Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

9/6/20

Thứ tư TN.X: Kiện toàn lề luật (Mt 5,17-19)

17“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu trao đổi với người Do Thái về việc tuân giữ luật Chúa.
Ơn xin: Xin cho tôi biết yêu quý luật lệ đã được thiết định là thiên luật, luật tự nhiên và nhân luật; để tôi có đủ tự do mà đón nhận Đức Kitô và sống theo luật mới của Ngài.
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện
Dẫn nhập: Quá trình trưởng thành của một người cần đủ thời gian. Trong bụng mẹ và bé thơ cần vòng tay âu yếm. Ấu nhi và thiếu nhi cần sự chỉ dạy dịu dàng. Thiếu niên cần những chỉ dẫn theo luật và thực nghiệm an toàn. Thanh niên cần học biết phân định để chọn lựa và đánh giá hành vi bản thân và sự kiện xã hội. Càng lớn tuổi thì luật lệ càng trở nên ít quan trọng, vì nó đã trở thành thói quen bao năm; giờ đây họ sống và hành xử cách tự do theo luật của con tim.
Thánh Phaolo đã nói luật giống như người thầy chỉ giáo dẫn người ta đến gặp Đức Kitô; một khi đã gặp được Đức Kitô thì người đó sẽ sống theo luật tự do của con cái Thiên Chúa, luật của tình yêu.

1/ Xóa bỏ luật (c. 17a)
Luật Mô-sê là luật nhân bản, công bằng; Lời các ngôn sứ là sự nhắc nhở về lòng trung thành tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và hướng đến niềm hy vọng vào ơn cứu độ sẽ được Thiên Chúa thực hiện.
Tại sao người ta mong sẽ có ai đó đủ thẩm quyền đến để “bãi bỏ” điều trên? Có phải do người ta đã lạm dụng luật để triệt hạ nhau? Trong khi luật lệ là cần thiết để huấn luyện nhân bản cho con người, và chuẩn bị con người đón nhận Đức Kitô và sống theo luật tự do của tình yêu.
Bạn từng có thái độ nào đối với luật lệ, luật Công giáo…? Tại sao?

2/ Kiện toàn luật (cc. 17b-18)

Kiện toàn: làm cho nên trọn vẹn. Vậy luật đang thiếu điều gì? Hay thái độ sử dụng luật và ứng dụng luật đang thiếu điều gì? Bạn có thấy mình đang thiếu điều đó không? Nếu có, hãy xin với Đức Giêsu để Ngài làm cho nên trọn vẹn.
Không bỏ một chấm một phẩy: không cắt xén, không thay đổi nội dung của luật. Bạn có bao giờ giữ luật có chọn lọc? Giữ điều hợp với tôi và bỏ qua điều gây bất lợi?
Cho đến khi mọi sự được hoàn thành: Mời bạn trở lại phần dẫn nhập về quá trình con người cần đến luật để nên người ở trên; điều đó trở nên nền tảng để con người gặp gỡ Đức Kitô và thành toàn trong Ngài.

3/ Hệ quả (c. 19)
Ai bãi bỏ và dạy người khác như thế là người nhỏ nhất. Ai tuân giữ và dạy người khác như thế là người lớn nhất trong nước trời.
Tại sao luật lại có vai trò lớn lao đến mức như vậy? Một lần nữa, mời bạn trở về phần dẫn nhập để khám phá và xin ơn cho mình sống và truyền đạt về luật của Chúa.

Kết nguyện
Có thể chọn 1 số câu trong Thánh vịnh 119 để xin ơn vui sống luật Chúa.
Đọc 1 kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

2/6/20

Thứ Tư 3/6/2020: Cùng một tình yêu (Mc 12, 28-34)


28Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” 29Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” 32Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Sau khi vào thành Giêsuralem, theo tin mừng Mac-cô, Đức Giêsu tiếp tục tranh luận với những người Biệt Phái và Kinh sư về nhiều điểm giáo lý khác nhau.
Ơn xin: Xin cho tôi hiểu biết thâm sâu giáo lý của Chúa để tôi yêu mến và sống theo những giá trị của Ngài.
Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]
Gợi ý cầu nguyện
Mọi luật lệ Thiên Chúa thiết định và đặt để một phần trong luật tự nhiên, và cả nhân luật đều nhằm một mục đích: đưa mọi sự vào trong đúng trật tự của nó để chúng vận hành trong một hệ thống hài hòa mà không triệt tiêu cái khác.
Trong xã hội loài người, luật lệ giúp con người sống đúng vai trò, cư xử công bằng và bác ái đối với tha nhân. Trong Mười Lời (10 Điều Răn), có những điều “bắt buộc” phải làm, có những điều “cấm” không được làm – cốt là để tình yêu được thể hiện. Nhằm giúp giải quyết các thắc mắc tỉ mỉ về cách thức thực hiện, người ta đã viết ra “văn bản dưới luật”/ “luật hướng dẫn”. Vì quá chi tiết nên những điều chính yếu không được chú trọng, mà lại quá chú trọng đến những điều giải thích chi tiết; thậm chí quên cả mục tiêu chính yếu của luật lệ.
1/ Yêu Thiên Chúa (cc. 28-30)
Khi được hỏi, Đức Giêsu đưa luật về điều căn cốt nhất của nó: Tình yêu dành cho Thiên Chúa, được người Do Thái gọi là Kinh Shema. Họ đọc kinh này sáng-trưa-tối. Kinh Shema trở nên câu niệm mà mọi người đều thuộc lòng. Mời bạn niệm câu kinh đó và cảm nghiệm về Thiên Chúa của bạn và tự nhắc mình về thái độ cần có đối với Ngài. Yêu Thiên Chúa là để Ngài tự do hướng dẫn đời bạn, tự do huấn luyện bạn.
2/ Yêu con người (c. 31)
Đối tượng gần bạn nhất để yêu thương đó chính là con người – một trợ tá tương xứng (St 2, 18). Tuy vậy, con người bên bạn lại có tự do riêng, và rất khác bạn về mọi mặt. Yêu thương người khác là đi bên họ, tôn trọng họ, hỗ trợ họ để bạn và họ đều hoàn thành được giấc mơ của Chúa dành cho mỗi người. họ không phải là boss (ông/bà chủ) của bạn; lại càng không phải là osin (nô lệ, người hầu) của bạn. Mời bạn xét xem mình đã sống một tình yêu đích thực như thế đối với tha nhân chưa.
3/ Nguyên tắc tình yêu (cc. 32-34)

Câu 32-34 cho bạn nguyên tắc đầu tiên của tình yêu: yêu Chúa và yêu người không tách rời nhau.
Nguyên tắc thứ hai: chính Tình Yêu Thiên Chúa là nguồn mạch của tình yêu nơi con người; Đức Giêsu là kiểu mẫu yêu thương.
Nguyên tắc thứ ba: Tình yêu không chỉ giới hạn trong xã hội loài người, mà phải tràn ra mọi thụ tạo của Chúa, để tạo nên một mạng lưới sự sống và tình yêu.
Nguyên tắc thứ tư: Tình yêu thì lớn hơn mọi việc làm, mọi hy lễ dâng lên Thiên Chúa.
Mời bạn xem xét cách bạn sống tình yêu. Liệu chúng có tuân theo thứ tự các nguyên tắc trên? Hãy nài xin Thiên Chúa ban cho bạn khả năng yêu thương như Ngài.
Kết nguyện
Có thể hát ca ngợi tình yêu Thiên Chúa và tình yêu nhân loại.
Dâng một Kinh Lạy Cha để cầu xin Thiên Chúa ban cho bạn khả năng yêu thương như các Ngài.

(Ảnh: Internet)

26/5/20

Thứ Tư 27/5/2020: Khi tôi trở nên đề tài (Ga 17, 11b-19)

11b “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ Ngài trước khi Ngài đi vào cuộc khổ nạn.
Ơn xin: Xin cho những điều Đức Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha cho tôi được thành sự nơi đời tôi.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm ý nghĩa từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba cách cầu nguyện], mục 2.
Gợi ý cầu nguyện
Mời bạn thong thả dùng khả năng suy tư của mình để suy niệm trên từng câu từng chữ trong bản văn, bao lâu bạn còn thấy những ý nghĩa, những sự so sánh, ý vị và ơn an ủi. Dừng lại lâu đủ để cho lời đó thấm vào bạn. Sau đó tâm sự với Chúa Giêsu về những điều bạn cảm nếm trong lòng. Không nhất thiết phải chiêm niệm tất cả các ý của bản văn được liệt kê dưới đây. Bạn cũng có thể chọn một hoặc một vài câu muốn chiêm niệm sâu.

Là những môn đệ của thời Phục Sinh, bạn hãy chiêm niệm lại những điều thốt ra từ đáy lòng Thầy Giêsu, để cảm nếm tình yêu cá vị Ngài dành cho bạn.
11b “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.
Cha chí thánh có nghĩa là gì? Chúa Cha trong tương quan với Đức Giêsu thế nào?
Trong danh Cha: Xin Cha hành động vì chính danh Cha, không phải vì công trạng các môn đệ.
Điều Đức Giêsu cầu xin cho bạn: Xin Cha gìn giữ bạn an toàn.
Tại sao an toàn trong Cha thì lại được “nên một như chúng ta” (ý nói về sự nên một giữa Ba Ngôi Thiên Chúa)?

12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 
Đức Giê su đã canh giữ bạn. Bạn có kinh nghiệm gì về điều này?
“Trừ đứa con hư hỏng”/Except the one who chose to be lost (Jerusalem Bible): người này có tự do để chọn lựa điều xấu, làm tổn hại đến mình.
“Ứng nghiệm lời Kinh Thánh”: Có những điều đã được viết ra tiên lượng các trường hợp xấu có thể xảy ra. “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Edekien 18, 23). Không có một tiền định xấu nơi Thiên Chúa dành cho bất cứ người nào. Nơi Ngài chỉ có một tiền định tốt và tổng quát đó là con người được sinh ra để được hạnh phúc đời đời với Ngài.
13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 
Bây giờ: lúc này, hôm nay
Con đến cùng Cha: là đi đâu? Có nghĩa là gì?
Lý do Ngài nói với các môn đệ bây giờ là “để họ được hưởng niềm vui trọn vẹn của con”: niềm vui nào?

14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 
Truyền lại lời của Cha là truyền lại điều gì?
Thế gian ở đây nói đến điều gì? Thế gian yêu thích điều gì và thù ghét điều gì?
Bạn thấy mình đang được thế gian yêu mến hay thù ghét?

15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 
Đức Giêsu không muốn tách bạn ra khỏi môi trường xấu, Ngài muốn bạn làm điều Ngài đã làm: ở giữa và thánh hóa môi trường.
“Thế gian” ở đây còn cộng thêm “ác thần”. Bạn không đủ sức để chiến đấu với thế lực thần thiêng (Ep 6, 12). Vậy hãy niệm nguyên câu 15 để cùng với Đức Giêsu nài xin Chúa Cha che chở bạn.
16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Bạn có thấy câu này đúng với bản thân mình không?
17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 
Lời Cha = Lời Chúa = Sự thật. Ở trong Lời Ngài bạn được thánh hiến: làm cho nên thánh.

18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.
Cùng một sứ mạng, cùng một ơn gọi. Bạn cảm nhận thế nào về điều này?

19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
Đến lượt mình, Đức Giêsu cũng thánh hiến bản thân để rồi thánh hiến bạn. Thiên Chúa là Đấng “ba lần” Thánh. Bạn được mời gọi tham dự vào sự thánh thiện ấy. Bạn có muốn và sẵn sàng không?

Kết nguyện
Hãy dành thời gian chiêm ngắm Đức Giêsu trong tư thế ngửa mặt lên trời, cầu nguyện cùng Chúa Cha cho bạn và cảm nếm tình yêu mà Ngài dành cho bạn.
Hãy tạ ơn Chúa Cha vì Ngài hằng nghe lời khẩn nguyện của Con Chí Ái và thực hiện điều đó cho bạn.
Đọc một Kinh Lạy Cha.