Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

17/6/22

Thứ bảy TN.XI: Nhu cầu ưu tiên (Mt 6,24-34)

24“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.

25“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? 27Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? 28Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; 29thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! 31Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? 32Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 33Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 34Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ và dân chúng trên núi, như một Môsê mới.

Ơn xin: Xin cho tôi có một lương tri ngay chính để phân định các nhu cầu trong đời mình, mà biết chọn lựa đầu tư và thỏa mãn nhu cầu ưu tiên theo cách Chúa muốn.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đọc bản văn

Mời bạn dành thời gian đọc bản văn chậm rãi vài lần. Lưu ý về tần suất của chữ đừng lo/lo lắng, và các hình ảnh đức Giêsu sử dụng để so sánh.

Hãy khám phá nhân sinh quan của đức Giêsu.

2/ Nhu cầu của tôi

Abraham Maslow đã đưa ra tháp nhu cầu căn bản của con người. Lý thuyết này giúp giải thích về mức độ quan tâm của từng người, nhóm người, cộng đồng và quốc gia. Các nhà kinh tế đã vận dụng triệt để lý thuyết này trong việc tuyển dụng nhân sự, đối đãi nhân viên và quảng cáo sản phẩm. 

Bạn thấy mình đang có hoặc đang thiếu những nhu cầu căn bản nào? Ở mức độ nào?

3/ Nhu cầu ưu tiên

Bạn thường nghe về nỗi ám ảnh “cơm áo gạo tiền” đu bám con người trong xã hội hậu Covid-19. Có khi nào bạn dám nói “biết đủ là đủ”? Nhu cầu căn bản, ít nhất là các nhu cầu bậc dưới theo Tháp nhu cầu căn bản của Maslow, được gọi là nhu cầu trồi sụt, nghĩa là rồi lại hụt đimất đi nên phải bổ sung liên tục.

Maslow hướng con người đến những nhu cầu cao hơn về tinh thần và thiêng liêng. Dầu vậy, trong thực tế, tháp nhu cầu 5 bậc của ông được ứng dụng phổ biến hơn. Ở trong bản văn Kinh thánh này, đức Giêsu đưa ra nhu cầu ưu tiên: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (câu 33)

Các nhu cầu khác, “những thứ kia” là điều đương nhiên bạn cần, không cần phải tìm kiếm. Nó thúc bách bạn theo áp lực tự nhiên. Có bao giờ bạn nghĩ rằng Thiên Chúa hằng chăm sóc cho bạn những nhu cầu này? Hãy tưởng tượng làm sao bạn có thể thở, có gì để ăn, có thể ngủ, có môi trường xung quanh…

Hãy xét xem mức độ ưu tiên tìm cách thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của bạn thế nào? Nhìn vào lịch sống một ngày/một tuần và mức độ nghiêm túc, cũng như sự hào hứng của bạn trong các mảng hoạt động (lao động kiếm sống, tương quan gia đình-xã hội-với Chúa, chăm sóc bản thân…) sẽ giúp bạn nhận ra bạn đang ưu tiên cho nhu cầu nào.

Kết nguyện

Hãy thân thưa với Chúa về cách bạn đang đầu tư và thỏa mãn các nhu cầu đời mình. Bạn có muốn cùng Ngài thay đổi thứ tự nhu cầu ưu tiên?

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét