Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

7/7/22

Thứ bảy TN.XV: Thiên Chúa Dịu Dàng (Mt 12,14-21)

14Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.

15Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 16Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. 17Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: 18Đây là Người Tôi Tớ Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. 19Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. 20Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, 21và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Sau khi đức Giêsu chữa lành cánh tay bị bại của một thanh niên trong hội đường.

Ơn xin: Xin cho tôi biết chọn lựa khôn ngoan như Chúa Giêsu đã làm trong những tình huống căng thẳng, vì điều tốt lành hơn.

Lối cầu nguyện: Suy Chiêm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm; Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Giọt nước tràn ly (c. 14)

Bài đọc hôm nay trích dẫn câu cuối của câu chuyện xảy ra trước đó: Đức Giêsu vào hội đường và dân chúng hỏi Ngài về việc “có được làm điều lành trong ngày sa-bát không”. Đức Giêsu nói rằng được. Ngay sau đó Ngài chữa cho anh bại tay được lành. Điều này làm phật ý những người Pharisiêu là nhóm giữ luật sa-bát nghiêm ngặt và dạy người khác làm như thế. Nhưng liệu rằng như thế có đủ lý do để “Ra khỏi đó (tức hội đường), nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.”

Vậy đâu là những lý do thêm vào để họ đi đến ý định đó? Mời bạn lật đọc các sự kiện gây xích mích trước đó giữa họ và đức Giêsu, và có thể có cả một nỗi sợ lớn lao khi họ đối diện với trường hợp đức Giêsu.

Một quyết định xấu/ác là kết quả của một chuỗi sự kiện, cảm xúc, cách hiểu, bối cảnh… trước đó. Bạn có câu chuyện nào đã diễn ra như vậy. Nhìn lại trong Chúa, bạn học được gì?

2/ Thiên Chúa dịu dàng (cc. 15-21)

Bây giờ mời bạn trở về với đức Giêsu trong câu chuyện này.

Nhìn ngắm Ngài âm thầm rút lui, đi khỏi nơi đó.

Nhìn ngắm đoàn lũ dân chúng đi theo Ngài, và được Ngài chữa lành.

Lắng nghe cách Ngài dặn họ “đừng tiết lộ”, đừng kể gì thêm về Ngài để không “đổ thêm dầu vào lửa” cho tình hình đang căng thẳng.

Mời bạn đọc chậm bản trích dẫn từ Is 42,1-4 để nghiệm về sự dịu dàng của Thiên Chúa, được thể hiện qua cách thế của đức Giêsu.

Chắc chắn đức Giêsu có đủ lý để đối chất họ đến cùng. Tại sao Ngài không làm như thế?

Kết nguyện

Tâm sự với đức Giêsu về những gì bạn được cảm hiểu qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Pinterest.

Thứ bảy TN.XIV: Phân định (Mt 10,24-33)

24“Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. 25Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.

26“Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. 27Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

28“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. 29Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. 30Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. 31Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

32“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 33Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ Nhóm Mười Hai trong bài giảng về sứ mạng truyền giáo. Thật ra thánh sử Matthêu gom nhiều lời dạy dỗ dành cho các môn đệ vào chương 10.

Ơn xin: Xin cho tôi nhạy bén với sự dạy dỗ của Ngài ngang qua những câu chuyện đời thường trong đời tôi, để tôi được lớn lên về mọi mặt.

Lối cầu nguyện: Suy xét theo từng câu [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện khác, mục 2]

Gợi ý cầu nguyện

Như đã giới thiệu, đây là chương thánh sử Matthêu gom nhiều lời đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ trong những bối cảnh khác nhau. Phần bối cảnh đã được lược bỏ, phần lời dạy được giữ lại. Do vậy, cách cầu nguyện tốt nhất là dùng Phương pháp suy gẫm từng lời kinh.

Bạn hoàn toàn tự do để chọn điểm và triển khai suy niệm như ơn soi sáng được ban cho riêng bạn. Phần gợi ý đơn giản dưới đây chỉ là vài điểm nhỏ giúp bạn bám vào khi cần.

Bản văn Kinh Thánh


Vài gợi ý

24“Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. 25Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà.

Giữa bạn và đức Giêsu, ai là trò, ai là chủ?

Đức Giêsu tự nhận mình là “chủ”

Ngài bị dán nhãn là “tướng quỷ” Bê-en-dê-bun. Bạn có mong tìm mọi cách để không bị sỉ nhục như Ngài, hay ngược lại, bạn mong được nên giống Ngài?


26“Vậy anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. 27Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.

Thế giới, con người, sự dữ… làm ta sợ nhiều. Bạn dựa vào đâu để bớt sợ/hết sợ?

Bạn biết, từ 1838, luật bảo mật tài liệu công (public records) được thông qua và đặt trụ sở tại trung tâm tại Luân Đôn. Trải qua nhiều đấu tranh, đến năm 1958 thì sự bảo mật các tài liệu công giảm xuống còn 50 năm, luật này có hiệu lực từ 1/1/1959. Đến năm 1967 thì một số tài liệu liên quan đến Thế chiến I được giảm xuống còn 30 năm, luật này có hiệu lực từ 1/1/1968. Các tài liệu Thế chiến II và hậu chiến tranh được công bố từ năm 1972. Đến năm 2010, có những đề nghị giảm xuống mức 20 năm, thậm chí là quyền tự do tiếp cận tài liệu công.[1]

Chẳng có gì là bí mật vĩnh viễn trên thế giới này vì con người thay đổi và các thể chế cũng thay đổi.

Đức Giêsu nhắc ta về nguyên tắc này để phân định chọn lựa cách thế và thời điểm Loan báo Tin Mừng.


28“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. 29Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. 30Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. 31Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

 

Phân định giữa cái tạm thời và điều vĩnh viễn.

 

Nhận biết sự chăm sóc của Thiên Chúa, nhận biết giá trị của muôn loài và bản thân để “đừng sợ”.

32“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 33Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.


Phân định để biết mức độ khác biệt của hai lời chứng: trước mặt thiên hạ, và trước mặt Chúa Cha. Bạn chọn lựa thế nào?

 Kết nguyện

Mời bạn tâm sự với Chúa Giêsu về những điều Ngài dạy bạn hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.


[1] https://www.nationalarchives.gov.uk/information-management/legislation/public-records-act/history-of-pra/ (truy cập 2/6/2022). 

29/6/22

Thứ bảy TN.XIII: Giữ được cả hai (Mt 9,14-17)

14Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” 15Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. 16Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm. 17Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ trong mọi tình huống đời thường.

Ơn xin: Xin cho tôi nhạy bén với sự dạy dỗ của Ngài ngang qua những câu chuyện đời thường trong đời tôi, để tôi được lớn lên về mọi mặt.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ So sánh (c. 14)

So sánh, thấy sự khác biệt, đặt câu hỏi “tại sao”, hứng thú tìm kiếm câu trả lời là cách thức con người học tập, nhận biết, phát minh và cải thiện nhiều thứ. So sánh và tự rút kinh nghiệm là khả năng học tập xã hội nơi con người để mình tự biết rút tỉa kinh nghiệm mà không nhất thiết mình phải “thử-sai”. Điều này làm nên sự tiến bộ cho một người, cho cộng đồng xã hội loài người. Mời bạn hãy quan sát khả năng tốt lành này nơi con người.

So sánh dẫn đến tai hại khi người ta muốn chứng tỏ mình giỏi hơn và tốt lành hơn người khác. Lúc này câu hỏi “tại sao” gây nên một cảm giác khó chịu cho cả người hỏi lẫn người nghe, vì người hỏi chỉ muốn biết đúng sai, và cho rằng phần đúng thuộc về phía mình. Mời bạn đọc lại bối cảnh và câu hỏi về vấn đề giữ chay của các môn đệ Gioan để tự cảm nhận điều này; và áp dụng vào bản thân.

Nhằm giúp giảm bớt việc tấn công người khác bằng câu hỏi “tại sao”/why, bạn hãy hỏi “tại sao không”/why not; thậm chí hãy hỏi “why not me?” Cứ thử đi bạn sẽ thấy sự khác biệt. Mời bạn dừng lại để xin ơn chuyển đổi thái độ sống.

2/ Giữ được cả hai (cc. 15-17)

Có lẽ đức Giêsu đọc được động cơ của người hỏi, Ngài không trả lời trực tiếp vào điều họ đang muốn có câu trả lời. Ngài dùng hình ảnh tiệc cưới, áo mới- miếng vá cũ, rượu mới-cũ và bầu da để giúp người hỏi tự quay về ngẫm nghĩ trong lòng mình, thay vì so sánh mình với người khác.

Tự xét duyệt chính bản thân mình là cách thức giữ được mình và bảo toàn người khác; đồng thời giúp bản thân chọn lựa phù hợp với môi trường.

Mời bạn tự đặt mình trước Chúa, và trước những lời dạy của Ngài để tự suy xét đời mình, để biết mức độ hòa hợp và tốt lành của đời sống mình thế nào. Chỉ khi mỗi người tự đi vào quá trình tự suy xét này thì mới có một sự thăng tiến chung.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về bài học bạn nhận được hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

28/6/22

[29/6-Thánh Phêrô và Phaolô]: Khả năng hay ân ban? (Mt 16,13-19)

13Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” 14Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 16Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nơi miền đất xa lạ, đức Giêsu hỏi về sự xác tín của các môn đệ vào mình.

Ơn xin: Xin cho tôi có đức tin chân thật vào Chúa; và xin cho tôi có cái nhìn khác khi đánh giá người khác, không theo hệ thống đánh giá của thế giới, mà theo cái nhìn trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho họ.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Thăm dò và so sánh (cc. 13-14)

Một câu hỏi thăm dò được đức Giêsu đưa ra ở một vùng xa lạ - Xê-da-rê Phi-líp-phê – vùng dân ngoại phía Bắc. Có lẽ Ngài muốn các ông được tự do để trả lời mà không sợ dư luận bàn tán. Có bao giờ bạn được hỏi cách bất ngờ ở một chốn “riêng tư” để bạn được trả lời thật lòng?

Câu hỏi của đức Giêsu là “Người ta nói Con Người là ai?” – Đây là câu hỏi kỹ năng quan sát, nghe ngóng, tổng hợp. Nếu được hỏi, bạn trả lời thế nào?

Mời bạn tìm các yếu tố so sánh trong câu trả lời của các môn đệ: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Điều gì đã tạo nên sự so sánh này?

2/ Câu hỏi đích (cc. 15-16)

Mời bạn ý thức lại môi trường họ đang ở.

Đức Giêsu hỏi họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Đây là câu hỏi đích. Hôm nay Ngài muốn hỏi bạn trong một không gian rất riêng tư, rất thật lòng. Câu trả lời của bạn là gì?

Còn đây là câu trả lời của ông Phêrô: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Vế trước, ông Phêrô nối kết đức Giêsu với Đấng của lời hứa. Vế sau ông tuyên xưng đức Giêsu không chỉ là “phàm nhân” được Thiên Chúa tuyển chọn. 

Đức tin của bạn vào đức Giêsu cho đến thời điểm này của đời mình thế nào?

3/ Khả năng hay đức tin? (cc. 17-19)

Mời bạn đọc kỹ câu trả lời của đức Giêsu: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Vậy ra điều ông Phêrô vừa tuyên xưng không phải do khả năng con người, càng không phải do đức tin của ông có được, mà là một ân ban, một mặc khải dành cho ông. Có bao giờ bạn tự cao về khả năng tin của mình, hoặc nhờ tài giỏi mà tôi hiểu được Thiên Chúa, hay tôi có khả năng cầu nguyện giỏi?

Hãy suy gẫm về mức độ tin tưởng của đức Giêsu dành cho Phêrô khi đặt ông làm Trưởng nhóm (sau này tương đương với chức vị Giáo Hoàng) với quyền năng lớn lao: giữ chìa khóa Nước Trời. Để mở rộng, bạn cho thể suy gẫm về lòng tin của đức Giêsu dành cho Hội Thánh mà Ngài đã thiết lập.

Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” – vậy ra chúng ta, từng tín hữu đến tu sĩ và giáo sĩ chỉ là cộng tác viên, thậm chí là “phương tiện” Chúa dùng để Ngài tiếp tục cứu độ con người và vũ trụ trong dòng thời gian.

Kết nguyện

Chuyện trò với thánh Phêrô và Phaolô để hiểu hơn về sứ mạng đời bạn.

Tâm sự với thầy Giêsu về những gì bạn được ban cho trong giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

22/6/22

Phương pháp cầu nguyện Taize

Thầy Roger Schutz - một tín hữu Tin Lành người Pháp - thành lập cộng đoàn vào năm 1940 để cổ võ mạnh mẽ cho nền công lý và hòa bình của thế giới thông qua việc cầu nguyện và chiêm niệm. Thông qua ý hướng đại kết giữa các Giáo Hội Kitô của cộng đoàn, họ được khuyến khích sống trong tinh thần đơn giản, bác ái và hòa giải. 

Cấu trúc giờ cầu nguyện Taize (lược theo bài của ĐGM. Giuse Đỗ Mạnh Hùng)

1.    Bài hát chúc tụng Thiên Chúa

2.    Thánh vịnh: Một hay hai người đọc hay hát những câu của Thánh vịnh. Tất cả Cộng đoàn đáp lại bằng tiếng Alleluia hay một lời hát tung hô khác sau mỗi câu Thánh vịnh. Nếu hát những câu Thánh vịnh, thì có thể những câu hát này được trợ giúp bởi những tiếng “ngâm nga” (giai điệu ứng khẩu dựa trên hợp âm cuối cùng của lời tung hô của Cộng đoàn), những câu Thánh vịnh này phải ngắn, nói chung là hai dòng; còn nếu đọc, thì những câu Thánh vịnh này có thể dài hơn. Mỗi buổi cầu nguyện phải chọn những câu Thánh vịnh mà mọi người quen. Nếu sử dụng những Thánh vịnh khác, chỉ nên chọn một vài câu thôi, những câu quen thuộc nhất. Không cần phải đọc cả Thánh vịnh.

3.    Lời Chúa: Đối với giờ cầu nguyện thường xuyên, nên đọc liên tục những sách Kinh thánh. Đối với giờ cầu nguyện hằng tuần hay hằng tháng, nên chọn những bản văn Kinh thánh quan trọng mà không cần phải giải thích. Có thể đọc 1 hoặc 2 bài.

4.    Trước hay sau bài đọc, nên chọn một bài hát ca tụng ánh sáng của Đức Kitô. Trong khi hát, vài bạn trẻ hay các em thiếu nhi tiến tới, với nến cầm trong tay, để thắp sáng một cây đèn để trên giá. Biểu tượng này nhắc nhớ rằng, ngay cả khi đêm tối dày đặc, trong đời sống cá nhân hay trong đời sống của nhân loại, tình yêu của Đức Kitô là một ngọn lửa không bao giờ tắt.

5.    Bài hát suy niệm: Cầu nguyện bằng tiếng hát là một trong những diễn tả thiết yếu nhất của việc tìm kiếm Thiên Chúa. Những bài hát ngắn, được lặp lại nhiều lần, làm nổi bật lên đặc tính suy niệm. Bằng một ít lời, những bài hát này nói lên một thực tại căn bản, có thể hiểu một cách nhanh chóng. Được lặp đi lặp lại như vô tận, thực tại này dần dần thấm nhập vào toàn thể con người. Dùng guitar hoặc đàn phím để hỗ trợ tiếng hát.

6.    Thinh lặng: Trong một buổi cầu nguyện chung, nên có một thời gian thinh lặng dài - 5 hay 10 phút - hơn là nhiều lần thinh lặng ngắn. Nếu những người tham dự không quen thinh lặng như thế, thì cần phải báo cho họ khi kết thúc bài hát trước đó: “Bây giờ chúng ta tiếp tục cầu nguyện trong thinh lặng”.

7.    Lời nguyện cầu xin hoặc Lời nguyện chúc tụng. Có thể hát 1 đoạn ngắn sau mỗi lời cầu nguyện. Thường bắt đầu bằng bài hát: “Lạy Đức Kitô xin thương xót chúng con; Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa.”

8.    Kinh Lạy Cha

9.    Lời nguyện kết thúc

10. Bài hát kéo dài: Khi kết thúc, lời cầu nguyện có thể được kéo dài bằng bài hát do một nhóm nhỏ ở lại hát cùng với những người còn muốn tiếp tục cầu nguyện. Những người khác có thể được mời sang chia sẻ Lời Chúa tại các nhóm nhỏ, ở một nơi gần đó với sự trợ giúp của bài hướng dẫn “Giờ theo thánh Gioan” (heures johanniques). Trong lá thư Taizé hằng tháng, có bài hướng dẫn “Giờ theo thánh Gioan”, đó là một thời gian thinh lặng và chia sẻ khởi đi từ một bản văn Kinh Thánh. 

Ba cách cầu nguyện khác trong Linh thao (LT. 238-260)

Giờ cầu nguyện lý tưởng là kéo dài 60 phút. Bao gồm: thư giãn để tập trung ý thức, xin ơn, thực hiện nội dung cầu nguyện, và kết thúc.

1.    Suy xét để quản lý mình (LT. 238-248)

Mục đích: Nhằm giúp dọn mình và tiến bộ hơn trong các cuộc linh thao.

Nội dung: 10 điều răn, Bảy mối tội đầu, các tài năng của linh hồn (trí nhớ, trí hiểu, và lòng muốn/lòng khao khát), và ngũ quan phần xác.

Các bước thực hiện:

a)    Tập trung ý thức.

b)    Xin ơn để hiểu rõ được điều đang suy xét, được nhận biết mình, và sự trợ giúp để sửa mình hầu làm vinh danh và ca tụng Chúa hơn.

c)    Dùng trí khôn để suy xét theo từng điều được nêu trong phần “nội dung” ở trên. Dừng lại khoảng 2-3 phút hoặc lâu hơn để xét xem tôi đã tuân giữ điều đó thế nào, và đã lỗi phạm điều gì; xin ơn tha thứ nếu có lỗi phạm. Đọc 1 Kinh Lạy Cha. Rồi suy xét điều kế tiếp…

Lưu ý: Có thể dừng ngắn hơn cho điều mà bạn không thấy có lỗi phạm, và ngưng lâu hơn cho điều có nhiều lỗi phạm.

d)    Kết thúc: Tâm sự với Chúa theo nội dung vừa suy xét. Có thể đọc một số kinh quen thuộc vào lúc kết thúc.

Lưu ý: Có thể lấy Chúa Giêsu hoặc Đức Maria để làm mẫu gương để tập luyện nhân đức. Chọn Vị nào thì ơn xin và phần tâm sự hướng về Vị đó.

 

2.    Chiêm niệm ý nghĩa từng lời kinh (LT. 249-257)

Các bước thực hiện một tiếng cầu nguyện bao gồm:

a)    Tập trung ý thức.

b)    Hướng lòng về Đức Kitô hoặc Mẹ Maria để xin ơn phù hợp.

c)    Đọc bản kinh hoặc bản văn Kinh Thánh. Ngừng lại suy xét từng chữ hoặc câu đó bao lâu ta còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và an ủi.

Lưu ý: không cần đi cho hết bản kinh/bản văn Kinh Thánh. Có thể cầu nguyện lại với cùng bản kinh/bản văn đó; có thể đi tiếp đoạn chưa suy ngẫm.

d)    Kết thúc: Hướng lòng về Đấng ta đang cầu nguyện với để xin những nhân đức hoặc những ơn ta cần đến nhiều hơn.

 

3.    “Niệm” theo nhịp thở (LT. 258-260).

Các bước thực hiện:

a)    Tập trung ý thức.

b)    Hướng lòng về Đức Kitô hoặc Mẹ Maria để xin ơn phù hợp.

c)    Đọc 2 vế của 1 câu kinh/bản văn theo nhịp hít vào và thở ra. Lặp lại bao lâu cần thiết. Trong khi lặp lại cách nhịp nhàng câu kinh/câu Kinh thánh, hãy tập trung nhìn ngắm ý nghĩa của lời đó, hoặc chiêm ngắm Đấng ta cầu xin; nhìn sự thấp hèn của ta và sự cao cả của Đấng ấy; hoặc nhận ra khoảng cách khác biệt của ta với Ngài. (Có thể mở rộng thành nhịp thở 3 thì)

d)    Tâm sự với Đấng ta cầu xin. Có thể đọc một số kinh quen thuộc vào lúc kết thúc.

Catherine Ann O’Mara

Catherine đã bắt đầu yêu Chúa Giêsu Kitô từ khi nào không ai biết chắc; nhưng bằng chứng về tình yêu đó rất dồi dào.

Catherine sinh tại Bronx, New York vào ngày 13 tháng 8 năm 1923, cha là Thomas O 'Mara và mẹ là Catherine (Wilson) O' Mara. Cô có năm anh chị em: Theresa, Jane, Sơ Marie Terence, O.P., Thomas và Joseph.

Catherine được rửa tội vào ngày 26 tháng 8 năm 1923 và nhận bí tích Thêm sức vào tháng 5 năm 1930.

Cô tốt nghiệp giáo dục về Toán học, Ngữ văn Anh và Nhân học. Vào mùa Thu năm 1955, lần đầu tiên Catherine có ý nghĩ về một ơn gọi tu trì. Cô được nhận vào tiền tập tại thành phố New York vào ngày 31 tháng 12 năm đó; và đã trung thành với quá trình huấn luyện của mình. Catherine nói, "Tôi cảm thấy Chúa mời gọi tôi bước theo Ngài sát hơn." Và cô đã sống như vậy.

Catherine tuyên khấn đầu tại New York vào ngày 17 tháng 8 năm 1958, Khấn 5 Năm vào ngày 15 tháng 8 năm 1962 ở Buffalo, và Khấn trọn ở Holyoke, vào ngày 7 tháng 8 năm 1979.

Cô vận dụng mọi kiến thức học được và tài năng Chúa ban để phục vụ trong một số trường của Dòng DHM. Trong thời gian dạy tiếng Latinh và tiếng Anh tại Học viện Nardin, Catherine điều hành Câu lạc bộ Kịch Nghệ và Hiệp hội sinh viên.

Năm 1966, Catherine đã nhận lời đi phục vụ tại Trường Nazareth ở Addis Ababa, Ethiopia. Đến năm 1971 cô trở lại Hoa Kỳ và giảng dạy tại Trường Khiếm Thính Thánh Joseph ở Bronx, New York.

Vào mùa xuân năm 1978, Catherine đã hồi đáp lại yêu cầu của Giám tỉnh rằng, “Tất nhiên, với sự cam kết của Lời Khấn và một ý thức chung, tôi muốn tìm kiếm Thánh ý Chúa trong mọi việc và thực hiện cách vui vẻ... Tôi chắc rằng tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì Chúa muốn cho tôi ngang qua Chị.”

Vì thế, cô đã chấp nhận những nhiệm vụ đặc biệt và phục vụ ở nhiều vị trí khác nhau như Giáo tập, Bề trên, cố vấn Tỉnh, Phó giám tỉnh, cố vấn Tổng Quyền, giáo viên, điều hành...

Trong Dòng, mặc dù cô nổi tiếng và được yêu mến khắp năm châu, nhưng không phải nhờ danh sách dài những thành tích, những vai trò và những nơi được viếng thăm đã chứng tỏ về tình yêu của Catherine dành cho Chúa Giêsu; nhưng chính là nhờ cách cô sống tròn đầy những gì đã cam kết.

Đến bất cứ nơi nào, Catherine đều mang lại cảm giác yên bình với một phong thái dễ dàng và tôn trọng. Cô quảng đại và nhạy bén với nhu cầu của người khác; cùng với khiếu hài hước khi cô chăm chú lắng nghe người khác. Bằng sự âm thầm và khiêm tốn của mình, Catherine đã truyền cảm hứng và khơi lên những điều tốt nhất nơi người khác.

Đối mặt với những tính cách hay thách thức hoặc thích thống trị, Catherine vẫn giữ sự tự chủ của mình; cô đáp lại những lời chỉ trích hoặc bất kỳ sự bất công nào với sự khiêm tốn.

Cô biểu lộ sự tử tế, vui vẻ và biết ơn đối với người cùng ở và với các nhân viên tại Nhà dưỡng lão Mẹ Maria từ ngày cô đến vào năm 2002. Cô dịu dàng đi qua quá trình suy giảm sức khỏe và bệnh tật của chính mình.

Catherine qua đời vào ngày 22 tháng 12 năm 2021.

Một cuộc đời đã được sống tận căn!

Cô để lại cho tất cả những ai biết cô biết bao kỷ niệm đẹp và thăng hoa. Thật là tốt hơn vì đã được biết cô.


Theo tiểu sử của cô Catherine Ann O’Mara,

được công bố sau khi cô qua đời. 

21/6/22

[Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ]: Câu hỏi từ trái tim (Lc 2,41-51)

41Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” 49Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” 50Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Gia đình Giuse-Maria-Giêsu hành hương đền thờ Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn chiêm ngắm và học sống theo các nhân đức của các Ngài.

Lối cầu nguyện: chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Nếp nhà (cc. 41-42)

Mời bạn mường tượng về nếp sống của gia đình nhỏ bé của Giuse-Maria-Giêsu tại Nazareth. Một ngày sống, một tuần sống… của họ thế nào? Ai làm gì và làm thế nào? Họ tương quan với nhau thế nào?

Về đời sống đạo, nhìn xem cách họ thực hành trong gia đình, trong hội đường, và trong việc giữ luật hành hương Giêrusalem hằng năm thế nào.

Nhìn ngắm sự hớn hở của cả gia đình năm nay đi mừng lễ Vượt Qua ở Giêrusalem.

Bạn muốn nói gì với từng thành viên của gia đình Giuse-Maria-Giêsu?

2/ Biến cố gia đình (cc. 43-47)

Nhìn ngắm cuộc trở về sau dịp lễ của gia đình này, cùng với đoàn hành hương đông đảo. Sau một ngày đi xuống (dài nhất là đi được 60 cây số), Giuse và Maria mới phát hiện không thấy con mình đi về. Dừng lại để cảm nếm sự hốt hoảng trong lòng họ. Nhìn ngắm nỗ lực tìm kiếm hỏi han giữa những người quen thuộc.

Nhìn cuộc “đi lên” Giêrusalem để tìm con. Thành phố Giêrusalem được xây nhà cửa chật hẹp, chồng chất theo địa hình. Nhìn ngắm sự vất vả của cha mẹ miền quê đi tìm con giữa thành phố lớn. Ngay cả trong nội đền thờ Giêrusalem họ cũng không quen thuộc vì có những khu vực, “thường dân” không được phép vào.

“Sau ba ngày” họ mới tìm thấy cậu bé Giêsu. Ba ngày đó có độ dài là bao nhiêu? Điều gì diễn ra trong trái tim và tâm trí của cặp cha mẹ ấy?

Bạn muốn nói gì với từng thành viên của gia đình trong biến cố này?

3/ Cách xử sự (cc. 46-51)

Nhìn ngắm sự sửng sốt của Giuse và Maria, vì thấy con trai mình đang ngồi giữa các thầy dạy (các Bác Pharisiêu, các thầy thông luật…). Họ có khu vực dành riêng trong đền thờ. Lại còn thấy con mình nghe và hỏi các vị ấy.

Lắng nghe ngôn ngữ thinh lặng của Giuse.

Và nghe câu hỏi từ trái tim của Maria dành cho con: Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Đức Maria không đặt một loạt câu hỏi về các hành động của con, nhưng hỏi về thái độ. Có vẻ câu trả lời của trẻ Giêsu còn mang chút biện minh: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Giuse và Maria giữ thinh lặng, dù không hiểu.

Trong khoảng lặng khi tất cả các hoạt động dừng lại, lý lẽ con tim mới có cơ hội xuất hiện. Hôm nay bạn được mời gọi chiêm ngắm khoảng lặng lớn lao đó trong Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Chính khoảng lặng đó đã tạo nên nhân cách Giêsu.

Kết nguyện

Thân thưa với các Ngài về các biến cố gia đình mà bạn đã trải qua. Xin ơn để sống các biến cố gia đình như các Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

17/6/22

Thứ bảy TN.XI: Nhu cầu ưu tiên (Mt 6,24-34)

24“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.

25“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? 27Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? 28Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; 29thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! 31Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? 32Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 33Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 34Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ và dân chúng trên núi, như một Môsê mới.

Ơn xin: Xin cho tôi có một lương tri ngay chính để phân định các nhu cầu trong đời mình, mà biết chọn lựa đầu tư và thỏa mãn nhu cầu ưu tiên theo cách Chúa muốn.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đọc bản văn

Mời bạn dành thời gian đọc bản văn chậm rãi vài lần. Lưu ý về tần suất của chữ đừng lo/lo lắng, và các hình ảnh đức Giêsu sử dụng để so sánh.

Hãy khám phá nhân sinh quan của đức Giêsu.

2/ Nhu cầu của tôi

Abraham Maslow đã đưa ra tháp nhu cầu căn bản của con người. Lý thuyết này giúp giải thích về mức độ quan tâm của từng người, nhóm người, cộng đồng và quốc gia. Các nhà kinh tế đã vận dụng triệt để lý thuyết này trong việc tuyển dụng nhân sự, đối đãi nhân viên và quảng cáo sản phẩm. 

Bạn thấy mình đang có hoặc đang thiếu những nhu cầu căn bản nào? Ở mức độ nào?

3/ Nhu cầu ưu tiên

Bạn thường nghe về nỗi ám ảnh “cơm áo gạo tiền” đu bám con người trong xã hội hậu Covid-19. Có khi nào bạn dám nói “biết đủ là đủ”? Nhu cầu căn bản, ít nhất là các nhu cầu bậc dưới theo Tháp nhu cầu căn bản của Maslow, được gọi là nhu cầu trồi sụt, nghĩa là rồi lại hụt đimất đi nên phải bổ sung liên tục.

Maslow hướng con người đến những nhu cầu cao hơn về tinh thần và thiêng liêng. Dầu vậy, trong thực tế, tháp nhu cầu 5 bậc của ông được ứng dụng phổ biến hơn. Ở trong bản văn Kinh thánh này, đức Giêsu đưa ra nhu cầu ưu tiên: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (câu 33)

Các nhu cầu khác, “những thứ kia” là điều đương nhiên bạn cần, không cần phải tìm kiếm. Nó thúc bách bạn theo áp lực tự nhiên. Có bao giờ bạn nghĩ rằng Thiên Chúa hằng chăm sóc cho bạn những nhu cầu này? Hãy tưởng tượng làm sao bạn có thể thở, có gì để ăn, có thể ngủ, có môi trường xung quanh…

Hãy xét xem mức độ ưu tiên tìm cách thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của bạn thế nào? Nhìn vào lịch sống một ngày/một tuần và mức độ nghiêm túc, cũng như sự hào hứng của bạn trong các mảng hoạt động (lao động kiếm sống, tương quan gia đình-xã hội-với Chúa, chăm sóc bản thân…) sẽ giúp bạn nhận ra bạn đang ưu tiên cho nhu cầu nào.

Kết nguyện

Hãy thân thưa với Chúa về cách bạn đang đầu tư và thỏa mãn các nhu cầu đời mình. Bạn có muốn cùng Ngài thay đổi thứ tự nhu cầu ưu tiên?

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet.

14/6/22

Thứ tư TN.XI: Hợp gu (Mt 6,1-6.16-18)

1“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16“Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Thầy Giêsu dạy riêng các môn đệ và mọi người trong Bài giảng trên núi.

Ơn xin: Xin cho tôi cảm biết được “sở thích” của Thiên Chúa để tôi uốn mình nương theo. “Đồng thanh tương ứng – Đồng khí tương cầu”.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đọc bản văn

Mời bạn dành thời gian đọc chậm bản văn vài lần. Chú ý phân tách cách hành xử của “người đời” và của người môn đệ cần phải có.

2/ Gu của Thiên Chúa

“Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (c.3); “Đấng hiện diện nơi kín đáo” (c.6), “Đấng hiện diện nơi kín đáo... Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (c.18)

Thiên Chúa là “vô hình” với thế giới vũ trụ này. Không có công cụ khoa học nào có thể cân đong đo đếm được Ngài.

Ngài vĩ đại, quyền năng vô biên, nhưng lại im hơi lặng tiếng ẩn mình sau công trình sáng tạo của Ngài.

Những khi cần làm gì đó to lớn, Ngài làm nó trong màn đêm: Ngôi Lời chào đời, đức Giêsu Phục Sinh...

Mời bạn dừng lại để nếm cảm cái gu của Thiên Chúa.

3/ Gu của tôi là gì?

Hãy nhớ lại cách thức tôi sống, hoạt động, cư xử, nói năng... để khám phá xem cái gu của tôi là gì.

- Nó phô diễn chính tôi, hay ẩn dấu tôi trong đó?

- Nó củng cố thành quả của tôi, hay phản ánh hoạt động của Chúa?

- Nó chú tâm vào hoạt động bề nổi với những thành quả đo đếm được, hay chú tâm vào mối tương quan tốt lành đang lớn dần?

- ...

Hãy xét xem gu của Chúa và gu của tôi có gì tương đồng? Hay hoàn toàn trái ngược?

Hãy đo lường mức độ tôi uốn mình nương theo gu của Chúa thế nào.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa về gu đời mình, mức độ hòa hợp hoặc đối chọi về gu giữa tôi và Chúa.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet