Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

26/10/21

Thứ tư TN.XXX: Chớp thời cơ (Lc 13,22-30)

22Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: 24“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.

25“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ 26Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ 27Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’

28“Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

30“Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu giảng dạy trên đường lên Giêrusalem.

Ơn xin: Xin cho tôi được biết mở lòng lắng nghe những chất vấn và cảnh cáo của đức Giêsu, để tôi biết làm những chọn lựa đúng thời và hữu ích cho đời mình.

Lối cầu nguyện: suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Chiến đấu qua cửa hẹp (cc. 22-24)

Mời bạn đặt mình cạnh bên đức Giêsu, cùng bước đi với Ngài, chăm chú lắng nghe từng lời Ngài nói, để tâm suy xét lời của Ngài.

-       Lên Giêrusalem: ý thức bạn đang cùng Ngài bước đi hướng về Giêrusalem, nơi Ngài sẽ bị nộp, xử án, xử tệ, giết chết, nhưng sẽ sống lại.

-       Đám đông cùng bước đi với bạn hoặc những sự kiện diễn ra trên đường có làm bạn lo ra chia trí?

-       Bạn có quan tâm đến số người được cứu độ? Bạn có quan tâm đến ơn cứu độ cho đời mình?

-       Nếu bạn quan tâm, câu trả lời là “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Bạn cần đầu tư và nỗ lực. Cửa hẹp thì bạn phải “gọn gàng”. Cửa hẹp dành cho ít người qua. Tại sao lại ít? Cửa hẹp có phải do Thiên Chúa muốn hạn chế số người vào Nước Trời?

-       Lời cảnh báo: “có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” Những người này có quan tâm, có tìm kiếm, nhưng tại sao vẫn không qua được “cửa hẹp”?

2/ Chớp thời cơ (cc. 25-28)

Thời cơ nằm ở trước giới hạn của “một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại”. Thời hạn ấy bạn không biết khi nào.

Bạn lỡ thời cơ khi cửa đang khép lại mà bạn vẫn còn đứng bên ngoài, thậm chí không phát hiện ra sự chuyển động của cánh cửa.

Khi bạn nhận ra thì lại dồn hết nỗ lực để gõ cửa, để nài xin ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, để biện minh ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ 

Bạn sẽ thật ngỡ ngàng với sự nghiêm nghị của “chủ”: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’

Sự đau sót muộn màng khi bạn thấy mà không được chung hưởng: “ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài”. Giờ đây bạn chỉ còn biết khóc và nghiến răng.

3/ Đảo lộn trật tự (cc. 29-30)

Bạn tưởng là chỉ có ít người qua được cửa hẹp, nhưng ngược lại: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.” Sách Khải Huyền nhắc đến 144 ngàn người “mặc áo trắng”, nghĩa là bao gồm muôn dân nước.

Bạn tưởng bạn đi trước sẽ đến trước, nhưng ngược lại: “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

Bạn có tìm được lý do của những sự đảo lộn này không?

Kết nguyện

Thân thưa với Thiên Chúa, Đấng cứu độ bạn trong thời gian rất riêng dành cho bạn.

Đọc một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

19/10/21

Thứ tư TN.XXIX: U Minh (Lc 12,39-48)

39Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”

41Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” 42Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? 43Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

47“Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: dụ ngôn – người đầy tớ và ông chủ – canh đêm    

Ơn xin: Xin cho tôi biết tỉnh thức để sống đời mình cách có ý nghĩa, dù đêm hay ngày, dù ở bên “chủ” hay “chủ” vắng nhà; để tôi đạt được cùng đích đời mình cách tốt nhất.

Lối cầu nguyện: suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

Trước hết mời bạn tìm đọc bài Phương pháp Suy xét để biết cách thực hiện bài hướng dẫn này cho hiệu quả.

1/ Lời mời “hãy biết” (cc. 39-40)

Hãy xem xét về sự kiện bị mất trộm: mọi sự diễn ra trong đêm tối. Một bên không biết gì và đang ngủ rất ngon – bên kia đang thức và canh chừng chủ nhà. Có thể tên trộm đã nghiên cứu rất kỹ thói quen sinh hoạt, tính cách của chủ nhà, các phòng và các cửa, ổ khóa... Sự thể diễn ra thành công vì một bên biết và biết rất nhiều, một bên không biết gì cả.

Đức Khổng nói về con đường Đại học là “minh minh đức” – làm sáng lên cái đức. Vì u minh là điều dẫn đến sự hủy hoại một con người, một gia đình, và thậm chí cả xã hội loài người. Nói theo tinh thần thông điệp Laudato Si là hủy hoại luôn cả môi trường, và cả vũ trụ này.

Hãy xét xem bạn biết những gì để được gọi là tỉnh thức? Kiến thức khoa học thường thức, quy luật tự nhiên, luật đạo đức, luật tôn giáo... Bạn muốn thân thưa gì với Chúa?

2/ Biết thật (cc. 41-44)

Cái biết này dành cho mọi người, không trừ một ai. Nhưng có vẻ chỉ có những ai nhận biết mình là “quản gia trung tín và khôn ngoan” thì mới nhận ra. Họ nhận biết...

-       Mình là một đầy tớ, được chủ tín nhiệm đặt lên coi sóc những người khác

-       Mình muốn trung tín với nhiệm vụ được giao

-       Mình sẽ “cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc”

Hãy xét về sự đối đãi của ông chủ với người quản gia trung tín khi ông trở về bất ngờ và chứng kiến sự trung tín của người đầy tớ: “ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình” – phúc đó lớn lao thế nào?

Đoạn suy xét về cách bạn thi hành nhiệm vụ “quản gia” của mình. Rồi thân thưa với Chúa về hiện trạng và xin ơn cần thiết.

3/ Biết mà ỷ y (cc. 45-46)

Bạn có từng nghĩ ta còn lâu mới chết! Chủ ta còn lâu mới về’! Đợi đến lúc gần chết sám hối cũng chưa muộn! Rồi bạn chọn sống hưởng thụ, thậm chí hưởng thụ trên sự tổn hại của người khác. Bạn cho phép thú tính của mình được tự do hành động.

Hãy đọc kỹ câu 46 để biết thêm hậu quả của chọn lựa này: chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.”

Áp dụng vào bản thân mình và thân thưa với Chúa.

4/ Biết và hành động (c. 47-48)

Biết ý chủ mà không làm theo thì bị đòn nhiều. Không biết nên làm sai thì bị phạt ít. Lưu ý rằng không phải là không biết thì không “có tội”. Luân lý Công giáo nói đến những ngăn trở cho sự hiểu biết có thể vượt qua. Ngày nay, có lẽ không ai có thể nói tôi không thể tiếp cận giáo lý của Chúa, luật về điều tốt và điều cấm. Thậm chí bạn có thể đọc được bằng cả ngôn ngữ khác nhờ Google Dịch. Trong thế giới phẳng với công nghệ 4.0, mọi thông tin trở nên dễ dàng cho mọi người tiếp cận. Hãy xét xem bạn đã dùng thời gian thế nào để tìm hiểu về những gì thăng hoa đời bạn, và học cho biết những gì cần xa tránh để không hủy hoại đời mình.

Điều cuối là biết mình được trao phó ở mức độ nào để biết cống hiến tương xứng. Làm sao để giỏi không kiêu, dở không tự ti. Hãy sống hết mình với tất cả những ân ban cho mình. Mời bạn xem xét cách bạn sử dụng những ân huệ Chúa ban: sự sống, thời gian, sức khỏe, điều kiện vật chất, các mối tương quan, kiến thức, đức tin...

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những u minh trong bạn, và những gì bạn được Ngài soi sáng qua giờ cầu nguyện này. Bạn có thể làm một lời hứa sẽ “minh minh đức” người khác.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

6/10/21

Thứ tư TN.XXVII: Tương giao đất trời (Lc 11,1-4)

1Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” 2aNgười bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

 ‘Lạy Cha,

2b xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

2cTriều Đại Cha mau đến,

3xin Cha cho chúng con

ngày nào có lương thực ngày ấy;

4axin tha tội cho chúng con,

vì chính chúng con cũng tha

cho mọi người mắc lỗi với chúng con,

4bvà xin đừng để chúng con

sa chước cám dỗ.’”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nơi hoang vắng, địa điểm không xác định. Đức Giêsu cầu nguyện và dạy các môn đệ cầu nguyện.

Ơn xin: Xin cho tôi có được cùng một tâm tình với Đức Giêsu khi hướng về Chúa Cha trong cầu nguyện.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Mẫu gương cầu nguyện (c. 1-2a)

Đặt mình vào vì thế các tông đồ được đi đó đây với đức Giêsu trong hành trình rao giảng công khai. Nhớ lại những lần bạn và nhiều người khác đi tìm kiếm đức Giêsu vì phát hiện Ngài không có ở đó với mình. Nhiều lần bạn tìm thấy Ngài ở nơi hoang vắng, thấy Ngài ở lặng đó… Nhớ lại những thắc mắc trong bạn về việc tại sao Ngài hay tách mình ra khỏi nhóm và ẩn mình vào nơi hoang vắng dài giờ? Cũng có lúc Ngài cho bạn biết Ngài đi cầu nguyện. Vậy Ngài cầu nguyện những gì? Ngài cầu nguyện thế nào? Dừng lại để chiêm ngắm một Giêsu đang cầu nguyện hôm nay.

Bạn có muốn học cầu nguyện với Ngài? Trong nhóm tông đồ cũng có ít nhất 2 người đã từng là môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Họ có kinh nghiệm được Gioan dạy về cầu nguyện.

Nếu bạn vẫn chưa cảm thấy có nhu cầu và khao khát học cầu nguyện với thầy Giêsu, thì hãy lắng nghe, lặp lại lời này cho đến khi nào ước muốn ấy trỗi dậy trong bạn: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.”

Sau đó hãy đặt mình vào trong cung lòng đức Giêsu để cầu nguyện với Chúa Cha bằng tâm tình của chính Ngài, thưa với Chúa Cha cùng một lời mà đức Giêsu muốn thưa với Cha.

2/ Tương giao đất trời (cc.2b-4)

Hãy đặt mình trong cùng một tâm tình của đức Giêsu khi hướng về Chúa Cha trong những lời cầu nguyện này:

2b: “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” – nhìn ngắm và cảm nghiệm ước muốn của đức Giêsu: chỉ mong cho Danh Cha được tôn vinh.

2c: “Triều Đại Cha mau đến” – đức Giêsu vừa cầu xin vừa dốc sức làm việc để điều đó được thành sự nơi lòng mỗi người, nơi thế giới loài người và nơi vũ trụ tạo thành của Ngài.

3: “xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy” – đức Giêsu vừa tạ ơn vì nhận biết Chúa Cha hằng nuôi dưỡng mình và muôn loài mỗi ngày; vừa phó thác từng ngày sẽ đến rằng chính Chúa Cha sẽ tiếp tục nuôi dưỡng mình mỗi ngày.

4a: “xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” – nhìn ngắm đức Giêsu xác tín vào quyền năng tha tội và hằng tha thứ của Chúa Cha. Hãy nhớ đến lời cầu nguyện của Ngài trên thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34) để cảm hiểu cách đức Giêsu đã thực hành điều kiện “để được tha tội” này như thế nào. Ngài vốn vô tội tuyệt đối mà còn tha cho những người xúc phạm đến mình; trong khi với chúng ta, ở mọi tình huống sai lỗi, chúng ta đều ít nhiều góp phần vào đó.

4b: “và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” Cám dỗ là điều luôn có sẵn trong cuộc đời chúng ta, do tham-sân-si của cá nhân, do “tội xã hội” khi cả một môi trường cùng sai lệch, và do cả Thần Dữ bủa vây. Hãy chiêm ngắm đức Giêsu chiến thắng mọi cơn cám dỗ về tiền bạc, quyền lực, địa vị, danh tiếng… để tự nguyện trao nộp mình cho ý muốn tốt đẹp của Chúa Cha thế nào.

Kết nguyện

Nhìn ngắm đức Giêsu và nài xin Ngài ban cho bạn những ơn bạn cầu xin trong Kinh Lạy Cha.

Kết thúc bằng chính Lời Kinh đức Giêsu dạy trong tâm tình của Ngài.

Ảnh: Internet.

5/10/21

Thứ tư TN.XXVIII: Tự đào hố (Lc 11,42-46)

42Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. 43Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. 44Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”

45Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” 46Đức Giê-su nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà một ông Pharisiêu.

Ơn xin: Xin cho tôi can đảm nghe những lời sự thật đôi khi chói tai, để tôi biết hoàn thiện chính mình và nên giống Chúa hơn.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy xét]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Nhập cảnh

Lùi lại câu 27, chúng ta sẽ thấy được bối cảnh mà thánh Luca đặt vào miệng đức Giêsu những lời này: trong một bữa ăn tại nhà một người Pharisiêu. Người Việt nói: “Trời đánh tránh bữa ăn” để nhắc nhau đừng làm gì, nói gì gây khó chịu khi đang ăn uống với nhau. Việc sửa dạy, tránh mắng, góp ý… nên thực hiện vào một lúc khác.

Ấy vậy mà nhân cơ hội Ngài vào bàn ăn mà không rửa tay và bị khiển trách, đức Giêsu nói luôn một bài giáo huấn dài về họ: nặng lời và khó nghe. Có phải Ngài “hồ đồ”? Hay vì Ngài không có cơ hội để nói “riêng” với họ những sự thật chướng tai gai mắt mà Ngài thấy nơi họ?

Chúng ta thích nhìn ngắm hình ảnh đức Giêsu Lòng Thương Xót, hay Thánh Tâm Chúa Giêsu, và mường tượng về giọng trầm ấm của Ngài, những lời nói yêu thương của Ngài, sự kiên nhẫn chờ đợi của Ngài. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Với người “già lừa ưa nặng”, Ngài sẵn sàng trừng mắt nhìn họ, đánh đuổi và lật tung bàn ghế của họ, chửi mắng họ nặng lời… với ước mong phá tan “sự điếc lác” của họ, và may ra họ sẽ hoán cải.

Hãy xét xem có khi nào những sự thật về bạn đã được chỉ cho biết trong một khung cảnh và thời điểm bạn không thể chấp nhận? Giả như bạn không thể chấp nhận được ngay lúc đó, bạn có cho mình cơ hội để tự suy xét lại sau đó?

2/ Tự đào hố (cc. 42-46)

Đức Giêsu chỉ ra sự thật về việc họ tự tạo nên hố ngăn cách giữa họ và người khác bằng những hành động, chọn lựa, và giá trị của họ.

Lãnh đạo: Pharisiêu và Luật sĩ

Dân đen

Ép dân nộp thuế + xao lãng lẽ công bằng và lòng yêu mến Thiên Chúa

nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ

Thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng

?

Mồ mả không có gì làm dấu

Người ta giẫm lên mà không hay

Chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính họ thì dù một ngón tay cũng không động vào

?

Chung quy lại, điều tạo nên hố sâu ngăn cách giữa “lãnh đạo” và “dân đen” là người có quyền thu vén tất cả cái tốt, sự ưu tiên, danh tiếng… về cho mình trên sự tổn hại của người khác, của “dân đen”.

Hãy nghiêm túc suy xét về chữ “khốn” đức Giêsu dùng để vạch trần sự thật xấu xa của nhưng người Biệt Phái và Thông luật. Nếu tính toàn bộ câu chuyện này thì có một lần đức Giêsu “chê” họ là “Đồ ngốc” và sáu lần Ngài dùng chữ “khốn”. Đó là những lời “chúc dữ”. Như đã nói, Ngài chỉ muốn lay động lương tâm họ và mong họ thay đổi.

3/ Hậu quả

Về phía những người Pharisiêu và các nhà thông luật: Họ tự đào hố ngăn cách mình với người khác. Họ cũng tự đào hố để chôn chính mình: “Mồ mả tô vôi”.

Về phía đức Giêsu: Thay vì người ta nghe-hiểu-hoán cải, họ căm giận Ngài ra mặt, vặn hỏi, gài bẫy Ngài (c. 53-54). Và bạn biết kết quả cuối cùng của sự căm giận này là “đóng đinh nó vào thập giá”.

Hãy suy xét về khả năng tự phản tỉnh của bạn dựa trên tư tưởng, lời nói, và việc làm của bạn. Bạn có thường làm “phút hồi tâm” mỗi ngày không?

Khi biết rằng sự thật mình nói ra vì lòng yêu mến người anh chị em, và mong họ nên tốt, có thể mang lại hậu quả bất lợi cho bản thân, bạn có can đảm để nói chăng?

Kết nguyện

Thân thưa với đức Giêsu, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự Sống về những điều bạn được gợi lên trong giờ cầu nguyện này.

Dâng một kinh Lạy Cha để kết thúc.

Ảnh: Internet.