Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

30/11/24

[Thắp nến Mùa Vọng] 1/12/2024 – Hạt giống hy vọng

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật tuần I Mùa Vọng)

Quy tụ cộng đoàn trước vòng nến Mùa vọng.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta quy tụ nhau đây, trước Vòng nến Mùa vọng để bắt đầu một Năm phụng vụ mới. Thêm một tuổi thiêng liêng, ước mong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa được thêm bền chặt.

Mùa Vọng là thời gian chúng ta mong chờ Chúa đến hôm nay và trong ngày chung cuộc, đồng thời hướng lòng đến biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể vào trong vũ trụ này để cùng với nó đi đến sự viên mãn và tiến vào Trời mới đất mới. (Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Giêrêmia – Gr 33,14-16

14Này, sẽ đến những ngày –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA– Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về nhà Giu-đa.

15Trong những ngày ấy, vào thời đó,
Ta sẽ cho mọc lên một mầm non,
một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít;
Người sẽ trị nước theo lẽ công bằng chính trực.

16Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát,
Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp.
Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành:
“ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta!”

Đó là Lời Chúa - Tạ ơn Chúa

HD 1: Suy niệm (đọc chậm rãi)

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), tuần thứ nhất mùa vọng gợi lên cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao. Ngôn sứ Giêrêmia loan báo niềm hy vọng này trong bối cảnh dân Do Thái và bản thân ngôn sứ đang bị lưu đày tại Babylon. Giữa cảnh khốn cùng thì tia hy vọng về một vị lãnh đạo Công Chính, về một đất nước được hướng dẫn trong lẽ công bằng chính trực được gởi đến cho họ.

Giữa cuộc sống nhiều khó khăn và đau khổ, Thiên Chúa gieo vào đó một hạt giống hy vọng và làm cho nó “mọc lên một mầm non”. Trong những tâm hồn còn bộn bề ngổn ngang vì những lo toan cuộc sống, Thiên Chúa cũng gieo vào đó một hạt giống hy vọng và làm cho nó “mọc lên một mầm non”. Đấng Tạo Hóa hằng gieo những hạt giống hy vọng, vì Ngài luôn tin vào sự tốt lành nơi trái tim con người, nơi ước muốn sâu thẳm muốn nên hoàn thiện của con người. Đây là niềm hy vọng rất chắc chắn.

Hãy ngẫm về những hạt giống hy vọng được gieo trong đời bạn. Hãy ngẫm về cách thức bạn trở nên hạt giống hy vọng cho người khác, và cho thế giới này.

(Thinh lặng một chút)


HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM đầu tiên.

Chúng ta cùng thắp lên ngọn nến đầu tiên là Cây nến Ngôn sứ mang đến Hy vọng.

Xin cho chúng ta trở nên người gieo những hạt giống hy vọng cho thế giới đang bị tàn phá bởi chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật do biến đổi khí hậu. Cùng xin cho chúng ta biết chủ động xây dựng một lối sống lành mạnh và phù hợp hơn với nhân phẩm con người.

 

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Khi cử hành cá nhân hoặc nhóm nhỏ, có thể nghe một trong các bản sau:

Hoặc nghe bài Tìm lại màu xanh của nhạc sĩ Thành Tâm

https://www.youtube.com/watch?v=iV1i_-UHuqo; https://www.youtube.com/watch?v=yPIIZhls7Sc

Hoặc bài Hy vọng đã vươn lên của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

https://www.youtube.com/watch?v=TaVjswMmJ5A

Người gieo mầm xanh: https://www.youtube.com/watch?v=sj_UDyfoo-A

HD 1: Lạy ‘Đấng Công Chính nối nghiệp Đa-vít’, xin Ngài ngự đến. Xin nhập thể vào vũ trụ đã được tạo dựng trong Ngài. Xin quản trị vũ trụ này theo lẽ công bằng chính trực. Xin giải thoát chúng con khỏi những chán nản, trầm cảm và tuyệt vọng. Xin ban cho chúng con niềm hy vọng vì có Chúa là thành bảo vệ chúng con. Ước gì chúng con không bao giờ tự đánh mất niềm hy vọng nơi bản thân, nơi người khác, và trong mọi môi trường đang bao bọc chúng con, từ tiểu vũ trụ cho đến đại vũ trụ. Chúng con cầu xin trong danh Đấng Công Chính nối nghiệp Đa-vít’, là Chúa chúng con.

Cộng đoàn: Amen.


28/11/24

Thứ Sáu TN.XXXIV: Lời Chúa vững bền (Lc 21,29-33)

29Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: “Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác. 30Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. 31Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 32Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. 33Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy các môn đệ đọc dấu chỉ để sẵn sàng cho ngày chung cuộc.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn biết sống khôn ngoan để biện phân mọi phương tiện đời tạm này và đặt niềm tin vào sống theo Lời Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Phân định và ứng dụng (cc. 29-31)

Mọi sự trong thế giới này vẫn cứ tiếp diễn. Ngày xưa người ta bị bó hẹp vào trong những tiếp xúc quen thuộc đến mức nhàm chán. Ngày nay mọi thông tin được truyền đi quá nhanh và quá nhiều đến mức người ta bị loạn thông tin, nhiễu thông tin, mệt nhoài với thông tin, và đôi khi lãnh đạm với thông tin.

Tiếp nhận, sàng lọc, nghiền ngẫm, hiểu được thông điệp của những gì đang diễn ra quanh bạn và từ những nơi rất xa là nhiệm vụ khó khăn trong thế giới ngày nay.

Bạn có thái độ nào với những thông tin đến với bạn, với những gì đang diễn ra quanh bạn? Bạn đọc được thông điệp gì? Bạn làm cách nào để biện phân những thông tin này? Bạn có rút tỉa được những bài học khôn ngoan? Bạn có đọc được những sứ điệp Chúa đang gởi đến bạn cách kín ẩn? Bạn có nhận ra sự hiện diện kín ẩn của Nước Thiên Chúa?

Dành thời gian chuyện trò cùng Chúa Giêsu về điều này.

2/ Lời Chúa vững bền (cc. 32-33)

Mời bạn dành thời gian để nhìn lại cái nhìn của mình với Lời Chúa? Với Ngôi Lời – Đấng đến trần thế để nói với bạn về Thiên Chúa bằng chính ngôn ngữ và cách thế bạn có thể tiếp nhận được.

Bạn có từng chọn cho mình một câu tâm niệm? Nếu có, câu đó có nguồn gốc từ đâu? Liệu bạn có muốn chọn một câu Lời Chúa để tâm niệm?

Kết nguyện

Trong ngày áp cuối năm phụng vụ, mời bạn duyệt xét năm sống của mình dựa trên Lời Chúa hôm nay, và thân thưa với Chúa Giêsu.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

14/11/24

Thứ Sáu TN.XXXII: Sự khác biệt (Lc 17,26-37)

26“Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. 27Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả. 28Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. 29Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. 30Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.

31“Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. 32Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. 33Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. 34Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 35Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 36Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” 37Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy khôn ngoan cho các môn đệ về sự sẵn sàng cho ngày chung cuộc qua lối nói dụ ngôn.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn biết sống khôn ngoan để biện phân mọi phương tiện đời tạm này và biết cách vận dụng chúng hầu đạt được đích đến là chính Chúa và hạnh phúc viên mãn bên Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Chọn hành động khác biệt (cc. 26-30)

Sự khôn ngoan Thiên Chúa ban cho con người giúp cho con người biết suy ngẫm về cuộc đời, và rút tỉa những bài học khôn ngoan từ câu chuyện của những người đi trước. Lối nói ám chỉ và dùng điển tích là đặc trưng của văn hóa Trung Hoa cổ. Một số nhân vật thời trước đó đã được người thời sau suy ngẫm và biến thành ngôn ngữ biểu tượng. [Ví dụ: người ta đồng hóa Tào Tháo với sự đa nghi] Lối vận dụng điển tích khuyến khích lối suy nghĩ sâu, hiểu biết rộng để sống khôn ngoan.

Chúa Giêsu cũng dùng điển tích về ông Nô-ê và ông Lót để nói với thế hệ của Ngài (và với chúng ta hôm nay) về một thời tương lai vô định nhưng chắc chắn sẽ xảy ra: Ngày của Con Người/ngày tận thế.

Sự thể trần thế là “27Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả”, “28Trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất.” – Thời đại của chúng ta, và có lẽ vẫn mãi tiếp tục trong nhiều thời đại kế tiếp, thiên hạ vẫn mải mê ăn uống, mua sắm, trồng trọt, xây cất, cưới vợ lấy chồng… cho đến cái ngày mà họ không mong đợi. Suy nghĩ về kết quả cuối cùng của mọi điều họ đã và đang “mải mê” dấn thân vào.

Mời bạn chiêm ngắm và suy ngẫm về chọn lựa của hai con người: ông Nô-ê và ông Lót. Họ sống trong cùng một xã hội. Họ vẫn thực hiện những hoạt động sống mỗi ngày. Tuy nhiên họ có một chọn lựa hành động khác: chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra.

Áp dụng bản thân: Suy nghĩ về cuộc sống của bạn, các chọn lựa và hoạt động của bạn đang hướng về điều gì? Thân thưa với Chúa Giêsu về điều đó.

2/ Chọn sống khác biệt (cc. 31-37)

Mang thân xác, chúng ta thuộc về một xã hội/cộng đồng, một hệ thống văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo… Bạn và tôi vẫn cần thực hiện các hoạt động sống trong một hệ thống bao quanh chúng ta. Để sống khôn ngoan, để sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (x. Ga 17,154.16), Chúa Giêsu dạy ta đôi điều sau. Mời bạn dành thời gian suy ngẫm, làm chọn lựa và cầu nguyện cùng Chúa.

+ Điển tích vợ ông Lót và lối nói “đang ở trên sân thượng”, “đang ở ngoài đồng” (cc. 31-32): sở hữu và sử dụng tất cả nhưng lại không dính bén điều gì – thái độ tự do với mọi của cải vật chất. Hệ quả là “33Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống.”

+ cc. 34-36: Đức Giêsu dùng hình ảnh hai người đang ở cùng một nơi, làm cùng một điều mà nhìn từ bên ngoài thì rất giống nhau, nhưng kết quả khác nhau: “một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” Ngài dùng lối nói nhấn mạnh: nhắc đến 3 lần cùng một nội dung. – Hãy suy ngẫm xem điều gì đã tạo nên kết quả khác biệt này, rồi áp dụng cho bản thân mình.

+ 37Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.” – Bạn có đang nghĩ rằng điều đức Giêsu nói là về và cho những người khác mà không nhắm vào bạn? – Bạn hiểu và áp dụng câu này “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó” thế nào?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những tâm tình hoặc hiểu biết của bạn qua giờ cầu nguyện.

Nài xin Chua Giêsu ban cho bạn ơn khôn ngoan để biết làm những chọn lựa trong đời giúp tạo nên sự khác biệt ở kết quả cuối cùng.

Tạ ơn Chúa Cha bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

8/11/24

Thứ Sáu TN.XXXI: Hành động khôn khéo (Lc 16,1-8)

1Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ 3Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’

5“Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ 6Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ 7Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’

8“Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy khôn ngoan cho các môn đệ qua chuyện dụ ngôn người quản lý bất chính.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn biết sống khôn ngoan khi sử dụng mọi phương tiện đời tạm này hầu đạt được đích đến là chính Chúa và hạnh phúc viên mãn bên Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đọc bản văn

Mời bạn đọc câu chuyện dụ ngôn vài lần cách chậm rãi. Nhớ đến diễn biến câu chuyện, và cách đức Giêsu dùng từ ngữ khi nói về người quản gia này.

2/ Những ví dụ đời thường

Câu chuyện dụ ngôn này gợi lên trong bạn về những câu chuyện làm ăn và cách cư xử nào nơi những người chung quanh bạn, và cả nơi chính bạn?

Bạn nghĩ gì về những cách thức làm ăn sinh lợi bất chính? Có bao giờ lương tâm bạn bị trả giá khi làm ăn sinh sống trong một hệ thống kinh tế đầy cạnh tranh? Bạn muốn thưa chuyện với Chúa Giêsu thế nào?

3/ Bài học khôn ngoan


Có một huyền nhiệm về những gì đang diễn ra trong ta và quanh ta:

+ Tôi chỉ là một “quản gia” trong mọi sự: về thời gian, sức khỏe, tài năng, tài quản trị, sáng kiến, ý chí, khả năng chọn lựa, các mối tương quan, mọi nguồn lực vật chất, môi trường sinh thái… Tôi không phải là chủ nhân của chính mình, trên người khác hay trên vạn vật. Liệu tôi có chấp nhận sự thật này và hành xử theo đúng vai trò?

+ Có một quyền lớn lao dành cho người quản gia: Họ có đầy đủ quyền để hành xử tự do trên gia tài của chủ trong thời gian đương nhiệm như trong quan niệm thời xưa về chức vụ này. Thiên Chúa dành cho bạn quyền đó. Bạn đang sử dụng nó thế nào?

+ Có một bí mật về thời lượng tôi được làm quản gia của Ngài. Liệu tôi có biết hành xử cách khôn khéo để tận dụng mọi tài sản của Chủ để sinh lợi cho tôi, cho người khác và cho mọi loài? Điều này liên quan đến cách ta làm các chọn lựa trong đời mình sao cho sinh ích lợi vật chất, tinh thần, và thiêng liêng trước mặt Chúa.

Kết nguyện

Nài xin Chúa ban ơn khôn ngoan để bạn biết cách hành xử khôn khéo khi được làm quản gia của Ngài trong “mấy mươi năm cuộc đời” này.

Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng cho bạn làm quản gia của Ngài bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

31/10/24

[1/11 Lễ các Thánh Nam Nữ] Bảng Giá Trị Nước Trời (Mt 5,1-12a)

1Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2Người mở miệng dạy họ rằng:

3“Phúc thay ai

có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ.

4Phúc thay ai hiền lành,

vì họ sẽ được Đất Hứa

làm gia nghiệp.

5Phúc thay ai sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6Phúc thay ai

khát khao nên người công chính,

vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

7Phúc thay ai xót thương người,

vì họ sẽ được

Thiên Chúa xót thương.

8Phúc thay ai

có tâm hồn trong sạch,

vì họ sẽ được

nhìn thấy Thiên Chúa.

9Phúc thay ai xây dựng hoà bình,

vì họ sẽ được gọi

là con Thiên Chúa.

10Phúc thay ai

bị bách hại vì sống công chính,

vì Nước Trời là của họ.

11Phúc thay anh em

khi vì Thầy

mà bị người ta sỉ vả, bách hại

và vu khống đủ điều xấu xa.

12Anh em hãy vui mừng hớn hở,

vì phần thưởng dành cho anh em

ở trên trời thật lớn lao.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đưa ra bảng giá trị Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật.
  • Ơn xin: Xin các Thánh Nam Nữ chuyển cầu cho tôi có được đôi mắt tinh khôi để nhìn ra những giá trị đích thật của Nước Trời để tôi xác tín và chọn lựa chúng ngay khi còn đang sống trong thế giới này.
  • Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời Kinh [Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập], mục 2.

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Chia sẻ niềm vui của các Thánh

Bạn hãy đặt mình trước tôn nhan Ba Ngôi Thiên Chúa, có các thiên thần tung hô ca hát, có các Thánh Nam Nữ tầng tầng lớp lớp đang hạnh phúc tròn đầy trong Nước Thiên Chúa.

Cầu xin các Ngài chuyển cầu để bạn cảm nghiệm được niềm hạnh phúc của họ lúc này.

Nhớ đến câu chuyện về cuộc đời của những vị thánh mà bạn biết.

Nhìn ngắm họ đông vô số kể, hầu hết các Thánh bạn không biết tên, không biết câu chuyện cuộc đời họ… Tất cả đều tinh trắng, hạnh phúc trước nhan Thiên Chúa.

2/ Con đường nên thánh

Bạn cho phép mình làm quen và hỏi chuyện với một số vị thánh bạn chưa quen biết để nghe họ kể về hành trình cuộc đời của họ.

Bạn cũng có thể nhớ về những vị thánh mà bạn biết.

Hãy xem họ được sống những giá trị nào trong bảng Tám Mối Phúc Thật.

Chuyện trò cùng các Ngài để khám phá sâu hơn về cách thức họ đã sống các giá trị đó. Xin với các Ngài để họ chuyển cầu cho bạn ơn chọn lựa các giá trị đích thực được đức Giêsu trình bày trong Tám Mối Phúc Thật.

3/ Con đường nên thánh của tôi

Bạn dành thời gian để suy ngẫm từng giá trị một trong bảng Tám Mối Phúc Thật. Hãy suy xét chúng trong mức độ giá trị xã hội, nhân bản, thiêng liêng.

Đặt mình trước Ngai tòa Thiên Chúa, trước toàn thể các Thánh Nam Nữ, các thiên thần của Chúa để suy xét và chọn lựa (những) giá trị trong Tám Mối Phúc Thật mà tôi muốn theo đuổi trong đời mình. Đó chính là con đường nên thánh của bạn.

Cùng với Các Thánh, hãy lên kế hoạch cụ thể để sống (những) giá trị này.

Kết nguyện

Thân thưa với Các Thánh về khao khát nên hoàn thiện của bạn.

Nài xin các Ngài chuyển cầu cho bạn. Bạn có thể nghe bản Kinh cầu các Thánh để xin ơn này: https://www.youtube.com/watch?v=AkFnetid_Q4

Dâng một Kinh Lạy Cha để tạ ơn Ba Ngôi Thiên Chúa đã chia sẻ sự thánh thiện của Ngài cho nhân loại.

Ảnh: Internet.

10/10/24

Thứ sáu TN.XXVII: Đấng mạnh hơn (Lc 11,15-22)

“Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. 15Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” 16Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. 17Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. 18Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?... bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. 19Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. 20Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. 21Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. 22Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.

23“Ai không đi với tôi là chống lại tôi i, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.

24“Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.’ 25Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. 26Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước.”

 

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: “Bấy giờ Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. (Lc 11,14)

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn biết phân biệt phải trái, và ơn phân định thiêng liêng hầu có thể hành xử như những con cái của Thiên Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Cố chấp (cc. 14-16)

Có nhiều người chứng kiến việc đức Giêsu trừ một tên quỷ câm xuất ra khỏi một người. Nhiều người trong số họ công nhận điều ấy. Họ ngạc nhiên. Họ ca tụng Chúa. Họ mừng cho nạn nhân.

Một số người có ý nghĩ khác và cho rằng “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” 

Một số người muốn thử xem đức Giêsu thật sự có quyền năng hay không nên đòi một dấu lạ khác.

Mời bạn ngẫm nghiệm về lý do sâu xa bên trong từng nhóm người, và xem mình thuộc về nhóm người nào. Đoạn thân thưa với Chúa Giêsu về điều đó.

2/ Trực diện (cc. 17-20)

Đức Giêsu đối diện thẳng vào vấn đề họ đặt ra. Ngài biết tư tưởng của họ. Ngài nói thẳng để chỉ ra sự vô lý trong ý nghĩ của họ: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?” (cc. 17-18)

Ngài trực tiếp chất vấn họ: “Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ?” (c. 19)

Ngài chỉ ra một biện chứng: “Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (c. 20)

Mời bạn suy ngẫm trước Chúa về cách thức bạn đối diện với các vấn đề xảy ra. Bạn xử lý vấn đề dựa trên những gì diễn ra trước mắt, hay bằng những lý do/động cơ bên trong đưa đến hành vi bên ngoài? Đoạn thân thưa với Chúa Giêsu về điều này.

3/ Đấng mạnh hơn (cc. 21-26)

Đức Giêsu lại dùng lối nói dụ ngôn để dạy bài học cho người chất vấn Ngài. Mời bạn đọc và tìm hiểu nghĩa ám chỉ của câu chuyện.

Thánh Inhaxio Loyola nói về “kẻ thù của bản tính loài người”. Satan không phải là đối thủ của Thiên Chúa, mà là đối thủ của con người. Bạn có thể cảm nghiệm sự giằng xé trong mình để quyết định nghiêng về phía Thiên Chúa hay về phía Sự Dữ.

Tự hỏi: Liệu tôi có tin rằng Thiên Chúa là “Đấng mạnh hơn”? Hãy nói với Chúa Giêsu về những kinh nghiệm cụ thể của bạn về điều này (nếu có); hoặc xin ơn củng cố đức tin.

Nếu bạn tin vào Đấng mạnh hơn, thì hãy suy xét hai điều cần sau:

-       Cần một chọn lựa đi theo và cộng tác tuyệt đối, không sống đời Kitô hữu nửa vời, hoặc Kitô hữu tốt đủ: chẳng làm hại ai nhưng chẳng sinh ích lợi cho ai.

-       Không chểnh mảng trong việc rèn luyện bản thân và thực hành thiêng liêng, kẻo tình trạng sau đó còn tệ hơn trước do bị Sự Dữ phản công.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Chúa Giêsu về những gì bạn cảm nghiệm được qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

 

30/9/24

[1/10 Lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu] Nên như trẻ nhỏ (Mt 18,1-5)

1Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” 2Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

4“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

5“Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi có tâm hồn trẻ thơ trong tương quan với Thiên Chúa là người Cha yêu thương; và biết đón tiếp những người yếu kém vì họ cùng là con một Cha trên trời.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Nên như trẻ thơ (cc. 1-2)

Hãy ngẫm nghĩ về đặc tính trẻ thơ và lý do Thiên Chúa yêu thích trẻ thơ đến nỗi Ngài lấy đó làm điều kiện để được vào Nước Trời.

Khi lên 14 tuổi, vào đêm Giáng Sinh năm ấy, Têrêsa được ơn để bỏ đi tất cả những gì là con nít của mình: hay hờn khóc vì chỉ biết nghĩ đến mình, để bước qua ước muốn của người trưởng thành: luôn làm mọi sự đẹp lòng Chúa và giúp ích cho tha nhân.

Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan: Đó là tên Têrêsa được đặt khi gia nhập Dòng. Tên gọi đó chứa đựng một tâm hồn trẻ thơ trong một con người trưởng thành. Thánh Têrêsa tương quan với Thiên Chúa như một người con nhỏ hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu và lòng thương xót của Ngài; đồng thời thánh nữ yêu mến việc chiêm ngắm mầu nhiệm đau khổ vì yêu thương quan Dung Nhan của Chúa Giêsu trong cuộc Khổ nạn. Đó phải là cái nhìn của một người trưởng thành biết yêu thương và chọn lựa hy sinh vì yêu thương.

Hãy cầu xin với Thánh nữ để bạn có được tâm hồn trẻ thơ trong một con người trưởng thành.

2/ Nghịch lý trong Nước Trời (c. 3)

Tự hạ, coi mình là em nhỏ thì lại là “kẻ lớn” trong Nước Trời. Mời bạn suy ngẫm về thang đo lường đảo ngược này.

Lời này có thể áp dụng vào trường hợp chính Chúa Giêsu.

Mời bạn nhìn vào bản thân để suy xét về sự khiêm hạ nơi mình, đoạn thân thưa với Chúa Giêsu và chị Thánh.

3/ Chúa Giêsu yêu thương trẻ nhỏ (c. 4)

Ngài yêu đến nỗi đồng hóa mình với trẻ nhỏ.

Nếu bạn trở nên như trẻ thơ, đức Giêsu sẽ đồng hóa Ngài với bạn.

Hãy dành thời gian để cảm nghiệm điều này.

Kết nguyện

Với tâm hồn trẻ thơ, hãy hướng về Chúa là Cha yêu thương và thân thưa với Ngài bằng Kinh Lạy Cha hoặc bất cứ tâm tình nào bạn muốn thân thưa với Ngài.

Ảnh: Internet.

26/9/24

Thứ sáu TN.XXV: Câu hỏi về căn tính (Lc 9,18-22)

18Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” 19Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

22Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu hỏi riêng các môn đệ về cái nhìn và tương quan của họ dành cho Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn nhận biết căn tính của bản thân, căn tính của Chúa Giêsu, để tôi được đi vào mối tương quan đích thực với Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Người ta nói tôi là ai? (cc. 18-19)

Một người có thể tỏ lộ chính mình bằng lời nói, việc làm, cử chỉ, thái độ, cách thế hiện diện, “dạng hình ý thức” và sóng.

Người khác tiếp nhận các thông tin về bạn qua “bộ lọc” họ có qua kinh nghiệm, kiến thức, kiểu người, quan điểm riêng của họ.

Dừng lại trước Chúa, bạn xét xem mức độ thành tâm tỏ lộ bản thân của mình, và mức độ tiếp nhận và hiểu của người khác về bạn. Nó trùng khớp hay chênh lệch? Ở mức độ nào? Hãy nói với Chúa Giêsu về điều này.

Trong lãnh vực đức tin, đâu là những nguồn đã dạy bạn về Thiên Chúa? Họ nói/diễn tả về Thiên Chúa cho bạn thế nào? Bạn đánh giá gì về cái nhìn của họ về Thiên Chúa?

2/ Bạn nói tôi là ai? (cc. 20-21)

Bước sang lãnh vực đức tin cá nhân, “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Bạn thấy Thiên Chúa tỏ lộ chính Ngài cho bạn thế nào? Bạn có kinh nghiệm gì về Ngài? Bạn gọi Ngài bằng những danh xưng nào? Điều đó nói gì về mối tương quan của bạn với Thiên Chúa/với từng Ngôi Vị Thiên Chúa?

3/ Tôi là ai? (c. 22)

Bé lên 3 bắt đầu thử nghiệm tách mình ra khỏi cha mẹ và người khác khi nói “không”. Tuổi vị thành niên thử nghiệm để xác định bản thân bằng nhiều hoạt động khác nhau, và cũng thích “nói ngược” với người lớn. Càng lớn, với thực tế mài giũa, ta biết về mình cách đúng đắn hơn. Quá trình này kéo dài mãi đến tận cuối đời. Bạn dành thời gian để nhìn lại hành trình xác lập bản thân và thân thưa với Chúa về điều đó: Thưa Chúa, con là…… con thấy mình……

Những yêu cầu, những hoạt động bên ngoài, một mặt giúp ta biết mình; nhưng cũng có khi làm ta mất mình. Ví dụ, khi ta quá chạy theo những cuộc thi đua để có những giải/những thành tích cao hơn cũng có thể làm ta không còn thời gian để hỏi mình: Tôi là ai? Tôi đang làm gì? Tại sao tôi làm điều đó? Cho mục đích gì?... Mời bạn dành chút thời gian để đánh giá các hoạt động mình chọn làm, các mục tiêu mình đang hướng tới xem chúng đang giúp hay đang ngăn cản bạn xác lập bản thân.

Căn tính một người bao gồm nhiều khía cạnh: thể chất, tinh thần, thiêng liêng, ý nghĩa sống, văn hóa, truyền thống… Hãy nhìn ngắm mình trong từng khía cạnh. Bạn thấy gì? Bạn khao khát gì?

“Sinh ra như một bản thể, đừng chết như một bản sao.”
-Chân phước Carlo Acutis-

Đức Giêsu bộc lộ căn tính của mình qua cách nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Bạn cảm hiểu gì về căn tính của Ngài qua sự bộc lộ này?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về căn tính của bạn, về cái hiểu biết của bạn về căn tính của Ngài. Xác lập mối tương quan với Ngài.

Kết nguyện bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

19/9/24

Thứ Sáu TN.XXIV: Tấm lòng phụ nữ (Lc 8,1-3)

1Sau đó, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2avà mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. 2bĐó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Cuộc hành trình rao giảng đó đây của nhóm đức Giêsu, các môn đệ và các phụ nữ đi theo để giúp đỡ các Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra vẻ đẹp của nhiều phẩm hạnh được phú ban cho người nữ, để tôi biết ơn và khao khát sống các phẩm hạnh cao quý này.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Tấm lòng đức Giêsu (cc. 1-2a)

Suy ngẫm về việc đức Giêsu đã tuyển chọn Mười Hai tông đồ. Ngài mang theo họ bên mình để huấn luyện họ trong thực tế.

Rong ruổi đi giảng dạy và chữa lành khắp nơi, Ngài đón nhận sự đồng hành và hỗ trợ của các phụ nữ - Hãy suy ngẫm về hiện tượng lạ thường này, vào thời đại mà phẩm giá nữ giới chưa được nhìn nhận thì đức Giêsu đã hành xử các khác thường.

Đức Giêsu đã làm phúc cho những người phụ nữ này bằng việc chữa lành bệnh thể lý và tinh thần. Mời bạn nhớ lại những ân huệ chữa lành mà Thiên Chúa dành cho bạn.

Thân thưa với Chúa về phẩm giá con người, và về chính bạn dưới cái nhìn của Thiên Chúa.

2/ Tấm lòng các phụ nữ (cc. 2b-3)

Mời bạn đọc tên của những người phụ nữ được kể ra ở đây. Nhớ đến câu chuyện đời tư của họ và hành trình đi theo Chúa Giêsu của họ. Cũng nhớ đến bản thân bạn và hành trình tìm kiếm và bước theo Chúa.

“nhiều phụ nữ khác” không được kể tên ra đây. Họ là những người phục vụ âm thầm mà chẳng bận tâm đến việc được nhận biết.

Thánh Luca viết “Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.” – bạn có thể nghĩ tới của cải vật chất là điều cần thiết cho nhóm thầy trò rong ruổi này; nhưng có lẽ họ còn chia sẻ cả những của cải tinh thần.

Hãy nhớ đến những phụ nữ đã hiện diện trong đời bạn. Ai là những người đã dưỡng dục bạn từ thể chất đến tinh thần? Cám ơn, xin lỗi, và cầu nguyện cho họ.

3/ Tính nữ

Trong nhiều ngôn ngữ có phân chia giống đực giống cái, hầu hết các phẩm hạnh như nhu mì, kiên nhẫn, bác ái, từ tâm, khoan nhân… đều được quy định là giống cái. Tính âm mang nét thầm lặng, hy sinh, đón nhận, quảng đại…

Trong Kinh Thánh, ngoài hình ảnh Thiên Chúa Dũng Mãnh, Quyền Năng, Toàn Tri… thì vẫn ẩn giấu hình ảnh Thiên Chúa là người Mẹ sinh con (Is 42,14; Xh 32,18), chăm sóc con (Is 49,15; 66,13; Sh 32,11-12), dạy con bước đi (Hs 11,3), che chở con như gà mẹ (Mt 23,37). Lòng thương xót của Thiên Chúa được mô tả là Hesed (tử cung phụ nữ).

Nếu là nữ, bạn hãy tìm kiếm những phẩm hạnh đã được ban cho và bạn đã rèn luyện chúng trong đời thế nào. Nếu là nam, bạn hãy nhớ đến những phẩm hạnh của những người phụ nữ trong đời mình. Hãy tạ ơn Chúa vì những phẩm tính tốt đẹp này đã được Ngài ưu ái ban cho giới nữ cách dồi dào. (Tất nhiên những người nam luyện tập nhân đức vẫn có những phẩm hạnh này – nhưng nơi người nữ có phần được phú bẩm tự nhiên hơn).

Kết nguyện

Tạ ơn Chúa vì những điều tốt lành bạn nhận được qua những phụ nữ trong đời mình. Tạ ơn Chúa vì Ngài phú bẩm nhiều nhân đức tự nhiên cho phụ nữ. Xin ơn để sống đẹp như Chúa mong ước.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

 

16/9/24

Thứ ba TN.XXIV: Đấng Ban Sự Sống (Lc 7,11-17)

11Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-im, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12Đức Giê-su đến gần cửa thành đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” 14Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 15Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ16Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” 17Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu cho người thanh niên là con trai duy nhất của bà góa được sống lại.

Ơn xin: Xin cho tôi có được những cơ hội được chính Chúa chạm đến để làm sống lại những gì đa chết hoặc mất sức sống nơi tôi; để tôi sống cuộc đời mới với Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Cuộc tiếp chạm mang lại sự sống (c. 11-15)

Mời bạn dành thời gian để chiêm ngắm sự di chuyển của đức Giêsu, các môn đệ và đám người rất đông đang tiến vào thành Na-in. Mường tượng sự vui vẻ, hăng hái, ồn ào của đoàn người. Họ đu bám, rong ruổi với đức Giêsu để được nghe Lời Ngài.

Hãy ngước mắt lên, hãy gióng tai nghe tiếng kèn, tiếng khóc của một nhóm đông người trong thành đi ra. Họ đã ra đến cửa thành. Họ đang khiêng một người thanh niên đi chôn cất…

Nhìn ngắm cuộc tiếp chạm của hai nhóm người tại cổng thành. Nhìn ngắm đức Giêsu. Xem cách Ngài nhìn, nghe, cảm nhận… Quan sát cách Ngài phản ứng, dành thời gian để cảm nếm từng chuyển động trong lòng Ngài:

+ Ngài cất tiếng nói với người mẹ góa đang khóc lóc thảm thiết: “Bà đừng khóc nữa!” 

+ Ngài tiến đến, chạm vào quan tài. Những người khiêng dừng lại.

+ Ngài nói với người chết: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” 

Chiêm ngắm cuộc trở lại với sự sống của anh thanh niên.

Đức Giêsu trao anh lại cho người mẹ.

Áp dụng bản thân:

+ Bạn có những cơ hội nào được Thiên Chúa chạm đến để ban lại niềm vui, ban lại sự sống? Tái hiện lại điều đó để cảm nghiệm sâu hơn tình yêu chăm sóc của Thiên Chúa dành cho đời bạn.

+ Nếu bạn đang cảm thấy mình sống mà như chết, thiếu động lực và chán chường, cảm thấy tẻ nhạt, hãy để đức Giêsu chạm đến bạn và ‘phục sinh”/ “phục hồi” bạn.

2/ Nhận ra Đấng ban sự sống (cc. 16-17)

Sắm vai những người đang bước đi cùng đức Giêsu, hoặc những người trong đoàn đưa tang để chứng kiến phép lạ cả thể ấy. Hãy xin ơn để bạn được nhận ra Đấng Ban Sự Sống là đức Giêsu. Hãy dành thời gian để ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa vì Ngài đã thương cứu giúp nhân loại như vậy.

Kết nguyện

Thân thưa với Đấng Ban Sự Sống về những gì bạn được mời gọi để thưa với Ngài.

Tạ ơn Chúa Cha bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet