9Đức Giê-su còn
kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê
người khác: 10“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người
thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11Người Pha-ri-sêu đứng
thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao
kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12Con
ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của
con.’ 13Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám
ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin
thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14Tôi nói cho các ông biết: người
này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì
không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được
tôn lên.”
Nhập nguyện
- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn
chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt
động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
- Khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng bằng cách kể
chuyện dụ ngôn.
- Ơn xin: Xin cho tôi học nơi Chúa sự khiêm nhường đích
thực để tôi biết cách tương quan với Thiên Chúa và với người khác.
- Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm:
Phương pháp Suy xét]
Điểm cầu nguyện
Xin đề nghị một lối phân chia bản
văn:
A: Mục đích kể
chuyện – nhắm vào người kiêu ngạo
B: Người Pharisiêu lên đền thờ cầu nguyện
C: Người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện
D: Kết quả: Không được
tha
B’: Người Pharisiêu “đứng thẳng” cầu nguyện
C’: Người thu thuế “cúi mình” cầu nguyện
D: Kết quả: được tha tội
A’: Bài học của
câu chuyện
1/ Cầu nguyện mà kiêu ngạo và
kết quả (cc. 10b-12)
Mời bạn suy ngẫm về tất cả những
gì mà người Pharisiêu kể cho Chúa nghe về mọi việc tốt lành anh đã làm. Hẳn là
Thiên Chúa rất vui vì thấy con của Ngài sống tốt lành như thế. Dựa vào những điều
đó, bạn hãy suy xét về cách bạn sống đời mình, đặc biệt trong Mùa Chay này. Giữ
luật và thi hành bác ái là bước khởi đầu cho hành trình tiến đến cùng Thiên Chúa.
Nếu chỉ có thể, chắc hẳn anh sẽ được
đức Giêsu kể chuyện là Thiên Chúa “đem lòng yêu mến” anh. Vậy điều gì làm cho đời
sống và lời cầu nguyện của anh không đẹp lòng Chúa? Anh ta khoe công trạng mình
(khả năng tự độ), và khinh chê người khác (ngay cả khi họ đang sống bê tha).
Khi sống đạo lâu năm, chắc hẳn ta đã có đời sống luân lý kha khá. Hãy xét xét mình
thường có thái độ nào đối với người khác? Bạn có thường tám chuyện về người khác
nhằm hạ bệ họ một cách tinh vi? Hoặc so sánh với họ khi bạn cầu nguyện?
Kết quả là tội anh không được
tha, vì anh không thấy mình có tội. Còn bạn?
2/ Cầu nguyện với sự khiêm
tốn và kết quả (cc. 10b.13)
Tương tự, bạn hãy nghĩ về cuộc sống
của người thu thuế. Ngoài việc “tội công khai” là hành nghề thu thuế, anh ta còn
có những bê tha nào? Một cuộc đời như thế liệu có đẹp lòng Chúa chăng? Bạn hãy
xét mình về đời sống mình.
Điều đáng nói là anh chân nhận sự
thật về cuộc sống bê tha của mình, anh muốn hoán cải, anh muốn rời xa cuộc đời “sướng
cái thân mà khổ cái tâm” đó. Mời bạn noi gương anh mà học lấy tâm tình thống hối
thật lòng trong mùa Chay này.
Kết quả là tội anh được tha vì
anh có lòng thống hối. Còn bạn?
Lời cầu nguyện của anh đẹp đến mức
tạo nên một lời kinh mà anh chị em Chính Thống niệm hằng ngày: “Lạy Chúa Giêsu,
xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
3/ Bài học của câu chuyện
(c. 13)
“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ
xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”
Hãy niệm và nghiệm về điều đó như
một bài học khôn ngoan trước mặt Chúa.
Kết nguyện
Tâm sự với Chúa về đời sống và cách
cầu nguyện của mình. Kết bằng một Kinh Lạy Cha.