Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

24/12/21

25/12 Đại Lễ Giáng Sinh: Lời chứng về Mầu nhiệm nhập thể (Ga 1, 1-18)

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.

Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,

và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.

3aNhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,

và không có Người,

thì chẳng có gì được tạo thành.

3bĐiều đã được tạo thành 4ở nơi Người là sự sống,

và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,

và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.

6Có một người được Thiên Chúa sai đến,

tên là Gio-an.

7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,

để mọi người nhờ ông mà tin.

8Ông không phải là ánh sáng,

nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.

9Ngôi Lời là ánh sáng thật,

ánh sáng đến thế gian

và chiếu soi mọi người.

10Người ở giữa thế gian,

và thế gian đã nhờ Người mà có,

nhưng lại không nhận biết Người.

11Người đã đến nhà mình,

nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.

12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,

thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.

13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,

cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,

hoặc do ước muốn của người đàn ông,

nhưng do bởi Thiên Chúa.

14Ngôi Lời đã trở nên người phàm

và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,

vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố:

“Đây là Đấng mà tôi đã nói:

Người đến sau tôi,

nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”

16Từ nguồn sung mãn của Người,

tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,

còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.

18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả;

nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa

và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,

chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Lịch sử cứu độ từ Sáng tạo đến Tận thế.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra sự hiện diện vừa vĩ đại, đầy quyền năng, nhưng đồng thời rất khiêm tốn và ẩn mình của Thiên Chúa nơi Ngôi Lời Nhập Thể, để tôi tương quan với Ngài và sống như Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Dù bản văn không phải là một trình thuật, vẫn xin đề nghị bạn dùng lối cầu nguyện chiêm niệm để có thể cảm hiểu được xác tín nơi lời chứng của “người môn đệ đức Giêsu thương mến”, mà truyền thống vẫn gán cho Gioan Tông Đồ.

1/ Ngôi Lời hiện hữu từ đời đời (cc. 1-5)

Mời bạn đọc câu 1-2, đặt mình trong bối cảnh Thiên Chúa sáng tạo mọi sự. ‘Lúc khởi đầu’ đó có thể là Big Bang! Nhìn ngắm Ngôi Lời (Logos) – một ngôi vị trong Thiên Chúa – hiện hữu từ đời đời. Người hằng quy hướng về Thiên Chúa và nên một với Ngài. Rồi nhìn ngắm Ngôi Lời là Thiên Chúa, phân chia nhưng không tách rời khỏi Đấng mà Ngài hướng về.

Đọc thật chậm câu 3a. Chiêm ngắm Ngôi Lời trong công trình sáng tạo. Nhìn ngắm mọi sự được tạo dựng từ hư vô, trong đó có bạn. Mường tượng Ngôi Lời như là loại đèn Follow trên sân khấu. Mọi sự ở trong bóng tối đều là hư vô. Bất cứ ai hoặc cái gì xuất hiện dưới ánh đèn Follow đều trở nên hiện hữu. Bạn trở nên “có” khi bạn ở trong Ngôi Lời.

Đọc chậm câu 3b-4. Tiếp tục mường tượng qua hình ảnh cái đèn Follow. Mọi sự được đưa vào trong ánh sáng của nó thì trở nên hiện hữu và sống động nhờ sự sống của chính Ngôi Lời. Mường tượng bạn được gọi tên từ trong bóng tối, từ hư vô để bước vào ánh sáng. Bạn trở nên “có” và đang múa nhảy, ca hát trong ánh sáng đó. Hãy chiêm ngắm mọi sự sinh động, lúc nhúc đang phô diễn chính mình trong ánh sáng Ngôi Lời. Đó là sự sống. Sự sống của Ngôi Lời. Ngài là hy vọng và là ánh sáng cho nhân loại và vạn vật hướng về. Hãy cảm nghiệm điều đó.

Đọc câu 5. Mường tượng về cái đèn Follow khổng lồ được nối với nguồn điện không hề tắt, và không có công tắc. Ánh sáng của nói chiếu soi vào trong bóng tối. Bóng tối không thể ngăn cản hay tiêu diệt được ánh sáng đó. Ngẫm nghĩ về sự bảo đảm của Ngôi Lời về sự hiện hữu và sống động của bạn trong Ngài; tương tự, chiêm ngắm mọi loài mọi vật khác.

Tâm sự với Ngôi Lời về vẻ đẹp của sự hiện hữu nơi bạn và nơi mọi loài mọi vật.

2/ Lời chứng của Gioan Tiền Hô (cc. 6-8)

Chiêm ngắm sự xuất hiện của Gioan Tiền Hô xuất hiện trong dòng lịch sử, trong ánh sáng Ngôi Lời. Nhớ lại cuộc thụ thai và chào đời lạ lùng của ông. Nhìn ngắm ông lớn lên từng ngày và tự tu luyện trong hoang địa. Thấy ông xuất hiện bên sông Giođan, kêu gào người ta sám hối với giọng điệu đanh thép và đe dọa kiểu một ngôn sứ. Nhìn cảnh người ta ùn ùn kéo đến để được ông làm phép rửa sám hối. Ông Gioan trở nên nổi tiếng, nên như ánh sáng.

Đọc câu 6. Ông Gioan được Thiên Chúa sai đến. Thiên Chúa muốn sự xuất hiện của ông. Ông đã chào đời 6 tháng trước đức Giêsu.

Đọc câu 7-8. Ông Gioan xuất hiện trong dòng lịch sử để làm chứng, làm chứng về ánh sáng. Ông không phải là nguồn sáng (cái đèn Follow). Ông bước vào ánh sáng để nói về nguồn sáng cho tất cả những ai, và muôn loài muôn vật đang ở trong ánh sáng biết về nguồn sáng: Ngôi Lời.

Tâm sự với ông Gioan để bạn nhận ra vị trí của mình khi được xuất hiện tại một thời điểm trong ánh sáng Ngôi Lời.

3/ Ngôi Lời nhập thể (cc. 9-11)

Mời bạn chiêm ngắm chính nguồn sáng Ngôi Lời.

Đọc câu 9. Cái đèn Follow không còn chiếu ánh sáng vào thế gian từ chốn xa xôi. Cái đèn ấy đến gần, bước vào trong thế gian, và chiếu soi mọi người (và muôn vật muôn loài).

Đọc câu 10-11. Ánh sáng của cái đèn Follow giờ như giảm bớt độ sáng lại để con người và mọi sự không bị chói lòa. Ánh sáng đó tự thu mình lại đến mức người ta không nhận biết. Đó là mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thiên Chúa trở nên bé nhỏ, yếu đuối, đơn sơ, bình thường đến mức con người còn thấy mình cao trọng hơn Ngài; thậm chí từ chối Ngài. Mường tượng bạn đang ở đó, bạn nhìn ngắm và đánh giá những gì xung quanh bạn. Bạn có nhận ra chiếc đèn Follow vĩ đại đang tự thu nhỏ và giảm độ sáng?

4/ Lời chứng của người môn đệ (cc. 12-18)

Đọc câu 12-14. Mường tượng trường hợp bạn nhận ra chiếc đèn Follow vĩ đại đang thu nhỏ đó. Xem xét cách thức bạn đón nhận Ngài. Dành giờ chiêm ngắm vinh quang Ngài. Cảm nếm cách thức con người thiêng liêng của bạn được tái sinh. Dừng lại để cảm nếm sự diễm phúc này cho đến khi bạn cảm nghiệm được mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể cho bạn và trong bạn.

Đọc câu 15. Bạn kết nối trở lại với ông Gioan, lắng nghe những gì ông ấy nói về “Đấng đến sau tôi” rằng Ngài cao trọng hơn và có trước mình. Hãy nhận diện vai trò của người giới thiệu bạn với Thiên Chúa. Hãy nhận diện vị thế của bạn trước Thiên Chúa.

Đọc câu 16-17. Điểm lại mọi ân huệ mà bạn nhận được trong đức Kitô, ngang qua Giáo Hội, ngang qua vạn vật.

Đọc câu 18. Cảm nếm một lần nữa diễm phúc bạn được “chạm đến” Thiên Chúa vô hình ngang qua Ngôi Lời nhập thể. Thưởng nếm những điều bí nhiệm chốn trời cao mà Thiên Chúa đã mặc khải cho bạn qua Ngôi Lời nhập thể, qua Tân Ước.

Bây giờ đến lượt bạn làm chứng về Thiên Chúa, qua Ngôi Lời nhập thể, cho người khác.

Kết nguyện

Tâm sự với Ngôi Lời Nhập Thể và xin Ngài tái sinh bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

22/12/21

[Thắp sáng hang đá] 25/12/2021 – Bình an nơi Bêlem

(Thực hiện vào tối thứ Sáu 24/12, hoặc trong ngày thứ Bảy 25/12)

Quy tụ cộng đoàn trước hang đá. Vòng nến đã thắp sẵn bốn cây nến.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), điều chúng ta chờ đợi đã đến. Mong cho lòng chúng ta mở ra để đón nhận niềm vui cứu độ cho bản thân mình, biểu hiện nơi Hài Nhi Giêsu – Ngôi Lời Nhập Thể đang ở đây, gần kề.

Ngài đến, mang theo bình an cho những tâm hồn đang xao xuyến lo âu giữa những biến động thời cuộc hiện tại, khi môi trường sống ngày càng trở nên mong manh.

Bình an cho Bêlem, bình an cho từng người đang hiện diện nơi đây, và cho toàn thế giới.

(Thinh lặng một chút)

Thắp sáng hang đá (mời một đại diện kiệu Chúa Hài Đồng đặt vào Hang đá và một người thắp lên ngọn nến Trắng-ngọn nến thứ V, và ánh sáng cho hang đá)

Trong lúc đó cộng đoàn cùng hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

3. Xin cho lòng chúng con như máng cỏ tỏa nồng hơi ấm. 
Nên nơi ngài náu thân khi xuống trần một đêm cô vắng.
Cho con được ủi an ai khóc than, ai khó khăn.
Giọt nước mắt sẽ nên nụ cười, và tiếng hát vang dậy trần gian.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Isaia – Is 52,7-10

7Đẹp thay, trên đồi núi,

bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an,

người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ,

và nói với Xi-on rằng: “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”

8Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi

cùng cất tiếng reo hò vang dậy;

họ sẽ được tận mắt thấy ĐỨC CHÚA đang trở về Xi-on.

9Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế,

hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,

vì ĐỨC CHÚA an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

10Trước mặt muôn dân,

ĐỨC CHÚA đã vung cánh tay thần thánh của Người:

ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta,

người bốn bể rồi ra nhìn thấy.

Suy niệm

Ước gì bạn trở nên người loan tin vui, người công bố bình an – rằng “Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.” Ngài ngự đây -giữa lòng bạn- để xây dựng lại tất cả những gì đang đổ nát.

Ngài đến để thiết lập một nền hòa bình viên mãn, trong đó người muôn nước quy tụ lại cùng tôn thờ Một Chúa. Mọi thực hành tôn giáo được tự do để chuẩn bị lòng con người hướng về ơn cứu độ nơi đức Kitô, khi đau thương được nhìn nhận, khi tha thứ là một chọn lựa tự do (x. FT. 246.250. 279).

Hòa bình không phải là một phép màu, mà là sự kiên tâm cầu khẩn và xây dựng mỗi ngày. Hiệp với đức Phanxicô, chúng ta cùng dâng lời thỉnh nguyện cho hòa bình (FT. 285):

(có thể thay phiên giọng đọc)

“Nhân danh Thiên Chúa, Đấng dựng nên mọi con người bình đẳng trong các quyền, các bổn phận và trong phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi mọi người sống với nhau như anh chị em, để lấp đầy trái đất này và cổ võ các giá trị của sự thiện, tình yêu và hòa bình;

“Nhân danh sự sống của những con người vô tội mà Thiên Chúa đã cấm giết hại, xác nhận rằng ai giết một con người thì giống như kẻ giết toàn thể nhân loại, và ai cứu sống một con người thì giống như kẻ cứu sống toàn thể nhân loại;

“Nhân danh những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị loại ra bên lề và những người túng quẫn nhất, họ là những người mà Thiên Chúa đã truyền dạy chúng ta phải giúp đỡ, như một bổn phận của tất cả mọi người, nhất là những người giàu và những ai có phương tiện;

“Nhân danh các cô nhi, quả phụ, những người tị nạn và những người phải rời bỏ quê hương đất nước của mình; nhân danh tất cả các nạn nhân của chiến tranh, của bách hại và bất công; nhân danh những người yếu thế, những người sống trong sợ hãi, các tù nhân chiến tranh và những người bị tra tấn ở bất cứ đâu trên thế giới, không phân biệt;

“Nhân danh các dân tộc đã đánh mất an ninh, hòa bình và khả năng sống với nhau, trở thành những nạn nhân của sự hủy diệt, thảm họa và chiến tranh;

“Nhân danh tình huynh đệ giữa con người, tình huynh đệ bao gồm hết mọi con người, kết hợp họ và làm cho họ bình đẳng;

“Nhân danh tình huynh đệ bị xé rách bởi các chính sách cực đoan và chia rẽ, bởi những hệ thống lợi ích vô độ hay bởi các khuynh hướng ý thức hệ thù hận đang dẫn dụ các hành động và phá hại tương lai của mọi người;

“Nhân danh sự tự do mà Thiên Chúa đã ban cho mọi con người, Ngài dựng nên họ với tự do, và làm cho họ có nét độc đáo riêng nhờ quà tặng này;

“Nhân danh công lý và lòng thương xót, là những nền tảng của sự thịnh vượng và là viên đá góc của đức tin;

“Nhân danh mọi người thiện chí đang hiện diện khắp nơi trên thế giới;

(Chủ tọa) “Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh tất cả những gì nói trên, [chúng tôi] tuyên bố lấy văn hóa đối thoại làm con đường của mình; lấy sự hợp tác với nhau làm qui tắc ứng xử; và lấy sự cảm thông nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn của mình” để xây dựng một nền hòa bình đích thực dựa trên đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và là Vua Hòa bình, Người hiển trị đến muôn muôn đời.

Cộng đoàn: Amen.

Kết thúc

Hát bài Hang bêlem – Hải Linh và Minh Châu

ÐK. Hát khen mừng Chúa giáng sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa. Trong hang Bê - lem ánh sáng tỏa lan tưng bừng. Nghe trên không trung tiếng hát Thiên thần vang lừng. Ðàn hát (réo rắt tiếng hát). Xướng ca (dư âm vang xa). Ðây Chúa thiên tòa giáng sinh vì ta. Người hỡi (hãy kíp bước tới). Ðến xem (nơi hang Bê - lem). Ôi Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn.

1. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê - lem Thiên thần xướng ca. Thiên Chúa vinh danh chúng nhân an hòa.

2. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê - lem chiên lừa thở hơi, tan giá đêm đông ấm thân Con Người

3. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê - lem mục đồng xúm quanh, ca hát vang lừng mến yêu chân thành.

4.Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần, Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Be-lem huy hoàng ánh sao, đưa lối Ba Vua phương Đông đến chầu.

5. Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn gian trần. Người đem ơn phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê - lem ta quì thiết tha xin Chúa nhân hiền xuống ơn chan hòa.

Hoặc Lắng nghe bài hát Đêm bình an – Lm. Ngô Duy Linh https://www.youtube.com/watch?v=VHQpdEXgNkw

Có thể hát bài we wish you a merry Christmas để chúc mừng Giáng sinh nhau trong Chúa: https://www.youtube.com/watch?v=gzF5hCjR5hA

Ảnh: Internet. 

21/12/21

Thứ tư MV.IV: Biết ơn và Ca tụng (Lc 1, 46-56)

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nơi nhà riêng của gia đình Dacaria và Êlisabet, miền núi Giuđêa (miền Nam).

Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra mọi ơn lành Chúa ban cho bản thân, dòng tộc, và cả vũ trụ này để biết ơn sâu xa và ca tụng Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy gẫm từng lời kinh [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba phương pháp cầu nguyện khác]

Gợi ý cầu nguyện

Nhằm cảm nếm niềm vui trong tâm hồn đức Maria, mời bạn dành thời gian nhìn ngắm Maria trong những ngày đi giúp đỡ người chị họ Êlisabet đang mang thai trong lúc tuổi già. Nhìn xem nhịp sống và những câu chuyện họ chia sẻ cho nhau, và sự xác tín lớn lên mỗi ngày nơi Maria, Êlisabet, Dacaria. Khi niềm vui và sự xác tín dâng trào, bạn hãy nhìn ngắm đức Maria ngẫu hứng sáng tác và hát bài ca Magnificat này; trên nền của những tâm tình tạ ơn trong Cựu Ước như bài ca của bà Anna chẳng hạn (x. 1 Sm 2, 1-10), lời tạ ơn của các ngôn sứ (x. Is 61, 10; Kb 3, 18 - Habakhuc). Nó cũng là bài ca mà cộng đoàn tín hữu thời đầu hát để ca tụng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi đức Giêsu Kitô.

Bạn đọc chậm, ngẫm nghĩ từng lời, thân thưa với đức Maria, hoặc với Chúa bất cứ lúc nào bạn muốn. Không nhất thiết phải đi cho hết các câu trong một giờ cầu nguyện.

Bản văn Kinh Thánh

Vài gợi ý suy ngẫm

46Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:

Lúc niềm vui và sự xác tín dâng trào.

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,

Quan điểm Do Thái giáo không phân biệt con người ra thành từng phần khác nhau như thể xác, linh hồn, thiêng liêng (body, soul, spirit). Khi nói ‘linh hồn’ thì diễn tả phần sâu thẳm của con người, tự đáy lòng.

Đức Chúa: cách gọi tránh Thánh Danh của Thiên Chúa – YHWH. Đức Maria chúc tụng Thiên Chúa của tổ tiên. Dựa trên tâm tình Tv 34, 4 mời gọi ca tụng danh Đức Chúa.

47thần trí tôi hớn hở vui mừng

vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Tương tự, ‘thần trí’ cũng là cách nói khác của ‘tự đáy lòng’. Hớn hở vui mừng còn được diễn tả là “nhảy mừng” – diễn đạt niềm vui ra bên ngoài.

48Phận nữ tỳ hèn mọn,

Người đoái thương nhìn tới;

Tâm tình xưa, nay được đức Maria áp dụng vào bản thân mình.

từ nay, hết mọi đời

sẽ khen tôi diễm phúc.

Đức Maria tự nhận mình là lý do để mọi đời ca tụng Thiên Chúa – một sự tự tin và khiêm tốn đích thực.

49Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

biết bao điều cao cả,

Nhắc lại mọi ân huệ Thiên Chúa đã làm cho mình.

danh Người thật chí thánh chí tôn!

Thiên Chúa thực hiện điều tốt lành vì danh Ngài, vì Ngài là Đấng Tốt Lành.

50Đời nọ tới đời kia,

Chúa hằng thương xót

những ai kính sợ Người.

Nhắc đến lòng thương xót, tức là tình yêu trung tín và xót thương của Thiên Chúa khi Ngài thiết lập và giữ giao ước với dân Ngài.

51Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,

dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.

Đây là kinh nghiệm của những Người nghèo Đức Chúa (anawim) và của dân tộc Do Thái trong suốt dòng lịch sử, đặc biệt là trong những lúc gặp khó khăn vì thù địch hoặc bị lưu đày.

52Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

53Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

54Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55như đã hứa cùng cha ông chúng ta,

Nhắc lại tình yêu trung tín và xót thương của Đức Chúa trong dòng lịch sử cứu độ.

Tình yêu trung tín và xót thương đó được thực hiện cho thế hệ hôm nay và mãi về sau.

vì Người nhớ lại lòng thương xót

dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

và cho con cháu đến muôn đời.”

56Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Thời gian đức Maria giúp đỡ người chị họ là 6 tháng: 3 tháng gần sinh và 3 tháng sau sinh. Cảm nghiệm về sự chu đáo và tế nhị mà đức Maria dành cho người chị họ mình.

Kết nguyện

Chia sẻ với đức Maria vì niềm vui của Mẹ hôm nay. Thân thưa với Mẹ về những niềm vui trong Chúa bạn có trong đời.

Cùng với Mẹ Maria, hãy cùng cất tiếng ca và đôi chân hãy cùng múa nhảy ca tụng Thiên Chúa: https://www.youtube.com/watch?v=dx_Ff6wMj-U 

Đọc một kinh Kính Mừng. 

17/12/21

Thứ bảy MV.III: Gia tộc của lời hứa (Mt 1, 18-24)

18Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” 24Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Buổi đêm. Nơi nhà riêng của Giuse.

Ơn xin: Xin cho tôi biết lặng lẽ nhìn vào bên trong mình để cùng Chúa tìm ý nghĩa của các biến cố đời mình và biết chọn lựa những giải pháp đẹp ý Chúa.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Hoàn cảnh của Giuse (cc. 18-19)

Bỏ qua những mường tượng sai lệch về hình ảnh một ông Giuse già nua, tóc bạc phơ, đứng bên cạnh một thiếu nữ nhan sắc và trẻ trung là Maria; vì họ sợ làm tổn thương đến sự thanh khiết của Mẹ Maria! Mời bạn hãy mường tượng về một chàng Giuse trẻ trung (vóc dáng, cơ bắp, gương mặt, giọng nói...). Chàng đang vui và hy vọng khi nghĩ đến ngày đám cưới của mình. Chàng đang nỗ lực chuẩn bị tất cả những gì tốt nhất có thể cho ngày trọng đại của đời chàng.

Theo phong tục, chàng đã diễm phúc đính hôn được với nàng Maria nổi tiếng đạo hạnh trong làng. Chàng mong ngóng đến cái ngày “khi hai ta về một nhà”. Mời bạn hãy lắng nghe những chuyển động trong tâm hồn chàng Giuse trong những ngày chờ đợi này.

Đột nhiên, một ngày, chàng nhận ra nàng đang mang thai. Chàng biết mình. Chàng nghĩ về chuyện gì đã xảy ra cho nàng... Hãy chiêm ngắm sự trăn trở của Giuse trước biến cố này. Hãy xem Giuse ăn ngủ và sinh hoạt đời thường thế nào trong những ngày đó.

Nhìn ngắm Giuse trong quyết định khó khăn của mình: muốn lẳng lặng bỏ đi. Ít nhất chàng không muốn mình là người trực tiếp tố giác, xét xử sự vụ mang thai của Maria.

Bạn hãy nghiệm lại hành trình đời mình, nhớ lại những biến cố gãy đổ ước mơ; nhớ lại cách thức mình đã toan tính và xử sự khi đó. Hãy tâm sự với thánh Giuse về câu chuyện đời mình, và cả điều bạn học được nơi Ngài.

2/ Gia tộc của lời hứa (cc. 20-21)

Nhìn ngắm Giuse đang đi vào giấc ngủ, một giấc ngủ không an như trước đây. Nhìn ngắm cả sự trằn trọc cố dỗ giấc ngủ của Giuse. Trong bóng tối của màn đêm, trong bóng đem của tâm hồn, Giuse trằn trọc băn khoăn và cố ngủ.

Chiêm ngắm sứ thần hiện đến, chiếu vào màn đêm và lòng Giuse một luồng sáng. Trong đêm đen tĩnh lặng, lời sứ thần vang lên: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 

Hãy nhìn ngắm các lời này, âm thanh này được khắc ghi vào Giuse, từng lời một, rõ ràng: đích danh mình với cả nguồn cội; một mệnh lệnh thực hiện vai trò của Giuse đối với Maria; một ánh sáng giải thoát khỏi những điều ông đang không biết phải nghĩ làm sao; một mặc khải về người con sẽ sinh ra; và cuối cùng là mệnh lệnh thực hiện vai trò của Giuse với người con qua việc đặt tên để đưa bé vào trong dòng tộc của lời hứa.

Hãy nhìn ngắm chuyển động nội tâm của Giuse trong màn đêm ấy. Tâm sự với Ngài về những thời khắc bạn được giải gỡ cách nào đó trong những câu chuyện đời mình.

3/ Giuse vâng mệnh (c. 22-24)

Thánh sử Matthêu đã thêm vào một câu Kinh Thánh (có chỉnh sửa)[1] để xác định danh tánh của người con sẽ sinh ra: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Giuse được củng cố đức tin.

Bạn hãy nhìn ngắm Giuse của buổi sáng hôm ấy. Nhìn vào tư thế và tâm thế của chàng. Nhìn vào ánh mắt đầy xác tín của chàng. Chiêm ngắm hành động của chàng.

Kết nguyện

Tâm tự với Thánh Giuse về các biến cố đời mình, cách mình đọc ý nghĩa và ra quyết định hành động.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.



[1] Is 7, 14: “Này đây, người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.”

 

[Thắp nến Mùa Vọng] 19/12/2021 – Bình an cho kẻ yếu

(Thực hiện vào tối thứ bảy, hoặc trong ngày Chúa Nhật)

Quy tụ cộng đoàn trước vòng nến Mùa vọng. Đã thắp sẵn ba cây nến.

Làm dấu Thánh giá.

Hát/đọc xin ơn Chúa Thánh Thần.

Người Hướng dẫn 1 (HD):

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), chúng ta tiếp tục quy tụ nhau đây, trước Vòng nến Mùa vọng để chờ đón vị vua Bình an ngự đến trong lòng chúng ta lúc này, và trong giờ lâm tử của mỗi người.

Là những người mang niềm hy vọng, chúng ta mong chờ vị Vua Bình An ngự đến cách viên mãn để kiện toàn vũ trụ này, để đưa con người và vũ trụ vào trong Trời mới đất mới.

(Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Bài trích sách ngôn sứ Mikha – Mk 5, 1-4a

1Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,

ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,

từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện

một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.

Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.

2Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en

cho đến thời người sản phụ sinh con.

Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó

sẽ trở về với con cái Ít-ra-en.

3Người sẽ dựa vào quyền lực ĐỨC CHÚA,

vào uy danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Người

mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,

vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.

Người sẽ chiến thắng Át-sua

4Chính Người sẽ đem lại hoà bình.


HD 1: Suy niệm

Anh chị em thân mến (hoặc cách xưng hô phù hợp), bình an nơi môi trường sống và bình an trong tâm hồn là điều con người mọi thời tìm kiếm. Hai loại bình an này tác động qua lại với nhau; nhưng khi môi trường sống không bình an thì chỉ có một tâm hồn bình an mới có thể mang lại trạng thái an ổn trong sóng gió. Bình an giữa những lo lắng. Bình an vì biết có Chúa Bình An đang ở cùng.

Ngôn sứ Mikha hướng lòng những con người nhỏ bé đang lạc trôi giữa những đe dọa chiến tranh của đế quốc Át-sua, về một niềm hy vọng về vị vua Hòa Bình sẽ đến. Ngài xuất thân từ miền đất nhỏ bé là Bêlem. Ngài thuộc dòng tộc nhỏ bé là Ép-ra-im. Dựa vào quyền lực và uy danh ĐỨC CHÚA, Ngài sẽ đứng lên chăn dắt dân và mang lại bình an cho họ.

Con đường để xây dựng hòa bình cho thế giới hôm nay mời gọi mọi người cùng lao tác với nhau, bên cạnh nhau, để đạt được thiện ích chung. Để làm được điều đó, chúng ta hãy chân nhận khả năng của nhau, hãy san sẻ và phục vụ lẫn nhau. Khi có những khác biệt, hay đối thoại trong công lý, tha thứ và cùng nhau phát triển. (x. FT. 228-229)

Chốn bình an là nơi bạn cảm thấy thật sự là nhà, cảm thấy thuộc về. Đó là nơi mà mọi người đều làm việc vì mục tiêu tốt. Nơi mà niềm vui và nỗi sầu được chia sẻ và cảm nhận chung. Hãy thiện tâm đàm phán để đi đến hòa bình chung. Hòa bình đích thực chất chứa sự khác biệt, chứ không phải là đồng hóa. Nghệ thuật xây dựng hòa bình bao gồm sự tham gia của mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là những người yếu kém trong xã hội, trong một tập thể. (x. FT. 230-31. 233-35)

Xây dựng hòa bình là một nhiệm vụ liên lỉ, đòi hỏi sự cam kết của từng người. Hãy đặt con người với phẩm giá cao nhất và thiện ích chung ở trung tâm của mọi hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị. (x. FT. 232)

Như trong kinh nghiệm của chúng ta, mọi cộng đồng dù lớn hay nhỏ đều có những lúc bên này làm tổn thương bên kia. Hãy học tha thứ để tái tạo bình an. Quá trình này cần đến lòng chân thành. Tha thứ và yêu thương lại người đã làm mình tổn thương; không phải bằng cách dung túng những điều xấu, hoặc để cho họ tiếp tục làm điều tổn hại gây tổn thương. Công lý cần thiết cho cả bị hại và người làm hại, để cả đôi bên đều đạt được bình an. (x. FT. 241-42. 250-54)

Chúng ta cần ghi nhớ những vết thương đổ vỡ trong tương quan người với người, giữa các nhóm và các quốc gia, để nuôi dưỡng tình yêu hòa bình. Hãy xây dựng những tưởng đài kỷ niệm để giáo dục hòa bình. Hãy nói với nhau và với thế hệ tương lai rằng “Không bao giờ lặp lại chiến tranh”/War, never again. (x. FT. 246-49)

Chúng ta hãy thinh lặng để cảm nếm mỗi đau chiến tranh và sự chia rẽ, đồng thời chiêm ngắm bình an đích thực mà Chúa mang đến. Xin cho chúng ta trở nên người xây dựng hòa bình.

(Thinh lặng một chút)

 

HD 2: Mời một thành viên thắp ngọn NẾN TÍM cuối cùng.

Chúng ta cùng thắp lên Cây nến Thiên thần mang đến Bình an. Mong cho mỗi người chúng ta cảm nhận được bình an sâu thẳm trong tâm hồn mình, thứ bình an “không như thế gian ban tặng”, để mỗi người sẽ lan tỏa bình an này vào trong môi trường sống và làm việc của mình. Cùng mong cho chúng ta biết hợp tác với người khác để kiến tạo bình an cho xã hội.

Cộng đoàn hát: Để Chúa đến – Nguyễn Duy

Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong chúa đến. Xin cho lòng chúng con luôn thắm nồng một tình yêu mến. Xin cho lòng chúng con luôn khát khao, luôn ước ao. Một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau.

ÐK: Ðể Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn Trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.

Hoặc nghe bài Kinh hòa bình của LM nhạc sĩ Kim Long

https://zingmp3.vn/bai-hat/Kinh-Hoa-Binh-Lm-Kim-Long/ZW678OFC.html

HD 1: Lạy Vua Hòa Bình, xin hãy đến và ban cho chúng con bình an của Ngài. Xin làm cho lòng chúng con mở ra để đón rước Ngài ngự vào. Xin cho bình an của Ngài chiếm trọn con người chúng con và biến chúng con thành khí cụ bình an của Chúa, để xây dựng một thế giới dựa trên công bằng, sự thật và tình yêu. Chúng con cầu xin nhờ danh Thánh Tử Giêsu là Chúa Bình An.

Cộng đoàn: Amen.

14/12/21

Thứ tư MV.III: Sốt ruột (Lc 7, 19-23)

 19Ông Gioan hai sai môn đệ đến hỏi Chúa rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” 20Khi đến gặp Đức Giê-su, hai người ấy nói: “Ông Gio-an Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy: ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?’” 21Chính giờ ấy, Đức Giê-su chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, 23và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Ông Gioan Tẩy Giả đang bị tiểu vương Hêrôđê giam giữ vì nói phạm đến mối tương quan bất chính của ông với chị dâu của ông. Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi nhận biết đức Giêsu là Đấng nào trong đời tôi để tôi biết kết nối và tương giao với Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Hỏi (cc. 19-20)

Hãy nhớ lại bối cảnh của Gioan Tẩy Giả lúc này... Ông được sinh ra để “làm tiền hô” loan báo Đấng Messia đến. Ông dành hầu hết thời gian để tu luyện mình trong sa mạc, để nhận diện thời điểm và ai là Đấng Messia. Ông là gào rống kêu gọi người ta lãnh nhận phép rửa sám hối để chuẩn bị lòng dân đón nhận Đấng Messia. Ông đã làm chứng về Đấng ấy khi Ngài đến nhận phép rửa do ông làm. Ông đã giới thiệu Đấng ấy để môn đệ mình đi theo... Bây giờ, “án tử” dành cho ông đã cận kề. Ông sốt ruột và nghi ngờ không biết tất cả những gì mình đã làm để chuẩn bị cho người ấy xuất hiện, vậy mình đã nhận diện đúng người để giới thiệu chăng?

Gioan không thể giữ mối nghi ngờ và sự sốt ruột trong lòng mình. Ông muốn được xác minh. Ông sai hai môn đệ đi xác minh. Hãy đọc câu 19-20 để suy ngẫm thêm về nội dung ông Gioan muốn xác minh. Cũng hãy suy nghĩ về cách truyền đạt thông tin chính xác từng chữ của hai người môn đệ.

Áp dụng bản thân: Bạn có từng bối rối, lo lắng, sốt ruột về một “đầu tư” nào đó mà bạn lo sợ sẽ thành “công dã tràng”? Ngẫm nghĩ về những đầu tư thiêng liêng của bạn.

2/ Trả lời (cc. 21-23)

Câu 21: Đức Giêsu cho họ chứng kiến Ngài “chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy” – Một cách trả lời bằng hành động, mất nhiều thời gian, và họ phải tự nghiệm để hiểu: đây là những dấu chỉ về thời Messia (x. Is 3,5).

Câu 22: Đức Giêsu nói với hai môn đệ ông Gioan: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” – Câu trả lời bằng lời nói nhưng họ vẫn phải tự nghiệm để hiểu ý nghĩa ám chỉ của nó. Đức Giêsu không trả lời rõ ràng: “Chính tôi là ‘Đấng phải đến’”.

Câu 23: Đức Giêsu nói về một mối phúc: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” Ngài ám chỉ đến những ai nghiệm ra Ngài là AI, là Đấng nào để biết cách đặt lòng tin và tương quan với Ngài.

Mời bạn áp dụng những điều này vào bản thân để xem xét mức độ bạn đã nghiệm ra được đức Giêsu là AI trong đời mình.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những điều bạn nghiệm ra qua giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

10/12/21

Thứ bảy MV.II: Đọc dấu chỉ thời đại (Mt 17, 10-13)

10Các môn đệ hỏi Người rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Ê-li-a phải đến trước?” 11Người đáp: “Ông Ê-li-a phải đến để chỉnh đốn mọi sự. 12Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” 13Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu rao giảng về Nước Trời và huấn luyện các môn đệ.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt đức tin để đọc được dấu chỉ của thời đại mà tôi đang sống, nhờ đó tôi biết làm những chọn lựa đúng đắn cho đời mình.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Ông Êlia (cc. 10-11)

Ngôn sứ Êlia là người được đưa về trời trong cỗ xe ngựa với lửa cháy và gió lốc (2V 2, 1-13). Qua thời gian, người Do Thái xây dựng niềm tin rằng chính ngôn sứ Êlia sẽ trở lại để chỉnh đốn mọi sự để chuẩn bị cho thời đại của Đấng Messia (x. Ml 3, 23-24).

Các môn đệ hôm nay, có lẽ nhớ lại niềm tin này, vì ít nhất có ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan vừa được thoáng thấy ông Êlia trong biến cố Hiển Dung. Họ sống trong niềm tin vào sự chờ đợi thời Messia. Họ thắc mắc với đức Giêsu.

Bạn đang tin vào điều gì? Bạn đang mong chờ điều gì sẽ xảy đến cho bản thân, gia đình, quê hương và thế giới này? Hãy thân thưa với Chúa về điều đó.

2/ Đọc dấu chỉ thời đại (cc. 12-13)

Các môn đệ dường như chưa nhận ra được có điều gì đang diễn ra lại liên quan đến những điều họ đang mong chờ.

Bạn hãy ngẫm lời xác định của đức Giêsu: “Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn.” Tại sao họ không nhận ra?

Họ muốn thấy xe ngựa lửa và gió lốc đưa ông Êlia trở lại từ trời. Họ muốn thấy muốn nghe những gì quen thuộc đã được nghe kể về ông Êlia (như làm nhiều phép lạ chẳng hạn).

Vì u minh, không nhận ra nên họ không biết cách đối xử với sứ giả của Chúa. Họ biết ông Êlia sẽ trở lại để chỉnh đốn mọi sự, nhưng bây giờ họ không hoán cải khi nghe một người khác kêu mời. Tóm lại, họ bị đóng khung, bị rập khuôn.

Đức Giêsu ám chỉ về ông Gioan Tẩy Giả. Sau đó, các môn đệ nhận ra “ý ám chỉ” này. Các ông đọc được dấu chỉ của thời đại nơi một nhân vật mang sứ mạng “chỉnh đốn mọi sự” là Gioan. Một khi nhận ra Gioan chính là Êlia thì họ cũng sẽ nhận hiểu được Đấng sẽ khai mạc thời Messia: chính đức Giêsu, thầy của họ.

Có một liên kết giữa Gioan và đức Giêsu: thi hành sứ mạng trong đau khổ. Đó cũng là một điều che mắt con người vì họ muốn thấy hào quang, chiến thắng, sự dũng mãnh...

Hãy ngẫm nghĩ xem cách bạn đọc các dấu chỉ thời đại bạn đang sống: chiến tranh, thiên tai, nhân tai, đại dịch covid-19... Bạn đọc được gì ngang qua tất cả những gì đang diễn ra? Đức tin của bạn mang đến ánh sáng nào để bạn đọc dấu chỉ thời đại? Bạn đọc được gì về cách thế Thiên Chúa đồng hành với con người ngang qua mọi tai ương?

Đừng sống như những kitô hữu “nhìn đời từ ban công” – miễn là các tai họa kia không vào tới nhà tôi, không ảnh hưởng gì đến tôi!

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những gì bạn tin, và những gì bạn đọc được ngang qua dấu chỉ đang diễn ra hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet.