Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

31/10/22

Các thánh hiệp hành

Trên ta là toàn thể Các Thánh

Trong ta có vị thánh ẩn tàng

Dưới ta có những Thánh đang tới

Ôi huyền nhiệm hiệp hành thánh thiêng!

 

Chào Tháng Mười Một, tháng hướng đích

Ngày tháng vắn vỏi hướng Tầm Cao

Vươn lên, vươn mãi trong Ơn Chúa

Thầm lặng dâng hiến mãi một đời.

 

Ông Bà Cha Mẹ sinh phước đức

Hậu thế mai sau mãi vuông tròn

Hiện tại nối tiếp vòng ân nghĩa

Khẩn nguyện Ơn Trên mãi tuôn trào.

Ảnh: Internet

28/10/22

Thứ bảy TN.XXX: Vị thế nào cho tôi? (Lc 14,1.7-11)

1Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. 

7Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này: 8“Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối. 10Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Trên đường đi “lên Giêrusalem” đức Giêsu (và các môn đệ) được một Biệt Phái mời dùng bữa.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu và tin vào mặc khải đức Giêsu tỏ lộ và dạy dỗ ngang qua những yếu tố đời thường; để tôi nhận ra điều gì là “chân lý” mà nó đang bộc lộ, để tôi chọn lấy và sống theo.
  • Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Thực tế (cc.1.7)

Bạn hãy đặt mình vào trong bối cảnh đời thường, kinh nghiệm đời thường để xem các con người chúng ta hành xử:

+ Thích dò xét nhau. Câu chuyện của bạn và của những người bạn biết là gì?

+ Thích chen lên “chỗ cao hơn”: nhớ lại những cách mình và người khác hay “nổ”/“chém gió”, dè bỉu người khác, vu khống, nói xấu… Chủ thuyết Duy con người (Anthropocentrism) Tâm lý học hiện đại, một mặt đưa con người về đúng phẩm giá của nó, nhưng thường con người lại có khuynh hướng đi quá xa khi từng cá nhân tự cho mình là cái rốn của vũ trụ; dẫn đến Chủ nghĩa cá nhân (Individualism). Mọi rạn nứt và đổ vỡ trong mối tương quan người-người, người-vũ trụ đều phát xuất từ đây.

2/ Có nên giả bộ? (cc.8-10)

Mời bạn đọc lại chậm rãi vài lần câu chuyện đức Giêsu kể (câu 8-10).

+ “đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn” – phải chăng gắn liền với một nỗi sợ “bị hố”? Sợ “phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối”? Đây là hành động dựa trên sự sợ hãi.

+ “hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn’” – Đây là thái độ bên ngoài, một sự giả bộ nào đó để nhắm một điều khác. “Tâm thế” và “thần thái” không đi đôi với nhau.

+ “Ăn trông nồi ngồi trông hướng” – câu tục ngữ này dạy bạn hơn cả việc quan sát để hành xử đúng, mà là biết nhìn đến bối cảnh chung, đến người khác.

Hãy tự xét xem bạn thường sống và hành xử trong đời dựa trên nền tảng nào? Bạn quan tâm đến việc xây dựng “tâm thế” hay “thần thái” và hành xử bên ngoài?

3/ Vị thế đích thực (c.11)

“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Mời bạn ngẫm nghiệm và niệm câu này.

Suy xét nó trong lẽ thường, và trong cái nhìn của Thiên Chúa.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về điều bạn học được qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

NHỮNG ICON CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI VỀ HIỆP HÀNH

Icon Chúa Giêsu và nhân loại

Chúa Kitô, Đấng tử nạn và phục sinh, là vị Thượng Tế đã nhận lấy sự yếu hèn của chúng ta, và qua lễ hy sinh của mình, Ngài đã nối kết nhân loại với Thiên Chúa Cha. Trong hiến tế chính mình, Chúa Kitô đập tan bức tường trong đền thờ ngăn cách giữa dân riêng và dân ngoại. Sẽ không còn ngăn cách nào, khả thể được bước đi trên con đường đưa đến sự sống mới được mở ra cho mọi người.

Bên cạnh Chúa Kitô là Mẹ Thiên Chúa, biểu tượng của Giáo Hội, đang thu nhận nước và máu đổ ra từ cạnh sườn Con mình, biểu tượng của các bí tích. Chim bồ câu ẩn trong chén thánh. Chúng ta chiêm ngắm Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho chúng ta được tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa, một đời sống nghĩa tử, một cuộc sống hiệp thông.

Đức Maria-Giáo Hội, hiệp thông với Chúa Kitô, trao dâng chén thánh cho viên sĩ quan, một “người ngoại” đã trở nên tín hữu đầu tiên. Phía sau viên sĩ quan mở ra một đoàn người, họ cũng sẽ được mặc lấy Chúa Kitô, và được đan kết vào Thân Thể Chúa Kitô.

Dây stola (dây choàng vai của tư tế) nhắc chúng ta rằng, qua việc nhận lấy bản tính con người, Chúa Kitô khai mở khả thể trở nên con cái Thiên Chúa và sống đời sống hiệp thông, trong bình an, trong hòa giải.

 

Icon Cuộc hoán cải của Cornelius

Chúng ta chiêm ngắm một Lễ Hiện Xuống trường tồn. Quanh bàn, chúng ta thấy các tông đồ với thánh Phêrô, ở giữa là Cornelius và gia đình ông ở bên cánh phải. Từ bàn tay của Chúa Cha tuôn đổ ngọn lửa Thánh Thần, chiếu sáng mọi người và biến họ nên con cái. Sự thấu hiểu, hợp tác, hiệp thông, nốt kết nhân loại không phải là một viễn tượng thực tế, nhưng là một quà tặng đến từ Chúa Cha và chúng ta đón nhận được. Quà tặng này là tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ cho chúng ta qua năm Phụng vụ mừng kính Chúa Kitô.

Ở chính giữa bức ảnh là Con Chiên Vượt qua (x. Kh 6,6), bị sát tế, nhưng đang sống, hướng thượng và hướng thẳng về Chúa Cha. Thương tích của Ngài nhắc nhớ điều chúng ta đã chiêm ngắm trong icon thứ nhất, tiếp tục nhắc chúng ta rằng hiệp hành là một quà tặng đến từ trái tim Chúa Kitô. Trên bàn có một miếng vải chứa nhiều thú vật (x. Cv 10,28-29). Không có gì là không thanh sạch trong mắt Chúa. Người phụ nữ xứ Canaan (x. Mt 15,21-28), người đã khiêm tốn xin ơn chữa lành cho con gái mình, nhắc Chúa Giêsu rằng ngay cả lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn rơi xuống, khẳng định rằng mọi người đều được mời đến bàn tiệc Con Chiên.

Chuyển ngữ: Mai Trinh Tâm DHM

Nguồn: https://www.synod.va/en/what-is-the-synod-21-23/the-icons-of-the-synod.html 

21/10/22

Thứ bảy TN.XXIX: Nhìn người mà ngẫm đến ta (Lc 13,1-9)

1Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. 2Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? 3Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. 4Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? 5Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

6Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, 7nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ 8Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. 9May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Câu chuyện xảy ra khi đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường “lên Giêrusalem”.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu và tin vào mặc khải đức Giêsu tỏ lộ và dạy dỗ ngang qua những câu chuyện và biến cố đời thường; để tôi nhận ra cơ hội dành cho đời mình mà chọn lấy và sống theo.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm

Gợi ý cầu nguyện

1/ Nhìn người mà ngẫm đến ta (cc. 1-5)

Đọc chậm rãi câu chuyện vài lần, suy ngẫm về nguyên do của những người bị chết đó.

+ Sự kiện những người Galilê đang tế lễ thì bị tổng trấn Philatô giết. Chắc hẳn họ có tội chính trị-xã hội nào đó nên mới bị nhà chức trách xét xử!

+ Sự kiện được kể lại: mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết.

Khi chứng kiến hoặc được nghe về những cuộc xử tử, tại nạn, bệnh nan y… của ai đó, tôi thường có phản ứng gì? Tôi nghĩ gì về bản thân những người này? Về cách hành xử của Thiên Chúa?

Tôi có thấy mình vô tội? Hay tội của tôi may mắn chưa bị “nhà chức trách” phát hiện? Lương tâm của tôi muốn nói gì với tôi ngay lúc này? Tôi có lắng nghe tiếng lương tâm?

Ngẫm về cách đức Giêsu phản ứng: đừng tưởng “những người này” tội lỗi hơn bản thân ta! Hãy ăn năn sám hối để khỏi phải chết như vậy, hoặc chí ít ta đã sẵn sàng nếu đời ta đột ngột chấm dứt.

2/ Cơ hội cho tôi (cc. 6-9)

Đọc kỹ câu chuyện dụ ngôn đức Giêsu kể để ngẫm nghiệm về cơ hội Thiên Chúa xót thương dành cho đời tôi.

“Người đầy tớ” được nhắc đến trong câu chuyện là ai trong đời bạn? Hãy nhớ đến những cách thức mà (những) người đó đã “vun xới chung quanh, và bón phân” cho đời bạn với hy vọng “may ra sang năm nó có trái”. Bạn dành đủ thời gian để nhớ chi tiết sự chăm sóc và giáo dưỡng này; rồi bày tỏ lòng biết ơn đối với người đó và với Thiên Chúa của bạn.

Nhớ rằng, sau một năm “nếu (nó) không (sinh hoa trái) thì ông sẽ chặt nó đi”. Bạn được tự do để chọn lựa lối sống của mình, nhưng hãy nhớ rằng đời mình bị giới hạn vào một đời người. Nó có thời hạn nhất định; và bạn sẽ bị xét xử (hoặc tử xét xử = tự lãnh hệ quả của điều mình chọn lựa).

Kết nguyện

Tạ ơn Chúa về những cơ hội đời mình, và xin ơn hoán cải (nếu cần).

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

14/10/22

Janine Paillet (1937-2022)


Janine là con một trong một gia đình Công Giáo đạo hạnh và đầy tình yêu. Từ thuở bé, chân cô đã bị thương tật và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật khiến bỏ lỡ nhiều buổi học. Năm 16 tuổi, cô rời trường học không bằng cấp. Cô học may, đến năm 19 tuổi, cô bắt đầu đi làm ở xưởng may trong vòng 5 năm.

Năm 24 tuổi, cô vào nhà tập dòng Tiểu Muội Đức Maria ở Lyon, Pháp. Bảy năm sau, Dòng này sát nhập với Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria.

Cô lấy chứng chỉ giúp việc nhà và rất hạnh phúc làm việc giúp đỡ các gia đình khó khăn. Năm 33 tuổi, chân cô yếu hơn và phải nghỉ làm. Vài năm sau cô dùng đến xe lăn. Cô thường tâm niệm : « Trong sự bất ổn của tương lai, tôi chắc chắn Thiên Chúa luôn ở đó với tôi. » hoặc « Chúng ta nên hài lòng với những gì mình có, và đừng khóc lóc về những gì không còn nữa. »

Những giới hạn trong việc đi đứng không ngăn cản cô khỏi niềm vui làm cho đức Giêsu Kitô được biết đến và được yêu mến. Cô dạy giáo lý trong vòng 18 năm. Trong thời gian này, nhờ linh đạo DHM rộng mở, cô có cơ hội chăm sóc người cha góa của mình cho đến khi ông qua đời.

Sau đó, cô biết đến và làm việc cho Hiệp hội Huynh Đệ của cha François với châm ngôn « Đứng dậy và bước đi ». Cô cũng tham gia hội Kitô hữu hưu trí và nhóm Lần chuỗi Mân Côi. Cô luôn giữ được tâm hồn trẻ thơ bằng tình yêu dành cho thiên nhiên và thú vật.

Lời cầu nguyện được tìm thấy trong phòng của cô khi cô qua đời là của cha Normand Provencher. Có lẽ bao năm cô đã tâm niệm và sống theo từng lời.

Cám ơn vì Ngài luôn ở đó!

Khi cuộc sống rối bời,
khi đêm về chứa đầy cơn ác mộng,
cám ơn vì Ngài luôn ở đó, hiện diện trong con.

Khi bệnh tật chạm đến,
khi thử thách vượt ngưỡng chịu đựng,
cám ơn Ngài luôn ở đó, và chạm đến con.

Khi con mất hết niềm hy vọng,
khi trước mặt mọi sự đều tăm tối,
cám ơn vì Ngài luôn ở đó, mang con đến ánh sáng.

Khi con cô đơn và bị quên lãng,
khi con sợ yêu thương và nhận tình yêu,
cám ơn Ngài luôn ở đó, và cho con tình yêu của Ngài.

Dịch thơ: Mai Trinh Tâm, DHM 

Thứ bảy TN.XXVIII: Lời sự thật (Lc 12,8-12)

8“Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.

10“Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.

11“Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, 12vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Mường tượng bạn đang cùng đi với đức Giêsu trên đường “lên Giêrusalem”.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu và tin vào mặc khải đức Giêsu tỏ lộ và dạy dỗ ngang qua những biến cố đời thường; để tôi nhận ra điều gì là “phúc thật” mà chọn lấy và sống theo.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm

Gợi ý cầu nguyện

Lưu ý: Bạn cần đặt khung cảnh cho tốt để cảm nghiệm được bầu khí của những bước chân, ý chí của đức Giêsu đang hướng về Giêrusalem, nơi Ngài sẽ chịu nhiều đau khổ và bị giết chết.

1/ Can đảm làm chứng (cc. 8-11)

Ngài mời bạn bước theo để trở thành chứng nhân cho những gì Ngài sắp trải qua. Điều Ngài mời bạn làm chứng là đấng Messia sẽ phải đau khổ, sỉ nhục, chết trên thập giá; đó là “điều đáng xấu hổ” đối với người Do Thái và là sự điên rồ đối với khôn ngoan Hy Lạp.

Hãy dừng lại chiêm ngắm đức Giêsu và lời mời gọi của Ngài dành cho bạn. Rồi tự ra quyết định cho bản thân. Nhớ rằng: “8Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. 9Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” Đó là lời sự thật, chứ không phải là lời đe dọa. Bạn luôn có tự do để chọn lựa và chịu trách nhiệm về điều mình chọn.

2/ Thuận theo Thánh Thần (cc. 10-12)

Tội phạm đến Thánh Thần là tội gì mà nghiêm trọng đến mức bị kết án đời đời! Chúa Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, nên Ngài có quyền tha tội. Vậy có tội gì Ngài không thể bỏ qua cho loài người? Có lẽ là không có tội nào lớn đến mức Ngài không thể tha; trừ phi con người phủ nhận đó là tội, và cứng lòng sống bê tha trong đó, thì Thánh Thần không thể tha, vì con người không muốn. Tình yêu đi liền với việc tôn trọng tự do. Chỉ khi con người khao khát và ước muốn thì chính Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ thực hiện cho họ.

Ngay cả khi con người chạm đến giới hạn của mình, đến sự sợ hãi và sợ chết của mình, thì chính Thánh Thần sẽ hoạt động trong họ, ban cho họ ơn can đảm và khôn ngoan.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Thánh Thần để Ngài dạy cho bạn những sự thật này.

Kết thúc bằng kinh Veni Creator Spiritus

Xin ngự đến, lạy Thánh Thần sáng tạo,
Đến viếng thăm và tuôn đổ ơn trời
Xuống cõi lòng và tâm trí bề tôi
Là sản phẩm do tay Ngài mà có.

Tôn hiệu Chúa chính là Người Bảo Trợ,
Là món quà của Thiên Chúa tối cao,
Là lửa thiêng, tình mến, suối dạt dào,
Ấn Thiên Chúa đóng vào hồn tín hữu.

Là nguồn mạch bảy hồng ân kỳ diệu,
Là ngón tay thần diệu Chúa thiên đàng,
Và chính là ơn Cha hứa tặng ban
Cho tín hữu nói năng thật lợi khẩu

Xin chiếu sáng hầu mở mang trí não,
Đổ tình thương cho tràn ngập tâm hồn
Thân yếu hèn giòn mỏng của chúng con
Luôn trông đợi sức thiêng Ngài bồi dưỡng.

Xin xua đuổi địch thù cho khuất dạng
Chúng con liền vui hưởng phúc bình an.
Được Ngài thương hằng chỉ lối mở đàng,
Là tránh khỏi muôn lỗi lầm nguy hại.

Xin Ngài dạy cho biết Cha từ ái,
Cùng am tường về Thánh Tử khoan nhân.
Và hằng tin : Ngài là chính Thánh Thần
Nguồn thương mến giữa Hai Ngôi bền chặt.

 Ảnh: Pinterest

  

7/10/22

Thứ bảy TN.XXVII: Phúc thật (Lc 11,27-28)

27Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” 28Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: đức Giêsu đang giảng dạy.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu và tin vào mặc khải đức Giêsu tỏ lộ và dạy dỗ ngang qua những biến cố đời thường; để tôi nhận ra điều gì là “phúc thật” mà chọn lấy và sống theo.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm

Gợi ý cầu nguyện

1/ Phúc lộc tự nhiên (c. 27)

Người phụ nữ giữa những người đang nghe đức Giêsu giảng dạy đã ngưỡng mộ, yêu mến… đấng đang giảng. Trong trải nghiệm riêng là một người mẹ, bà nghĩ ngay tới diễm phúc của người phụ nữ đã có được một người con tuyệt vời như đức Giêsu.

“cây tốt thì sinh quả tốt”. Người phụ nữ ấy ca ngợi mẹ đức Giêsu một cách tự nhiên. Điều đó đủ đẹp khi con người biết vui với niềm vui, sự hãnh diện, thành công, phúc lộc của người khác.

2/ Phúc lộc thiêng liêng (c. 28)

Chú ý đến câu nói của đức Giêsu: “Đúng hơn phải nói rằng” – nói chính xác hơn…

Điều kia vốn đã đúng theo lẽ tự nhiên, và một ân phúc riêng, một cơ may hiếm có để sinh ra được một người con toàn thiện như thế.

Điều này sẽ bổ túc đầy đủ hơn: không chỉ có phúc lộc tự nhiên, mà còn có phúc lộc thiêng liêng: “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. “Kẻ” mà đức Giêsu ám chỉ tới không ai khác là chính mẹ Ngài. Đồng thời đó cũng là lời chúc phúc cho bất cứ ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

Bạn muốn có những phúc lộc nào trong đời mình? hãy thân thưa với Chúa của bạn.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu và Mẹ Maria về những gì bạn nhận được qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng.

Ảnh: Pinterest.

1/10/22

[01/10-Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu] – Được vào Nước Trời (Mt 18,1-5)

1Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” 2Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

4“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

5“Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Khởi đầu bài giảng về Nước Trời.
  • Ơn xin: Nhờ lời chuyển cầu của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng, xin cho tôi được ơn hiểu và tin vào mặc khải đức Giêsu tỏ lộ và dạy dỗ ngang qua những biến cố đời thường; để tôi biết chọn và sống theo.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm

Gợi ý cầu nguyện

1/ Xếp hạng (cc.1-5)

So sánh giúp ta nhận ra đặc điểm giống và khác của mọi sự. Điều này giúp con người nhận biết, phân biệt và ghi nhớ được nhiều thứ trên đời: sự vật, hiện tượng, lịch sử, tâm lý, thiêng liêng…

Xếp hạng giúp con người sắp xếp ưu tiên và làm chọn lựa; vì những giới hạn nên chọn một điều thì thường phải bỏ nhiều điều khác. Giữa con người với nhau, chúng ta cũng tạo ra nhiều hệ thống tiêu chí và phương pháp để phân loại và xếp hạng. Đâu đó những áp lực và cạnh tranh không cần thiết đã được tạo ra. Chúng ta chạy, đạp nhau xuống để mình leo lên cao.

Mời bạn suy ngẫm về cách đức Giêsu “xếp hạng”:

+ Với câu hỏi “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” thì Ngài “liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”

+ Ai “coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”

+ “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”

2/ Nước Trời là gì?

Bạn có thể quen với câu chuyện của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng chỉ ngón tay lên chòm sao và nói với cha mình: “tên của con đã được viết trên trời” (có lẽ là chòm sao Thiên Nga – Sygnus). Nước Trời là nơi tâm hồn trẻ thơ hướng về, một chốn đẹp, thanh thoát và nhẹ nhàng.


Đức Giêsu đang dạy các môn đệ về Nước Trời. Trong cái nhìn của Ngài, Nước Trời là nơi không phân biệt lớn nhỏ, cao thấp… Nước Trời là nơi những giá trị bị đảo lộn so với thước đo của con người.

Nước Trời đối với bạn là gì? Bạn tìm kiếm nó bằng cách nào?

Kết nguyện

Thân thưa với đức Giêsu, người thầy chỉ cho bạn biết Nước Trời.

Thân thưa với Chúa Cha, đấng hằng muốn ban Nước Trời cho bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

  

23/9/22

Thứ bảy TN.XXV: Phớt lờ hay lo sợ? (Lc 9,43b-45)

43bĐang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ:44“Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” 45Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu mặc khải về bí mật Đấng Kitô đau khổ cho các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi can đảm mở ra cho những mặc khải về chính Ngài, dù đó là điều trái ngược với điều tôi tìm kiếm.

Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện khác trong Linh thao]

Gợi ý cầu nguyện

Mời bạn đọc chậm bản văn vài lần, gạch dưới những chữ đánh động bạn. Tìm ý nghĩa ẩn chứa trong các từ ngữ đó.

Câu 43b:

+ mọi người: đám đông, cha mẹ của em bị giật kinh phong vừa được chữa lành.

+ bỡ ngỡ: thầy Giêsu trừ quỷ đó được, còn các môn đệ thì không.

+ việc đức Giêsu làm: trừ quỷ

+ đang lúc…: đám đông đang bận tâm vào phép lạ chữa lành.

Câu 43c:

+ đức Giêsu nói với các môn đệ, chuyển hướng nội dung

+ phần anh em: một sự tách riêng ra

+ “hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây”: Ngài gây chú ý, dặn dò quan trọng.

+ “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” – đức Giêsu tiếp tục tỏ lộ những cực hình Ngài sắp lãnh nhận.

Câu 44:

+ Các ông không hiểu: do nội dung quá khó? Do không muốn hiểu? Do trái với mong đợi của bản thân?

+ “lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa”: cái khó đến tự mầu nhiệm đang được mặc khải.

+ sợ: rào cản từ phía con người – sợ khổ

+ Không dám hỏi: sợ đi sâu vào thì sẽ liên lụy, được mời gọi tham dự vào (nghe phớt lờ).

Nối kết lại câu chuyện trong nghĩa chiều sâu của nó. Áp dụng vào bản thân để đánh giá mức độ ta mở ra cho những mặc khải của Chúa Giêsu như thế nào; mức độ ta tự đánh lừa mình trong những thành công bề nổi. Mức độ ta bỏ ngoài tai mặc khải của Chúa do phân tâm hay do sợ hãi?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về cách thức bạn tìm kiếm Ngài theo ý tưởng của bạn, và những khó khăn gặp phải khi sống đạo.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

20/9/22

[21/9. Lễ Thánh sử Matthêu] Kỷ niệm được Chúa gọi (Mt 9,9-13)

9Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

10Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” 12Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu gặp và gọi Matthêu khi ông đang ở trạm thu thuế.

Ơn xin: Xin cho tôi biết mở lòng cho những lời mời của Chúa ngay giữa lúc tôi đang bận rộn với những công việc và cuộc sống hằng ngày, để mau mắn đáp lại lời mời của Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Ký ức một ơn gọi (cc. 9-13)

Chính Matthêu (tên tông đồ của ông Lêvi) viết về chính câu chuyện ơn gọi đời mình. Đây là bản tự thuật. Trong ký ức đó Matthêu ghi nhận và kể lại những gì:

+ Một người mang tên Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, chỗ ông đang làm việc

+ Một cái nhìn đặc biệt dành cho ông, có thể Matthêu ghi nhớ được cái ánh mắt chạm nhau ấy

+ Một lời mời “Anh hãy theo tôi!”

+ Hành động bất thần của bản thân: “đứng dậy đi theo Người”

+ Một bữa tiệc được chính ông thiết đãi thầy Giêsu, môn đệ Ngài và đồng nghiệp và bạn bè của mình tại nhà ông.

+ Có sự hiện diện của một số Pharisiêu, chắc chắn họ không đồng bàn, mà đến để dòm ngó và móc mỉa: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Câu hỏi đó xoáy vào tim Matthêu, để ông có thể nhớ một đời.

+ Một lời xác nhận chọn lựa của thầy Giêsu đã cứu lấy ông: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (cc.12-13) Vết thương nơi tim ông được chữa lành để trở nên người môn đệ trung tín suốt đời; đến mức ông có thể thuật lại về đức Giêsu với một tầm nhìn có hệ thống và vượt ra khỏi cái chật hẹp của mặc khải Cựu Ước.

Có một khoảng trống giữa cuộc gặp gỡ tại trạm thu thuế và bữa tiệc được diễn ra. Bạn hãy viết tiếp câu chuyện ở khoảng giữa đó. Điều gì đã xảy ra nơi tâm hồn Matthêu và nơi trái tim thầy Giêsu? Có chút gì biến chuyển trong cái nhìn, cái hiểu của các môn đệ khác về thầy Giêsu không?

2/ Bừng tỉnh thiêng liêng

Bạn hãy áp dụng câu chuyện trên vào đời mình để hồi nhớ những kinh nghiệm thiêng liêng của chính mình. Đâu là những kinh nghiệm đã tạo nên sự bừng tỉnh thiêng liêng cho bạn? – ý thức Chúa hiện diện cách sống động trong đời bạn, những căng thẳng tranh đấu hoặc kinh nghiệm tiếp cận ngọt ngào giữa bạn và Chúa.

Kinh nghiệm Bừng tỉnh thiêng liêng sẽ đưa bạn vào một mức độ tương giao mới với Thiên Chúa. Nếu sau khi lục lọi trí nhớ mà bạn thấy mình chưa có kinh nghiệm bừng tỉnh thiêng liêng, hãy nài xin với Chúa Giêsu hôm nay, nhờ lời chuyển cầu của thánh sử Matthêu.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về bất cứ điều gì bạn cảm nghiệm được qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest