31Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin
Người: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32các
ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” 33Họ
đáp: “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ
cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” 34Đức Giê-su trả
lời: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35Mà
kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn
mãi. 36Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới
thật sự là những người tự do. 37Tôi biết các ông là dòng dõi
ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào
lòng các ông. 38Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha
tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” 39Họ
đáp: “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.” Đức Giê-su nói: “Giả như
các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc
ông Áp-ra-ham đã làm. 40Thế mà bây giờ các ông lại
tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên
Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. 41Còn các
ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”
Họ mới nói: “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha:
đó là Thiên Chúa!” 42Đức Giê-su bảo họ: “Giả như Thiên
Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên
Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính
Người đã sai tôi.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào
Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho
tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và
ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đối mặt với chất vấn của người Do
Thái về nguồn gốc của mình trong khung cảnh của Tuần Lễ Lều – một trong ba lễ lớn
buộc người Do Thái hành hương Giêrusalem.
Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết
lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho
tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài.
Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]
Gợi ý cầu nguyện
Thật hữu ích để
nhắc lại rằng thánh sử Gioan nỗ lực giúp cho độc giả
cảm nghiệm và hiểu được tâm hồn/đời sống nội tâm của đức Giêsu qua những cuộc
tranh luận rất dài. Nhưng chúng ta thường bị “lạc hướng” trong các cuộc tranh
luận đó. Việc khám phá “căn tính thật” của đức Giêsu là điều Gioan muốn nhắm tới.
Trong bài cầu nguyện này, mời bạn bỏ qua những suy tư duy lý, để chiêm ngắm và
khám phá chính đức Giêsu.
Lưu
ý rằng đây là cuộc đối thoại của đức Giêsu với những người vừa “tin vào Ngài”
sau khi Ngài mặc khải rằng Ngài chỉ làm những gì Chúa Cha làm, nhằm giúp họ xác
tín vào điều/Đấng họ tin. Ngôn ngữ, cách nói của cả hai bên đều rất “căng thẳng”.
Đức tin không phải là “mị dân” mà là một sự xác tín dám trả giá.
1/ Lời sự thật (cc. 31-38)
Mời bạn chiêm ngắm một Giêsu đang
nỗ lực bộc lộ chính mình, và khẳng định Lời mình là sự thật, Lời có sức mang lại
sự sống, Lời đưa bạn đến tự do. “Ở lại trong Lời” tức là tin-giữ-sống theo Lời
Ngài.
Đối lại, “những người mới tin” cảm
thấy bị xúc phạm vì họ thấy mình đâu phải là nô lệ (một tình huống nhạy cảm vì tất
cả dân Do Thái đang là nô lệ của Roma) khi dựa vào dòng dõi Abraham (được Thiên
Chúa giải phóng khỏi nô lệ Ai Cập).
Đức Giêsu gợi cho họ về “nội hàm”
của thứ tự do mà Ngài nhắm tới: Tự do khỏi tội lỗi. Ngài khẳng định chính Ngài
là Đấng sẽ giải thoát họ, bằng Lời sự thật của Ngài (Ngôi Lời). Lời sẽ làm cho
họ được làm con (tức người tự do).
Mời bạn chiêm ngắm một cuộc đối
thoại đầy căng thẳng như thế. Hãy để những Lời đức Giêsu nói chất vấn bạn. Bạn
có thật sự tin rằng…
-
Lời Ngài là sự thật?
-
Lời Ngài có sức giải phóng bạn khỏi tội lỗi?
-
Bạn từng muốn giết Ngài đi khi chạy trốn/bỏ
ngoài tai Lời Ngài?
Bạn nghiệm được gì về một Giêsu “mạnh
miệng” như thế?
2/ Viện cớ (cc. 38-40. 41b-42)
Cuộc đối thoại thanh luyện ấy tiếp
tục gây căng thẳng.
“Những người mới tin” cố chứng
minh mình tự do khi vịn vào Cha Abraham (cc. 39-40). Đức Giêsu cho thấy Abraham
“đích thực” hành động trên đức tin thế nào.
“Những người mới tin” lại cố chứng
minh một lần nữa rằng mình tự do khi vịn vào Thiên Chúa là Cha của họ (cc. 39-40).
Đức Giêsu cho thấy hệ quả của việc tin Thiên Chúa là Cha đích thực là thế nào.
Thực tế đang chứng minh điều ngược lại nơi họ.
Cả hai lần đức Giêsu đều nói “giả
như…”, Ngài điều kiện hóa nhân-quả. Thực tế của họ, tức là “quả”, đang
cho biết “nhân” của họ không như điều họ nói.
Chiêm ngắm cuộc đối thoại đầy căng
thẳng để thanh lọc đức tin này, bạn khám phá được gì nơi đức Giêsu? Bạn biết
thêm được gì về chính mình?
3/ Kẻ ẩn mặt (c. 41a)
41 “Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông
làm.”
Đức Giêsu nhắc đến
một nhân vật ẩn mặt đang điều khiển lòng trí những người mới vừa có một chút đức
tin vào đức Giêsu. Họ tin trên bề mặt, nhưng lòng trí đầy chống đối sự thật về
chính đức Giêsu – tin nhưng muốn giết!
Bạn hãy dành thời
gian để chiêm nghiệm về hoạt động của Kẻ ẩn mặt này trong đời mình, trong gia
đình/cộng đoàn mình và cả trong thế giới hôm nay.
Kết nguyện
Hãy làm một cuộc chất vấn đức tin của bạn với chính Thiên
Chúa của bạn.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.
- Ảnh: Internet -