Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

15/12/22

[Thắp nến Mùa Vọng] 18/12/2022 – Bình an cho lòng người

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước Vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) như người lính canh đêm, càng gần sáng thì càng mệt mỏi và mong trời mau sáng. Hôm nay, chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây, trước Vòng nến Mùa vọng để nhắc nhau về việc kiên trì chờ đón Chúa đến, vì Ngài đã gần kề rồi!

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 7, 10-14

10Một lần nữa ĐỨC CHÚA phán với vua A-khát rằng:

11“Ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi

ban cho ngươi một dấu

dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.”

12Vua A-khát trả lời:

“Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA.”

13Ông I-sai-a bèn nói:

“Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít!

Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao,

mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa?

14Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu:

Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai,

sẽ sinh hạ con trai,

và đặt tên là Em-ma-nu-en.

Đó là Lời Chúa – tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm

Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng nhắc chúng ta về bình an sâu thẳm do Đức Kitô ban tặng, không như bình an mà thế gian ban tặng (Ga 14, 27). Bình an đó khác với sự an toàn thể lý khi bạn mạnh khỏe và có nơi ở vững chắc; hay an toàn tâm lý khi không có mối nguy hiểm nào đe dọa; thậm chí an toàn thiêng liêng khi bạn giữ kinh lễ đầy đủ và sống trọn 10 điều răn!

Bé trai mang tên Emmanuel là lời hứa Thiên Chúa luôn ở cùng Dân Người. Ngài bảo đảm với họ về sự bình an viên mãn sắp đến trên dân tộc đang bị lưu đày.

Shalom/Bình an là lời chào nơi đầu môi của người Do Thái khi họ gặp nhau. Lời đầu tiên dành cho nhau là nguyện chúc bình an của Đức Chúa ở cùng người đối diện. Điều này lời nhắc nhớ chúng ta về việc vun đắp bình an trong tâm hồn mình và lan tỏa bình an đó trong môi trường sống, và cho người bạn gặp gỡ; để chúng ta trở nên Bình An cho nhau.

Chúng ta cùng lắng nghe tài liệu làm việc cấp châu lục, chuẩn bị Thượng hội đồng Giám Mục về Hiệp Hành.

Bình an để hàn gắn vết thương quá khứ: “Liên quan đến thảm kịch diệt chủng người Tutsi vốn đã chia rẽ người dân Rwanda, tốt hơn hết người ta nên đào sâu chủ đề hiệp thông nhằm mục đích hàn gắn ký ức tập thể một cách đích thực. Thượng Hội đồng lần này đã cho chúng ta hiểu rõ hơn rằng mục vụ hiệp nhất và hòa giải phải tiếp tục là ưu tiên hàng đầu.” (HĐGM Rwanda)

Bình an là cảm giác thoải mái và tự nhiên: “Nếu Giáo Hội không hiệp hành, thì không ai cảm thấy hoàn toàn tự nhiên như ở trong nhà” (số 24); nhưng lại không đóng khung trong sự an ổn: “Những ai cảm thấy thoải mái trong Nhà Giáo Hội phải cảm thấy sự vắng mặt của những ai không thuộc về.” (HĐGM Ái Nhĩ Lan, số 29)

Bình an để ra khỏi chính mình, ra khỏi vị thế của mình; để người yếu thế tìm được vị trí của mình: “Sau nhiều thập kỷ của Giáo Hội, lần đầu tiên chúng tôi được mời phát biểu ý kiến” (Giáo Hội Pakistan. số 23); và người mạnh dám xóa mình đi: “Chúng tôi được mời gọi ra khỏi vị trí thoải mái của người tiếp đón, để cho mình được tiếp nhận vào cuộc sống của những bạn đồng hành trên hành trình nhân thế” (HĐGM Đức, số 31). Điều này giúp đôi bên cùng bước vào sự vâng phục Thánh Thần (x. số 30)

Bình an để cùng làm việc loan báo Tin Mừng, và để cùng ước mơ. “Thế giới cần một ‘Hội thánh đi ra’, bác bỏ sự phân biệt giữa tín hữu và người ngoài, cùng hướng nhìn vào nhân loại và trao cho nó kinh nghiệm về ơn cứu rỗi, hơn là trao một học thuyết hoặc một chiến lược, đây là ‘món quà trên mọi món quà’ để đáp trả tiếng kêu của nhân loại và của thiên nhiên” (HĐGM Bồ Đào Nha).

Mời bạn lặng đôi chút để đo lường mức độ bình an nơi chính mình, và cầu xin Chúa ban thêm cho bạn sự bình an của Ngài. 

(Thinh lặng một chút)

HD 2: (Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM cuối cùng)

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Thiên thần mang đến Bình an. Hãy khao khát cho bản thân từng người chúng ta được an hòa và trở nên sứ giả hòa bình trong một thế giới còn nhiều xung khắc trong nội tâm từng người, trong tương quan con người, tương quan giữa con người và môi trường sống, và tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Xin cho bình an của Chúa Kitô cư ngụ nơi chúng ta.

Cộng đoàn hát: Kinh hòa bình – Phổ nhạc Kim Long

https://www.youtube.com/watch?v=il8GcmB1Fw0

Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người

Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.

Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn ưu sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con

tìm an ủi người hơn được người ủi an

tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh

chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ

chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời

Ôi thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con

xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

Hoặc nghe Bình an ở đâu? - Xuân Đường https://www.youtube.com/watch?v=sBVt75YcsB4 hoặc Let there be peace on earth (English) https://www.youtube.com/watch?v=4ITXaL2Sk2A

HD 1: Lạy Thái Tử Bình An, xin hãy đến và ban cho chúng con sự bình an của Ngài; nhờ đó chúng con có thể đứng vững và lan toản bình an trong những môi trường còn nhiều xáo trộn và đau khổ. Chúng con cầu xin nhờ danh thánh Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen. 

Ảnh: Pinterest

12/12/22

Thứ ba MV.III: Thuận thiên (Mt 21,28-32)

28Các ông nghĩ sao : Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” 29Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. 31Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong bài giảng về cánh chung, đức Giêsu kể dụ ngôn này.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu được ý muốn tốt lành của Thiên Chúa dành cho đời mình, để tôi biết vượt qua những thèm muốn vụn vặt của mình và làm theo ý muốn của Thiên Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Ba nhân vật trong dụ ngôn (cc. 28-30)

Ý muốn và lời mời gọi của người cha: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Bạn hãy chú ý các chữ gạch dưới: tương quan cha-con; thời gian “hôm nay”/bây giờ; vườn nho của cha, tôi được cha mời vào lao tác để làm cho nó sinh hoa trái.

Người con thứ nhất: “Con không muốn đâu!” – người này biết mình muốn gì và nói đúng điều mình cảm nghĩ. Hãy đi xem xét cuộc đấu tranh nội tâm của người này: nhận ra sự khác biệt giữa ý muốn của mình và ý muốn của cha, hiểu ra được lý do của ý muốn của cha, chuyển đổi cảm xúc để yêu cha và đón nhận ý muốn của cha, cuối cùng chọn hành động theo ý muốn của cha. Nói theo thánh Inhã, đây là những bậc “vâng phục” cao hơn, dù có thể không hiểu hết được ý muốn của Thiên Chúa.

Người con thứ hai trả lời mau mắn: “Thưa ngài, con đây!” – người này trả lời vội mà chưa biết mình muốn gì; sau đó mới nhận ra điều mình muốn, nhưng lại không can đảm để thưa lại với cha, mà lại âm thầm thực hiện theo điều mình muốn.

Bạn thấy mình thường hành xử trong đời thường và trong tương quan với Thiên Chúa theo lối của người con nào? Thân thưa với Chúa về điều bạn nhận ra.

2/ Ba “nhân vật” trong đời thường (cc. 31-32)

Gioan Tẩy Giả: Kêu gọi người ta ăn năm sám hối trở về với ý muốn tốt lành của Thiên Chúa dành cho đời mỗi người.

Những người thu thuế và những cô gái điếm – những người đang sống đời sống luân lý tệ hại. Họ tin – sám hối – thay đổi đời sống – trở về với ý muốn tốt lành của Thiên Chúa dành cho chính họ.

Những người Pharisiêu – những người tự cho mình là tốt lành, sống chuẩn mực. Họ từ chối lắng nghe lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả – từ chối sám hối và thay đổi cách nhìn về tốt xấu, thay đổi cách sống.

Bạn thấy mình thường hành xử trong đời thường và trong tương quan với Thiên Chúa theo lối của người nào trong ba kiểu người này? Thân thưa với Chúa về điều bạn nhận ra.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về khao khát nhận biết ý muốn tốt lành của Thiên Chúa và xin ơn thuận theo.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.


9/12/22

[Thắp nến Mùa Vọng] 11/12/2022 – Niềm vui giữa khổ đau

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ công đoàn trước vòng nến Mùa vọng. 2 cây nến tím đã được thắp sẵn.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến, (hoặc cách xưng hô phù hợp) Hôm nay chúng ta lại quy tụ nhau nơi đây, trước Vòng nến Mùa vọng để cùng khích lệ nhau tiếp tục chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh và nhắc nhớ về việc Thiên Chúa hằng viếng thăm chúng ta qua những tin vui nhỏ bé trong đời thường –  nơi giọt sương mai, trong làn gió nhè nhẹ, trong hơi ấm mặt trời, trong nụ cười thân thiện, với giọt nước mắt đồng cảm, hay một giai điệu thư giãn. Ngài cũng đến với chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn và ít niềm vui.

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 35, 1-10

1Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy,

vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,

2hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ,

và hân hoan múa nhảy reo hò.

Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng,

vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-rôn.

Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của ĐỨC CHÚA,

và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta.

3Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ,

cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.

4Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!

Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,

ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.

Chính Người sẽ đến cứu anh em.”

5Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.

6Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,

miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.

Vì có nước vọt lên trong sa mạc,

khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.

7Miền nóng bỏng biến thành ao hồ,

đất khô cằn có mạch nước trào ra.

Trong hang chó rừng ở, sậy cói sẽ mọc lên.

8Ở đó sẽ có một đường đi mang tên là thánh lộ.

Kẻ ô uế sẽ chẳng được qua.

Đó sẽ là con đường cho họ đi,

những kẻ điên dại sẽ không được lang thang trên đó.

9Ở đó sẽ không có sư tử, thú dữ ăn thịt cũng chẳng vãng lai,

không thấy bóng dáng một con nào,

nhưng ai được Chúa cứu chuộc sẽ bước đi trên đó.

10Những người được ĐỨC CHÚA giải thoát sẽ trở về,

tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo,

mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu.

Họ sẽ được hớn hở tươi cười,

đau khổ và khóc than sẽ biến mất.

Đó là lời Chúa – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm

Màu hồng của lễ phục Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng gợi lên cho chúng ta niềm vui của thời gian chờ mong đã gần đến để nâng đỡ những tâm hồn mệt mỏi. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến là lời vang lên trong những ngày này.

Sa mạc gợi lên cho ta về sự khô cằn, nắng cháy, thiếu sức sống và đầy mệt mỏi. Ngôn sứ Isaia dùng chính hình ảnh đó để làm bật lên niềm vui chờ đón Chúa đến. Chính Ngài sẽ làm cho sa mạc nở hoa, ban cho nó vẻ huy hoàng của núi Li-băng. Ngài sẽ mở mắt người mù, thông tai người điếc, chữa lành những đôi chân què quặt, tháo cởi lưỡi người câm. Ngài sẽ ban cho bạn khả năng cảm thụ vinh quang và quyền năng của Ngài. Bấy giờ bạn sẽ vui sướng ca tụng Ngài bằng toàn thể con người bạn.

Tài liệu làm việc ở cấp Châu lục để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng về Hiệp hành nhắc đến việc lắng nghe những người bị bỏ rơi và bị loại trừ; dành ưu tiên cho những người “thấp cổ bé miệng” như thai nhi, người khuyết tật, người trẻ và phụ nữ (x. số 35-37). Đó là cách chúng ta học sống theo Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt hằng yêu thương, lắng nghe và giải cứu những kẻ bé mọn kêu xin Ngài. Ngài mang đến cho họ niềm vui và sự khích lệ.

3Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ,

cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng.

4Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ!

Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,

ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.

Chính Người sẽ đến cứu anh em.”

Chính Thiên Chúa sẽ đổi mới mọi sự. Ngài sẽ làm cho niềm vui được trào lên từ những thực tế đau thương của phận người. Trong Mùa Vọng, bạn chờ mong niềm vui nào sẽ đến với bạn ngay trong hoàn cảnh hiện tại của mình?

Bạn có tin rằng chính Thiên Chúa sẽ phục hồi bạn và ban cho bạn gương “mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu”? Niềm vui Kitô giáo khác với trạng thái an nhiên do con người nỗ lực tạo ra. Niềm vui Kitô giáo là niềm vui có Chúa đồng hành với mình trong hành trình đầy đau khổ vì nỗ lực sống yêu thương.

(Thinh lặng một chút)

HD 2: (Mời một thành viên thắp ngọn NẾN HỒNG)

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Mục Tử mang đến Niềm vui. Giữa bóng đen của những đổ vỡ gia đình, của những cạnh tranh không lành mạnh trong xã hội, của thiên tai, của chiến tranh và xung đột, xin cho bản thân mỗi người chúng ta trở nên người chứa đựng niềm vui của Thiên Chúa để lan tỏa niềm vui đó cho tha nhân.

Cộng đoàn hát: Nào vui lên – Mi Trầm

ĐK: Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi loan báo niềm vui cứu đời. Vui lên! Nào vui lên! Nào vui lên! Vì Chúa sắp đến đây rồi, ta hãy mừng vui trong Chúa Trời.

1. Nào ta vui lên vì Chúa đến ở giữa dân người ban xuống niềm vui cho Thế nhân thôi hận thù. Nào ta vui lên vì Chúa đến cứu thoát muôn người ban xuống niềm vui cho ngày mai thêm đẹp tươi.

hoặc bài Tân ca –Tiến Lộc https://soundcloud.com/votienphat/t-n-ca-lm-ti-n-l-c

hoặc nghe Faith is the victory (English)

https://www.youtube.com/watch?v=DSNMQAVe7FE 

HD 1: Lạy Thiên Chúa, Đấng bảo đảm cho chúng con về cuộc viếng thăm của Ngài dành cho chúng con. Ngài đến và mang theo niềm vui cho chúng con giữa thực tại trần gian đầy đau khổ. Ngài không xóa bỏ đau khổ nhưng ban cho chúng con niềm vui khi biết sống yêu thương trong môi trường đầy đau khổ. Xin ban cho chúng con niềm vui của Ngài để chúng con trở nên nhân chứng cho niềm vui giữa một xã hội còn nhiều đau khổ. Chúng con cầu xin trong Danh Thánh Tử Giêsu, là Chúa và là Đấng cứu độ chúng con.

Cộng đoàn: Amen. 

Dấu thánh giá kết thúc.

Ảnh: blog.freepeople.com 

6/12/22

Thứ ba MV.II: Cảm Nghĩ sao? (Mt 18,12-14)

12a“Anh em nghĩ sao? 12bAi có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 13Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong bài giảng về Giáo Hội, đức Giêsu kể dụ ngôn này.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm hiểu được lời mời gọi của đức Giêsu dành cho mình hôm nay, để tôi biết bao dung với và hy vọng về người khác, nhất là người thân cận.

Lối cầu nguyện: Suy Chiêm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm và Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Cảm nghĩ sao? (cc. 12-13)

Mời bạn mường tượng và nhìn ngắm người mục tử có một trăm con chiên đang ăn cỏ trên đồng. Xem xét cách anh ta kiểm diện đàn chiên. Cảm nhận sự chuyển động trong lòng khi anh phát hiện ra thiếu một con. Anh nghĩ về con chiên “vắng mặt” đó với tên của nó và những đặc điểm riêng biệt. Xem cách anh làm quyết định đi tìm nó. Đi tìm nghĩa là phải “để lại” chín mươi chín con đang ăn cỏ trước mặt anh. Chiêm ngắm và cảm nhận bước chân, ánh mắt, tiếng gọi của anh khắp núi đồi. Anh bước đi trong vô vọng, mà vẫn tiếp tục bước đi… Ngẫm nghĩ về hành trình Thiên Chúa vất vả đi tìm bạn.

“Hope against hope” – Hy vọng khi không còn gì để hy vọng.

Chiêm ngắm giây phút người mục tử tìm được con chiên lạc. Lòng anh vui sướng thế nào? Anh làm gì để ôm lại được con chiên vào lòng? Chiêm ngắm những bước chân trở về của anh.

Đức Giêsu hỏi (các môn đệ và hỏi tôi hôm nay): “Anh/em (cảm) nghĩ sao về câu chuyện này?"

2/ Khao khát của Thiên Chúa (c. 14)

Suy nghĩ về ý muốn của Thiên Chúa: “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” – Bé mọn là nhỏ bé, yếu đuối, tội lỗi, thua kém… về mọi mặt. Thiên Chúa không muốn mất một ai dù họ bé mọn như thế.

Bạn thường nối kết “ý Chúa” với nội dung nào? (trừng phạt, bắt phải khổ, nghiêm khắc…)

Ý muốn của Thiên Chúa: hạnh phúc đích thực cho từng người và cho toàn thể. Ngài không muốn mất/thiếu một ai trong tiệc vui Nước Trời.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về tâm tình của bạn khi sống trong gia đình, cộng đoàn…

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha để xin ơn được hưởng niềm vui trọn vẹn của Chúa Cha. 

Ảnh: Tonya, Pinterest

26/11/22

[Thắp nến Mùa Vọng] 04/12/2022 – Tình yêu an hòa trong thời đại của Chúa

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật tuần II Mùa Vọng)

Quy tụ cộng đoàn trước Vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), hôm nay, chúng ta cùng nhau bước vào tuần thứ Hai Mùa Vọng. Hành trình này tiếp tục đưa chúng ta bước đi cùng với các kitô hữu toàn cầu trong khao khát tiến đến một Giáo hội hiệp hành.

(Thinh lặng một chút)

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 11,1-10

1Từ gốc tổ Gie-sê,

sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,

từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non.

2Thần khí ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này:

thần khí khôn ngoan và minh mẫn,

thần khí mưu lược và dũng mãnh,

thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.

3Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA làm cho Người hứng thú,

Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài,

cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói,

4nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng,

và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.

Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở,

hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.

5Đai thắt ngang lưng là đức công chính,

giải buộc bên sườn là đức tín thành.

6a Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.

Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,

một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.

7Bò cái kết thân cùng gấu cái,

con của chúng nằm chung một chỗ,

sư tử cũng ăn rơm như bò.

8Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,

trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.

9Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá

trên khắp núi thánh của Ta,

vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này,

cũng như nước lấp đầy lòng biển.

10Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.

Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người,

và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.

Đó là Lời Chúa. – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm (đọc chậm rãi)

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia vang lên trong Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng mở ra một viễn tượng hòa bình cho muôn loài, dưới sự dẫn dắt của một Đấng là “chồi non từ gốc tổ Gie-sê”. Người sẽ chăn dắt dân trong “thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ ĐỨC CHÚA.” Trong triều đại của Ngài, chẳng còn chiến tranh, chẳng còn thú dữ hại người… Chỉ còn lại tình yêu bao trùm xứ sở.

Tình yêu và sự tin tưởng sẽ tạo nên cuộc đối thoại từ các tầng lớp nền tảng là các Kitô hữu giáo dân. Trong bối cảnh đó, họ tự do bộc lộ mọi ý nghĩ từ thâm sâu. Về kinh nghiệm tích cực, họ nói: “Trong các kinh nghiệm về việc chuẩn bị Công đồng lần này, nhiều đúc kết nhấn mạnh cảm thức thuộc về Giáo Hội và nhận thức trên tầm mức thực hành rằng Giáo hội không chỉ là Linh mục và Giám mục” (Tài liệu làm việc cho các Châu lục, số 16). Các tín hữu cũng bày tỏ lo ngại về Giáo hội liệu có đang đi theo con đường “dân chủ”; hoặc cũng lo ngại rằng liệu kết quả của Công Đồng có bị sắp đặt trước! (Tài liệu làm việc cho các Châu lục, số 17-18). Các tham dự viên cấp địa phương cũng bày tỏ nỗi đau về vết thương lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ. Họ kêu gọi Giáo hội tiến tới một nền văn hóa minh bạch, trách nhiệm và đồng trách nhiệm (Tài liệu làm việc cho các Châu lục, số 20).

Ước mong quá trình tham gia vào việc chuẩn bị cho Công Đồng về Hiệp Hành sẽ giúp từng thành phần Dân Chúa thấy được vai trò của mình trong việc tạo nên một Giáo Hội hiệp nhất trong Tình yêu, được thể hiện bởi thái độ lắng nghe nhau và tạo không gian cho những tâm tư sâu kín được bày tỏ. Mời bạn thinh lặng để suy nghĩ về chọn lựa của mình trong tiến trình này.

(Thinh lặng một chút)

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM thứ hai (ngọn nến I đã được thắp sẵn).

Chúng ta cùng nhau thắp lên ngọn nến thứ hai là Cây nến Bêlem mang đến tình yêu.

Xin cho chúng ta có đôi tai được gắn tim để lắng nghe người khác, hiện diện bên cạnh và nói lời an ủi, nâng đỡ nhau. Đó là cách thức bày tỏ tình yêu cách hữu hiệu nhất trong thế giới ngày nay, khi con người bị quá tải thông tin gián tiếp qua mạng internet và cuộc sống trở nên quá bận rộn với nhịp tiến công nghiệp.

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Yêu bằng tình loài người của LM nhạc sĩ Chu Văn Chi

https://www.youtube.com/watch?v=Xw8tOZCYQC4

Hoặc bài Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

https://www.youtube.com/watch?v=e0h2YgM9KRk

HD 1: Lạy Chồi Non từ Gốc Tổ Gie-sê, xin hãy đến với chúng con trong thời đại bị phân tán bởi các luồng thông tin và những trường phái tư tưởng, cũng như các lối sống. Xin trở nên nguồn tình yêu đích thực để quy hướng chúng con về với Ngài, và với nhau. Ước gì sự hiện diện của Ngài trong thế giới này giúp chúng con chung sống hòa bình với chính bản thân, với đồng loại và với muôn loài thụ tạo khác. Chúng con cầu xin nhờ đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen.

Làm dấu thánh giá kết thúc.

Ảnh: Pinterest.

  

25/11/22

Thứ ba MV.I: Hạnh phúc thay (Lc 10,21-24)

21Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

22“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

23Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! 24Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Sau chuyến thực tập tông đồ của 72 môn đệ, họ hớn hở vì những thành quả đạt được. Điều đó tác động vào tâm hồn đức Giêsu.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm nghiệm được niềm vui của Chúa Giêsu dành cho những nỗ lực nho nhỏ của tôi trong hành trình thiêng liêng và giúp người khác gắn bó hơn với Chúa.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Hướng lên Cha (c. 21)

Đặt mình là một trong số các môn đệ đang hiện diện ở đó, bạn chiêm ngắm đức Giêsu đang được 72 môn đệ vây quanh, lao nhao kể đủ chuyện về hành trình truyền giáo. Hãy thưởng nếm tình thầy trò, họ thương mến và lắng nghe nhau thế nào.

Để ý xem những điều đó tác động vào con tim của đức Giêsu thế nào. Bất chợt, Ngài đứng lên, phủ tấm khăn lên đầu, mặt ngửa lên trời, mắt hướng về Cha. Hãy chậm rãi đọc (nhiều lần, từng chữ từng câu) và chiêm ngắm đức Giêsu với tâm thần hoan lạc đang thân thưa cùng Cha:

-       “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.”

Dừng lại cảm nếm bầu khí đơn sơ, nhẹ nhàng ấy. Cũng thưởng nếm tình yêu giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha – chính là Thánh Thần, trong giây phút ấy. Ngọt ngào thay giây phút trời đất giao duyên.

2/ Mặc khải thần linh (c. 22)

Nhìn ngắm đức Giêsu đang “lạc vào” trong cảm thức thuộc về Cha... Ngài nghĩ tới những người thuộc về Ngài.

-       22“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Dành thời gian để trải nếm cảm nhận được thuộc về nhau giữa bạn và Chúa Giêsu của đời bạn. Bạn muốn thân thưa gì với Ngài trong giây phút này?

2/ Hướng về các môn đệ (cc. 22-24)

Chiêm ngắm cái xoay người của đức Giêsu về phía các môn đệ; chiêm ngắm ánh mắt nhìn của Ngài dành cho các môn đệ; lắng nghe điều Ngài nói riêng với các môn đệ:

-       “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! 24Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.”

Hãy chạm vào hoặc nghĩ đến từng cơ phận trên người bạn, cảm nghiệm điều nó được chúc phúc như thế nào. Xem cách bạn đã nhận ra và sử dụng điều phúc đó như thế nào. Đức Maria được đổi tên thành “Đầy Ân Sủng”. Còn tên của bạn là gì trong Thiên Chúa?

Kết nguyện

Hòa với tâm tình của Chúa Giêsu, bạn hãy thân thưa với Chúa Cha.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Pinterest.

  

[Thắp nến Mùa Vọng] 27/11/2022 – Hy vọng Hiệp nhất trên Núi Nhà Đức Chúa

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật tuần I Mùa Vọng)

Quy tụ cộng đoàn trước Vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta quy tụ nhau đây, trước Vòng nến Mùa vọng để nhắc nhớ chúng ta về một Năm phụng vụ nữa lại bắt đầu trong hành trình đời mỗi người. Chúng ta lớn thêm một tuổi thiêng liêng trong hành trình tương quan với Thiên Chúa.

Mùa Vọng là mùa ngưỡng vọng về Chúa, mong chờ Chúa đến hôm nay và trong ngày chung cuộc, đồng thời hướng lòng đến biến cố Chúa đã nhập thể vào trong vũ trụ này, để cùng với nó đi đến sự viên mãn và tiến vào Trời mới đất mới. (Thinh lặng một chút)

Hôm nay, chúng ta cùng nhau bước vào tuần thứ Nhất Mùa Vọng, khai mở hành trình 24 ngày bước đi cùng nhau trong cầu nguyện hướng về đại lễ Giáng Sinh. Cầu nguyện bên Vòng nến Mùa Vọng là cách thức chuẩn bị tâm hồn đón mừng chính Chúa Kitô, để không đơn thuần chỉ làm những chuẩn bị bên ngoài như dọn dẹp nhà cửa, trang trí, mua sắm và tặng quà hay gởi thiệp chúc mừng Giáng Sinh. Những điều này cần làm để diễn đạt niềm vui đón Chúa đến, nhưng chuẩn bị tâm hồn mình mới là trọng tâm để đón nhận quà tặng lớn lao là chính Chúa Kitô ngự đến.

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 2,1-5

1Đây là điều mà ông I-sai-a, con ông A-mốc,
đã được thấy về Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.

2Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA

đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao,

vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.

Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,

3nước nước dập dìu kéo nhau đi.

Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA,

lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp,

để Người dạy ta biết lối của Người,

và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.

Vì từ Xi-on,

thánh luật ban xuống,

từ Giê-ru-sa-lem,

lời ĐỨC CHÚA phán truyền.

4Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia

và phân xử cho muôn dân tộc.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,

rèn giáo mác nên liềm nên hái.

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,

và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

5Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi,

ta cùng đi, nhờ ánh sáng ĐỨC CHÚA soi đường!

Đó là Lời Chúa. – Tạ ơn Chúa.

HD 1: Suy niệm (đọc chậm rãi)

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), tuần thứ nhất Mùa Vọng đưa chúng ta vào viễn tượng rộng lớn của không gian là Núi Nhà Đức Chúa – một không gian trên cao, hướng thượng; và một thời gian ân phúc khi Đức Chúa quy tụ muôn dân nước về Núi Thánh để nghe lời dạy của Ngài.

Trong năm hướng tới Công đồng về Hiệp Hành, chúng ta được mời gọi “Nới rộng không gian lều bạt” (“Enlarge the space of your tent!”). Đó là tinh thần đón nhận và đón tiếp nhau đến tận cùng. Hình ảnh chiếc lều mục tử được lấy từ Cựu Ước, đặt nền trên truyền thống đón tiếp của dân du mục Do Thái. Là dân du mục, người Do Thái biết mình cần đến sự đón tiếp của người khác cho những nhu cầu căn bản của mình thế nào; Đến lượt họ, họ đã biến lòng hiếu khách trở thành một giới răn buộc nhau thi hành để tiếp đón mọi người ít nhất ba ngày.

Chiếc lều chính là không gian của sự hiệp thông, tham gia và sứ mạng. Chiếc lều không có tường xây cố định nên có thể cơi nới cả bốn phía. Chiếc lều cũng gợi lên sự linh hoạt và di động. Nó dễ dàng tháo gỡ và di chuyển đến nơi khác. Hình ảnh chiếc lều mục tử đối lập với khuynh hướng định cư, đô thị hóa, xây cất những cơ sở cố định đến mức khó chuyển đổi mục đích sử dụng của thế giới ngày nay. Lối sống ngày nay đã góp phần tạo nên những tâm hồn khép kín, yêu chuộng sự an toàn và an nhàn cho mỗi cá nhân.

Mở ra với đón tiếp người khác là mời gọi để “qua bờ bên kia”, để đi đến những “vùng ngoại biên” – nơi bạn ít quen thuộc, nơi bạn cảm thấy ít an toàn. Đó có thể là một vùng đất xa lạ, nhưng nó cũng là tâm hồn và mảnh đời của ai đó đang sống cạnh bên bạn. Truyền giáo trước hết là một thái độ hiện diện với một tâm hồn cởi mở đối với những điều mớixa lạ. Thánh Phanxicô Assisi và thánh Charles de Foucauld đã sống tinh thần đó khi đến sống và hiện diện giữa các anh chị em Hồi Giáo. Liệu rằng những thông tin mỗi ngày của thế giới này có đang âm vang vào trong chiếc lều tâm hồn của bạn?

(Thinh lặng một chút)

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM đầu tiên.

Chúng ta cùng nhau thắp lên ngọn nến đầu tiên là Cây nến Ngôn sứ mang đến Hy vọng.

Xin cho chúng ta trở nên chứng nhân nuôi dưỡng niềm hy vọng về một Mái Nhà Chung, nơi mọi dân nước chung sống hòa bình với nhau, dưới sự dẫn dắt của đức tin vào một Thiên Chúa. Xin cho việc mỗi ngày chiêm ngắm ngọn nến Hy vọng, giúp nuôi dưỡng khao khát bước đi cùng nhau trên hành trình tiến về Núi Chúa, để cùng nhau tham dự bữa tiệc Cánh Chung do chính Thiên Chúa thết đãi.

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Tìm lại màu xanh của nhạc sĩ Thành Tâm

https://www.youtube.com/watch?v=iV1i_-UHuqo 

Hoặc bài Hy vọng đã vươn lên của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

https://www.youtube.com/watch?v=TaVjswMmJ5A

HD 1: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Ngài đã đến thế giới này để thắp lên cho chúng con niềm hy vọng không thể hủy diệt vào một bữa tiệc dành cho muôn dân nước, khi người người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi sắc tộc, màu da, văn hóa, vùng miền, khí hậu, ẩm thực khác nhau/ ngồi lại bên nhau để cùng chung hưởng bữa tiệc Lời Chúa. Xin cho chúng con sống từng ngày trong niềm hy vọng rằng/ một khi chúng con biết sống theo những điều Ngài chỉ dạy, tất cả chúng con sẽ bước đi cùng nhau hướng về Nhà Chúa. Chúng con cầu xin nhờ đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng con.

Cộng đoàn: Amen.

Làm dấu thánh giá kết thúc. 

Ảnh: Pinterest