Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

21/3/24

Thứ sáu MC.V: Ném đá (Ga 10, 31-42)

31Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? 33Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” 34Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? 35Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? 37Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” 39Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.

40Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” 42Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tranh luận với những người Do Thái đã tin vào Ngài nhằm giúp họ thanh luyện niềm tin đó. Có vẻ như Ngài không thành công, vì họ quyết định ném đá Ngài để chống đối những điều Ngài nói.

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn khiêm tốn đón nhận những mặc khải của Thiên Chúa về chính Ngài cho tôi, ngay cả khi trí hiểu tôi chưa kịp tiếp nhận, để tôi đừng đóng lòng trước Ngài.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Ném đá (cc. 31-39)

Mời bạn đọc kỹ đoạn văn để nhận ra sự chênh lệch trong cách hiểu của Chúa Giêsu và người Do Thái. Người Do Thái thấy đức Giêsu chỉ là một người phàm mà lại dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Họ bị giới hạn trong cái nhìn của mình – mà cũng là điều bình thường vì tất cả dữ kiện đời đức Giêsu đã cho thấy điều đó. Họ không thể biết được nguồn gốc sâu xa của Ngài trước khi sinh vào trần gian.

Về phần đức Giêsu, sau quá trình nhập thể và nhập thế thành công, Ngài dùng kinh nghiệm con người, tiếng nói, văn hóa, tôn giáo để trình bày về Thiên Chúa Cha, về chính mình – một cách thành công và gần gũi. Nhưng Ngài không được tiếp nhận vì người ta không thể vượt qua được giới hạn để biết được nguồn gốc thần linh của Ngài.

“Ném đá” là một hành vi tỏ lộ sự phản đối của người Do Thái, thậm chí là phương tiện xử tử một người bị kết án chết. “Ném đá” diễn ra khi người ta không thể tiếp tục đối thoại với nhau được nữa. Từ ngữ đó đã được dùng theo nghĩa bóng trong nhiều nền văn hóa hiện nay. Trong văn hóa Việt Nam có câu “ném đá giấu tay”. Điều này khá sát với tình trạng ném đá trên các mạng xã hội hiện nay.

Đâu là những giới hạn của bạn để hiểu một người, một tình huống cuộc sống?

Đâu là cách thức bạn xử sự khi có bất đồng quan điểm, cách nghĩ, cách làm xảy ra?

2/ Lánh sang bên kia sông Gio-đan (cc. 40-42)

Vài câu Kinh Thánh ngắn ngủi cho thấy đức Giêsu muốn trở về nơi đã được ông Gioan làm phép rửa cho mình. Ngài muốn trở lại với giây phút được nghe Chúa Cha nói “Đây là Con Ta yêu dấu…”; giây phút trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài. Đó hẳn là giây phút hạnh phúc nhất đời Ngài.

Ngài mệt mỏi vì những tranh luận vô bổ trên bề mặt con chữ, bắt bẻ nhau trên từ ngữ.

Đâu là chốn bình yên mà bạn muốn trở về nghỉ ngơi khi mệt tâm? Kinh nghiệm về chốn bình yên của bạn có gắn với Thiên Chúa?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những hiểu lầm và bị hiểu lầm, những lần bị “ném đá”, những mệt mỏi trong tâm hồn bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

13/3/24

Thứ sáu MC.IV: Tranh tối tranh sáng (Ga 7,1-2.10.25-30)

1Sau đó, Đức Giê-su thường đi lại trong miền Ga-li-lê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giu-đê, vì người Do-thái tìm giết Người.

2Lễ Lều của người Do-thái gần tới. 10Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật. 

25Bấy giờ có những người ở Giê-ru-sa-lem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? 26Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thật sự nhìn nhận ông là Đấng Ki-tô? 27Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.” 28Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. 29Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”

30Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

Nhập nguyện

- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

- Khung cảnh: Sau phép lại đức Giêsu chữa người bị bại ở bờ hồ vào ngày Sa-bát thì xảy ra một cuộc tranh biện về việc giữ luật – nhân tiện đó đức Giêsu mặc khải về nguồn gốc của mình. Thay vì tin vào Ngài, họ thêm chống đối vì cho rằng Ngài dám tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Câu chuyện trong bản văn trích dẫn hôm nay là hệ quả của tiến trình trên: một bối cảnh mù mờ, “tranh tối tranh sáng” cho nhiều người.

- Ơn xin: Xin cho tôi được ơn đức tin để tôi tin vào những lời mặc khải của Chúa Giêsu, nhờ đó tôi được ơn cứu độ.

- Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Không gian hiện diện (cc. 1-2.10)

Mời bạn suy ngẫm về chọn lựa của đức Giêsu trong bối cảnh sau những cuộc tranh luận gay gắt về nguồn gốc, về giáo lý, về quyền bính của Ngài, các vị lãnh đạo Do Thái đã quyết định lên kế hoạch bắt lấy Ngài để xử tội và giết chết.

Ngài chọn lựa lui về vùng Galilê (miền Bắc nước Do Thái) để tạm lánh xa mối nguy hiểm.

Đến kỳ Lễ Lều, được cử hành tại Giêrusalem (niềm Nam),[1] sau khi môn đệ và người quen đã đi lên Giêrusalem thì Ngài cũng đi một mình cách âm thầm.

Bạn nghĩ gì về chọn lựa cách thế hiện diện của Ngài tại thời điểm nhạy cảm này?

2/ Tranh tối tranh sáng (cc. 25-29)

Hãy để ý bối cảnh lúc này. Đức Giêsu đi Giêrusalem cách âm thầm. Ngài không rao giảng hay hoạt động gì ồn ào. Một số người nhận ra Ngài, và bàn tán với nhau về việc kế hoạch của các thủ lãnh Do Thái, rồi sao Ngài vẫn còn tự do xuất hiện ở đây… Họ nghi vấn về việc các thủ lãnh Do Thái để thay đổi ý định do nhìn nhận Ngài là Đấng Kitô. Đến lượt họ, họ không tin đức Giêsu là Đấng Kitô vì họ biết gốc gác Nazareth của Ngài.

Chính trong bối cảnh đó mà đức Giêsu tiếp tục tỏ lộ về chính mình. Bối cảnh tranh tối tranh sáng dành cho bạn một không gian tự do chọn lựa: tin hoặc không tin.

Hãy ngẫm về những lời đức Giêsu nói đụng chạm đến xác tín của họ thế nào. Lời Ngài cũng đang đụng chạm đến xác tín của bạn.

Dân chúng – những người đang nghe đức Giêsu nói – muốn tra tay bắt Ngài, nhưng lại không dám hành động. Hãy bình tâm nhìn lại cách bản thân ta phản ứng thế nào khi những lời dạy của Chúa đi ngược với mình.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa Giêsu về những hoàn cảnh tranh tối tranh sáng trong kinh nghiệm đức tin của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet


[1] Lễ Lều là tuần lễ tám ngày người Do-thái cử hành để tạ ơn Đức Chúa đã chăm sóc họ trong sa mạc - ở trong lều - và sau khi định cư. Nó cũng là lễ vụ mùa. Họ mừng lễ Lều vào cuối tháng chín và đầu tháng mười, vào mùa gặt hái (x. Lv 23,33-36; Đnl 16,13-15; Ds 29,12-29; 2 Mcb 10,6). 

7/3/24

Thứ sáu MC.III: Thiện ý và Thành tâm (Mc 12,28-34)

28Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” 29Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” 32Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

Nhập nguyện

- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

- Khung cảnh: Sau khi chứng kiến những cuộc tranh biện giữa Chúa Giêsu với người Pharisiêu và Sađốc về việc nộp thuế và vấn đề sự sống đời sau, người Pharisiêu này đã tâm phục khẩu phục.

- Ơn xin: Xin cho tôi được ơn thành tâm thiện chí đi tìm những giải đáp hệ trọng cho đời mình, và mềm mại áp dụng vào đời sống bản thân để được thay đổi.

- Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi điểm cầu nguyện

Xin đề nghị một lối phân chia bản văn: liên tiến

A: Thiện ý của người đặt câu hỏi (c. 28)

B: Thiện ý của người trả lời (cc. 29-31)

A’: Thành tâm hồi đáp của người đặt câu hỏi (cc. 32-33)

B’: Thành tâm hồi đáp của người trả lời (c. 34)

1/ Ông Pharisiêu (c. 28. 30-33)

+ Xưa nay khi nghe đến nhóm Pharisiêu, người Pharisiêu bạn thường có cái nhìn thế nào về họ?

+ Ông Pharisiêu được nói đến hôm nay đã lắng nghe cuộc tranh biện của đức Giêsu và nhóm Sađốc về sự sống đời sau; và có lẽ ông cũng ở trong nhóm Pharisiêu đã tranh biện với đức Giêsu trước đó về việc nộp thuế cho Xêda. Ông nghelắng đọng để nghiệm lại các cuộc đối đáp đó. Ông nhận thấy đức Giêsu đối đáp rất hay. Hãy nhớ đến một người có khả năng “đối đáp hay” rồi ngẫm nghĩ xem tôi đã nghe và nghiệm điều họ nói thế nào. Tôi thán phục hay ghen tị? Tôi muốn đến học với họ hay muốn tìm kẽ hở để bắt lỗi?

+ Ông Pharisiêu đã tiến đến gần đức Giêsu và hỏi một câu quan trọng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Là giới Biệt Phái, đó là vấn nạn thường được tranh cãi giữa họ. Bạn hãy đọc các câu 32-33 để cảm nhận về sự thành ý của ông Pharisiêu này: Ông cảm thấy thú vị và hoàn toàn chấp nhận câu trả lời của đức Giêsu “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng.”

Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, hãy xét xem tôi có những thành kiến nào về người khác; và mức độ thành tâm thiện ý của tôi trong các mối tương quan.

2/ Đức Giêsu (cc. 29-31. 34)

+ Hãy ngẫm nghĩ về khả năng tổng hợp và đơn giản hóa vấn đề trong câu trả lời của đức Giêsu. Từ 248 điều khuyên làm và 365 điều cấm làm, Ngài rút thành 2 điều: mến Chúa và yêu người (cc. 29-31). Hãy suy xét xem bạn thường có khuynh hướng đơn giản hóa hay phức tạp hóa? Trả lời vào điều căn cốt hay diễn giải lòng vòng? Hãy dừng lại để học cách của đức Giêsu. Ngài có biết Ngài đã dành rất nhiều thời gian để chiêm ngắm Chúa Cha, suy niệm Kinh Thánh và ngẫm nghiệm cuộc đời?

+ Ngẫm nghĩ về cách đức Giêsu chuẩn nhận lòng thành của ông Pharisiêu: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Hãy suy xét về cách Thiên Chúa chuẩn nhận bạn, và cách bạn hồi ứng với người khác.

3/ Kết nối

Trong thời gian rất ngắn diễn ra cuộc đối đáp, đức Giêsu và ông Pharisiêu đã kết nối với nhau rất sâu đậm; không phải chỉ hiểu ý, mà còn quý tình. "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" là vậy.

Mời bạn dành thời gian để trải nghiệm mối tương quan cá vị này với Chúa Giêsu.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về điều gì bạn cảm hiểu được qua giờ cầu nguyện này.

Dâng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.