Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

16/7/20

Thứ tư 22/7/2020: Tìm gặp Chúa trong nước mắt (Ga 20, 1-2. 11-18) – Lễ thánh Marria Magdala


1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

11Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.’” 18Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.


Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu phục sinh hiện ra với bà Maria Magdala vào lúc sáng sớm.

Ơn xin: Xin cho tôi biết tìm kiếm Chúa lúc vui khi buồn, và được Ngài chạm đến trong mọi trạng huống cuộc đời.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]



Gợi ý cầu nguyện

Để chiêm ngắm tốt bài này, trước hết mời bạn chiêm ngắm 10 bức tranh chăn trâu (thập mục ngưu đồ). Trong bộ tranh, con trâu tượng trưng cho Tâm của bạn. Bạn đi tìm lại Tâm của mình và sẽ tìm được (tranh 1-6). Quá trình này khiến bạn nhọc sức nhưng sẽ thành công. Tìm được rồi lại thấy không đủ, không chắc vì thấy mệt mỏi vì phải lo giữ Tâm. Vậy có nên quên Tâm chăng? (Tranh 7-8). Sau cùng, bạn cảm nếm cái bao la trong bạn và bạn trong cái bao la nên thanh thản bước đi giữa chợ đời (tranh 9-10). Bạn có thể thay Tâm bằng chính Chúa của bạn.


1/ Mất Chúa (cc. 1-2)

Bạn hãy chiêm ngắm bước chân của chị Maria Magdala trên con đường dẫn đến ngôi mộ lúc trời còn chưa sáng rõ. Chị đi nhanh hay chậm? Chị mang theo những gì trên tay và trong lòng?

Chị thấy tảng đá nặng lấp cửa mộ đã bị lăn ra. Chị nghĩ tới điều gì? Tại sao chị nghĩ như vậy?

Hãy quan sát bước chân của chị trở về ngôi nhà họ đang trú ngụ. Chị đi nhanh hay chậm? Chị nhờ đến ai giúp chị trong cơn sợ hãi này? Tại sao chị lại chọn người này để giúp mình?

Hãy lắng nghe câu nói của chị: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Điều này nói lên điều gì trong lòng chị?

Hãy nói với Chúa về những giây phút, những giai đoạn cuộc đời bạn cảm thấy “mất Chúa”, hay Chúa vắng bóng trong đời bạn.



2/ Tìm Chúa (cc. 11-15)

Bạn tiếp tục chiêm ngắm hành trình lại đi ra mộ của Maria Magdala, khi hai người chị nhờ giúp đỡ đã chạy ra mộ trước chị. Dáng vẻ và chuyển động của chị lúc này thế nào?

Chiêm ngắm thế đứng của chị sát bên mộ, khóc, cúi xuống nhìn vào trong. Bạn hãy dừng lại để cảm nghiệm sự trống rỗng, lo lắng, đau khổ của chị.

Mời bạn lắng nghe câu hỏi của Thiên thần: “Này bà, sao bà khóc?” và của Đức Giêsu: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Các Ngài thấy chị khóc! Hãy dùng đôi mắt của các Ngài để chiêm ngắm giọt nước mắt của chị, gương mặt đang khóc của chị, dáng vẻ đau buồn của chị để cảm được điều đó đã chạm vào lòng thương xót của các Ngài.

Hãy lắng nghe câu trả lời của chị Maria Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” để cảm nếm sự trống vắng nơi lòng chị.

Nói với Chúa Giêsu về những nỗi đau, sự trống vắng, mất lý tưởng, mất đức tin của bạn. Hãy khóc với Ngài. Hãy để cho Ngài chạm đến, an ủi bạn, chữa lành bạn.



3/ Gặp Chúa và biến đổi (cc. 16-18)

Mời bạn chiêm ngắm giây phút Đấng Phục Sinh tỏ mình bằng cách gọi tên Maria với giọng điệu quen thuộc. Nhìn cách Maria òa vỡ khi nhận ra Chúa mình đang sống.

Maria muốn giữ Chúa lại như từng muốn giữ “xác Chúa”. Đấng Phục Sinh mời Maria có một tương quan mới: làm chứng nhân phục sinh cho các anh em tông đồ. Mời bạn chiêm ngắm lại một Maria sau giây phút gặp Chúa: gương mặt, bước chân, cõi lòng…

Lắng nghe sự xác tín của chị: “Tôi đã thấy Chúa!” Chiêm ngắm sự “thõng tay vào chợ” của một người phụ nữ đi làm chứng cho Đấng Phục Sinh.

Hãy nài xin Chúa ban cho ơn được “gặp” Ngài để được Ngài biến bạn nên chứng nhân cho Ngài.



Kết nguyện

Tạ ơn Chúa vì những cái chạm của Ngài trong đời bạn. Kết bằng 1 Kinh Lạy Cha.

14/7/20

Thứ tư TN.XV: Sự mật thiết giữa Cha và Con (Mt 11,25-27)

25Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.

27“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu mặc khải về mầu nhiệm Nước Trời.

Ơn xin: Xin cho tôi được cảm hiểu sâu xa về mầu nhiệm Nước Trời, để tôi biết tìm kiếm ngay từ hôm nay và được đi vào trong sự mật thiết với Thiên Chúa.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Tạ ơn (c. 25)

Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói”: Mời bạn chiêm ngắm giây phút “xuất thần” của Đức Giêsu. Thánh Luca nói thêm: “được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói” (Lc 10, 21). Hãy tập trung nhìn gương mặt Ngài, thế đứng của Ngài…

Hãy lắng nghe và lặp đi lặp lại lời tạ ơn của Đức Giêsu đang dành cho bạn: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”.

Bạn hãy thân thưa với Chúa Giêsu về những gì đang nổi lên trong lòng bạn.

2/ Xác tín (c. 26)

Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha

Bạn tiếp tục để cho lời này vang vọng trong bạn, chạm đến con tim bạn. Bạn chính là “điều đẹp ý Cha”.

Bạn có thể niệm[1] câu này để cho sự xác tín vào ý Cha được thấm vào bạn: “Người bé mọn / đẹp ý Cha”.

Bạn cũng hãy thân thưa với Chúa Giêsu về những gì đang nổi lên trong lòng bạn.

3/ Mặc khải (c. 27)

Mời bạn bước vào trong trái tim của Đức Giêsu để tiếp nhận mặc khải này, một bí mật ẩn chứa trong trái tim Ngài và điều phối mọi suy tư, lời nói, hành động, cuộc sống của Ngài.

Hãy lắng nghe lời mặc khải đầu tiên: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi.” Bạn hãy để cho lời đó được lặp đi lặp lại cho đến khi bạn xác tín vào sự tín nhiệm giữa Chúa Cha và Đức Giêsu.

Mặc khải thứ hai: Sự “biết rõ” giữa Chúa Cha – người Con – kẻ bé mọn. Ở đây, bạn có thể làm phép tính bắc cầu: a = b, b = c, vậy c = a. Đức Giêsu đã bắc cầu cho bạn được “biết rõ” Chúa Cha!

Hãy dành thời gian để tâm sự với Chúa Giêsu, Đấng trung gian đưa bạn vào trong Thiên Chúa.

Kết nguyện

Đặt mình trong cung lòng Chúa Giêsu và Chúa Cha, nhờ Thánh Thần, bạn hãy thân thưa với các Ngài bất cứ điều gì đang nổi lên trong lòng bạn.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha để tạ ơn các Ngài về những gì bạn nhận được trong giờ cầu nguyện này.

(Ảnh: Internet)




[1] Hít thở theo nhịp đều đặn tùy vào sức riêng bạn. Chia câu thành hai vế. Hít vào niệm nửa vế đầu, thở ra niệm nửa vế sau. Niệm càng lâu càng tốt, cho đến khi cảm nghiệm được điều mình niệm.

29/6/20

Thứ tư TN.XIV: Cộng đoàn và sứ vụ tông đồ (Mt 10,1-7)

1Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
2Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; 3ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; 4ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 5Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. 6Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu sai 12 tông đồ đi truyền giáo.
Ơn xin: Xin cho tôi biện phân được điều căn cốt của đời tông đồ và các sứ vụ tông đồ, để tôi biết sống và thi hành theo đúng ý Chúa muốn.
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]
Phân đoạn Kinh Thánh: A – B – A’
A: Ban quyền để hành động (c. 1)
B: Cộng đoàn tông đồ (cc. 2-4)
A’: Sai đi rao giảng (cc. 5-7)

Gợi ý cầu nguyện
Mọi Kitô hữu đều được mời gọi thánh hóa bản thân và giúp ích cho người khác. Xin đừng nghĩ sứ vụ tông đồ và việc sống cộng đoàn thuộc về giới tu sĩ! Bạn được dựng nên cho chính bạn, cho người khác, và cho cả sự tốt lành của vạn vật nữa. Như thế, sứ vụ tông đồ được hiểu là tất cả những gì bạn nghĩ, sống, làm tốt cho bản thân và cho môi trường quanh bạn.

A: Ban quyền để hành động (c. 1)
Đức Giêsu gọi nhóm 12 lại: Khi làm sứ vụ tông đồ, bạn thường cầu nguyện và lắng nghe để biết ý Chúa, để xem Ngài mời gọi mình làm gì, hay tự mình hoạch định và làm theo điều mình muốn làm?
Ngài ban cho họ quyền trên thần ô uế để trừ quỷ và chữa lành: Khả năng này được ban cho, chứ không phải “tài năng” của bạn. Trong khi làm sứ vụ tông đồ, bạn thường đánh giá năng lực bản thân và người khác theo khả năng tự nhiên hay do “ơn trên”?

A’: Sai đi rao giảng (cc. 5-7)
Đức Giêsu sai họ đi rao giảng: Bạn có thấy mình được sai đi không? Nếu được sai đi thì chắc chắn sứ vụ đó thuộc về người sai bạn, còn bạn chỉ là cộng tác viên, hoặc người thừa hành.
Đức Giêsu chỉ thị về đối tượng lãnh nhận và nội dung rao giảng:
+ Đừng đi về phía dân ngoại, đừng đến làng Samari!? Vậy phải bắt đầu rao giảng từ đâu? Từ dân đã được chuẩn bị để đón nhận mặc khải cứu độ: dân Israel/từ bản thân. Sau đó bạn có thể mở rộng ra đến tầm truyền giáo của Mác-cô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15).
Chú thích của GKPV: “Chúa Giê-su hạn chế hoạt động của các Tông Đồ, trước hết để nói lên quyền ưu tiên của người Ít-ra-en được mời gọi tiếp nhận ơn cứu độ của Đấng Mê-si-a (x. Rm 1,16), sau cũng vì lý do thực tiễn: tránh phản ứng bất lợi từ phía người Do-thái. – Sai các môn đệ đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en là Chúa Giê-su muốn thực hiện những lời sấm Cựu Ước về Đấng Mê-si-a, Mục tử tốt lành (Is 40, 11; Ed 34,23 ; 37,24).
+ Nội dung rao giảng: “Nước Trời đã đến gần”. Phải hiểu đây là mục đích của việc loan báo: chuẩn bị tâm hồn để người ta đón Nước Chúa đến.
Người tông đồ được gọi chỉ nói và làm những gì giúp chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận Nước Thiên Chúa đến. Người tông đồ cần phân định để xem những việc nào, nội dung rao giảng nào không giúp bản thân và người khác đạt được mục tiêu đó thì phải tự do loại bỏ.

B: Cộng đoàn tông đồ (cc. 2-4) 

Theo lối phân đoạn đồng tâm (A-B-A’) thì B là tâm: phần trọng tâm, phần quan trọng. Cộng đoàn tông đồ với 12 con người khác nhau về trình độ, tâm tính, ước mơ… cần học cách sống với nhau và cùng nhau làm sứ vụ.
Đây là phần quan trọng nhất trong việc huấn luyện con người tông đồ. Một khi bạn để cho Chúa và cộng đoàn huấn luyện mình thành người tông đồ, thì các việc làm như rao giảng, chữa lành, trừ quỷ chỉ là sự diễn ra tả bên ngoài về con người tông đồ của bạn. Nói một cách đơn giản, ngang qua việc để mình được huấn luyện thành người tông đồ, bạn lo được cho “ơn cứu rỗi linh hồn mình”, rồi sau đó bạn trở nên khí cụ để Chúa mang “ơn cứu độ cho người khác”.

Kết nguyện
Hãy thân thưa với Đức Giêsu về việc huấn luyện bản thân bạn trở thành người môn đệ. Rồi sau đó thưa với Ngài về nỗ lực tìm kiếm cách thức diễn đạt của bạn ngang qua các sứ vụ tông đồ.
Đọc 1 Kinh Lạy Cha.