Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

10/3/25

Thứ hai MC.I: Lưu tâm (Mt 25,31-46)

31“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ 37Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ 40Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ 41Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ 44Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ 45Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ 46Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

Nhập nguyện

- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

- Khung cảnh: Đức Giêsu dạy về đời sau bằng dụ ngôn.

- Ơn xin: Xin cho tôi mở lòng để học bài học Ngài dạy, và biết áp dụng vào đời sống từ hôm nay.

- Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]


Gợi điểm cầu nguyện

Mời bạn dành thời gian để suy niệm theo những điểm gợi ý sau:

1/ Nhớ câu chuyện

Trí nhớ giúp ta đi sâu vào nội dung. Nếu chưa kịp tự nhớ chi tiết dụ ngôn này, bạn hãy đọc lại bản văn, và sau đó cho để cho mình tự nhớ lại toàn bộ câu chuyện kể.

2/ Sự thật ẩn giấu

Bạn hãy dành thời gian để suy ngẫm về những sự thật ẩn giấu trong chuyện dụ ngôn này:

+ Phán xét: Sau khi chết, có một cuộc xét xử về toàn bộ cách chúng ta đã sống. Bạn tin vào điều này ở mức độ nào?

+ Tiêu chí xét xử: Tình yêu dành cho những người nghèo khổ, kém may mắn. Trái đất và thiên nhiên đang là đối tượng nghèo nhất và bị lạm dụng nhiều nhất. “Lắng nghe tiếng khóc của người nghèo. Lắng nghe tiếng khóc của Mẹ Đất” (Thông điệp Laudato Si).

+ Thiên Chúa tự đồng hóa mình với đối tượng nghèo (vật chất, tinh thần, thiêng liêng).

+ Thưởng/phạt: không phải là một thời gian có hạn, mà là vĩnh viễn. Điều vĩnh viễn đó sẽ được quyết định bằng mấy mươi năm sống trên trần thế này. Vậy bạn muốn chọn lựa và sống thế nào?

3/ Lưu tâm

Hãy đọc kỹ đoạn câu 35-40. “Đức Vua” nhớ chi tiết từng điều tốt mà họ đã làm cho người cần đến. Những “người công chính” cũng nhớ và xét duyệt từng điều một. Họ sống chậm và lưu tâm từng điều. Họ ghi nhớ và xem xét từng điều. Họ chọn làm điều tốt theo tiếng lương tâm, ngay cả khi không biết đó là mình làm cho Chúa. Hồi ứng lại, “Đức Vua” đã nhận hết những điều tốt họ làm cho người nghèo khó như thể làm cho chính Ngài.

Bạn cũng nên đọc kỹ các câu 42-45. “Đức Vua” kể từng chi tiết những điều tốt họ đã không làm cho người nghèo khổ. Đến lượt mình, những người này thâu tóm và trả lời thật nhanh: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ – Quá nhanh quá nguy hiểm! Mọi sự bị thu gọn, giảm nhẹ, lướt qua… và hầu như không thấy gì, không cảm thấy gì.

Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể dường như phản ánh rất đúng với lối sống công nghiệp ngày nay. Nhịp sống ngày càng nhanh đến mức vợ chồng lướt qua nhau, cha mẹ con cái lướt qua nhau… Vậy thì những người nghèo khổ xa hơn làm sao có thể chạm được đến ta!

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những thực tại trần thế và những hy vọng của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

3/3/25

Thứ hai TN.VIII: Quyết định khó khăn (Mc 10,17-27)

17Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” 24Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” 27Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Anh thanh niên muốn tìm cách để được sự sống đời đời.

Ơn xin: Xin cho tôi biết tin vào Thiên Chúa, Đấng giàu có vô biên và có thể làm mọi sự, để tôi dám làm một quyết định khó khăn đó là dám buông hết mọi sự chỉ để được sự sống đời đời.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Quyết định khó khăn (cc. 17-22)

- Suy ngẫm về nỗ lực sống đạo từ nhỏ của chàng thanh niên.

- Cùng ngẫm nghĩ về khao khát được hưởng sự sống đời đời, và sự can đảm bộc lộ khao khát này của người thanh niên.

- Đức Giêsu vui vì sự tốt lành của anh. Ngẫm nghĩ về lời Ngài mời gọi người thanh niên: Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Ngài chỉ cho anh cách thức đạt đến điều anh khao khát. Ngài còn mở cho anh điều lớn lao hơn cả sự sống đời đời: được làm môn đệ Chúa Kitô.

- Câu chuyện này kết thúc thật buồn. Người thanh niên hồ hởi đi tìm con đường hạnh phúc, giờ trở nên buồn bã. Điều anh khao khát anh không thực hiện được, thì điều đức Giêsu mời gọi cũng bị bỏ qua.

Mời bạn hãy suy ngẫm về những khao khát tốt lành nơi mình và cách thực bạn thực hiện chúng.

2/ Sự hụt hẫng của các tông đồ (cc. 23-26)

- Đức Giêsu đề cập đến sự bám víu vào của cải. Của cải của tôi là những gì? Tại sao nó cản trở tôi không đến được với sự sống đời đời, và không trở thành người môn đệ Chúa Giêsu?

- Phản ứng của bạn trước lời của đức Giêsu thế nào? Có giống các môn đệ xưa?

Hãy nói với Chúa về mối tương quan của bạn với của cải vật chất.

3/ Câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 23-27)

Bạn hãy dành thời gian đọc bản văn và nhìn ngắm thái độ của đức Giêsu khi nói với các môn đệ về của cải. Ngài có vẻ không nhượng bộ khi các ông tỏ ý phản đối. Ngài đi tới cùng sự không tưởng trong cách nhìn của các môn đệ.

Sự thật, đó là điều không thể đối với con người, nhưng “đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” Bạn hãy xem cách bạn thực thi những lời mời của Thiên Chúa dành cho mình. Bạn thực hiện chúng bằng sức của mình hay sức của Chúa?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu và xin Ngài ban ơn cho bạn được sống thanh thoát mà bước theo Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

23/2/25

Thứ hai TN.VII: Chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi (Mc 9,14-29)

14Khi Đức Giê-su và ba môn đệ trở lại với các môn đệ khác, thì thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. 15Thấy Đức Giê-su, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Người. 16Người hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế?” 17Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. 18Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi.” 19Người đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi.” 20Người ta đem nó lại cho Người. Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. 21Người hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?” Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé. 22Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi.” 23Đức Giê-su nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.” 24Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” 25Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giê-su quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!” 26Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi!” 27Nhưng Đức Giê-su cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. 28Khi Người vào nhà, các môn đệ mới hỏi riêng Người: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?” 29Người đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chữa bé trai bị quỷ ám, sau khi các môn đệ đã “đầu hàng” trước tên quỷ này.

Ơn xin: Xin cho tôi được quyền năng Thiên Chúa giải thoát vĩnh viễn khỏi những ám muội của thế giới này và xin cho tôi biết kiên trì cầu nguyện để xin Chúa bảo vệ mình và người khác.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

Mời bạn đọc bản văn, mỗi lần đọc sẽ tập trung vào từng nhân vật trong các điểm cầu nguyện dưới đây.

1/ Người cha có đứa con bị quỷ ám (cc. 14-23)

Cảm nghiệm về tình yêu người cha dành cho đứa con trai của mình bị quỷ ám từ nhỏ. Nhớ đến những đau khổ không phải chịu khi thấy con mình bị quỷ dữ hành hạ mà mình bị bất lực không bảo vệ được con mình.

Mường tượng về những nỗ lực của người cha tìm người cứu chữa con mình bao năm.

Khi ông mang con mình đến gặp đức Giêsu thì Ngài không ở đó (Ngài lên núi riêng với 3 người môn đệ thân tín). Ông xin các môn đệ cứu chữa, nhưng các không bất lực.

Áp dụng bản thân: Bạn có từng cảm thấy bất lực trong những tính hư tật xấu, trong những đam mê phàm tục, trong những lệch lạc về tinh thần và thiêng liêng nơi mình? Bạn có nỗ lực tìm con đường giải thoát? Đôi khi bạn có cảm thấy bất lực khi không tìm được người đủ lực để giúp bạn thoát ra?

2/ Quyền năng Thiên Chúa (cc. 15-27)

Bây giờ, bạn hãy quan sát cách đức Giêsu tiếp cận câu chuyện, cách Ngài hỏi chuyện và lắng nghe, cách Ngài bày tỏ ý muốn cứu chữa, cách Ngài đối diện với tên quỷ (quan sát sự run sợ của nó) và lệnh truyền đầy uy lực của Ngài dành cho tên quỷ… Quan sát sự dịu dàng của Ngài trong cái chạm đến đứa bé và đỡ nó dậy.

Bạn cũng có thể chiêm ngắm người cha vui trong lòng như thế nào, và mường tượng cách ông diễn tả lòng biết ơn với Chúa Giêsu, và cách ông diễn tả niềm vui với đứa con lành mạnh của mình.

Áp dụng bản thân: Bạn có kinh nghiệm gì về ơn giải thoát của Thiên Chúa? Bạn diễn tả niềm vui và lòng biết ơn như thế nào?

3/ Các môn đệ (cc. 14. 28-29)

Thánh Mac-cô kể vắn tắt. Sự thể liên quan đến các môn đệ được tỏ lộ qua lời kể của người cha về trường hợp con trai mình cho Chúa Giêsu nghe. Mời bạn chiêm ngắm 9 người môn đệ đang ở một nơi chờ thầy mình và 3 anh em trở lại với họ thì họ gặp một cas khó: cậu bé bị quỷ ám. Mường tượng những nỗ lực trừ tà của họ trước lời van xin tha thiết của người cha.

Cảm nghiệm sự bất lực của họ khi không đuổi được tên quỷ ra khỏi đứa bé, và cảm nhận của họ khi người cha thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho đức Giêsu nghe.

Nhìn ngắm các ông đứng đó, quan sát, lắng nghe cách thầy Giêsu tiếp đón người cha, cách Ngài đối diện với tên quỷ dữ; nhất là uy lực phát ra từ mệnh lệnh của Ngài.

Nhìn ngắm các ông hỏi riêng thầy Giêsu về lý do “bất lực” của họ trong việc trừ quỷ. Họ đã chứng kiến, nhưng vẫn không hiểu được lý do bên trong tạo nên sức mạnh nơi đức Giêsu.

Lắng nghe câu trả lời đức Giêsu dành riêng cho các môn đệ: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.” – Nói cách khác, không phải các con sẽ trừ được chúng, mà phải dựa vào quyền năng Thiên Chúa, hãy cầu nguyện để nài xin Thiên Chúa.

Áp dụng bản thân: Mời bạn học lấy kinh nghiệm khiêm tốn của các môn đệ Chúa Giêsu, và hãy thực hiện lời khuyên của Chúa Giêsu ngay từ hôm nay.

Câu chuyện: Cha Joe kể câu chuyện về một gia đình người Mỹ đến xin cha trừ tà cho gia đình họ. Khi cha đến thăm gia đình, câu hỏi của cha dành cho vợ chồng họ là đã bao lâu rồi họ chưa xưng tội rước lễ, và gia đình có cầu nguyện cùng với nhau không.

Kết nguyện

Thân thưa cùng Chúa Giêsu về những ám muội của Sự Dữ trong đời bạn, hay nơi người mà bạn biết. Hãy cầu nguyện cùng Chúa để xin Ngài đến giải thoát.

Hãy đóng góp phần mình bằng cách thanh tẩy đời sống mình.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet


3/2/25

Thứ hai TN.IV: Ý Chúa (Mc 5,1-20)

1Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. 2Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. 3Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. 4Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. 5Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. 6Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” 8Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” 9Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì?” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” 10Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. 12Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” 13Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo –chừng hai ngàn con– từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. 14Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. 15Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo – chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. 16Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. 17Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

18Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. 19Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” 20Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Những bóng tối cuộc đời, nơi niềm đất “hoang dã” và chết chóc.

Ơn xin: Xin cho tôi được giải thoát khỏi những ám muội của thế giới này và biết ca tụng Thiên Chúa vì ơn cứu độ Ngài ban ngay từ đời này.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Bị “quỷ ám”

Mời bạn đọc bản văn chậm rãi, chú ý đến người thanh niên bị quỷ ám: nơi anh sống (khu mồ mả); cách anh hành xử: tru tréo suốt ngày và lấy đá đập mình, làm mọi người khiếp sợ; sức mạnh của anh: bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm… —Hãy ngẫm về sức mạnh tự hủy hoại nơi bản thân bạn và nơi những người bạn biết.

Khi thấy Chúa Giêsu, anh ta tiến lại, bái lạy, van xin: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!” Sự Dữ trong anh phải đầu hàng trước sức mạnh của Chúa Giêsu.—Khi nhận ra tình trạng tồi tệ của bản thân và nơi người khác, bạn tìm kiếm giải pháp gì? ở đâu?

Suy ngẫm về tình trạng của anh sau khi được giải thoát khỏi sự khống chế của Sự Dữ “ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo”.—Bạn có kinh nghiệm gì về ơn giải thoát khỏi đam mê tội lỗi và Sự Dữ?

Anh muốn xin đi theo Chúa Giêsu, nhưng Ngài bảo: “19Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” 20Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.” —Bạn có từng thuật lại những điều Chúa đã thực hiện cho mình để tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa? Bạn tường thuật cho những ai và bằng cách thức thế nào?

2/ Ý Chúa

Một lần nữa, hãy đọc lại bản văn, và chú ý đến đức Giêsu.

Ngôi Lời nhập thể - Đức Giêsu Kitô - thể hiện tình yêu và thánh ý Thiên Chúa dành cho con người. Bạn hãy suy ngẫm về việc đức Giêsu cùng với các môn đệ băng qua Biển Hồ Galilê (khoảng 13km) đi đến “vùng đất của dân Ghê-ra-sa” – vùng đất của dân ngoại – để gặp một người bị quỷ ám sống trong vùng mồ mả; rồi sau đó lại trở về “bên này” Biển Hồ. Ngài vẫn liên lỉ vượt đường xa để tìm kiếm và giải thoát những người đang bị quỷ dữ giam cầm trong tội lỗi. Đó là Thánh ý Thiên Chúa dành cho con người.

Trong trường hợp này, sau  khi giải thoát anh khỏi quỷ dữ, Ngài muốn anh đi làm chứng cho Ngài ở vùng dân ngoại, và cho những người thân của anh – dù ước muốn được đi theo Ngài là một điều tốt. Hãy xin cho bản thân biết nhận ra ý Chúa và chọn lựa điều tốt hơn theo thánh ý Ngài.

Kết nguyện

Xin ơn chữa lành khỏi những tà ám, những đam mê tội lỗi, những giam cầm trong thù hận và tổn thương.

Dâng lên Chúa 1 Kinh Lạy Cha để tạ ơn vì những lần bạn được giải thoát khỏi Sự Dữ.

Ảnh: Internet

6/1/25

Thứ hai GS sau lễ Hiển Linh: Những chọn lựa ban đầu (Mt 4,12-17; 23-25)

12Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: 15Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! 16oĐoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

17Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

23Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. 24Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ. 25Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt. Những ngày đầu làm việc công khai của đức Giêsu.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được ý nghĩa và giá trị của mọi hoạt động sống, để tôi hợp tác với ơn Chúa và sống trọn vẹn mỗi ngày sống của mình.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Rút lui (cc. 12-17)

Suy ngẫm về mối tương quan thân cận của đức Giêsu với người anh họ và là vị tiền hô Gioan Tẩy Giả. Đức Giêsu cảm nghĩ gì với biến cố Gioan bị bắt giam?

Ngài rút lui về miền Galiê, và chọn ẩn mình ở vùng dân ngoại: đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li. Trong tiếng Anh, chữ “retreat” có nghĩa là rút lui cách lặng lẽ nhất là sau khi bại trận, là thu mình lại; nhưng còn có nghĩa là tĩnh tâm. Bạn nghĩ đức Giêsu rút lui theo nghĩa nào?

Thánh sử Mathêu trích lại Is 8,23 – 9,1 để soi sáng ý nghĩa của cuộc rút lui này của đức Giêsu, không phải chỉ cho bản thân Ngài, mà còn cho vùng đất bị ruồng bỏ có cơ hội được chạm đến ánh sáng là sự hiện diện của Ngài.

Cùng với đức Giêsu, bạn đọc lại những biến cố căng thẳng của đời mình và cách thức bạn hành xử trong biến cố đó. Đoạn xin những ơn cần thiết để bạn sống các biến cố căng thẳng cách có ý nghĩa.

2/ Rao giảng (c. 17)

Suy ngẫm về bước ngoặt Gioan Tiền Hô bị bắt giữ, và việc đức Giêsu bắt đầu đi rao giảng. Đâu là “chất xúc tác” giúp bạn khởi đầu một giai đoạn mới trong hành trình đời mình?

Suy ngẫm và áp dụng vào bản thân lời rao giảng đầu tiên của đức Giêsu: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

3/ Được biết đến (cc. 23-25)

Đây là bản tóm lược hoạt động của đức Giêsu thời kỳ đầu tại Galilê: Rao giảng và chữa lành. Đức Giêsu hoạt động “công khai” tại các hội đường và các làng mạc.

Đức Giêsu chữa lành nhiều bệnh tật thể xác và tinh thần. Thân xác và linh hồn/tinh thần tương quan với nhau thế nào? Bạn chăm sóc cho hai phần này thế nào? Bạn có từng xin Chúa chữa lành chúng?

Danh tiếng đức Giêsu được lan rộng ra khắp mọi miền: Galilê, vùng Thập Tỉnh, bên kia sông Giođan, Giuđê trong đó có thành Giêrusalem. Hãy ngẫm về chọn lựa này của đức Giêsu sau 30 năm ẩn mình. Ngài chọn “nổi tiếng” vì động cơ nào?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì bạn được ơn hiểu Ngài hơn trong những chọn lựa của thời kỳ đầu ra hoạt động; và ơn biết mình hơn ngang qua mẫu gương của Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

29/12/24

Thứ hai, ngày VI Bát Nhật Giáng Sinh: Lớn lên (Lc 2,36-40)

36Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đền thờ Giêrusalem vào ngày gia đình Giuse-Maria mang con đến dâng cho Thiên Chúa và làm lễ thanh tẩy người mẹ sau sinh.

Ơn xin: Xin cho tôi hiểu được giá trị thời gian mà Chúa ban cho tôi sống trên dương thế này, để tôi biết dùng thời gian cách hữu hiệu để trưởng thành về mọi mặt.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Nữ ngôn sứ Anna (cc. 36-38)

Mời bạn tập trung vào lão niên Anna. Hãy cùng bà nhẩm tính về hành trình cuộc đời:

Tuổi thơ: 14-15 năm

Xuất giá: theo phong tục Do Thái thì khoảng 14-15 tuổi

Sống đời hôn nhân: 7 năm

Góa bụa: khoảng từ 22 tuổi đến 84 tuổi, vị chi khoảng 62 năm

Như vậy hầu hết thời gian cuộc đời bà là góa bụa. Phụ nữ góa bụa trong xã hội thời bấy giờ là trở nên vô giá trị! Tuy nhiên, trong sự khó khăn đó, bà “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa.”

Bà được ơn Thánh Thần để nhận ra hài nhi Giêsu là Đấng cứu độ. Hãy ngẫm xem vì sao bà có được ơn này? Bà mạnh dạn nói về Hài Nhi cho những ai đang trông chờ ơn cứu độ.

Mời bạn soi chiếu đời mình vào câu chuyện của bà Anna. Có điều gì tương tự? Bạn có hành xử tương tự như bà Anna trong hoàn cảnh khó khăn của đời mình?

2/ Đức Giêsu (cc. 39-40)

Tập trung nhìn ngắm trẻ Giêsu lớn lên từng ngày, học hỏi từng ngày, được chỉ dạy từng ngày.

Nhìn ngắm trẻ Giêsu lớn lên về từng chiều kích của con người: thể chất, trí tuệ, tinh thần và thiêng liêng.

Soi chiếu đời mình vào mẫu gương cuộc đời Chúa Giêsu để xem xét sự lớn lên của bản thân qua bốn chiều kích đó. Có chiều kích nào tôi chưa tập trung rèn luyện để phát triển?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những điều bạn cảm nhận trong bài cầu nguyện. Cảm tạ Ngài về món quà thời gian được dành cho đời bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

22/12/24

[Thắp sáng hang đá] 25/12/2024 – Hạt giống Giêsu

(Thực hiện vào tối thứ Sáu 24/12, hoặc trong ngày thứ Bảy 25/12)

Quy tụ cộng đoàn trước hang đá. Vòng nến đã thắp sẵn bốn cây nến.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), điều chúng ta chờ đợi từ lâu nay đã đến và xuất hiện trước mắt chúng ta. Mong cho lòng chúng ta mở ra để đón nhận hạt giống Giêsu – Ngôi Lời Nhập Thể vào trong mảnh đất tâm hồn mình.

Ngài đến, mang theo bình an cho những tâm hồn đang xao xuyến và lo âu giữa những biến động thời cuộc sống hiện tại, khi môi trường sống đang bị đe dọa bởi chiến tranh do lòng người hoang hóa, và nhiều tai ương do biến đổi khí hậu.

Giêsu mang đến Bình an cho Bêlem, bình an cho từng người đang hiện diện nơi đây, và bình an cho toàn thế giới và cả vũ trụ.

(Thinh lặng một chút)

Thắp sáng hang đá (mời một đại diện kiệu Chúa Hài Đồng đặt vào Hang đá và một người thắp lên ngọn nến Trắng-ngọn nến thứ V, và ánh sáng cho hang đá)

Trong lúc đó cộng đoàn cùng hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

3. Xin cho lòng chúng con như máng cỏ tỏa nồng hơi ấm. 
Nên nơi ngài náu thân khi xuống chân một đêm cô vắng.
Cho con được ủi an ai khóc than, ai khó khăn.
Giọt nước mắt sẽ nên nụ cười, và tiếng hát vang dậy trần gian.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 52,7-10

7Đẹp thay, trên đồi núi,

bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,

người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ,

và nói với Xi-on rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”

8Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi

cùng cất tiếng reo hò vang dậy;

họ sẽ được tận mắt thấy ĐỨC CHÚA đang trở về Xi-on.

9Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,

hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,

vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

10Trước mặt muôn dân,

ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người:

ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,

người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

Đó là Lời Chúa.

Suy niệm

Mời bạn nhìn ngắm Hài Nhi Giêsu – hạt giống Bình An – thứ bình an đến từ trời cao. Ngài ngự đây -giữa lòng bạn- để xây dựng lại tất cả những gì đang đổ nát. Ngài đến để lập lại bình an trong tâm hồn bạn. Ngài đến để thiết lập một nền hòa bình viên mãn, trong đó người muôn nước quy tụ lại cùng tôn thờ Một Chúa. Mọi thực hành tôn giáo được tự do để chuẩn bị lòng con người hướng về ơn cứu độ nơi đức Kitô, khi đau thương được nhìn nhận, khi tha thứ là một chọn lựa tự do.

Hòa bình không phải là một phép màu, mà là sự kiên tâm cầu khẩn và xây dựng mỗi ngày. Hiệp với đức Phanxicô trong thông điệp Tất cả là anh em, chúng ta cùng dâng lời thỉnh nguyện để xin ơn bình an (FT. 285):

(có thể thay phiên giọng đọc)

“Nhân danh Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi con người bình đẳng trong các quyền, các bổn phận và trong phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi mọi người sống với nhau như anh chị em, để lấp đầy trái đất này và cổ võ các giá trị của sự thiện, tình yêu và hòa bình;

Hát đáp hoặc đọc: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

“Nhân danh sự sống của những con người vô tội mà Thiên Chúa đã cấm giết hại, xác nhận rằng ai giết một con người thì giống như kẻ giết toàn thể nhân loại, và ai cứu sống một con người thì giống như kẻ cứu sống toàn thể nhân loại;

Hát đáp hoặc đọc: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

“Nhân danh những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị loại ra bên lề và những người túng quẫn nhất, họ là những người mà Thiên Chúa đã truyền dạy chúng ta phải giúp đỡ, như một bổn phận của tất cả mọi người, nhất là những người giàu và những ai có phương tiện;

Hát đáp hoặc đọc: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

“Nhân danh các cô nhi, quả phụ, những người tị nạn và những người phải rời bỏ quê hương đất nước của mình; nhân danh tất cả các nạn nhân của chiến tranh, của bách hại và bất công; nhân danh những người yếu thế, những người sống trong sợ hãi, các tù nhân chiến tranh và những người bị tra tấn ở bất cứ đâu trên thế giới, không phân biệt;

Hát đáp hoặc đọc: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

“Nhân danh các dân tộc đã đánh mất an ninh, hòa bình và khả năng sống với nhau, trở thành những nạn nhân của sự hủy diệt, thảm họa và chiến tranh;

Hát đáp hoặc đọc: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

“Nhân danh tình huynh đệ giữa con người, tình huynh đệ bao gồm hết mọi con người, kết hợp họ và làm cho họ bình đẳng;

Hát đáp hoặc đọc: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

“Nhân danh tình huynh đệ bị xé rách bởi các chính sách cực đoan và chia rẽ, bởi những hệ thống lợi ích vô độ hay bởi các khuynh hướng ý thức hệ thù hận đang dẫn dụ các hành động và phá hại tương lai của mọi người;

Hát đáp hoặc đọc: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

“Nhân danh sự tự do mà Thiên Chúa đã ban cho mọi con người, Ngài dựng nên họ với tự do, và làm cho họ có nét độc đáo riêng nhờ quà tặng này;

“Nhân danh công lý và lòng thương xót, là những nền tảng của sự thịnh vượng và là viên đá góc của đức tin;

Hát đáp hoặc đọc: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

“Nhân danh mọi người thiện chí đang hiện diện khắp nơi trên thế giới.

Hát đáp hoặc đọc: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.

(Chủ tọa) “Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh tất cả những gì nói trên, [chúng tôi] tuyên bố lấy văn hóa đối thoại làm con đường của mình; lấy sự hợp tác với nhau làm qui tắc ứng xử; và lấy sự cảm thông nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn của mình” để xây dựng một nền hòa bình đích thực dựa trên đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và là Vua Hòa bình, Người hiển trị đến muôn muôn đời.

Cộng đoàn: Amen.

Kết thúc

Hát bài Hang bêlem – Hải Linh và Minh Châu

ÐK. Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê - lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng. Nghe trên không trung tiếng hát Thiên thần vang lừng. Ðàn hát (réo rắt tiếng hát). Xướng ca (dư âm vang xa). Ðây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta. Người hỡi (hãy kíp bước tới). Ðến xem (nơi hang Bê - lem). Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn.

1. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê - lem Thiên thần xướng ca. Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa.

2. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê - lem chiên lừa thở hơi, tan giá đêm đông ấm thân Con Người

3. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê - lem mục đồng xúm quanh, ca hát vang lừng mến yêu chân thành.

4.Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần, Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Be-lem huy hoàng ánh sao, đưa lối Ba Vua phương Đông đến chầu.

5. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê - lem ta quì thiết tha xin Chúa nhân hiền xuống ơn chan hòa.

Hoặc Lắng nghe bài hát Đêm bình an – Lm. Ngô Duy Linh https://www.youtube.com/watch?v=VHQpdEXgNkw

Có thể hát bài we wish you a merry Christmas để chúc mừng Giáng sinh nhau trong Chúa: https://www.youtube.com/watch?v=gzF5hCjR5hA

Ảnh: Internet

20/12/24

[Thắp nến Mùa Vọng] 22/12/2024 – Hạt giống Bình an

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ cộng đoàn trước vòng nến Mùa vọng. Đã thắp sẵn ba cây nến.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta tiếp tục quy tụ nhau đây, trước Vòng nến Mùa vọng để chờ đón vị vua Bình an ngự đến trong lòng chúng ta lúc này, và trong giờ lâm tử của mỗi người.

Là những người mang niềm hy vọng, chúng ta mong chờ vị Vua Bình An ngự đến cách viên mãn để kiện toàn vũ trụ này, để đưa con người và vũ trụ vào trong Trời mới đất mới.

(Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Mikha – Mk 5, 1-4a

1Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,

ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,

từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện

một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.

Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.

2Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en

cho đến thời người sản phụ sinh con.

Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó

sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.

3Người sẽ dựa vào quyền lực ĐỨC CHÚA,

vào uy danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Người

mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,

vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.

Người sẽ chiến thắng Át-sua

4Chính Người sẽ đem lại hoà bình.

HD 1: Suy niệm

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), sống giữ bầu khí căng thẳng của các cuộc chiến kéo dài, và những căng thẳng giữa các quốc gia đang gia tăng, ai ai cũng cầu xin ơn bình an. Bình an nơi môi trường sống và bình an trong tâm hồn là điều con người mọi thời tìm kiếm. Hai loại bình an này tác động qua lại với nhau; nhưng khi môi trường sống không bình an thì chỉ có một tâm hồn bình an mới có thể mang lại trạng thái an ổn giữa sóng gió; bình an giữa những lo lắng, bình an vì biết có Chúa Bình An đang ở cùng.

Ngôn sứ Mikha hướng lòng những con người nhỏ bé đang lạc trôi giữa những đe dọa chiến tranh của đế quốc Át-sua, về một niềm hy vọng về vị vua Hòa Bình sẽ đến. Ngài xuất thân từ miền đất nhỏ bé là Bêlem. Ngài thuộc dòng tộc nhỏ bé là Ép-ra-im. Dựa vào quyền lực và uy danh ĐỨC CHÚA, Ngài sẽ đứng lên chăn dắt dân và mang lại bình an cho họ.

Con đường để xây dựng hòa bình cho thế giới hôm nay mời gọi mọi người cùng lao tác với nhau, bên cạnh nhau, để đạt được thiện ích chung. Để làm được điều đó, chúng ta hãy chân nhận khả năng của nhau, hãy san sẻ và phục vụ lẫn nhau. Khi có những khác biệt, hay đối thoại trong công lý, tha thứ và cùng nhau phát triển.

Chốn bình an là nơi bạn cảm thấy thật sự là nhà, cảm thấy thuộc về. Đó là nơi mà mọi người đều làm việc vì mục tiêu tốt. Nơi mà niềm vui và nỗi sầu được chia sẻ và cảm nhận chung. Hãy thiện tâm đàm phán để đi đến hòa bình chung. Hòa bình đích thực chất chứa sự khác biệt, chứ không phải là sự đồng hóa. Nghệ thuật xây dựng hòa bình bao gồm sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là những người yếu kém trong xã hội, trong một tập thể.

Như trong kinh nghiệm của chúng ta, mọi cộng đồng dù lớn hay nhỏ đều có những lúc bên này làm tổn thương bên kia. Hãy học tha thứ để tái tạo bình an. Quá trình này cần đến lòng chân thành. Tha thứ và yêu thương lại người đã làm mình tổn thương; không phải bằng cách dung túng những điều xấu, hoặc để cho họ tiếp tục làm điều tổn hại gây tổn thương. Công lý cần thiết cho cả bị hại và người làm hại, để cả đôi bên đều đạt được bình an.

Chúng ta cần ghi nhớ những vết thương đổ vỡ trong tương quan người với người, giữa các nhóm và các quốc gia, để nuôi dưỡng tình yêu hòa bình. Hãy xây dựng những tưởng đài kỷ niệm để giáo dục hòa bình. Hãy nói với nhau và với thế hệ tương lai rằng “Không bao giờ lặp lại chiến tranh”/War, never again.

Chúng ta hãy thinh lặng để cảm nếm mỗi đau chiến tranh và sự chia rẽ, đồng thời chiêm ngắm bình an đích thực mà Chúa mang đến. Xin cho chúng ta trở nên những hạt giống bình an.

(Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM cuối cùng.

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Thiên thần mang đến Bình an. Mong cho mỗi người chúng ta cảm nhận được bình an sâu thẳm trong tâm hồn mình, thứ bình an “không như thế gian ban tặng”, để mỗi người sẽ lan tỏa bình an này vào trong môi trường sống và làm việc của mình. Cùng mong cho chúng ta biết hợp tác với người khác để kiến tạo bình an cho xã hội.

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Kinh hòa bình của LM nhạc sĩ Kim Long

https://zingmp3.vn/bai-hat/Kinh-Hoa-Binh-Lm-Kim-Long/ZW678OFC.html

HD 1: Lạy Vua Hòa Bình, xin hãy đến và ban cho chúng con bình an của Ngài. Xin làm cho lòng chúng con mở ra để đón rước Ngài ngự vào. Xin cho bình an của Ngài chiếm trọn con người chúng con và biến chúng con thành khí cụ bình an của Chúa, để xây dựng một thế giới dựa trên công bằng, sự thật và tình yêu. Chúng con cầu xin nhờ danh Thánh Tử Giêsu là Chúa Bình An.

Cộng đoàn: Amen.

Ảnh: Internet.