Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

30/8/19

May mà có em, đời còn dễ thương


Bé Diện trong vai Tôn Ngộ Không
Hè năm nay có chút thời gian rảnh, tôi xếp giờ tới thăm các bé ở bệnh viện Ung Bướu, Tp.HCM.

Không quen ai, tôi phân vân không biết làm thế nào để tiếp cận được với các em. Thế nhưng, trái với suy nghĩ của tôi, ba mẹ và các em rất dễ bắt chuyện. Chỉ cần sà xuống hỏi thăm: “Cháu bị bệnh gì thế?” là cả một câu chuyện dài được kể cho nghe. Thời gian các em điều trị ở đây tính bằng tháng, bằng năm mà tiền bạc, sức lực cứ từ từ đội nón ra đi. Cho nên, chỉ cần ai đó hỏi trúng tâm trạng là câu chuyện tự động cứ thế tuôn trào.

Ở Khoa nhi, phòng ngoại trú được coi là nhẹ nhất. Nhưng thật ra, có nhiều bé bệnh rất nặng nhưng vẫn chuyển vô đây vì nội trú hết chỗ. Phòng này có không gian rộng, sáng hơn các phòng khác, cho nên, con nít phòng này cũng đông hơn. Tôi làm quen với Diện, 9 tuổi, bị ung thư máu, đã điều trị ở đây được ba năm rồi. Em thích làm Tôn Ngộ Không. Khi nào bố mẹ không để ý, Diện lại leo lên song cửa sắt đung đưa cho giống Tề Thiên Đại Thánh. Sát bên giường của Diện là Khiêm, 8 tuổi, bị ung thư đại tràng. Thấy Diện “xí” vai Tôn Ngộ Không rồi, Khiêm bèn nhận vai Chư Bát Giới mặc dù ốm nhom ốm nhách. Cặp đôi này hay bày trò, bắt chước cách đi đứng của các nhân vật trong phim “Tây Du Ký”, làm cả phòng nhiều phen cười nức nẻ.

Nhiều ba mẹ chia sẻ với tôi rằng, điều họ xót xa nhất khi thấy con em mình mắc bệnh là các cháu còn quá nhỏ. Ở tuổi này, đáng lý các em được cắp sách đến trường, vui chơi với bạn bè, hồn nhiên, vô tư… Vậy mà các em lại ở đây với kim tiêm, thuốc men, sinh tử.

Sau nhiều lần đến thăm các em, tôi thấy ngoài những giờ truyền thuốc đau đớn, vật vã, khóc lóc, Diện với Khiêm lại tiếp tục đóng giả làm Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, lại nghịch ngợm, nô đùa như không có chuyện gì. Căn bệnh dù tước đi của các em rất nhiều thứ, nhưng không cướp được tâm hồn trẻ thơ của các em. Chỉ cần nhìn thấy con vui tươi, hạnh phúc, những lo âu, sợ hãi của ba mẹ như tan biến. Tôi không phủ nhận những ly biệt luôn chực chờ quanh họ, nhưng chính những thiên thần nhỏ này đã chuyển đau thương thành bài ca.
TT

13/8/19

Thiên Chúa ngự nơi kín ẩn


Khi dạy về ăn chay, cầu nguyện và bố thí, Đức Giê-su luôn nhắc đến: “Cha của anh, Đấng ngự nơi kín ẩn. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín ẩn sẽ thưởng công cho anh” (Mt 6, 1-6, 16-18).

Ông Êlia những tưởng Thiên Chúa sẽ đến với ông trong cuồng phong hay động đất, nhưng không, Ngài đến trong gió thổi hiu hiu (1V 19, 11-13a). Xưa trong vườn Địa Đàng, Đức Chúa cũng đi dạo với Adam và Eva vào chiều có gió thổi hiu hiu (St 3, 8).

Thiên Chúa hiện diện nơi kín ẩn. Ngài chăm chú lắng nghe lòng ai đang nâng lên Ngài trong thinh lặng, chay tịnh và cầu nguyện. Dọc theo đất nước hình chữ S, gần 20 khóa Linh Thao dành cho Sinh viên và Bạn trẻ được tổ chức trong suốt mùa hè này. Tất cả với một mục đích là tạo một không gian và thời gian tĩnh lặng, kín ẩn để từng Thao viên gặp gỡ trực tiếp với Thiên Chúa của họ.

Kinh nghiệm diễn phúc được đồng hành trong một số khóa Linh Thao giúp tôi xác tín và trân quý thời gian và không gian tĩnh lặng của Linh Thao. Khi Thiên Chúa chạm vào ai đó, người đó tự “ngộ” ra những điều mà xưa nay họ cố gắng đi tìm mà chưa thấy, hoặc làm trồi lên trong họ ước muốn mãnh liệt được thuộc về Thiên Chúa, muốn làm mọi sự, sống bất cứ bậc sống nào, ở bất cứ nơi đâu… chỉ để làm vinh danh Chúa; mà nhờ đó đời họ được cứu rỗi.

Lạy Đấng ngự nơi kín ẩn của lòng con, xin tỏ lộ chính Ngài
Lạy Đấng ngự nơi kín ẩn của thế giới, xin cho mắt con chiêm ngắm Ngài
Lạy Đấng ngự nơi kín ẩn trong Bí Tích Tình Yêu, xin chiếm lấy tim con
Lạy Đấng ngự nơi kín ẩn trong ước muốn, xin làm cho con tin Ngài.

Nụ Cười Hồng

9/8/19

Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian


Chúng ta hãy nhớ lại và sống theo lời của Cha sáng lập Cloriviere: “Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria phải là một nơi vun trồng cách hữu hiệu các Thánh nữ và các vị Tử Đạo. Họ là những người dám đổ máu và chịu đủ thứ đau khổ và dằn vặt, hơn là làm bất cứ điều gì trái với lòng tôn kính dành cho Chúa Giêsu và Mẹ rất thánh của Ngài.”


Đây là một kế hoạch sống đầy gian khổ, nhưng khá xứng hợp với tầm vóc linh đạo của các Vị sáng lập và những người bạn đồng hành đầu tiên của Mẹ Adelaide, những người đã giúp cô hiện thực hóa linh đạo này giữa những sóng gió.

Do vậy, ước mong rằng hoa trái thiêng liêng của cha Pierre de Cloriviere và Mẹ Adelaide de Cice tác động đến đến từng DHM, những người tạo thành Hội Dòng hiện tại trong thế giới hiện đại. Và mong rằng Hội Dòng tiếp tục là một cây sum suê hoa trái.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ân sủng để trở thành người tiếp nối xứng đáng của những Chị Em đầu tiên này. Chúng con cầu xin nhờ lời chuyển cầu của từng vị trong số họ.

Lạy thánh Thérèse de Bassablons, xin cầu cùng Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các thánh Sáng lập cho Hội Dòng này – một Hội Dòng mà các vị đã rất hạnh phúc để thuộc về ngay từ ban đầu.

Xin đưa chúng con đến gần hơn với sự can đảm này, với sự dũng cảm này, và với Tình yêu này... Chính các ngài đã thực sự vươn đến đỉnh điểm. Chúng ta cần sự dậy men này trong bột của thế giới hiện tại, nơi mà một hình thức hỗn loạn khác, một sự đảo lộn đầy gian dối mà chúng ta đang kinh nghiệm.

Xin giúp chúng con biết cách đối mặt với sự hỗn độn của thế giới với tình yêu. Cùng xin cho chúng con không bị cuốn trôi bởi các xu thế hiện tại mà thế giới hiện đại này giới thiệu cho chúng con.

NGUYỆN CHÚA ĐƯỢC VINH QUANG!
DHM, México-Guatemala

(Trích trong Cordialily số 15, trang 12)

Photo: Julie Polidoro

27/7/19

Lịch sử hình thành Dòng





Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria được thành lập năm 1791 tại Paris, Pháp. Đây là sự kết hợp ơn soi sáng giữa mẹ Adelaide de Cice và cha Pierre de Cloriviere.



Ngay từ lúc còn nhỏ, Adelaide de Cice (1749-1818) đã ao ước tận hiến cho Chúa trong đời tu nhưng lại có thể phục vụ những người đau khổ bên ngoài tu viện. Vào năm 1785, mẹ phác thảo lối nhìn này trong bản Kế Hoạch.

Vào sáng ngày 19 tháng 7 năm 1790, một thời gian sau khi cuộc Cách Mạng Pháp nổ ra, cha Pierre de Cloriviere, S.J. (1735-1820) nhận được ơn soi sáng: “Một ý nghĩ chợt bừng sáng và lay động tôi. Nhanh như tia chớp, nhưng lại thật chi tiết đến mức tuyệt vời. Cả một lối sống được tỏ lộ cho tôi cách rõ ràng, như tôi vừa phác thảo lại.” Bản phác thảo này đã được trình với Đức Giám Mục và được ngài ủng hộ.

Vào ngày 18 tháng 8 năm 1790, khi đang hoàn chỉnh bản phác thảo về một hội dòng cho nam giới, cha cảm thấy được thúc giục về việc viết một bản kế hoạch sống cho nữ giới. Bản kế hoạch này có nhiều điểm chung với bản Kế Hoạch của Adelaide de Cice.

Ngày 2 tháng 2 năm 1791, những thành viên đầu tiên của dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria đã làm nghi thức dâng hiến tại nhà thờ Montmart, Paris và tại Brittany. Cùng ngày hôm đó, Hội Dòng chính thức được thành lập với Bản Cam Kết Thánh hiến (Act of Consecrations) do các thành viên ký. 

Tháng 11 năm 1791, cha mời cô Cice đến Paris để hướng dẫn cho các chị em.

Vào ngày 19 tháng Giêng năm 1801, Đức Giáo Hoàng Piô VII đã chuẩn nhận bằng lời cho Hội Dòng mới này.

Ngày 24 tháng 4 năm 1857, Đức Giáo Hoàng Piô IX châu phê chính thức bằng văn bản và công nhận đây là Hội Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng, mang tên Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria.

Ngày 18 tháng Giêng năm 1890, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã chuẩn y Hiến Pháp lần cuối cho Hội Dòng.

Trung thành với đặc sủng, Hội Dòng tiếp tục phục vụ Giáo Hội và thế giới tùy theo nhu cầu của nơi chốn và thời đại.

Nắm men nhỏ bé Thiên Chúa đã vùi vào trong đấu bột nhân loại từ cuối thế kỷ XVIII nay đã lan rộng trên 30 nước để tiếp tục sống sứ mạng làm men làm muối ướp trần gian.

27/6/19

FRANCIS CHOIR (FC)


“Mọi người cứ nói là em giỏi, chứ bản thân em thấy mình chỉ cố gắng làm tốt những gì mình có thể thôi. Phần còn lại là em cậy vào tay Người (Thiên Chúa) đấy! Điều làm em hạnh phúc nhất là có Người để em trút hết những lo lắng, mệt mỏi; nhất là khi em đã cố gắng hết mình.” 

Lời bộc bạch rất mộc mạc và chân thành từ “ca trưởng Thịnh” (cái tên mà anh chị em hay gọi) đã làm ấm lòng và truyền cảm hứng cho bao người trên xe trong chuyến đi Bến Tre của ca đoàn Francis vào ngày 23 tháng 6 vừa qua.

Chuyện là thế này. Đã hơn hai năm sát cánh bên nhau trong phục vụ, bao lần FC thầm ao ước có ngày đi thăm nhà nhau, đi chơi với nhau và dành nhiều thời gian hơn để ở bên nhau. Thế rồi cái ngày đó cũng đã đến: Bến Tre. Một chuyến đi ẩn chứa nhiều mục đích: thăm gia đình chị Hiền nhân dịp đám giỗ, hành hương Đức Mẹ La Mã, và đi vườn trái cây. Tuy nhiên, mục đích sâu xa hơn cả vẫn là để ở bên nhau và trò chuyện với nhau.

Không chỉ cùng dự lễ Mình và Máu Thánh Chúa với cộng đoàn, FC còn nhận lời hát lễ tại họ đạo La Mã. Ca trưởng Thịnh hai tay bốn việc: một tay đánh đàn, một tay phất nhịp, miệng hát solo và nhướn toàn thân lên để truyền tinh thần cho anh chị em trong ca đoàn. Chỉ có vài tiếng tập dợt trên xe, vậy mà tiếng hát ấy cũng đủ làm nức lòng bao người nơi đất khách. Những đôi mắt mở to nhìn nhóm người lạ đang cất giọng ca!

Với sự chuẩn bị chu đáo, đầy lửa của Đoàn trưởng Thùy Trang; sự cộng tác hết mình của từng thành viên FC, cùng với sự đón tiếp nồng hậu, cởi mở và đơn sơ của gia đình chị Hiền; và trên hết là tình yêu và quan phòng của Thiên Chúa, FC đã có một ngày tuyệt vời và đáng nhớ.

Sự bình an, niềm vui sâu xa và sự gắn kết tình thân là những gì đọng lại trong mỗi thành viên khi trở về lại với cuộc sống thường nhật của mình.

Niềm vui đơn sơ là thế! Đôi khi chỉ cần một chút thời gian dành cho nhau, lắng nghe nhau cũng đủ làm sống dậy “thần thái” của bao người.

Tin Vui

------

11/6/19

Những cô thợ may chân chính


Nhà Bertonnet có hai chị em, Suzanne và Genevieve. Họ làm nghề may và sống với mẹ già tại Paris. Cả hai đều gia nhập dòng Nữ tử Trái tim Mẹ Maria khi cuộc cách mạng Pháp đang ở đỉnh cao.

Xưởng may của họ chuyên may trang phục cho phụ nữ. Nhiều người muốn học nghề nên đến xin làm tại đó, họ đều được nhận. Vì vậy, xưởng may của hai chị em nhà Bertonnet được biết đến như là nơi bảo trợ.

Là thợ may, nhiều khi khách hàng đòi họ may những bộ cánh gợi cảm, nhưng trong thâm tâm, họ e ngại mốt thời trang này. Họ trình bày vấn đề này với Cha Cloriviere – vị sáng lập Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria. Cha trả lời như sau: “Hãy nói với những người khách đó rằng lương tâm của chúng tôi không cho phép chúng tôi may những kiểu quần áo đó. Rằng thà chúng tôi mất khách và chỉ may quần áo cho người già và trẻ em còn hơn là may những bộ cánh đó.”

“Nhưng làm sao chúng con có thể phụng dưỡng mẹ già nếu chúng con mất khách?” hai chị em đặt câu hỏi.

“Đừng sợ các con! Hãy vững tin!” Cha Cloriviere khích lệ.

Hai chị em vâng lời và can đảm từ chối may những bộ đồ thiếu đoan trang. Thật không ngờ, những bộ y phục trang nhã và lịch sự họ may ngày càng được ưa chuộng. Chẳng bao lâu, số khách tăng nhanh đến nỗi họ phải thuê gấp đôi số nhân viên.

Suzanne và Genevieve đã mang lại những ảnh hưởng rất tích cực, không chỉ trong xưởng may của họ mà còn lan tỏa đến tầng lớp quý tộc, thượng lưu thời bấy giờ.

Gương sống của hai chị em nhà Bertonnet khiến chúng ta phải suy ngẫm. Điều đơn sơ nhất có thể mang lại những giá trị tốt đẹp – miễn là nó được sử dụng tốt và có định hướng.

(Ảnh: Gettyimages)

13/5/19

Vòng ôm


Tôi bắt đầu làm PA (Personal Assistant) khi căn bệnh ung thư của ba tôi đã tới giai đoạn cuối. Bệnh viện chê, trả về. Hai chân ba đã liệt. Mỗi sáng tôi đẩy xe lăn ra hiên cho ba ngồi phơi nắng. Tôi thích đứng phía sau, nhìn ánh sáng trinh trong chiếu qua mái tóc bạc của ba linh lang, ngập tràn. Một ngày mẹ tôi bảo: “Con không thể ở nhà mãi được. Con phải tiếp tục con đường của mình. Ở nhà đã có mẹ rồi. Đừng lo”. Tôi trở lại Sài Gòn giữa một chiều đỏ ối, lòng vụn vỡ. Mỗi cột mốc km vụt qua, tôi lại thấy mình như đang trôi về một cực xa lắc của hy vọng.

Giữa thành phố vội vã, tôi gắng tìm một điểm để neo mình lại, mong qua đó, tôi lấy lại cân bằng nhưng công việc cứ như bão tố cuốn tôi đi. Một chiều ngang qua Trung tâm Ung bướu, nhìn những chiếc xe lăn ra vào, tôi biết mình cần chuyển việc. Tôi trở thành PA. Tôi đến nhà các bạn khuyết tật, trò chuyện, nấu nướng, chở các bạn đi học, đi làm, đi chơi hoặc đi bất cứ nơi đâu mà bạn ấy muốn. Đi qua những ngày nắng, ngày mưa, những giờ kẹt xe, chờ đợi, tôi là một PA. Nhưng giữa tất cả những công việc của một PA, điều an ủi nhất và cũng đau đớn nhất với tôi chính là mỗi vòng ôm.

Mỗi lần cúi xuống bế một bạn khuyết tật, tôi lại thấy hình ảnh ba hiện ra. Tôi thấy ba như đang giơ tay ra cho tôi nắm, mong mỏi tôi xốc thân hình cạn kiệt sức sống của ba lên. Trong cái khoảnh khắc đó, tôi vội vã lao đến, dốc hết sức bế cho được người ngồi trong xe lăn lên mặc dù tôi biết đó không phải là ba. Cái cảm giác ôm một người trong tay cho tôi một niềm an ủi lớn lao như chính tôi đang ôm phần thiếu thốn của mình. Tôi thấy người tràn đầy năng lượng. Cánh tay, đôi chân tôi trở nên cứng cáp đủ để chịu được sức nặng của người khác. Lòng tôi hân hoan vui sướng như đứa trẻ được quà. Tôi sẽ tranh thủ lúc ôm, hôn lên mái tóc bạn ấy thật nhẹ giống như ba hay làm khi tôi còn nhỏ. Rồi tôi thấy hiện lên tất cả những gì mà tôi yêu mến. Gia đình, bạn hữu, học trò của tôi, những vùng đất tôi đã đi qua, những yêu thương tôi đã để lại trên đường, và cả những người đã làm tôi đau. Tôi ôm tất cả vào lòng, mạnh mẽ và sống động như khi tôi xiết chặt cánh tay chị Muội lúc chạy xuống cầu thang. Nhưng khi rời vòng tay, một nỗi đắng cay cũng êm dịu xen vào. Nó nhắc tôi về thực tại dang dở chưa một lần dám ôm ba, về sự xa cách không gian, về những ước ao chẳng biết đến bao giờ mới chạm được. Giữa hai cảm giác mâu thuẫn giằng xé, tôi vẫn thầm cám ơn những người đang cho (hay bắt) tôi ôm.

Một trưa hè, mẹ gọi điện, giọng hối hả, lo âu: “Ba yếu lắm rồi, con sắp xếp về ngay đi”. Tôi chạy như bay trên đoạn đường mưa lâm thâm, không biết mưa hay nước mắt cứ nhạt nhòa, lênh láng. Hai ngày sau ba đi, thanh thản, nhẹ nhàng giữa khi tôi đang chuẩn một vòng ôm.
Sau đám tang hai tuần, tôi trở lại Sài Gòn, chẳng thể gọi tên bất kỳ cảm xúc gì ngoài nỗi trống rỗng. Tôi như bị đánh trúng tử huyệt. Tâm hồn tôi rách nát, đau thương. Tôi dự tính nghỉ việc.

Một chiều muộn chở chị Muội từ Q.3 về Hóc Môn, giữa đường trời mưa to. Tôi ghé vội một trạm xăng, trạm đầy người trú mưa, loay hoay mãi đến khi tìm được chỗ ngồi cho chị thì hai chị em đã ướt như chuột lột. Không hiểu sao trong cái giây phút đó, tôi thấy giận bản thân mình ghê gớm, giận cả sự bất lực và nhiệt tình của mình. Còn chị thì điềm nhiên. Dường như với chị, ướt hay khô, mưa hay tạnh cũng thế thôi. Chị đã quen và chấp nhận chúng như quy luật tự nhiên. Hốt nhiên tôi nhìn lại những hỗn độn trong lòng mình. Chẳng phải cho tới giây phút này tôi vẫn không chấp nhận sự ra đi của ba đó sao? Tôi vẫn không tin đó là sự thật. Tôi không muốn thừa nhận cái quy luật sinh ly tử biệt của cuộc đời. Nhưng cuộc đời chẳng cần biết đến nỗi đau của tôi. Nó vẫn thản nhiên quay, mặc kệ tôi sống chết. Còn tôi, tôi có muốn sống nữa không?

Mưa tạnh. Tôi bế chị lên xe. Đôi chân chị bất động, lỏng lẻo dính vào cơ thể. Mỗi lần bế chị, tôi lại có cảm tưởng như đang ôm một bình thủy tinh, phải rất nhẹ nhàng, cẩn thận kẻo bể mất. Thế nhưng, ở chị có một sức mạnh nội tâm to lớn khiến mỗi lần nhìn chị, tôi nghĩ tới câu hát “May mà có em, đời còn dễ thương”. Chị dễ thương vì sức sống tiềm tàng trong chị. Sức sống ấy vượt qua mọi tật nguyền, mọi khắc nghiệt để vươn lên như chồi xanh giữa sa mạc khô cằn. Tôi không tật nguyền, nhưng lại thiếu sức sống.

Chúng tôi tiếp tục đi. Đầu tôi vang lên những quy luật cuộc đời.

Tôi không biết mình thoát ra khỏi tình trạng sa sút chính xác vào lúc nào. Tôi chỉ nhớ chiều hôm ấy mặt đường ướt át, trong đầu tôi đầy những quy luật sống. Sau lưng tôi là một người ham sống. Và tôi cần tiếp tục sống.
Khi bầu trời đã xanh trở lại thì cũng là lúc tôi thấy mình không thể ích kỷ, bám víu hoài các bạn khuyết tật được nữa. Tôi biết mình phải ra đi vì ở lại là đông cứng và giậm chân tại chỗ. Tôi phải đi để hoàn thiện chính mình và tìm kiếm cơ hội trở lại. Nhưng ngay cả khi tôi rẽ qua một ngả đường khác, thì các bạn yêu dấu ơi, tôi vẫn mang hình bóng các bạn trong tim và dâng lên Thượng đế lời nguyện cầu mỗi đêm.
TT
(ảnh: Kathy Whaley Ammon)


11/5/19

Đặc nét linh đạo DHM - Men trong bột

Ngày nay, hình ảnh các nữ tu đi tới những vùng truyền giáo xa xôi hay len lỏi vào những con phố để thăm viếng người nghèo, người già, tới bệnh viện trao Mình Thánh Chúa hoặc đứng lớp dạy học là chuyện bình thường đối với người Công giáo. Thế nhưng vào thế kỷ XVIII, người ta không tưởng tượng nổi một nữ tu lại có thể bước ra khỏi cánh cổng tu viện để dấn thân vào đời. Bởi vì công đồng Trento (1545-1563) quy định các nữ tu phải tuân giữ luật nội vi chặt chẽ. Phải chờ đến cuối thế kỷ XIX thì Tòa Thánh mới châu phê các dòng nữ sống ngoài nội vi.[1] Chính vì thế, sự xuất hiện của Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM) vào năm 1791 với đường lối “sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian” là điều gì đó rất khác biệt.

Sống giữa thế gian…

Trước hết, sự khác biệt này đã được Thiên Chúa đã chuẩn bị trong âm thầm, lặng lẽ nơi cõi lòng cô Adelaide de Cice, một phụ nữ quý tộc người Pháp một lối sống thuộc trọn về Chúa trong đời sống tu trì và phục vụ người nghèo trong mọi bối cảnh xã hội. Thế nhưng vào thời ấy, không một tu viện nào có lối sống như vậy. Adelaide vẫn kiên trì tìm kiếm lối sống đó trong suốt 13 năm cho đến khi gặp được cha Pierre de Cloriviere, dòng Tên. Cha đã lắng nghe tâm tư của cô, linh hướng và từng bước giúp Adelaide xác tín vào lời mời gọi của Thiên Chúa trên cuộc đời cô. Năm 1789, cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, một cách nào đó đã gián tiếp biến ước mơ của Adelaide thành hiện thực.

Ngày 19 tháng 7 năm 1790 cha Cloriviere nhận được ơn linh hứng về một lối tu mới rất hữu ích cho Giáo hội. Cha lập tức chia sẻ điều này với các Đấng Bản quyền và nhất là với Adelaide vì nhận thấy nơi cô có cùng một thao thức. Cha mời Adelaide cộng tác… và Dòng Nữ tử Trái tim Mẹ Maria đã ra đời vào năm 1791 tại Paris.

Từ ngày thành lập cho đến nay, nhà Dòng vẫn trung thành với đặc sủng mình là làm chứng tá cho Chúa Kitô như một người tận hiến ở giữa môi trường sống. Dòng không có sứ vụ riêng biệt nhưng phục vụ theo nhu cầu của thời đại và nơi chốn. Các chị không mặc tu phục hay đeo huy hiệu, nhưng chọn trang phục phù hợp với môi trường phục vụ của mình.

Sự phong phú của sứ vụ kéo theo sự đa dạng trong lối sống cộng đoàn. Các nữ tu, tùy theo sứ vụ được sai đi, có thể sống chung mái nhà với cộng đoàn hoặc ở tại gia đình hay sống riêng. Sự đa dạng về sứ vụ và nơi hiện diện tạo nên nét phong phú của Dòng Nữ tử Trái tim Mẹ Maria. Chính sự linh hoạt trong đời sống cộng đoàn và sứ vụ này tạo cơ hội cho nhiều người thuộc mọi tầng lớp, mọi nền văn hóa, sắc tộc… theo đuổi ơn gọi trong Dòng. Tất cả những năng động này giúp các chị trở nên “men trong bột” và lan tỏa hương thơm của Chúa Kitô trong bất kỳ môi trường sống và làm việc nào.

…nhưng không thuộc về thế gian

Nhìn bề ngoài, các Nữ tử Trái tim Mẹ Maria cũng giống như bao phụ nữ khác, nhưng thật ra, đời sống của họ được hướng dẫn bởi lời khấn dòng: Vâng Phục – Khiết Tịnh – Khó Nghèo. Lời khấn này tạo nên căn tính tu sĩ nơi các chị và xây dựng mối tương quan sâu đậm của từng chị với Chúa Kitô và với nhau. Cha Cloriviere, vốn là tu sĩ Dòng Tên, khi soạn Hiến Pháp và Luật Sống cho Dòng, đã không ngần ngại phác thảo đời sống thiêng liêng cho các chị theo linh đạo Inhã. Theo đó, có rất nhiều thực hành đạo đức giúp các chị tăng trưởng đời sống nội tâm như: cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng, xét mình, tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể, Linh Thao, lần chuỗi Mân Côi… Thêm vào đó, các chị em sống chung với nhau theo tinh thần và mẫu gương của cộng đoàn tiên khởi. Điều này giúp các chị xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất trong đa dạng và yêu thương.

Linh đạo của trái tim  

Nếu tên gọi thể hiện căn tính sâu xa của một ai đó thì tên Dòng cũng vậy. Dòng mang tên Nữ tử Trái tim Mẹ Maria cho thấy các chị chú trọng vào đời sống nội tâm. Dẫu rằng ẩn khuất nhưng trái tim điều khiển và là nguồn mạch của mọi sinh lực bên trong chúng ta, là nơi kiến tạo một đời sống thiêng liêng vững vàng.

Trái tim còn là biểu tượng của tình yêu nên ơn gọi của các chị chính là đem yêu thương đến với mọi người. Tự sức mình, các chị không làm được. Vì vậy, các chị được mời gọi chiêm ngắm đặc biệt trái tim Mẹ Maria, để qua Mẹ kết nối với trái tim Chúa Giêsu là nguồn mạch tình yêu.

Tên tiếng Anh của Dòng là the Society of the Daughters of the Heart of Mary (DHM), nghĩa là con gái của trái tim Mẹ Maria. Điều này muốn nói lên rằng:

Trong trái tim Mẹ, con rất dấu yêu.

Suốt cuộc đời Mẹ chỉ có Chúa Giêsu trong tim. Con hãy để Chúa Giêsu làm chủ trái tim mình.

Trái tim Mẹ là ngôi trường thinh lặng. Con sẽ học biết thế nào là hiền lành, nhân hậu và khiêm cung.

Trái tim Mẹ là căn phòng ấm êm. Con sẽ tìm thấy chính mình trong tình yêu dịu dàng của Mẹ.

Trái tim Mẹ là tu viện của con, nơi con được chở che, chăm sóc và sai đi.  

Trái tim Mẹ hòa nhịp đập nhân sinh cho con thỏa sức trên cánh đồng sứ vụ.