Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

14/4/20

Thứ Tư 15/4/2020: Ngài có đó… (Lc 24, 13-35)


13Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18Một trong hai người tên là Clê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”
25Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” 27Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
33Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Nhập nguyện
  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Con đường dẫn từ Giêrusalem về làng Emau (Phía tây Giêrusalem), vào buổi chiều ngày thứ Nhất trong tuần.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được cảm nghiệm được sự hiện diện kín ẩn của Chúa Phục Sinh bên tôi để tôi biết lắng nghe Lời Ngài và biết làm chứng cho Ngài.
  • Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]
Gợi ý cầu nguyện
1/ Đồng hành (cc. 13-16)

Mời bạn đặt mình vào vai người môn đệ giấu tên, và cùng bước đi với Clê-ô-pát. Hãy cảm nhận đôi chân nặng trĩu lê bước, lòng nặng buồn, tâm trí rối bời… Bạn đang bỏ Giêrusalem để về quê cách đó khoảng 11 cây số. Cùng bước đi và trao đổi với nhau về những điều kinh hoàng vừa xảy ra ở Giêrusalem trong vài ngày gần đây.
Có một người khách lạ tiếp cận từ phía sau bạn, tiến bước kịp bạn, bước đi cùng hang với bạn. Cảm nhận của bạn thế nào?

2/ Gợi chuyện (cc. 17-24)
Người khách lạ gợi chuyện: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”
Như “gãi đúng chỗ ngứa”, Clêôpát và bạn dừng lại, buồn rầu. Lắng nghe giọng kể lể của Clêôpát về nỗi lòng cho vị khách lạ. Hãy đọc lại cách chậm rãi toàn bộ các câu 17-24 để nhận diện những chuyển động trong lòng mình, ý nghĩ của mình, khao khát của mình. Tìm xem đâu là sự chênh lệch giữa những gì bạn quan sát được và nghe được trong những ngày qua và sự thật về chúng.

3/ Gợi nhớ (cc. 25-35)
Bạn hãy quan sát thật kỹ người khách lạ: dáng vẻ người ấy, tư thế và cả tâm thế người ấy. Lắng nghe từng chữ, từng lời người ấy nói với bạn chiều nay, một buổi chiều buồn và ít hy vọng. Ngài kết nối Kinh Thánh để giúp bạn hiểu về điều bạn đang rối bời. Hãy đọc chậm và nghiệm các câu 25-27.
Nơi bạn muốn đến cũng đã đến, trời đã quá trễ, đêm dần buông. Bạn đã về đến nhà mình, nơi mình đã từng “lên đường” để đi tìm một lẽ sống! Còn người khách lạ? Ông ta quê ở đâu? Bạn muốn mời người ấy nghỉ đêm trong nhà bạn. Lý do gì khiến bạn quyết định ngỏ lời mời?
Người bạn mới quen nhận lời bạn và bước vào nhà bạn vào lúc nhá nhem tối. Các bạn cùng ăn tối với người ấy. Hãy quan sát vị trí ngồi của vị khách, cử chỉ của người ấy trong bữa ăn… Điều gì đã làm bạn bừng tỉnh, nhận ra người khách lạ đó là “người quen”? Hãy đọc chậm và nghiệm các câu 28-35. Cuối cùng, bạn đã trở về Giêrusalem với tâm thế nào? Để làm gì?

Kết nguyện
Hãy dừng lại để nhớ đến những lần Chúa Giêsu hiện diện kín ẩn và đồng hành với bạn. Nói với Ngài về điều đó. Có thể hát bài Ngài có đó của nhạc sĩ Ân Đức: https://nghenhacthanhca.com/music/listenone/9975/Ngai-co-do
Tạ ơn Chúa Cha vì Người Đồng Hành Giêsu cho đời bạn. Kết thúc bằng Kinh Lạy Cha.

7/4/20

[Thứ tư Tuần Thánh] “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26,14-25)

14Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế 15mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.
17Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” 18Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: ‘Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.’” 19Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
20Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” 23Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” 25Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”
Nhập nguyện
·          Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
·         Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
·         Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ đang ở Giêrusalem và cùng ăn lễ Vượt Qua với nhau.
·          Ơn xin: Xin cho tôi biết nhạy bén với những cơ hội Chúa gởi đến để cảnh tỉnh tôi.
·           Lối cầu nguyện: Suy niệm

Gợi ý cầu nguyện
1/ Thực hiện ý định đen tối (cc. 14-16)
Không ai biết rõ hết lý do đưa Giuđa đến quyết định bán thầy sau 3 năm theo làm môn đệ. Đó vẫn luôn là một bí mật lương tâm của Giuđa. Chúng thế nào và có biện minh được cho hành động bán thầy của ông không thì xin nhường lại cho Thiên Chúa phân xử.
Chúng ta chỉ thấy những hành động bên ngoài của Giuđa:
1/ Đi gặp các Thượng Tế là nhóm muốn diệt Đức Giêsu từ lâu vì Ngài dám xưng mình là Con Thiên Chúa, và đã gây quá nhiều ảnh hưởng trên dân chúng.
2/ Hợp đồng giá bán thầy với giá 30 đồng bạc (tương đương với tiền công căn bản của 30 ngày lao động). Đây cũng là giá phải đền bù cho 1 người nô lệ bị giết (Xh 21, 32). Ông đã đổi mạng thầy bằng với giá mạng một nô lệ. Ông đã đánh giá giá trị thầy bằng tiền của 30 ngày làm việc. Quá rẻ mạt!
3/ Giuđa cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu. Đây là tội cố ý thực hiện hành vi gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhìn vào Giuđa cũng là lời mời gọi tôi hãy nhìn vào bản thân mình để đánh giá quá trình dẫn đến tội của mình. Tội bắt đầu từ một ý tưởng đen tối do tham lam, thèm muốn, ghen tị…; rồi đến việc lên kế hoạch để đạt được ý tưởng đó; cuối cùng là tìm dịp “thuận tiện” để thực hiện nó. Để tạo dịp thuận tiện thì tôi phải giả dối, che đậy, giăng bẫy…
Dù tội lỗi của ta dù chưa được phơi bày qua muôn thế hệ như tội của Giuđa, nhưng hành trình đưa đến tội là như nhau. Hãy tìm ra điểm mấu chốt trong tiến trình đó để hoán cải, xin Chúa ban ơn tha thứ, và xin ơn chừa cải.

2/ Đức Giêsu sẵn sàng cho mọi sự (cc. 17-19)
Đức Giêsu và các môn đệ tuân giữ tập tục mừng lễ Vượt Qua theo truyền thống Do Thái; mặc dù lễ này đã bị thay đổi cách cử hành rất nhiều cho đến thời Đức Giêsu.[1] Trong bầu khí chuẩn bị chung của đền thờ và của nhiều gia đình, các môn đệ hỏi thầy về việc chuẩn bị lễ. Chúng ta ngạc nhiên vì Đức Giêsu đã chuẩn bị lễ trước họ: Ngài đã sắp đặt những điều cần thiết để thầy trò có thể mừng lễ Vượt Qua theo kiểu “gia đình” ở tại Giêrusalem (Vì Đức Giêsu và các môn đệ không phải là người Giuđêa). Thế ra, Đức Giêsu đã chuẩn bị sẵn sàng nơi chốn để các ông chuẩn bị (bánh không men, sát tế chiên đực không tì vết, nướng thịt chiên, rau diếp đắng, rượu nho…) cho việc cử hành lễ Vượt Qua.
Đức Giêsu biết sự căng thẳng ngầm đang diễn, và Ngài đã sẵn sàng cho mọi sự.
Về phần bạn, khi phân định và biết điều gì đó là ý Chúa, bạn có sẵn sàng như thế không?

3/ Lời cảnh tỉnh (cc. 20-25)

Sau một số (10) nghi thức nhắc lại biến cố Vượt Qua, họ tới phần ăn uống.[2] Trong lúc họ đang ăn uống (một phần của nghi thức lễ Vượt Qua), Đức Giêsu cất tiếng bộc lộ: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” Các môn đệ buồn rầu và tự chất vấn mình. Không khí mừng lễ kỷ niệm dân tộc được chính Thiên Chúa giải phóng như bị mất hết.
Đức Giêsu đau sót cho phận người chúng ta, cho những lỗi lầm mà chúng ta vẫn muốn dấn thân vào. Ngài vẫn hằng lên tiếng cảnh tỉnh chúng ta mỗi ngày. Dù cái chết của Ngài là hệ quả của lối sống của Ngài, nhưng chắc chắn Ngài không muốn bất cứ một ai trong chúng ta bị vấp ngã vì Ngài; bởi vì điều đó gây tổn hại cho chúng ta.
“Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Bạn hãy tự vấn mình xem có phạm đến Chúa Giêsu chỉ vì mình không chấp nhận được con đường Ngài đi, cách Ngài sống? Nếu có, điều đó đã làm tổn hại đến bạn như thế nào? Đại dịch Covid-19 có cảnh tỉnh bạn điều gì không?

Kết nguyện
Thân thưa với Chúa Giêsu về những gì nổi lên trong bạn sau khi suy gẫm những điều trên.
Đọc 1 Kinh Lạy Cha để tạ ơn và xin ơn tha thứ.

(Ảnh: Internet)

Tình mục tử giữa thời Covid-19

Ngày Lễ Lá vốn tưng bừng, hân hoan, năm nay trở nên lặng lẽ vì dịch Covid-19. Theo chỉ thị của nhà nước, ai ở đâu, ở yên đấy. Nhà thờ đóng cửa. Thánh lễ chuyển qua hình thức online. Cả xã hội dường như đứng chững lại. Giữa bối cảnh lo sợ đó, cha Sở xứ tôi[1] vẫn có cách để nâng đỡ đời sống đức tin cho giáo dân. 

Hẳn ngài biết rõ Lễ Lá sẽ kém phần trọn vẹn nếu không có lá. Cho nên, chiều ngày hôm ấy, ngài cho người đem đến cho mỗi gia đình trong giáo xứ một chiếc lá đã làm phép. Món quà tuy nhỏ bé nhưng thấm đẫm tình mục tử. Chiếc lá dừa thẳng tắp, xanh mướt đó ngay lập tức được chị tôi đặt dưới chân tượng Đức Mẹ như một lời tri ân.

Còn nhớ từ đầu tháng 3, khi thông tin về các nhà thờ (không phải Công giáo) bên Hàn Quốc trở thành ổ dịch thì người ta bắt đầu lo ngại về các nhà thờ ở Việt Nam. Tới khoảng giữa tháng 3 thì một giáo dân của giáo xứ Sao Mai dương tính với Covid-19. Nhà thờ Sao Mai trở thành nhà thờ đầu tiên bị cách ly, tạm ngưng thánh lễ. Sài Gòn bắt đầu nóng lên với tình hình dịch bệnh. Nhiều người nhìn vào nhà thờ e sợ. Số lượng giáo dân đến tham dự thánh lễ ở một số nơi sụt giảm. Là mục tử, hẳn cha nắm bắt được tâm lý này.

Kết hợp với những hướng dẫn mục vụ của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn, cha cho phun thuốc khử trùng nhà thờ một tuần ba lần, đặt bình rửa tay ở các cửa ra vào, kêu gọi con chiên đeo khẩu trang và ngồi giãn cách khi tham dự thánh lễ… Những thánh lễ đôi khi dài hơn vì cha có nhiều điều cần dặn dò. Giọng cha vẫn ấm, mạch lạc dù nỗi lo mỗi ngày một lớn. Hôm 19.3, mừng lễ thánh Giuse, bổn mạng của cha, cha tặng cho mỗi người đến dự lễ một cặp khẩu trang y tế. Vì khẩu trang y tế (thật) khan hiếm, cha đầu tư luôn cho giáo xứ một lò viba mới tinh để giáo dân hấp lại khẩu trang y tế mà dùng. Ngài còn đặt mua thêm khẩu trang vải, dự định phát cho giáo dân vào chúa nhật cuối tháng 3.

Chẳng biết đã có ai hấp được khẩu trang chưa, nhưng chỉ ngày hôm sau thôi, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn có công văn khẩn, yêu cầu tạm ngưng thánh lễ từ 16h ngày 26.3. Vị cha già đọc công văn mà không giấu được nỗi buồn. Chuyện xảy ra quá nhanh làm ai cũng ngơ ngác. Nhìn cha tóc bạc phơ, nhắn nhủ con chiên dâng thánh lễ cuối thật sốt sắng mà lòng tôi se sắt. Có lẽ đó là điều khó công bố nhất đối với ngài. Nhưng vì lợi ích chung, ngài chấp nhận.

Mấy hôm sau, nhà tôi nhận được hai cái khẩu trang vải trắng tinh, quà của cha gửi cho mọi gia đình trong giáo xứ. Thế mới biết, lòng người mục tử ân cần, lo lắng cho đàn chiên là như thế nào. Virus corona có thể làm cho người ta xa cách nhau, nhưng tình thương thì luôn tìm cách đến gần và đi cùng.

Tôi không biết khi nào thì thánh lễ sẽ được cử hành lại nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ trở lại, chúng ta sẽ hồi sinh, bởi vì tình thương vẫn hiện diện nơi đây, trong trái tim con người.
TT




[1] Cha Giuse Phạm Bá Lãm, Chánh xứ Hòa Hưng, Giáo hạt Phú Thọ, Giáo phận Sài Gòn