Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

18/7/24

Thứ sáu TN.XV: Cái nhìn mới (Mt 12,1-8)

1Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” 3Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? 4Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? 6Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Chúa Thánh Thần.

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ đi qua cánh đồng lúa khi các ông đang đói.

·       Ơn xin: Xin cho tôi có được đôi mắt của Chúa để tôi có thể nhìn thấy ý nghĩa sau những hiện tượng bên ngoài, và để tôi có lòng nhân từ như Chúa Giêsu.

·       Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét].

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Hiện tượng (cc. 1-2)

Nhìn thấy các môn đệ đức Giêsu bứt lúa trên cánh đồng họ đang đi ngang qua, vò sát trong tay, và ăn trong ngày Sabat.

Điều chưa thấy: “họ đang đói”.

Phản ứng nhanh với đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!”

Đặt mình trước lương tâm ngay thẳng và trước Thiên Chúa, hãy tự vấn lòng mình về cách thức bản thân đã tiếp nhận thông tin, suy nghĩ, nói và hành động thế nào trước những hiện tượng/sự việc xảy ra.

2/ Đọc ý nghĩa (cc. 3-6)

Để giúp những người đang phản ứng kiểu kết án, đức Giêsu kể cho họ hai câu chuyện và mời họ tự sự ngẫm thêm; mong rằng họ sẽ nhận ra “Đấng lớn hơn” đang hiện diện trước họ.

Hồi tâm xét mình là cách thực hành giúp ta đến gần hơn với cảm nghĩ chiều sâu, và đến gần hơn với chân lý.

Với lương tâm ngay thẳng, mời bạn tự vấn về ít nhất một điều gì đó mà bạn đã có thể phán đoán/phán xét sai.

3/ Cái nhìn mới (cc. 7-8)

Để có cái nhìn mới, cần có “cái tâm” mới là LÒNG NHÂN, và nhận ra vị thế của Thiên Chúa trên mọi sự.

Hãy tự vấn bản thân về gốc rễ tạo nên cái nhìn mới này.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về hiện trạng bản thân, và xin ơn được đổi mới cái nhìn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

11/7/24

Thứ sáu TN.XIV: Nói trong Thần Khí (Mt 10,16-23)

16Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.

17“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

21“Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

23“Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Chúa Thánh Thần.

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ.

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn can đảm để sống và làm theo điều Chúa mời gọi, dù gặp những cản trở hoặc bị bách hại.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm].

Gợi điểm cầu nguyện

Phân chia bản văn: cấu trúc đồng tâm.

A: Tiên báo (c. 16)

B: Bị người đời chống đối (cc. 17-18)

      C: Đừng lo phải nói thế nào (cc. 19-20)

B’: Bị người thân chống đối (c. 21)

A’: Lời hứa (cc. 22-23)

1/ Thiên Chúa bảo đảm cho (cc. 16.22-23)

Mời bạn suy ngẫm về con đường làm môn đệ đức Giêsu trước khi bước vào: “chiên đi vào giữa bầy sói”; và xin ơn để được “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.

Giữ vững niềm tin vào lời Thiên Chúa bảo đảm chiến thắng cuối cùng dành cho những môn đệ “bền chí đến cùng”.

2/ Đối diện thực tế (cc. 17-18.21)

+ Đối diện với sự chống đối của “người đời” – bị bắt bớ và tra khảo.

+ Chấp nhận bị chính người thân chống đối, thậm chí làm cho bạn phải chết. Giá trị hiếu thảo và mối tương quan gia đình là quan trọng và tốt đẹp; nhưng khi phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những mối tương quan gia đình – những tương quan tạm thời – thì hãy can đảm chọn Thiên Chúa. Hãy xin ơn để bạn làm được điều này.

3/ Nói trong Thần Khí (cc. 19-20)

Theo cấu trúc đồng tâm, đây là tâm điểm. Nền tảng để người môn đệ có thể thực hiện được chọn lựa và trải qua hành trình đầy chống đối là niềm tin rằng: không phải tự sức tôi tài giỏi, mà là chính Thần Khí ở trong tôi đã làm tất cả những điều kỳ diệu.

Lời hứa duy nhất Đức Chúa dành cho các ngôn sứ là “Có Ta ở với ngươi.”


Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những chọn lựa khó trong câu chuyện đời bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha để “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi Sự Dữ.”

Ảnh: Internet

5/7/24

Thứ sáu TN.XI: Định hướng (Mt 6,19-23)

19“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. 20Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. 21Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

22“Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. 23Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – Xin ơn Chúa Thánh Thần.

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng trong bài giảng trên núi.

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết những điều Chúa dạy ở tầm mức là con Thiên Chúa, để tôi biết sống và hành xử khôn ngoan như con cái Sự Sáng ngay giữa lòng đời hôm nay.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm].

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Kho tàng ở đâu? (cc. 19-21)

Kho tàng là điều gì đó mà tôi cho là có giá trị. Có nhiều điều được xem là quý giá: của cải vật chất, danh tiếng, học vị, tình yêu, sức khỏe, trường thọ, được thỏa mãn đam mê… Có những “kho tàng” mau qua như một bữa ăn thịnh soạn; có những “kho tàng” kéo dài một số năm, thậm chí cả đời người; lại có những “kho tàng” kéo dài đời đời.

Mời bạn dành thời gian hiện diện trước Thiên Chúa và cùng đích đời mình để suy xét về kho tàng của mình và nỗ lực đầu tư vào đó.

Thân thưa với Chúa về những sai lầm trong việc xác định kho tàng và lãng phí trong việc đầu tư.

2/ Con mắt định hướng (cc. 22-23)

Suy ngẫm về những “ánh sáng” đã giúp bạn hiểu biết và phân định chọn lựa được trong đời như: cha mẹ, giáo viên, người hướng dẫn, kiến thức, người đồng hành thiêng liêng, ơn Chúa, các thánh…

Nhớ lại những giai đoạn, những câu chuyện bạn đã trải qua mà bạn cảm thấy mình được soi sáng tỏ tường, hoặc mình đi trong đêm tối lầm lạc. Thử tìm hiểu về nguyên nhân tạo nên ánh sáng hay bóng tối đó là gì? Đoạn thân thưa với Chúa Giêsu.

Kết nguyện

Dâng lên Thiên Chúa khao khát định hướng đúng và đầu tư đúng của bạn. Xin ơn Chúa trợ giúp.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

 

Thứ sáu TN.XII: Ý Chúa trong lề luật (Mt 8,1-4)

1Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. 2Bỗng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 3Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong. 4Rồi Đức Giê-su bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – Xin ơn Chúa Thánh Thần.

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu vừa giảng xong Bài Giảng Trên Núi (bộ sưu tập các bài giảng của đức Giêsu theo thánh Matthêu), và Ngài đi xuống núi cùng với nhiều người khác.

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết thánh ý tốt lành của Chúa trên đời tôi và trên mọi sự trong vũ trụ này, để tôi xác tín và tin yêu thực thi điều Ngài muốn.

·       Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm].

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Khao khát tiếp chạm Thiên Chúa (cc. 1-2)

Mời bạn trở lại khung cảnh đoàn lũ dân chúng đang đi xuống khỏi núi cùng với đức Giêsu, sau khi họ được nghe Ngài giảng dạy mọi điều cần thiết để trở nên công dân Nước Trời.

Bất chợt có một người phong hủi tiến lại gần họ. Chiêm ngắm hành động can đảm của anh ta, vì anh ta có thể bị ném đá cho chết vì phạm luật “cách li” dành cho họ. Nhìn xem cách phản ứng của mọi người.

Anh ta bái lạy đức Giêsu (quỳ trước mặt Ngài), và xin một điều: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chắc chắn anh ta tin vào đức Giêsu và muốn được chữa lành. Vậy sao anh vẫn nói “Nếu Ngài muốn”?

Áp dụng bản thân. Bạn có nhận ra mình có chứng cùi hủi tinh thần và thiêng liêng nào nơi mình? Bạn có can đảm đến xin Chúa chữa cách công khai? Đặt mình vào vai anh bị phong để trải nghiệm ân huệ chữa lành trong đời mình.

2/ Thánh ý Chúa trong lề luật (cc. 3-4)

Bạn hãy quan sát đức Giêsu. Ngài giơ tay ra, đụng vào anh – điều bị cấm đụng vào người phong. Ngài nói: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Trải nghiệm sự đụng chạm của Thiên Chúa vào chính bạn, và làm cho bạn được “lành bệnh”, và trở nên xinh đẹp tinh tuyền mỗi ngày một hơn.

“Lập tức, anh được sạch bệnh phong.” Nhìn ngắm da thịt anh ấy được lành lại thế nào. Nhiều người cũng nhìn thấy sự thay đổi này.

Đức Giêsu yêu cầu anh ta “đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Chiêm ngắm thái độ khiêm nhu của Con Thiên Chúa khi tôn trọng sự công nhận của loài người qua luật lệ.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về tình trạng tâm hồn của mình. Nài xin ơn chữa lành và học với Ngài thái độ tuân giữ lề luật.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

4/7/24

Thứ sáu TN.XIII: Tiêu chí chọn người (Mt 9,9-13)

9Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

10Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” 12Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Chúa Thánh Thần.

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu gọi ông Matthêu - người thu thuế - làm tông đồ.

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu được ý nghĩa của cách nhìn và sự chọn lựa của Thiên Chúa, để tôi được Ngài biến đổi cách nhìn của tôi.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm].

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Chúa Giêsu chủ ý chọn người tội lỗi (c. 9)

Để lập nhóm nòng cốt gồm 12 người, đức Giêsu quyết định kết nạp Matthêu, một người thu thuế. Ở mọi nơi mọi thời, ít người có cảm tình với những người làm nghề thu thuế; nhất là trong trường hợp của ông Matthêu, ông đang giúp ngoại bang thu thuế trên dân của ông.

Mời bạn dành thời gian đặt mình trước Chúa Giêsu, và đối diện với thánh Matthêu để suy ngẫm, chất vấn các Ngài về chọn lựa đó; đồng thời trải nghiệm hành trình khó khăn của Matthêu để trở thành người môn đệ đức Giêsu, để trở nên người viết sách Tin Mừng.

Thân thưa với các Ngài về câu chuyện theo Chúa của đời bạn.

2/ Chúa Giêsu chọn ăn uống với những người tội lỗi (cc. 10-13)

Không chỉ chọn Matthêu vào làm một trong số 12 môn đệ thân tín, đức Giêsu còn chọn cùng ăn cùng uống với nhiều bạn bè của ông, cũng bị coi là người tội lỗi. Hãy ngẫm xem tiêu chí “chọn bạn mà chơi” của đức Giêsu là gì?

Chọn lựa này của đức Giêsu làm ảnh hưởng đến các môn đệ khác. Bạn cảm thấy thế nào khi trong nhóm/gia đình có những người “yếu kém” làm ảnh hưởng đến bạn? Tại sao đức Giêsu không chỉ chọn “hàng tuyển” để mưu cầu ích lợi cao nhất cho việc kế thừa sứ mạng của Ngài?

“Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Sao không chất vấn thẳng đức Giêsu mà lại chất vấn các môn đệ của Ngài? Bạn thấy lộ ra điều gì trong câu chất vấn đó? Hãy ngẫm lại cách bản thân ta nhận xét về người khác.

Chính đức Giêsu thân hành trả lời điều được chất vấn: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” Hãy suy ngẫm để hiểu lòng đức Giêus và thân thưa với Ngài.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những tâm tình bạn có trong giờ cầu nguyện này, và xin ơn được biến đổi cách nhìn nơi bản thân mình.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 

14/6/24

Thứ sáu TN.X: Hơn (Mt 5,27-32)

27“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. 28Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. 29Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. 30Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.

31“Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. 32Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – Niệm Thánh Thần

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết những điều Chúa dạy ở tầm mức là con Thiên Chúa, để tôi biết sống và hành xử như con cái Sự Sáng ngay giữa lòng đời hôm nay.

·       Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét].

Gợi điểm cầu nguyện

Thánh Inhã Loyola dạy về các mức độ phân định chọn lựa:

-       Dựa trên tiêu chí luân lý: giữa điều tốt và điều xấu thì chọn điều tốt

-       Dựa trên tiêu chí tốt hơn: giữa những điều tốt thì chọn điều tốt hơn

-       Dựa trên tiêu chí tình yêu: Khi những điều trái ngược, hoặc những điều tốt đều làm vinh danh Thiên Chúa như nhau thì chọn điều gì làm cho ta trở nên giống Chúa Giêsu hơn.

1/ Nền tảng tình yêu (cc. 27-30)

Yêu người khác: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” – cần áp dụng điều này cho mọi người cả nam lẫn nữ, ở mọi lứa tuổi, mọi nền văn hóa, và mọi thời. Nền tảng tình yêu là “hướng tha”; nghĩ-nói-làm mọi sự vì sự tốt lành của người khác, chứ không phải quy về sự thỏa mãn của bản thân. Mời bạn tự vấn chính mình về nền tảng tình yêu khi tương quan với người khác. Bạn muốn nói gì với Chúa về điểm này?

Yêu bản thân: dám chặt, dám cắt bỏ đi những gì làm ta phạm tội, ngay cả điều đó gắn liền với ta như là một phần của thân thể. Bạn đã từng cam kết với Chúa “thà chết chẳng thà phạm tội” chưa? Hôm nay bạn có muốn chọn lựa như thế? Yêu mình đích thực là “lo sao cho mình được ơn cứu độ” (x. Pl 2,12). Mời bạn tự vấn chính mình trước Chúa.

2/ Luật chung thủy (cc. 31-32)

Câu cửa miệng của người trẻ hiện nay là “khó quá bỏ qua”. Liệu họ có cho phép mình đầu hàng quá sớm? Thống kê chưa đầy đủ cho thấy ¼ số cặp li hôn tại Việt Nam, đa số nằm trong độ tuổi 18-30;[1] còn tại Mỹ là 1/3 chủ yếu ở độ tuổi 55-64.[2]

Mời bạn cầu nguyện với điều đức Giêsu dạy để chọn điều hơn theo tiêu chí người môn đệ Chúa Kitô giữa lòng thế giới hôm nay.

Tránh tội và luyện tập nhân đức là khởi đầu cho hành trình nên thánh. Nên giống Chúa Kitô mới là đích đến, nhưng lại bắt đầu từ việc xa tránh tội lỗi.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về hiện trạng của bản thân, của những cám dỗ bủa vây quanh ta, về khao khát sống theo điều Chúa dạy, và xin ơn để đủ sức thi hành.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: internet.

[2] https://baophapluat.vn/gia-tang-ti-le-ly-hon-trung-nien-post508672.html#:~:text=N%C4%83m%202021%2C%20C%E1%BB%A5c%20%C4%90i%E1%BB%81u%20tra,tu%E1%BB%95i%2C%20%E1%BB%9F%20m%E1%BB%A9c%2043%25

30/5/24

[31/5 Lễ Đức Maria thăm viếng bà Êlisabét] Bước chân vui (Lc 1, 39-56)

39Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. 41Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? 44Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. 45Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”

46Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

47thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

48Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

danh Người thật chí thánh chí tôn!

50Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót

những ai kính sợ Người.

51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,

55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời.”

56Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Maria thăm viếng bà Êlisabet. Những cuộc viếng thăm bất ngờ trong đời tôi.

·       Ơn xin: Xin cho tôi có niềm vui được thuộc về Chúa, để tôi chia sẻ niềm vui có Chúa với những người tôi gặp gỡ trong đời sống hằng ngày.

·       Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Bước chân vui (cc. 39-45)


Mời bạn chiêm ngắm bước chân của Maria vội vã lên đường đi từ Nazareth (miền Bắc Israel) đi Giuđê (miền Nam); chiêm ngắm đoạn đường; chiêm ngắm và cảm nghiệm niềm vui trong lòng đức Maria.

Chiêm ngắm niềm vui khi hai chị em chào nhau, nhận ra nhau, thăm hỏi nhau, chuyện trò cùng nhau, sống bên nhau để giúp đỡ nhau trong suốt ba tháng.

Tâm sự với đức Maria và bà Êlisabét.


2/ Khúc ca vui (cc. 46-56)

Nhìn ngắm đức Maria tâm hồn hớn hở, cất tiếng hát bài ca Magnificat.

Đọc chậm rãi nội dung bài ca Magnificat để cảm nghiệm lý do vui của đức Maria.


Kết nguyện

Đọc lại/ hoặc hát bài Magnificat cùng với đức Maria.

Kết thúc bằng một Kinh Kính Mừng.

Ảnh: Internet.

23/5/24

Thứ sáu TN.VII: Câu hỏi và lời đáp (Mc 10,1-12)

1Đức Giê-su bỏ nơi đó, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. 2Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. 3Người đáp: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” 4Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” 5Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 10Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – Niệm Thánh Thần

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Sau biến cố Hiển dung, đức Giêsu xuống núi, và từ đó đi về hướng đông nam để đến vùng bên kia sông Giođan.

·       Ơn xin: Xin Chúa Thánh Thần dạy tôi hiểu và tuân giữ luật Chúa bằng tình yêu dàh cho Ngài và dành cho tha nhân.

·       Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét].

 

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Chuyên tâm giảng dạy (c. 1)

Hãy để tâm suy ngẫm về việc đức Giêsu nhiệt tâm di chuyển hết nơi này đến nơi khác để giảng dạy dân chúng.

Dân chúng thấy Ngài ở đâu thì đu bám Ngài đến đó. Họ tìm đến với Ngài với nhiều lý do khác nhau.

Mời bạn nhớ lại cách thức Thiên Chúa nỗ lực tiếp cận bạn, dạy dỗ bạn; và mức độ bạn tìm kiếm và mở ra với Ngài. Với lương tâm ngay thẳng, đặt mình trước Chúa và cùng đích đời mình, bạn muốn chọn lựa thế nào về việc mở ra với Thiên Chúa? Đoạn thân thưa với Chúa Giêsu về điều này.

2/ Câu hỏi và lời đáp (cc. 2-12)

Câu hỏi: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?”

Người hỏi: Một số người Pharisiêu và cả các môn đệ (về nhà hỏi riêng)

Mục đích hỏi: Người Pharisiêu hỏi để “thử Người”, và vì họ biết họ nắm chắc câu trả lời là được phép ly dị: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” 

Bạn nghĩ tại sao các môn đệ muốn hỏi riêng Thầy một lần nữa về vấn đề chung thủy trong hôn nhân?

Câu trả lời của đức Giêsu dành cho người Pharisiêu: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng…” – một cách trả lời đầy thách thức và cũng rất nền tảng. Liên quan đến tính chất “đơn hôn và vĩnh hôn” của Công Giáo, người ngoài và cả con cái trong Giáo Hội vẫn cảm thấy Giáo Hội cứng nhắc, cổ lỗ, bảo thủ. Câu trả lời của Giáo Hội: Đây là điều không thể thay đổi vì đó là luật của Chúa [chứ không phải luật của Giáo Hội nên Giáo Hội không có quyền thay đổi].

Câu trả lời của đức Giêsu với cách môn đệ: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” – Ngài không giảm nhẹ đi, mà còn trả lời nặng hơn.

Mời bạn dành thời gian để tự vấn về tình yêu chung thủy của mình. Có khi nào bạn “viện lý” cho những điều mình không muốn tuân giữ? Hãy đối diện với Chúa và cùng đích đời mình, bạn hãy tự vấn chính mình và chọn cung cách hành xử đúng đắn.

Kết nguyện

Thưa chuyện với Chúa Giêsu về những điều khó khăn bạn gặp trong các mối tương quan có cam kết.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

20/5/24

Thứ ba TN.VII: Nín lặng (Mc 9,30-37)

30Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.

33Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” 34Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: 37“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Những câu chuyện, sự kiện trong đời mà tôi chưa hiểu được ý nghĩa của chúng.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết ý nghĩa của những điều đã xảy ra trong đời tôi, để tôi nhận ra sự đồng hành của Chúa trong đời mình.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Nín lặng trước điều khó hiểu (cc. 30-32)

Câu chuyện khó hiểu của cuộc đời đức Giêsu: Người công chính mà phải chịu đau khổ: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Bạn có câu chuyện nào trong đời cũng làm bạn khó hiểu như vậy? Hãy nhớ lại và nói với Chúa Giêsu về câu chuyện đó.

Thánh Maccô kể về cách các ông hành xử khi không hiểu: “các ông sợ không dám hỏi lại Người” – Còn bạn? Bạn lý giải thế nào về cách các môn đệ, và chính mình đã chọn lựa để hành xử như thế?

Hãy thân thưa với Chúa Giêsu về điều đó.

2/ Nín lặng khi làm điều không phải (cc. 33-34)

Thầy trò tiếp tục đi đường, về đến Caphanaum, vào nhà (chốn riêng tư). Đức Giêsu hỏi: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Họ làm thinh “vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”. Hãy nhớ lại những tình huống hành xử không phải lối mà bạn đã làm thinh khi được hỏi tới. Xét về động cơ và cảm xúc của bạn khi đó và lúc này.

3/ Học lại (cc. 35-37)

Suy nghĩ về cách thức đức Giêsu khiêm tốn dạy lại các môn đệ. Ngài nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Ngài làm: “đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó”. Rồi Ngài giải thích: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” Hãy khám phá cách thức mà Chúa Giêsu thường dùng để dạy dỗ bạn.

Chúng ta đang sống trong thời địa Chúa Thánh Thần. Ngài là Đấng sẽ “lấy lại những điều của Thầy và loan báo cho anh em”, là Đấng “dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. Bạn hãy cầu xin Ngài chỉ dạy lại bạn để học hiểu những kinh nghiệm quá khứ, để có lối sống gần hơn với Tin Mừng.

Kết nguyện

Tạ ơn Chúa vì những điều bạn khám phá được nơi bản thân mình qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

16/5/24

Thứ sáu PS.VII: Phút thật lòng (Ga 21,15-19)

15Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu Phục Sinh tâm sự riêng với ông Phêrô vào lần cuối cùng gặp nhau trên bờ biển hồ Galilê, thầy trò đi dạo với nhau sau bữa ăn sáng.

·       Ơn xin: Xin cho tôi dám chân thành trong tình yêu với Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương tôi thật lòng.

·       Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Một không gian đáng nhớ (c. 15a)

Mường tượng về không gian bờ biển hồ Galilê sáng hôm đó. Lúc còn khá sớm. Sau khi đã được thầy thết đãi bữa ăn sáng no nê và hạnh phúc vì lại được quây quần bên thầy. Có thể nhóm các ông vẫn còn tiếp tục chuyện trò và ăn uống bên đống lửa… Đức Giêsu và ông Phêrô đứng dậy và đi dạo với nhau. Bạn có nhận ra cách đức Giêsu ra dấu để Phêrô hiểu là thầy muốn nói chuyện riêng.

Với Phêrô, đó là một không gian và thời gian đáng nhớ suốt đời. Có thể mỗi khi ông có dịp trở lại chốn này, nhất là vào buổi sáng sớm thì ông lại “nhớ như in” câu chuyện hôm nay.

Bạn có không gian và thời gian gặp gỡ Chúa chưa? Hãy nhớ lại “điểm hẹn” đó, thời gian “hẹn hò” đó giữa bạn với Chúa Giêsu.

2/ Phút thật lòng (cc. 15b-19)

Tiếp tục chiêm ngắm hai con người bước đi bên nhau. Lắng nghe chậm rãi câu chuyện diễn ra giữa họ. Cảm nhận sự lúng túng, ngượng ngùng của Phêrô. Cảm nhận sự xác tín và tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Phêrô.

Lưu ý rằng, đức Giêsu đã chủ ý sử dụng ba động từ yêu khác nhau:

+ Lần đầu hỏi rằng: “Này anh Phêrô con ông Gioan, anh có agape thầy hơn các anh em này không?” (yêu thầy bằng tình yêu thí mạng/dâng hiến cả mạng sống)

+ Lần thứ hai hỏi rằng: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có philia Thầy không?” (Xem thầy thân thiết như bạn thân, đồng lao cộng khổ với thầy)

+ Lần thứ ba hỏi rằng: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có eros Thầy không?” (thần tượng, ham thích, đam mê…)

Hãy cảm nhận mức độ lúng túng của Phêrô khi được nghe những động từ yêu đó. Phần Phêrô, ông chỉ trả lời bằng “con eros thầy”

Hãy cảm nhận mức độ dễ thương của Chúa Giêsu khi Ngài hạ dần mức độ của động từ yêu xuống.

Áp dụng bản thân: Hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng hỏi bạn một cách riêng tư những câu hỏi đó. Bạn trả lời Ngài thế nào?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì bạn được trải nghiệm qua giờ cầu nguyện. Tạ ơn Ngài và kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.