Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

4/8/20

Thứ tư TN.XVIII: Mức độ tương giao (Mt 15,21-28)

21 Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” 23Nhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” 24Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” 25Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” 26Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” 27Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” 28Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đi qua vùng dân ngoại giáp biển Địa Trung Hải ở phía Bắc.

Ơn xin: Xin cho tôi kiên trì và nỗ lực trong việc tiếp cận với Thiên Chúa và để Ngài tiếp cận tôi, nhờ đó mà tôi có được mối tương quan cá vị với Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Khoảng cách xã hội (cc. 21-23a)

Mời bạn chiêm ngắm bước chân của Đức Giêsu và các môn đệ đi từ Gênêsarét, tả ngạn biển hồ Galilê, theo hướng tây bắc tiến về Vùng Tia và Sidon, cách đó khoảng 80 cây số. Có lẽ họ đã mất khoảng 10 tiếng đi bộ liên tục để đến vùng đất của dân ngoại (người Canaan). Ngài đến đó không để rao giảng hay làm phép lạ. Ngài đến để gặp một người phụ nữ đau khổ.

Khoảng cách giữa đàn ông – đàn bà, dân Do thái – dân ngoại, văn hóa và tôn giáo… làm cho họ phải nỗ lực rất lớn để tiếp cận nhau. Bạn hãy quan sát cách người phụ nữ tiếp cận Đức Giêsu: bà đi ra (khỏi làng) và kêu lên (còn khoảng cách xa).

Hãy lắng nghe tiếng lòng của bà: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”

Rồi quan sát cách Đức Giêsu đáp trả: Không đáp lại một lời! Tại sao vậy?

Hãy xem xét và thân thưa với Chúa về sự xa lạ của bạn đối với Ngài, hoặc bạn cảm nhận điều ngược lại: Thiên Chúa im lặng trước lời cầu nguyện của bạn.

2/ Khoảng cách quen biết (cc. 23b-26)

Mời bạn chiêm ngắm mức độ tương quan giữa các môn đệ và Đức Giêsu (cc. 23b-24). Họ thưa gì với thầy? Tại sao họ nói vậy? Đức Giêsu trả lời thế nào? Có phải ngài không muốn tương quan với dân ngoại?

Tiếp đến mời bạn chiêm ngắm mức độ tương quan của người mẹ Canaan với Đức Giêsu. Bà đến bái lạy và thưa, bà đến gần, trước mặt, thưa chuyện (nói vừa đủ nghe) với Đức Giêsu. Bạn hãy lắng nghe lời van xin của bà: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” – Hãy nghe câu trả lời “chói tai” của Đức Giêsu: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”

Bạn cũng hãy nói với Chúa về sự thiếu kiên nhẫn của mình trong cầu nguyện; cảm thấy khó chịu trước những lời mời gọi đầy thách thức và ngược ngạo của Tin Mừng; về cả tâm trạng mệt mỏi không muốn tiếp tục cầu nguyện…

3/ Khoảng cách thân thiết (cc. 27-28)

Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Hãy để cho lời này được ngấm sâu vào bạn cho đến khi bạn cảm nhận được mức độ tin tưởng của bà đối với Đức Giêsu.

Sau đó bạn hãy chiêm ngắm cách đáp trả của Đức Giêsu. Ngài thấy điều gì trong tâm hồn bà? Ngài quyết định làm gì? Đó có phải là mục đích của Ngài khi vượt đoạn đường 80 cây số để đến đây?

Hãy thân thưa với Chúa về hành trình dài trúc trắc của bạn trong tương quan với Chúa. Đâu là những giây phút bạn được thỏa lòng mong ước với Ngài?

Kết nguyện

Dành thời gian để cám ơn Chúa vì những nỗ lực của cả Chúa và tôi trong việc thiết lập mối tương quan đích thực với nhau.

Kết thúc bằng 1 kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)

16/7/20

Thứ tư 29/7/2020: “Chị có tin thế không?” (Ga 11, 19-27) – Lễ thánh Mac-ta


19Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” 24Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” 27Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đến thăm chị em Mac-ta và Maria sau khi em Lazaro được an táng.

Ơn xin: Xin cho tôi biết tin Chúa lúc vui khi buồn, và được Ngài chạm đến trong mọi trạng huống cuộc đời.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]



Gợi ý cầu nguyện

1/ Nỗi buồn chia ly (c. 19)

Mời bạn quan sát thật kỹ khung cảnh và bầu khí gia đình Mac-ta-Maria-Lazaro sau đám tang của Lazaro. Có bao nhiêu người hiện diện. Họ làm gì?

Hãy cho phép mình trở về với những kinh nghiệm buồn vì phải chia ly với người thân, hoặc tình trạng phân mảnh của chính bản thân, hoặc tình trạng vong thân của mình. Hãy nói với Chúa về tình trạng đó của mình.



2/ Than trách (cc. 20-24)

Mời bạn chậm rãi đi vào cuộc đối thoại của Đức Giêsu và chị Mac-ta. Lắng nghe lời than trách của chị và sự bày tỏ niềm hy vọng của chị vào lời cầu xin của Đức Giêsu.

Hãy nghe tiếp cuộc trao đổi của họ về niềm tin vào sự sống lại. Chị Mac-ta đã trả lời theo “giáo lý”. Mời bạn chiêm ngắm sự phân tách giữa việc tương quan với Chúa theo niềm tin theo giáo lý và có tương quan thật sự và sống động với một Thiên Chúa đang hiện diện trong đời bạn.



3/ “Chị có tin thế không?” (cc. 25-27)

Để xin ơn đức tin, mời bạn niệm[1] những lời mặc khải của Đức Giê su

1/ Thầy là sự sống lại / và là sự sống

2/ Ai tin dù có chết / cũng sẽ sống

3/ Ai sống mà tin / không bao giờ chết

Rồi lắng nghe lời chất vấn của Đức Giê su: “(Anh)/Chị có tin thế không?”

Mời bạn tiếp tục niệm: Thầy là Đức Kitô / Đấng phải đến thế gian.





Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về hành trình đức tin của bạn. 
Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.




[1] Hít-thở đều đặn theo khả năng. Niệm nửa vế câu khi hít vào, và nửa vế còn lại khi thở ra. Lặp lại bao lâu có thể cho đến khi cảm nghiệm được điều mình niệm.

Thứ tư 22/7/2020: Tìm gặp Chúa trong nước mắt (Ga 20, 1-2. 11-18) – Lễ thánh Marria Magdala


1Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

11Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em.’” 18Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.


Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu phục sinh hiện ra với bà Maria Magdala vào lúc sáng sớm.

Ơn xin: Xin cho tôi biết tìm kiếm Chúa lúc vui khi buồn, và được Ngài chạm đến trong mọi trạng huống cuộc đời.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]



Gợi ý cầu nguyện

Để chiêm ngắm tốt bài này, trước hết mời bạn chiêm ngắm 10 bức tranh chăn trâu (thập mục ngưu đồ). Trong bộ tranh, con trâu tượng trưng cho Tâm của bạn. Bạn đi tìm lại Tâm của mình và sẽ tìm được (tranh 1-6). Quá trình này khiến bạn nhọc sức nhưng sẽ thành công. Tìm được rồi lại thấy không đủ, không chắc vì thấy mệt mỏi vì phải lo giữ Tâm. Vậy có nên quên Tâm chăng? (Tranh 7-8). Sau cùng, bạn cảm nếm cái bao la trong bạn và bạn trong cái bao la nên thanh thản bước đi giữa chợ đời (tranh 9-10). Bạn có thể thay Tâm bằng chính Chúa của bạn.


1/ Mất Chúa (cc. 1-2)

Bạn hãy chiêm ngắm bước chân của chị Maria Magdala trên con đường dẫn đến ngôi mộ lúc trời còn chưa sáng rõ. Chị đi nhanh hay chậm? Chị mang theo những gì trên tay và trong lòng?

Chị thấy tảng đá nặng lấp cửa mộ đã bị lăn ra. Chị nghĩ tới điều gì? Tại sao chị nghĩ như vậy?

Hãy quan sát bước chân của chị trở về ngôi nhà họ đang trú ngụ. Chị đi nhanh hay chậm? Chị nhờ đến ai giúp chị trong cơn sợ hãi này? Tại sao chị lại chọn người này để giúp mình?

Hãy lắng nghe câu nói của chị: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Điều này nói lên điều gì trong lòng chị?

Hãy nói với Chúa về những giây phút, những giai đoạn cuộc đời bạn cảm thấy “mất Chúa”, hay Chúa vắng bóng trong đời bạn.



2/ Tìm Chúa (cc. 11-15)

Bạn tiếp tục chiêm ngắm hành trình lại đi ra mộ của Maria Magdala, khi hai người chị nhờ giúp đỡ đã chạy ra mộ trước chị. Dáng vẻ và chuyển động của chị lúc này thế nào?

Chiêm ngắm thế đứng của chị sát bên mộ, khóc, cúi xuống nhìn vào trong. Bạn hãy dừng lại để cảm nghiệm sự trống rỗng, lo lắng, đau khổ của chị.

Mời bạn lắng nghe câu hỏi của Thiên thần: “Này bà, sao bà khóc?” và của Đức Giêsu: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Các Ngài thấy chị khóc! Hãy dùng đôi mắt của các Ngài để chiêm ngắm giọt nước mắt của chị, gương mặt đang khóc của chị, dáng vẻ đau buồn của chị để cảm được điều đó đã chạm vào lòng thương xót của các Ngài.

Hãy lắng nghe câu trả lời của chị Maria Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” để cảm nếm sự trống vắng nơi lòng chị.

Nói với Chúa Giêsu về những nỗi đau, sự trống vắng, mất lý tưởng, mất đức tin của bạn. Hãy khóc với Ngài. Hãy để cho Ngài chạm đến, an ủi bạn, chữa lành bạn.



3/ Gặp Chúa và biến đổi (cc. 16-18)

Mời bạn chiêm ngắm giây phút Đấng Phục Sinh tỏ mình bằng cách gọi tên Maria với giọng điệu quen thuộc. Nhìn cách Maria òa vỡ khi nhận ra Chúa mình đang sống.

Maria muốn giữ Chúa lại như từng muốn giữ “xác Chúa”. Đấng Phục Sinh mời Maria có một tương quan mới: làm chứng nhân phục sinh cho các anh em tông đồ. Mời bạn chiêm ngắm lại một Maria sau giây phút gặp Chúa: gương mặt, bước chân, cõi lòng…

Lắng nghe sự xác tín của chị: “Tôi đã thấy Chúa!” Chiêm ngắm sự “thõng tay vào chợ” của một người phụ nữ đi làm chứng cho Đấng Phục Sinh.

Hãy nài xin Chúa ban cho ơn được “gặp” Ngài để được Ngài biến bạn nên chứng nhân cho Ngài.



Kết nguyện

Tạ ơn Chúa vì những cái chạm của Ngài trong đời bạn. Kết bằng 1 Kinh Lạy Cha.