – cốt là để tình yêu được thể hiện. Nhằm giúp giải quyết các thắc mắc tỉ mỉ về cách thức thực hiện, người ta đã viết ra “văn bản dưới luật”/ “luật hướng dẫn”. Vì quá chi tiết nên những điều chính yếu không được chú trọng, mà lại quá chú trọng đến những điều giải thích chi tiết; thậm chí quên cả mục tiêu chính yếu của luật lệ.
1/ Yêu Thiên Chúa (cc. 28-30)
Khi được hỏi, Đức Giêsu đưa luật về điều căn cốt nhất của nó: Tình yêu dành cho Thiên Chúa, được người Do Thái gọi là Kinh Shema. Họ đọc kinh này sáng-trưa-tối. Kinh Shema trở nên câu niệm mà mọi người đều thuộc lòng. Mời bạn niệm câu kinh đó và cảm nghiệm về Thiên Chúa của bạn và tự nhắc mình về thái độ cần có đối với Ngài. Yêu Thiên Chúa là để Ngài tự do hướng dẫn đời bạn, tự do huấn luyện bạn.
2/ Yêu con người (c. 31)
Đối tượng gần bạn nhất để yêu thương đó chính là con người – một trợ tá tương xứng (St 2, 18). Tuy vậy, con người bên bạn lại có tự do riêng, và rất khác bạn về mọi mặt. Yêu thương người khác là đi bên họ, tôn trọng họ, hỗ trợ họ để bạn và họ đều hoàn thành được giấc mơ của Chúa dành cho mỗi người. họ không phải là boss (ông/bà chủ) của bạn; lại càng không phải là osin (nô lệ, người hầu) của bạn. Mời bạn xét xem mình đã sống một tình yêu đích thực như thế đối với tha nhân chưa.
3/ Nguyên tắc tình yêu (cc. 32-34)

Câu 32-34 cho bạn nguyên tắc đầu tiên của tình yêu: yêu Chúa và yêu người không tách rời nhau.
Nguyên tắc thứ hai: chính Tình Yêu Thiên Chúa là nguồn mạch của tình yêu nơi con người; Đức Giêsu là kiểu mẫu yêu thương.
Nguyên tắc thứ ba: Tình yêu không chỉ giới hạn trong xã hội loài người, mà phải tràn ra mọi thụ tạo của Chúa, để tạo nên một mạng lưới sự sống và tình yêu.
Nguyên tắc thứ tư: Tình yêu thì lớn hơn mọi việc làm, mọi hy lễ dâng lên Thiên Chúa.
Mời bạn xem xét cách bạn sống tình yêu. Liệu chúng có tuân theo thứ tự các nguyên tắc trên? Hãy nài xin Thiên Chúa ban cho bạn khả năng yêu thương như Ngài.
Kết nguyện
Có thể hát ca ngợi tình yêu Thiên Chúa và tình yêu nhân loại.
Dâng một Kinh Lạy Cha để cầu xin Thiên Chúa ban cho bạn khả năng yêu thương như các Ngài.

(Ảnh: Internet)