Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

8/4/22

Thứ bảy MC.V: Suy diễn (Ga 11,45-56)

45Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. 48Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” 49Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: “Các ông không hiểu gì cả, 50các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” 51Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.

55Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Khung cảnh: Gần đến Lễ Vượt Qua, tại Giêrusalem.
  • Ơn xin: Xin cho tôi biết đo lường những suy nghĩ của bản thân khi đối diện với mầu nhiệm Thiên Chúa, để tôi mở ra cho ân huệ đức tin dành cho đời mình.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Điểm cầu nguyện

1/ Sự kiện (cc. 45-46)

Mời bạn nhớ lại sự kiện đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại sau 4 ngày chôn trong mộ đá. Hôm nay một số người trở lại gia đình Matta-Maria-Lazarô để thăm viếng họ.

Đứng trước sự kiện Lazarô được sống lại, có nhiều người tin. Bạn có ở trong số đó không?

Cũng đứng trước cùng một sự kiện, có người xem cho biết để lấy thông tin, để cung cấp thông tin cho ai đó (thường là ít thiện cảm với người liên quan với sự kiện đó). Hãy suy nghĩ về kiểu báo cáo ít thiện ý này. Trong cuộc sống, việc diễn đạt trong giao tiếp để hiểu nhau đã khó, mà con người thường bị nhiễu vì các các xúc tiêu cực dành cho nhau, nên càng khó hiểu nhau. Bạn muốn nói gì với Chúa về kinh nghiệm hiểu lầm trong các mối tương quan. Trong Chúa bạn tìm được giải pháp nào?

2/ Suy diễn (cc. 47-50)

Lời đồn thổi thường gây hoang mang và sợ hãi, bởi nó thường phóng đại sự thật. Khi nó được người lo sợ và đa nghi tiếp nhận, thì nó tiếp tục được suy diễn đến mức đánh mất cả sự kiện và lý lẽ thực. Mời bạn dành thời gian để suy nghĩ về quá trình suy diễn cả các thượng tế và người Pharisiêu: điều gì làm cho họ phải “triệu tập hội đồng ngay lập tức”? Họ đang đứng trước một người “hay làm phép lạ” – sợ người ta tin hết vào ông ta – (lý do ẩn: không ai tin vào họ nữa) – người Rôma sẽ đến phá hủy nơi thánh và dân tộc họ (làm sao có thể như vậy!) – Vậy phải làm gì đây?

Nỗi sợ đã được đẩy lên đến tột cùng, vượt qua sự thật, mất các kết nối logic. Bạn có bị ám bởi nỗi sợ vô lý nào không? Có khi nào vì để che giấu nỗi sợ bên trong mà bạn tỏ ra mạnh dạn, gan lì, hùng mạnh, thô bạo... bên ngoài?

3/ Kế hoạch của Thiên Chúa (cc. 51-56)

Câu 51-52 cho biết một thực tế lạm quyền của thượng tế Caipha; và Thiên Chúa lại chấp nhận lời đó như một tiên báo về kế hoạch cứu độ của Ngài.

Câu 53: Họ quyết định giết đức Giêsu; và Thiên Chúa không ngăn cản điều đó.

Đức Giêsu biết tình thế nguy hiểm nên Ngài tạm rút vào nơi hoang vắng. Khi không thấy Ngài, dân chúng hoang mang đặt câu hỏi về sự hiện diện của Ngài trong dịp lễ - Một bối cảnh mù mờ, khó hiểu, bỏ ngỏ; - một bối cảnh Thiên Chúa chấp nhận đi vào để thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài.

Bạn có nghĩ rằng Thiên Chúa đang thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài trong những bối cảnh mù mờ, thậm chí sai lỗi của lịch sử nhân loại và của bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về bất cứ điều gì được gợi lên trong bạn qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

1/4/22

Thứ bảy MC.IV: Bất đồng quan điểm (Ga 7,40-53)

40Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” 41Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? 42Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?” 43Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.

45Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?” 46Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” 47Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? 48Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? 49Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” 50Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: 51“Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” 52Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.”

53Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Khung cảnh: Gần đến Lễ Vượt Qua, Đức Giêsu lên Giêrusalem.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được ơn xác tín vào đức Giêsu, để tôi dám tuyên xưng niềm tin vào Ngài.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Điểm cầu nguyện

1/ Bất đồng giữa dân chúng (cc. 40-43)

Dân chúng là giới bình dân, đông đảo. Có lẽ nhiều người trong số họ đã từng đi theo, nghe đức Giêsu giảng, chứng kiến Ngài làm phép lạ...

Họ nghe đức Giêsu trả lời cho những ở Giêrusalem đang thắc mắc về nguồn gốc Đấng Kitô: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7, 28-29) Nghe xong, có người xác tín đây chính là Đấng Kitô, có người ngờ vực vì họ vẫn bị vướng vào nguồn gốc địa lý của Ngài. Họ không hiểu gì về nguồn gốc thần linh mà đức Giêsu đang mặc khải cho họ.

Dù họ đang nhìn về đức Kitô trên cùng một bình diện, nhưng họ bất đồng ý kiến với nhau về Ngài → căng thẳng với nhau → muốn bắt đức Giêsu, nhưng không đồng thuận. Căng thẳng vì không cùng quan điểm thì nên giải quyết với nhau; họ quy về đức Giêsu vì nghĩ rằng Ngài là nguyên nhân gây ra căng thẳng giữa họ. Mời bạn suy ngẫm về cách bạn nhìn đức Giêsu, và cách bạn giải quyết những căng thẳng trong đời mình.

2/ Bất đồng giữa chủ-tớ (cc. 44-49)

Những vệ binh (Đền Thờ) được sai đi bắt đức Giêsu. Họ về tay không! Họ không làm nhiệm vụ của mình với lý do: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” Dù là thuộc hạ, họ có xác tín riêng. Dù có bị “người trên” nói này nọ, họ vẫn giữ lập trường.

Bạn từng có một xác tín nào về đức Giêsu vững mạnh như vậy chưa?

3/ Bất đồng giữa những bậc thầy trong dân (cc. 50-53)

Bây giờ đến lượt một thành viên trong số họ bất đồng ý kiến với những người còn lại: Ông Nicôđêmô đã dựa vào luật để bênh vực đức Giêsu. Rồi ông cũng bị “tẩy chay”.

Những thượng tế và Pharisiêu còn lại quyết chiến để bảo vệ lý lẽ về nguồn gốc địa lý của Đấng Kitô. Sự hiểu biết và xác tín này đã làm họ đóng mình lại trước mặc khải đúng hơn về Đấng Kitô.

Thử hỏi mình xem có khi nào tôi chấp nhận bị “tẩy chay” vì Chúa; hay tôi cố chấp vì một điều gì đó mà khước từ tin vào Chúa?

Kết nguyện

Bày tỏ tâm sự với Chúa về những điều mình còn lấn cấn liên quan với đức tin vào Chúa.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha để xin ơn đức tin. 

26/3/22

Thứ bảy MC.III: Tâm thế cầu nguyện (Lc 18,9-14)

9Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng bằng cách kể chuyện dụ ngôn.
  • Ơn xin: Xin cho tôi học nơi Chúa sự khiêm nhường đích thực để tôi biết cách tương quan với Thiên Chúa và với người khác.
  • Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Điểm cầu nguyện

Xin đề nghị một lối phân chia bản văn:

A: Mục đích kể chuyện – nhắm vào người kiêu ngạo

B: Người Pharisiêu lên đền thờ cầu nguyện

C: Người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện

            D: Kết quả: Không được tha

B’: Người Pharisiêu “đứng thẳng” cầu nguyện

C’: Người thu thuế “cúi mình” cầu nguyện

            D: Kết quả: được tha tội

A’: Bài học của câu chuyện

1/ Cầu nguyện mà kiêu ngạo và kết quả (cc. 10b-12)

Mời bạn suy ngẫm về tất cả những gì mà người Pharisiêu kể cho Chúa nghe về mọi việc tốt lành anh đã làm. Hẳn là Thiên Chúa rất vui vì thấy con của Ngài sống tốt lành như thế. Dựa vào những điều đó, bạn hãy suy xét về cách bạn sống đời mình, đặc biệt trong Mùa Chay này. Giữ luật và thi hành bác ái là bước khởi đầu cho hành trình tiến đến cùng Thiên Chúa.

Nếu chỉ có thể, chắc hẳn anh sẽ được đức Giêsu kể chuyện là Thiên Chúa “đem lòng yêu mến” anh. Vậy điều gì làm cho đời sống và lời cầu nguyện của anh không đẹp lòng Chúa? Anh ta khoe công trạng mình (khả năng tự độ), và khinh chê người khác (ngay cả khi họ đang sống bê tha). Khi sống đạo lâu năm, chắc hẳn ta đã có đời sống luân lý kha khá. Hãy xét xét mình thường có thái độ nào đối với người khác? Bạn có thường tám chuyện về người khác nhằm hạ bệ họ một cách tinh vi? Hoặc so sánh với họ khi bạn cầu nguyện?

Kết quả là tội anh không được tha, vì anh không thấy mình có tội. Còn bạn?

2/ Cầu nguyện với sự khiêm tốn và kết quả (cc. 10b.13)

Tương tự, bạn hãy nghĩ về cuộc sống của người thu thuế. Ngoài việc “tội công khai” là hành nghề thu thuế, anh ta còn có những bê tha nào? Một cuộc đời như thế liệu có đẹp lòng Chúa chăng? Bạn hãy xét mình về đời sống mình.

Điều đáng nói là anh chân nhận sự thật về cuộc sống bê tha của mình, anh muốn hoán cải, anh muốn rời xa cuộc đời “sướng cái thân mà khổ cái tâm” đó. Mời bạn noi gương anh mà học lấy tâm tình thống hối thật lòng trong mùa Chay này.

Kết quả là tội anh được tha vì anh có lòng thống hối. Còn bạn?

Lời cầu nguyện của anh đẹp đến mức tạo nên một lời kinh mà anh chị em Chính Thống niệm hằng ngày: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

3/ Bài học của câu chuyện (c. 13)

Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên

Hãy niệm và nghiệm về điều đó như một bài học khôn ngoan trước mặt Chúa.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa về đời sống và cách cầu nguyện của mình. Kết bằng một Kinh Lạy Cha.

 

18/3/22

[19/3-Lễ Thánh Giuse bạn đức Trinh Nữ] Giuse người công chính (Mt 1,16.18-21.24)

16Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”  24Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. 

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Khung cảnh: Đặt mình vào bối cảnh của Giuse, một người đã đính hôn và đang trong thời gian chuẩn bị cho ngày đám cưới của mình.
  • Ơn xin: Xin cho tôi nghe được tiếng mời gọi thì thầm của Chúa dành cho tôi khi tôi cảm thấy khó hiểu và khó tin nhất; và dám can đảm lên đường để bước đi trên con đường Ngài sẽ tỏ lộ.
  • Lối cầu nguyện: Chiêm niệm.

 Điểm cầu nguyện

1.   Đứng trước “chuyện đã rồi” (c. 16.18)

Câu 16, Giuse được giới thiệu bằng một câu ngắn gắn với tên cha mình, vị thế hiện tại “chồng của Maria”, và thòng theo mối tương quan của Maria với người con là Giêsu.

Câu 18, lại một câu quá ngắn nói về một sự thật liên quan đến Giuse: Maria là mẹ đức Giêsu, lúc này đã đính hôn với Giuse, nhưng nàng đã mang thai “do quyền năng Chúa Thánh Thần” trước khi họ về chung sống với nhau.

Hãy mường tượng về hoàn cảnh của Giuse bị đặt vào một chuyện đã rồi. Hoàn cảnh khó này có giúp bộc lộ con người tốt lành của Giuse? Đoạn ngẫm nghĩ về những hoàn cảnh, những câu chuyện mà mình bị đặt vào đó. Bạn muốn nói gì với thánh Giuse? Hoặc với Thiên Chúa của bạn?

2.  Đứng trước Giấc mơ của Thiên Chúa (cc. 19-21)

Nhìn ngắm một Giuse tử tế với “người vợ” của mình. Vì muốn sống tử tế nên Giuse khổ tâm.

Dành thời gian để khám phá cách Giuse muốn sống “công chính” trước khi Thiên Chúa hé lộ giấc mơ của Ngài. Hãy chiêm ngắm một Giuse thinh lặng trước sự thật đang diễn ra có liên quan đến mình. Có vẻ như Thiên Chúa tôn trọng sự chọn lựa giữ thinh lặng của Giuse. Ngài cùng trăn trở với Giuse.

Giuse trằn trọc đêm ấy, còn Thiên Chúa thì không đành lòng kéo dài sự thinh lặng thêm nữa. Ngẫm nghiệm cách thức Thiên Chúa vén mở cho Giuse về Giấc mơ của mình; và cách thức Ngài ngỏ lời nhờ Giuse làm cha đứa trẻ qua quyền đặt tên để đưa nó vào dòng tộc Đavít – Dòng tộc của lời hứa sẽ có người con mang ơn cứu độ cho dân tộc Do Thái.

3.  Mau chóng thi hành (c. 24)

Nhìn ngắm Giuse vào buổi sáng hôm sau đã vâng phục điều Chúa mặc khải cách mau mắn và chính xác như thế nào. 

Kết nguyện

Thân thưa với Thánh Giuse về những gì được gợi lên qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

 Ảnh: Internet.

 

  

11/3/22

Thứ bảy MC.I: Yêu kẻ thù (Mt 5,43-48)

43“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù44Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? 47Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? 48Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng và các môn đệ trong Bài giảng trên núi.
  • Ơn xin: Xin cho tôi mở lòng lắng nghe điều Chúa dạy, xác tín vào giá trị của chúng và dám thực hành trong đời sống.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

 

Điểm cầu nguyện

Mời bạn dành thời gian để suy niệm theo những điểm gợi ý sau:

1/ Yêu kẻ thù (cc. 43-45)

Yêu người khác là lời mời đi vào mối tương quan với người khác bằng cách ra khỏi chính mình. Mức độ bình thường là “có qua có lại”, mức độ kế tiếp là “hy sinh”, mức độ cuối cùng là “yêu kẻ thù”.

“Còn Thầy thầy bảo anh em” – một mệnh lệnh chứ không chỉ là một lời khuyên.

Giá trị của việc “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” là được nên giống Cha Trên Trời; trở nên con cái của Ngài, trở nên tốt lành như Ngài.

Con người đang đau khổ trong cuộc chiến tranh tại Ukraina và trong các cuộc nội chiến khác. Bạn đứng về chính nghĩa. Thiên Chúa đứng về chính nghĩa. Tuy nhiên, Ngài yêu thương tất cả: những đứa con tốt lành đáng yêu, và cả những đứa con ngỗ nghịch và sai lạc. Lời cầu nguyện của bạn là gì khi chứng kiến hoặc chịu đau khổ?

Yêu kẻ thù là lời mời gọi sống HƠN (Magis).

2/ Luật công bằng (cc. 46-47)

Luật công bằng là luật chung cho mọi người. Trong các mối tương quan, trước hết tôi cần có nền tảng căn bản là luật công bằng. Tuy nhiên, nếu Kitô hữu chỉ sống dựa trên luật công bằng thì cũng tầm thường thôi!

3/ Phương thế (c. 48)

Tại sao ta nói tha cho kẻ xúc phạm đến mình mà lòng vẫn hờn giận, không muốn tương quan, né tránh nhau, lạnh nhạt với nhau... Thậm chí vẫn ghim mối thù với nhau. Sau bao năm kể lại vẫn ức, vẫn khóc, vẫn muốn trả thù. Đơn giản vì ta được sinh ra cho tình yêu. Nên mọi điều xảy ra mà thiếu tình yêu đều gây ra tổn thương. Tổn thương làm cho tâm lý con người “ghim” nhau. Hãy chữa lành tâm lý, rồi bạn sẽ có thể tha thứ thật, và rồi bạn có thể yêu lại “kẻ thù” cách chân thật.

Hãy lấy lý do “nên hoàn thiện như Cha” để làm động lực. Hãy lấy mẫu gương của Chúa Giêsu làm mẫu noi theo. Nếu bạn còn cảm thấy quá khó, hãy xin Chúa cho mình biết chuẩn bị mình để ngày nào đó bạn có thể được chữa lành, tha thứ và yêu lại người “bách hại” mình.

Kết luận

Thân thưa với Chúa về những gì được gợi lên trong bạn qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

4/3/22

[Thứ Bảy sau Lễ Tro] Niềm vui đánh đổi (Lc 5,27-32)

27Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” 28Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.

29Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. 30Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” 31Đức Giê-su đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 32Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu kêu gọi ông Lêvi.

Ơn xin: Xin cho tôi nghe được lời mời của Chúa dành cho tôi trong Mùa Chay năm nay, và xin cho tôi nhận được đủ ân sủng để dám thay đổi đời mình như ông Lêvi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Rõ ràng và đơn giản (cc. 27-28)

Bạn nghĩ gì về sự rõ ràng và đơn giản của đức Giêsu: đi ra, thấy, gọi mời ông Lêvi: “Anh hãy theo tôi!” ?

Và bạn nghĩ thế nào về sự đáp lại cũng rõ ràng và đơn giản của ông Lêvi: bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người?

Thánh Inhã giải thích đây là kiểu “tiếng sét ái tình”, khi Thiên Chúa cuốn hút ai đó cách mãnh liệt đến mức người đó không thể cưỡng lại, không thể nghi ngờ gì về lời mời gọi ấy.

Bạn có kinh nghiệm nào đó tương tự chưa?

2/ Niềm vui đánh đổi (c. 29)

Hãy ngẫm nghĩ về cách Lêvi đã vui mừng mở tiệc thế nào. Ông ta bỏ nghề, giã từ đồng nghiệp để thực hiện một hành trình mới của đời mình một cách vui mừng quá đỗi. Niềm vui “theo Thầy” lớn đến nỗi ông dám đánh đổi mọi sự.

Trong mùa Chay năm nay, bạn có niềm vui đánh đổi nào? Bạn nghĩ xem điều đó có giá trị thế nào trong mắt Chúa?

3/ Chọn lựa của Chúa (cc. 30-32)

Trong bữa tiệc vui, mà có một nhóm người không vui: các Biệt Phái. Họ lẩm bẩm trách các môn đệ đức Giêsu: Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”. Bạn hãy ngẫm nghĩ về lý do làm họ không vui: Vì ông Lêvi bỏ nghề? Vì đức Giêsu và các môn đệ của Ngài không sống đạo đức và chuẩn mực? hay vì gì khác?

Đoạn ngẫm về thái độ chọn lựa của đức Giêsu: Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” Bạn thấy điều gì nơi Ngài? Hôm nay bạn có cần được nghe Ngài nói với bạn những lời này không?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về tâm tình và ước muốn của bạn trong mùa chay năm nay, hoặc những gì trồi lên trong bạn qua bài cầu nguyện này.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet.


25/2/22

Thứ bảy TN.VII: Phiền nhiễu (Mc 10,13-16)

    13Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. 14aThấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “14bCứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, 14cvì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ qua những tình huống đời thường.

Ơn xin: Xin cho tôi có được những trải nghiệm thiêng liêng riêng với Chúa của mình, để tôi có thể đọc ý nghĩa của các biến cố đời thường bằng một con mắt khác.

Lối cầu nguyện: Suy Chiêm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm và Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Phiền nhiễu (cc. 13-14ab)

Mời bạn mường tượng về khung cảnh ngày hôm ấy. Các môn đệ rong ruổi cùng thầy Giêsu và giảng dạy đó đây. Chuyện bị đàn bà con nít quấy rầy, đu bám là chuyện thường xuyên xảy ra.

Đặt mình vào tâm trạng của các môn đệ để cảm nhận sự bực mình vì thường xuyên bị phiền nhiễu (có thể là sau cả một bài giảng dài). Nhìn ngắm gương mặt khó chịu, nghe giọng nói “xẵng” của họ, thông điệp của họ ngang qua cử chỉ điệu bộ họ hướng vào các em nhỏ.

Bạn cũng hãy nhìn ngắm thái độ bực mình của đức Giêsu hướng vào các môn đệ. Nghe giọng nói của Ngài: “14bCứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng”. Đức Giêsu nhìn các môn đệ như là một sự phiền nhiễu cho sứ vụ Ngài lúc này.

2/ Nước Thiên Chúa và trẻ em (cc. 14c-15)

Nước Thiên Chúa thuộc về trẻ em (c. 14c); và trẻ em đón nhận Nước Thiên Chúa (c. 15). Mời bạn dành thời gian với Chúa để khám phá ý nghĩa ẩn chứa trong điều đó.

Đoạn xét xem tôi có thuộc về Nước Thiên Chúa? Tôi có đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn trẻ thơ? [Trẻ em nói về độ tuổi, trẻ thơ nói về tính chất tâm hồn. Ở một mức độ bình thường, hai điều này đi đôi với nhau. Bạn không thể quay về làm trẻ em, nhưng có thể trở về với tâm hồn trẻ thơ trước Thiên Chúa của mình].

3/ Đức Giêsu và Trẻ em

Trong một trình thuật rất ngắn, ít nhất có 5 lần nhắc đến trẻ em/trẻ nhỏ/trẻ thơ. Mời bạn nhìn ngắm đức Giêsu đang thú vị với chúng, vời chúng đến, ôm chúng vào lòng, đặt tay chúc lành cho chúng.

Bạn có thèm được có cảm nhận này với Chúa của mình không? Hãy trở về với tâm hồn trẻ thơ để quăng mình vào trong vòng tay Ngài, để thỏa thích cảm nếm tình yêu và niềm vui.

Kết nguyện

Dâng lên Chúa những gì bạn cảm nghiệm được qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

22/2/22

Thứ tư TN.VII: Thiện ích chung (Mc 9,38-40)

38Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” 39Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Thầy Giêsu dạy riêng các môn đệ trong đời thường.

Ơn xin: Xin cho tôi biết học với Chúa ngang qua những câu chuyện đời thường.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ “Méc” thầy (c. 38)

Một trong những câu chuyện các môn đệ lao nhao kể với thầy sau chuyến đi truyền giáo (theo văn mạch của Maccô) là chuyện méc thầy về vụ người ta “lạm dụng” danh Thầy để trừ quỷ, mà họ lại không thuộc về nhóm chúng ta! Thành tích họ khoe là “chúng con đã cố ngăn cản họ”.

Một thái độ cục bộ lộ ra ở đây. Trong khi Gioan và các môn đệ khác thấy là điều đúng, tích cực, cần làm...

Hãy nghiêm túc xem xét cách chúng ta hành xử. Đôi khi chúng ta nghĩ mình có nhiệm vụ bảo vệ Chúa, bảo vệ giáo lý đạo Chúa, hoặc muốn sở hữu Chúa... đến mức bạo động. Mời bạn chiêm ngắm cách đức Giêsu hành xử trong cuộc thương khó để hiểu giá trị của Ngài; để chúng ta thôi “méc” Chúa, thôi đấu tranh cách bạo động chỉ vì phe này phe nọ, điều này điều kia.

2/ Tư duy tích cực (cc. 39-40)

Không ngăn cấm, ngăn cản, đức Giêsu ngầm cho phép người ta tiếp tục sử dụng danh Ngài mà trừ quỷ. Đó là một hành động tích cực.

Hành động tích cực đó dựa trên một tư duy tích cực: Ngài tin vào sự trung tín của lòng người.

Đức Giêsu còn đưa ra một nhân sinh quan tích cực: Ai không chống lại chúng ta có nghĩa là ủng hộ chúng ta.

Mọi tư duy tích cực đều dựa trên và vì lợi ích chung.

Mời bạn tự xét duyệt xem mức độ tích cực trong cách nhìn, nghĩ và hành động của mình. Bạn có kinh nghiệm gì về sự nối kết, hòa giải, khích lệ có được nhờ những tư duy tích cực?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về kinh nghiệm bạn được trải nghiệm qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

  

18/2/22

Thứ bảy TN.VI: Ở đây thật là hay (Mc 9,2-13)

2Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. 11Các ông hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước?” 12Người đáp: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê? 13Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chuẩn bị cho ba môn đệ thân tín đón nhận mầu nhiệm đau khổ của Ngài bằng cuộc biến hình trên núi.

Ơn xin: Xin cho tôi có được những trải nghiệm thiêng liêng riêng với Chúa của mình, để tôi có thể đọc ý nghĩa của các biến cố đời thường bằng một con mắt khác.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Choáng ngợp (cc. 2-6)

Khi tạo dựng Thiên Chúa đặt trong con người khả năng choáng ngợp trước vẻ đẹp và rung động mãnh liệt trước tình yêu. Nhờ thế mà sự sống tiếp tục sinh sôi nảy nở. Trong tình yêu đôi lứa, người ta có kinh nghiệm rung động đầu đời (first crush); đôi người có kinh nghiệm tình yêu sét đánh. Trong đời sống thiêng liêng người ta có những cảm nhận về Chúa, hoặc mãnh liệt như trong kinh nghiệm thị kiến và xuất thần.

Đâu là kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, hoặc rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên và con người của bạn? Sự choáng ngợp đó làm bạn phản ứng thế nào? Bạn có muốn được ở lại mãi trong kinh nghiệm đó? Hãy nghiệm lại kinh nghiệm thiêng liêng này nơi ba môn đệ được nhìn thấy Chúa hiển dung trên núi.

2/ Sứ điệp (7-8)

Đám mây bao phủ vừa cho thấy họ đang ở trong Thiên Chúa, được Thiên Chúa bao bọc; đồng thời cũng cho thấy sự không rõ ràng trong kinh nghiệm họ đang được trải qua.

Điều họ nghe được là một sứ điệp, một mặc khải đi kèm một yêu cầu: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Mặc khải này nói về Ai? Yêu cầu bạn thực hiện điều gì? Điều đó giúp gì cho bạn trong mối tương quan với Thiên Chúa?

Kinh nghiệm thiêng liêng thật ngắn ngủi, các ông chợt nhìn quanh và thấy mọi sự trong tình trạng đời thường như trước đó. Họ được mời gọi sống đời thường ngang qua kinh nghiệm thiêng liêng ngắn ngủi họ vừa được trải qua. Thánh Inhã xem kinh nghiệm thiêng liêng là một biến cố, chứ không phải là một tình trạng. Điều này giữ chúng ta sống kinh nghiệm thần bí (hoặc có cái nhìn thiêng liêng) trong đời sống bình thường.

3/ Ứng dụng vào đời thường (9-13)

Đức Giêsu muốn họ tránh khỏi hoang tưởng thiêng liêng, nên căn dặn họ không được nói về những gì họ vừa được chứng kiến. Họ cần có đủ thời gian để hiểu được ý nghĩa của điều họ vừa được trải qua: ơn an ủi không có nguyên do, để chuẩn bị họ bước vào những đau khổ sắp tới, và hiểu được sứ mạng đích thực của Thầy mình.

Ba ông cũng thắc mắc về cách thức hiểu và ứng dụng vào đời thường khi hỏi về việc ông Êlia trở lại. Đức Giêsu trả lời cách ám chỉ để mời gọi họ tiếp tục tự tìm hiểu ý nghĩa của các biến cố và dấu chỉ trong đời thường. Tóm lại, để hiểu được một kinh nghiệm thiêng liêng và ứng dụng vào trong đời thường đòi hỏi nhiều khả năng và thời gian suy tư, chiêm ngắm... chứ không phải là một sự khoe mẽ nào đó.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những kinh nghiệm thiêng liêng của bạn, hoặc xin cho bạn được cảm nghiệm chính Chúa, để bạn có cái nhìn thiêng liêng trong đời thường.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha. 

5/2/22

Thứ bảy TN.V: Lấy đâu ra bánh? (Mc 8, 1-10)

 1Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: 2“Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! 3Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” 4Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no ?” 5Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.” 6Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. 7Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn luôn cá nữa. 8Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! 9Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. 10Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Các môn đệ bận rộn và lo lắng khi đám đông thiếu lương thực.

Ơn xin: Xin cho tôi biết cùng Chúa chăm lo cho người khác về lương thực thể xác và tinh thần.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Mối bận tâm của Chúa (cc. 1-3)

Đức Giêsu bận lòng đến: đám đông, đã ở với Ngài 3 ngày (lương thực của họ đã cạn), nhiều người trong số họ đến từ nơi xa xôi.

Đức Giêsu lo lắng: họ sẽ bị xỉu trên đường trở về nhà. “Có thực với vực được đạo”. Họ thèm khát Lời Chúa, nhưng để mang được Lời Chúa về và sống Lời Chúa, họ cần lương thực để nuôi thân xác.

Mối bận tâm đó xuất phát từ “chạnh lòng thương”. Ngài không nỡ giải tán họ. Tình yêu không cho phép Ngài hành động như thế.

Mời bạn suy nghĩ về tình yêu Thiên Chúa đã chăm sóc bạn từ thể xác đến tinh thần và thiêng liêng.

2/ Sự lo lắng của các môn đệ (cc. 4-5)

Đứng trước đám đông, nơi hoang vắng, các môn đệ cảm thấy bất lực. Bản thân họ không thể đáp ứng vì họ biết họ chỉ có 7 chiếc bánh, thậm chí không đủ cho nhóm thầy trò của họ.

Sự lo lắng của họ bị cột chặt vào sự tính toán trên khả năng con người. Bạn có từng bị bó chặt vào những giới hạn con người như thế?

3/ Cách Chúa giải quyết vấn đề (cc. 5-10)

Đôi khi chúng ta nói, chỉ có Chúa mới làm được như vậy, hoặc mới sống được như vậy. Vì Ngài là Chúa mà. Bạn hãy xem cách đức Giêsu giải quyết vấn đề này.

Ngài không phán “hãy có” để một núi bánh “liền có”. Ngài mời sự cộng tác của con người. Ngài hỏi xem họ có mấy cái bánh. Khi họ trao hết cho Ngài số bánh ít ỏi ấy thì đến lượt Ngài sẽ làm phép lạ trên sự ít ỏi ấy. Bạn có dám trao dâng “sự ít ỏi” của chính mình để Ngài làm phép lạ trên đời bạn?

Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha số bánh ít ỏi, và cả một ít cá nhỏ họ vừa trao cho Ngài. Đức Giêsu mời các môn đệ phân chia cho đám đông đang ngồi trên nền cỏ. Lưu ý tiến trình: trao dâng sự ít ỏi – Thiên Chúa làm phép lạ – bạn mang phân phát điều bạn đã trao dâng với số lượng vô biên – đám đông dân chúng nhiều vô kể. Hãy khám phá cách Thiên Chúa mời bạn cộng tác vào sứ mạng của Ngài.

7 cái bánh và một ít cá nhỏ – 4.000 người = 7 giỏ bánh! Đó là bài toán của Chúa và lòng tin trao dâng của bạn.

Đức Giêsu phục vụ họ vô vị lợi nên muốn người môn đệ cũng sống tinh thần ấy. Xong việc rồi, rời đi sang miền dân ngoại thôi, nơi chẳng ai nhận biết để mà tung hô, thậm chí cám ơn.

Kết nguyện

Thưa với Chúa những tâm tình mà bạn nhận được qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet