Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

27/4/21

Thứ tư PS. IV: Phép bắc cầu (Ga 12,44-50)

44Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; 45ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chỉ ra nguyên nhân những người Do Thái không chịu tin vào Ngài sau khi chứng kiến nhiều dấu lạ.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Có một phép toán khá đơn giản: a = b, b = c, kết luận a = c. Mời bạn áp dụng phép toán này vào trong bài suy niệm hôm nay, với a là Chúa Cha, b là đức Giêsu, c là chính bạn. Đây cũng là cách giúp bạn tìm ra nguyên nhân làm cho con người/chính bạn không tin vào Thiên Chúa, để cải thiện.

1/ Cầu nối Giêsu (cc. 44-45)

Mời bạn làm phép thay thế vào câu 44: “c tin vào b, thì không phải là tin vào b, nhưng là tin vào a”. Suy ra, a = b, nghĩa là Chúa Cha và đức Giêsu là một, bằng nhau.

Mời bạn làm phép thay thế vào câu 45: “c thấy b là thấy a”. Suy ra, b = c. Kết luận, a = c. Nghĩa là Chúa Cha thấy tôi và tôi thấy Chúa Cha ngang qua đức Giêsu. “Biết” trong Kinh Thánh có nghĩa là hiểu nhau tường tận, như vợ chồng “biết” nhau.

Mời bạn chiêm ngắm “chiếc cầu Giêsu” nối bạn với Thiên Chúa vô hình. Bạn muốn nói gì với Đấng muốn làm “cầu kiều” cho bạn?

2/ Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và tôi (cc. 46-48)

Mời bạn làm phép thay thế vào câu 46: “b là ánh sáng đến thế gian, để c tin vào b, thì c không ở lại trong bóng tối”. Suy ra, ánh sáng của b lan tỏa sang c. Hãy suy niệm về cách thức Thiên Chúa đã soi sáng cho bạn.

Mời bạn làm phép thay thế vào câu 47-48: “(nếu) c nghe những lời b nói mà không tuân giữ, thì không phải chính b xét xử c, vì b đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. (Khi) c từ chối b và không đón nhận lời b, thì có quan toà xét xử c: chính lời (của) b đã nói sẽ xét xử c trong ngày sau hết”. Suy ra, lời của b sẽ xét xử c. Điều đó chất vấn bạn về cách bạn đã nghe và sống Lời Chúa. Nói cách khác, không phải chính Chúa sẽ xét xử bạn, nhưng cách bạn chọn lựa trong cuộc sống sẽ xét xử bạn, dựa trên sự soi sáng của Lời Chúa.

3/ Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha (cc. 49-50)

Mời bạn làm phép thay thế vào câu 49-50: “Thật vậy, không phải b tự mình nói ra, nhưng là chính a, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho b phải nói gì, tuyên bố gì. Và b biết: mệnh lệnh của a là sự sống đời đời. Vậy, những gì b nói, thì b nói đúng như a đã nói với b.” Suy ra, a thông truyền mọi sự cho b.

Mời bạn suy niệm về mối hiệp thông giữa đức Giêsu và Chúa Cha. Một bên trao ban tất cả, bên kia đón nhận tất cả và chuyển giao cách trung thành cho c.

Bạn cũng được mời gọi tiếp tục làm phép bắc cầu từ đức Giêsu sang bạn, và từ bạn sang người khác.

Kết nguyện

Dành thời gian để cảm tạ Thiên Chúa vì dòng chảy thông ban chính Ngài cho bạn, ngang qua đức Giêsu Phục Sinh.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

- Ảnh: Internet -

25/4/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (1)


Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ
1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG I: TIẾNG GỌI

Pierre-Joseph de Cloriviere chào đời ngày 29 tháng 06 năm 1735 tại Saint Malo, xứ Bretagne, Pháp. Xuất thân từ một gia đình thương mại đường thủy giàu có và nhiều ảnh hưởng trong vùng từ hơn hai thế kỷ. Pierre-Joseph từ nhỏ đã không ít lần chứng tỏ thừa hưởng sự thông minh và tinh thần mẫn cán từ gia đình.

Từ nhỏ, cậu đã sớm mồ côi cha mẹ. Gia đình gửi cậu vào trường nội trú dành cho học sinh người Anh của các cha Dòng Bức Đức ở Douai. Khi học xong trung học, nhiều con đường sự nghiệp mở ra trước mắt chàng thanh niên đạo đức này. Sau một lần thử dấn thân vào đời thủy thủ chàng nhận ra đó không phải là con đường của mình.

Chàng lên Paris để học luật và chính trong thời gian này chàng khám phá ra ơn gọi linh mục. Một thời gian sau, trong một cuộc gặp gỡ, chàng hiểu rằng Chúa muốn gọi chàng gia nhập Dòng Tên. Gia đình phản đối nhưng chàng đã nhanh chóng thuyết phục được họ. Chàng vào Tập Viện Dòng Tên ngày 14 tháng 08 năm 1756. 





20/4/21

Thứ tư PS.III: Dang rộng vòng tay (Ga 6,35-40)

35Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! 36Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin. 37Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, 38vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 39Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. 40Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tranh luận với dân chúng tại Ca-phac-na-um (phía Đông biển hồ Tiberia) sau phép lạ hóa bánh ra nhiều ở phía Tây biển hồ.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài.

Lối cầu nguyện: Niệm theo nhịp thở [Gõ và ô tìm kiếm: Ba phương cách cầu nguyện]

Gợi ý cầu nguyện

Bối cảnh của bài Tin mừng này là một cuộc tranh luận gay gắt giữa đức Giêsu và dân chúng liên quan đến vấn đề đức Giêsu sẽ ban chính mình làm Bánh trường sinh nuôi sống họ. Họ không thể hiểu, không thể tin được nên mới đòi Ngài cho “dấu lạ”. Họ dựa vào trường hợp tổ tiên đã ăn Manna là thứ bánh họ tin là “bánh bởi trời” nhưng các tổ tiên họ vẫn chết!

Vậy sự sống mà đức Giêsu sẽ ban là sự sống nào? Làm sao để tin rằng Ngài sẽ ban cho bạn thứ sự sống đó bằng việc ăn chính “thân mình” Ngài? Để tránh đi vào con đường cứng tin của dân chúng thời Ngài, mời bạn hãy khiêm tốn niệm những lời chính đức Giêsu đã nói. Trong khi niệm, chỉ cần tin rằng “Lời Chúa là chân lý” và chính Ngài sẽ thực hiện điều Ngài đã nói. Chính Ngài luôn dang rộng vòng tay để chào đón và chăm sóc bạn bằng mọi cách.

Bạn có thể niệm tuần tự các câu sau, hoặc chọn câu bạn muốn. Hãy niệm càng lâu càng tốt, cho đến khi điều bạn niệm trở nên điều trong bạn. Hãy hít thở đều đặn, nhập nguyện thật sâu. Chọn câu bạn muốn. Khi hít vào bạn niệm nửa vế, khi thở ra bạn niệm vế còn lại. Bạn cũng có thể dựa trên bản văn để tự tạo câu niệm theo ý mình.

  1. Chính tôi là / bánh trường sinh.
  2. Ai đến với tôi,/ không hề phải đói;
  3. Ai tin vào tôi,/ chẳng khát bao giờ! 
  4. Người Chúa Cha ban cho tôi/ đều sẽ đến với tôi,
  5. Ai đến với tôi,/ không bị loại ra ngoài, 
  6. Tôi tự trời mà xuống,/ không phải để làm theo ý tôi,
  7. Tôi tự trời mà xuống,/ để làm theo ý Đấng đã sai tôi. 
  8. Ý Đấng đã sai tôi là / tôi sẽ không để mất một ai,
  9. Ý Đấng đã sai tôi là / cho họ sống lại trong ngày sau hết. 
  10. Ý Cha tôi là / tin vào người Con,
  11. Tin vào người Con, / được sống muôn đời,
  12. Tôi sẽ cho sống lại / trong ngày sau hết.

Kết nguyện

Hãy thân thưa với Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đã Phục Sinh và đang sống, đang khao khát nuôi dưỡng bạn từng ngày.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha. 

- Ảnh: Internet -

13/4/21

Thứ tư PS.II: Nghiệm lại (Ga 3, 16-21)

16“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chuyện trò với ông Nicôđêmô vào một buổi tối.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Con người có khả năng đọc lại những ký ức của mình để phân tích, nối kết, đánh giá và tìm ra ý nghĩa. Trong cầu nguyện, thánh I-nhã mời thao viên dùng trí nhớ, trí hiểu và ước muốn để thực hiện giờ cầu nguyện. Mời bạn sử dụng những khả năng này cho bài cầu nguyện hôm nay.

1/ Thiên Chúa yêu thế gian đến cùng (cc. 16-17)

Hãy nhớ lại những tình tiết của cuộc thương khó – tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu mà bạn vừa trải qua trong mầu nhiệm Vượt Qua của đức Giêsu Kitô.

Bạn hãy lục lại trong trí nhớ xa hơn của bạn về đức Giêsu trong những năm Ngài hoạt động rao giảng công khai, rồi lần về tận nguồn gốc của đức Giêsu: ngày Ngài chào đời. Rồi đến tận nguồn cội xa xưa của Ngài: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời…” (Ga 1)

Rồi hãy đọc hai câu 16-17 để nghiệm lại điều được phát biểu xem từng chữ, từng câu đó được ứng với cuộc đời đức Giêsu một cách cụ thể như thế nào. Cũng nghiệm lại điều đó qua chính kinh nghiệm cuộc đời bạn.

Thân thưa với các Ngài đêìu bạn cảm nhận hoặc được soi sáng.

2/ Hệ quả của việc đón nhận hay từ chối (cc. 18-19)

Nhớ lại kinh nghiệm thực hiện những chọn lựa trong đời bạn. Có kinh nghiệm nào mà bạn cảm thấy “không có con đường nào khác”! Nghĩa là bạn bị bắt buộc phải chọn điều đó thì được sự lành, không chọn nó thì nhận hậu quả xấu.

Ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi đức Giêsu Kitô là một chọn lựa như thế. Nếu bạn đón nhận thì “không bị lên án”, nếu bạn từ chối thì đương nhiên tự lãnh hậu quả! Hậu quả này không phải do Chúa phạt, mà là do bạn chọn “làm đều xấu xa”, “chuộng bóng tối hơn ánh sáng”. Đây không phải là ánh sáng vật lý tạo nên ngày và đêm. Đây là thần Bóng Tối và thần Ánh Sáng, tức là Ma Quỷ và Thiên Chúa. Lưu ý rằng đây không phải là thần Ác và thần Lành đối chọi ngang hàng với nhau. Thiên Chúa thì lớn hơn tất cả, nhưng chúng ta thường bị Ma Quỷ quyến rũ và chúng ta thích những chiêu trò của nó hơn là “con đường hẹp” để đến với Thiên Chúa Ánh Sáng.

Nhớ rằng ông Nicôđêmô đang trò chuyện với đức Giêsu ban đêm – bóng tối vật lý; và ông đang tiếp nhận lời của đấng là Ánh Sáng – Ánh sáng siêu nhiên, ánh sáng ân sủng.

Mời bạn dành thời gian để suy xét về thái độ của mình trước ơn cứu độ được đức Giêsu Kitô “dâng tặng” cho bạn.

3/ Nguyên nhân sự đón nhận hay từ chối (cc. 20-21)

Hai câu cuối này đã quá rõ ràng về nội dung. Bạn chỉ cần nhớ lại những tình huống cuộc đời trong đó mình đã trốn vào trong Bóng Tối, và những tình huống mình được an nhiên đến cùng Ánh Sáng, ở trong Ánh Sáng.

Hãy nói với đức Giêsu về những điều bạn vừa nhớ được. Nhớ rằng, bạn đang nói chuyện với Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.

Kết nguyện

Tạ ơn Đấng Phục Sinh về những gì bạn được gợi nhớ, hiểu, và ao ước thay đổi qua giờ (60 phút) này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

- Ảnh: Internet -

6/4/21

[Thứ tư Bát Nhật PS] Ngài có đó… (Lc 24,13-35)

13Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18Một trong hai người tên là Clê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

25Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! 26Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” 27Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

33Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Nhập nguyện

  • Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần
  • Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
  • Đặt khung cảnh: Con đường dẫn từ Giêrusalem về làng Emau (Phía tây Giêrusalem), vào buổi chiều ngày thứ Nhất trong tuần.
  • Ơn xin: Xin cho tôi được cảm nghiệm được sự hiện diện kín ẩn của Chúa Phục Sinh bên tôi để tôi biết lắng nghe Lời Ngài và biết làm chứng cho Ngài.
  • Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đồng hành (cc. 13-16)

Mời bạn đặt mình vào vai người môn đệ giấu tên, và cùng bước đi với Clê-ô-pát. Hãy cảm nhận đôi chân nặng trĩu lê bước, lòng nặng buồn, tâm trí rối bời… Bạn đang bỏ Giêrusalem để về quê cách đó khoảng 11 cây số. Cùng bước đi và trao đổi với nhau về những điều kinh hoàng vừa xảy ra ở Giêrusalem trong vài ngày gần đây.

Có một người khách lạ tiếp cận từ phía sau bạn, tiến bước kịp bạn, bước đi đồng hành với bạn. Cảm nhận của bạn thế nào?

 

2/ Gợi chuyện (cc. 17-24)

Người khách lạ gợi chuyện: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”

Như “gãi đúng chỗ ngứa”, Clêôpát và bạn dừng lại, buồn rầu. Lắng nghe giọng kể lể của Clêôpát về nỗi lòng cho vị khách lạ. Hãy đọc lại cách chậm rãi toàn bộ các câu 17-24 để nhận diện những chuyển động trong lòng mình, ý nghĩ của mình, khao khát của mình. Tìm xem đâu là sự chênh lệch giữa những gì bạn quan sát được và nghe được trong những ngày qua và sự thật về chúng.

 

3/ Gợi nhớ (cc. 25-35)

Bạn hãy quan sát thật kỹ người khách lạ: dáng vẻ người ấy, tư thế và cả tâm thế người ấy. Lắng nghe từng chữ, từng lời người ấy nói với bạn chiều nay, một buổi chiều buồn và ít hy vọng. Ngài kết nối Kinh Thánh để giúp bạn hiểu về điều bạn đang rối bời. Hãy đọc chậm và nghiệm các câu 25-27.

Nơi bạn muốn đến cũng đã đến, trời đã quá trễ, đêm dần buông. Bạn đã về đến nhà mình, nơi mình đã từng “lên đường” để đi tìm một lẽ sống! Còn người khách lạ? Ông ta quê ở đâu? Bạn muốn mời người ấy nghỉ đêm trong nhà bạn. Lý do gì khiến bạn quyết định ngỏ lời mời?

Người bạn mới quen nhận lời bạn và bước vào nhà bạn vào lúc nhá nhem tối. Các bạn cùng ăn tối với người ấy. Hãy quan sát vị trí ngồi của vị khách, cử chỉ của người ấy trong bữa ăn… Điều gì đã làm bạn bừng tỉnh, nhận ra người khách lạ đó là “người quen”? Hãy đọc chậm và nghiệm các câu 28-35. Cuối cùng, bạn đã trở về Giêrusalem với tâm thế nào? Để làm gì?

 

Kết nguyện

Hãy dừng lại để nhớ đến những lần Chúa Giêsu hiện diện kín ẩn và đồng hành với bạn. Nói với Ngài về điều đó. Có thể hát bài Ngài có đó của nhạc sĩ Ân Đức:

https://nghenhacthanhca.com/music/listenone/9975/Ngai-co-do

Tạ ơn Chúa Cha vì Người Đồng Hành Giêsu cho đời bạn. Kết thúc bằng Kinh Lạy Cha.