Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

15/6/21

Thứ tư 16/6/2021: Nên giống Đấng kín ẩn (Mt 6, 1-6. 16-18)

1“Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5“Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16“Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng và các môn đệ qua bài giảng trên núi.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thực hành những điều Ngài truyền dạy.

Lối cầu nguyện: Suy chiêm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm và Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Chiêm ngắm sự kín ẩn của Thiên Chúa

a/ Chiêm ngắm Thiên Chúa sáng tạo muôn loài: Bạn có thể dùng ngũ quan, trí nhớ, trí hiểu của bạn để khám phá thế giới mà Chúa đã dựng nên. Chiêm ngắm con người với từng cơ phận của nó, tâm lý của nó, khả năng nối kết thiêng liêng của nó. Bạn cũng có thể dùng internet để hỗ trợ bạn khám phá vũ trụ bao la và thế giới siêu bé của công nghệ nano. Ngài làm mọi sự cách âm thầm, và phó mặc cho chúng tự nhận biết và ca tụng Ngài hay không.

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa
Không trung loan báo việc tay Người làm.

Ngày qua mách bảo cho ngày tới,

Đêm này kể lại với đêm kia.

Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh

Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu 
Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” Tv 19, 2-5

b/ Chiêm ngắm việc nhập thể của Ngôi Lời: Một sứ thần lặng lẽ tìm đến một làng quê tên là Nazareth, gặp một thiếu nữ chẳng ai biết đến tên là Maria, ngỏ một lời mời âm thầm trong căn nhà đơn sơ… Thế là Ngôi Lời trở nên một hợp tử trong tử cung của thiếu nữ ấy. Mầm sống đó phát triển âm thầm, sinh ra âm thầm, lớn lên âm thầm cho đến “trạc 30 tuổi”.

c/ Chiêm ngắm biến cố đức Giêsu phục sinh: Mọi sự xảy ra trong đêm, không một ai chứng kiến. Lính canh, các phụ nữ, các môn đệ chỉ phát hiện “hiện trường” mộ trống.

Mời bạn dành thời gian để tâm sự với Thiên Chúa, Đấng quyền năng, vĩ đại nhưng lại hành động quá âm thầm, đôi khi ẩn mình trong quy luật tự nhiên, trong các thụ tạo của Ngài.

2/ Sống theo Đấng kín ẩn (cc. 1-6. 16-18)

Bạn hãy quay lại bản văn Kinh Thánh để ao ước học theo và tập “hành động” cách kín ẩn như Thiên Chúa. Ngài kín ẩn, bạn chỉ có thể tương quan được với Ngài khi bạn sống kín ẩn, và thực hiện các việc đạo đức như làm việc bác ái, cầu nguyện, ăn chay.

Bạn có thể mở rộng ra mọi lãnh vực khác trong đời sống bạn, và tìm cách hành động cách kín ẩn vì Chúa.

Chúa Cha không mắc nợ chúng ta. Ngài chỉ muốn ân thưởng khi ta sống theo mơ ước tốt lành của Ngài dành cho ta.

Kết nguyện

Dâng lời tạ ơn Chúa Giêsu vì Ngài đã dạy cho bạn biết những điều này.

Dâng lời tạ ơn Chúa Cha vì Ngài luôn hiện diện bên bạn, ghi nhận và ân thưởng cho bạn từ lòng tốt của Ngài.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

- Ảnh: Internet - 

14/6/21

Đặc nét Linh đạo DHM: Ôm trọn thế giới

Tin mừng Mac-cô kết thúc với lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Tiếp nối tầm nhìn ấy, trong ơn linh hứng ngày 19 tháng 7 năm 1790, cha Pierre-Joseph de Cloriviere, S.J. được nhận dưới dạng một câu hỏi “Tại sao không trên toàn thế giới?” Câu này được hiểu là lời mời gọi “Ôm trọn thế giới”. Trong nháy mắt, cha được cho thấy mọi chi tiết của kế hoạch về một lối tu trì thích ứng với nhu cầu của từng thời đại và nơi chốn, để bảo toàn đời sống thánh hiến trong lòng Giáo Hội. Đây là điều rất mới mẻ trong lịch sử đời sống thánh hiến.

Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM) là Hội dòng thuộc quyền Giáo Hoàng, được thành lập năm 1791 tại Paris, Pháp; do sự kết hợp hai ơn linh hứng của cô Adelaide Champion de Cice (1749-1818) và cha Pierre-Joseph Picot de Clorivière S.J. (1735-1820).

Nguồn gốc ơn linh hứng

Ngay từ thời niên thiếu, Adelaide de Cicé đã ao ước dâng mình cho Chúa qua Ba Lời Khấn, trong khi sống ngoài tu viện, tận hiến cho việc phục vụ các chi thể đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, nối kết hoạt động với đời sống chiêm niệm. Vào năm 1785, cô đã diễn đạt trực giác này trong bản Kế hoạch sống.

Vào ngày 19 tháng 7 năm 1790, liền ngay sau lệnh giải thể các dòng tu tại Pháp, cha Pierre-Joseph de Clorivière bất ngờ nhận được ơn soi sáng trong vòng một cái nháy mắt về một lối tu trì mới thích ứng với bối cảnh của Giáo Hội tại Pháp thời bấy giờ.

Ngày 18 tháng 8 năm 1790, khi vừa hoàn thành bản Kế hoạch sống cho Hội dòng nam, cha cảm thấy được thúc đẩy mạnh mẽ để viết một Kế hoạch sống tương tự cho Hội dòng nữ. Bản Kế hoạch sống này hội tụ với bản Kế hoạch sống mà cô Adelaide đã trình bày với cha vào ngày 4 tháng 8 năm 1787 và được cha thêm vào những đường nét mới.

Những Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria tiên khởi đã cử hành nghi thức Thánh Hiến tại Paris và Brittany vào ngày 2 tháng 2 năm 1791. Biên bản Thành Lập Dòng cũng được ký tại Paris cùng ngày hôm đó.

Trong lòng Giáo Hội

Đức Giáo Hoàng Piô VII đã chuẩn nhận bằng lời cho bản Kế hoạch sống đầu tiên của Dòng tại Rôma vào ngày 19 tháng Giêng năm 1801.

Đức Giáo Hoàng Piô IX đã chuẩn nhận vĩnh viễn Hội dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria là dòng thuộc quyền Giáo Hoàng bằng sắc chỉ ấn ký ngày 24 tháng 4 năm 1857.

Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đã chuẩn nhận Hiến Pháp của Hội dòng bằng văn bản ký ngày 18 tháng 6 năm 1890.

Linh đạo DHM

Nhằm đạt được mục đích lan rộng và hiện diện trong những điều kiện khác nhau giữa lòng thế giới, Lối sống của Hội dòng…

   þ Được đặt nền trên linh đạo Inhã với những thực hành thiêng liêng mỗi ngày như cầu nguyện với Kinh Thánh, phân định, phút hồi tâm, đọc sách thiêng liêng, tham dự Thánh lễ, viếng Thánh Thể, lần chuỗi Mân Côi, và sống theo mẫu gương Thánh tâm Chúa Giêsu và Trái tim Mẹ Maria. Những thực hành này tạo nên sức mạnh thiêng liêng nhằm giúp mỗi thành viên tận hiến cho Thiên Chúa ngay trong đời thường, được gọi là Linh đạo nội tâm và Linh đạo chiêm niệm trong hoạt động, để “thấy Chúa trong mọi sự và nhìn mọi sự trong Chúa”.

   þ Cho phép một DHM sống giữa lòng thế giới trong khi hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa như Mẹ Maria; Mẹ đã cùng hiện diện với cộng đoàn tín hữu tiên khởi để loan báo Tin Mừng Phục sinh. Linh đạo DHM được đặt nền dựa trên bốn câu Tin Mừng là “Người bảo gì cứ làm theo” (Ga 2, 5) – “Đây là Mẹ của con” (Ga 19, 27) – “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ khỏi Ác thần” (Ga 17, 15) – “Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 15). Cha Cloriviere viết: “Dầu chúng ta không tuyên bố rời bỏ thế gian, cách suy nghĩ của chúng ta đã kéo chúng ta ra xa nó trong tinh thần hơn bất cứ sa mạc nào có thể làm được.”

   þ Giúp hội nhất giữa đời sống tu trì với sứ vụ gia đình hoặc bất cứ ngành nghề chuyên môn nào hoặc bất cứ điều kiện sống nào phù hợp với Tin Mừng. Mỗi DHM vừa là công dân đúng nghĩa, vừa là con cái trong nhà, vừa là người lao động có trách nhiệm. Nhìn từ bên ngoài các chị sống rất bình thường qua cách ăn mặc, làm việc, nơi ở… Thực ra, các chị sống đời thường một cách khác thường. Các chị sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, theo mẫu gương Mẹ Maria và các Kitô hữu tiên khởi, nhằm làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường chị hiện diện.

   þ Mở ra một phương thức liên kết các thành viên dựa trên việc tuyên khấn công khai Các Lời Khuyên Tin Mừng là Vâng Phục, Khiết Tịnh và Khó Nghèo và cùng sống một Hiến luật, dù họ sống chung hay riêng rẽ tùy theo sứ vụ. Đời sống của các chị vừa hợp nhất với Chúa Kitô, trung thành với Giáo Hội, vừa thích nghi vào từng môi trường mình phục vụ.

   þ Nhà cộng đoàn là nơi điều hành sứ vụ và bồi dưỡng tinh thần cho thành viên. Dù hữu ích cho sự phát triển của từng DHM và toàn Dòng, nhưng sự tồn tại của Hội dòng không tùy thuộc vào việc có hay không có những nhà cộng đoàn. Điều này giúp họ tự do ra đi loan báo Nước Thiên Chúa.

Giữa lòng thế giới

Noi theo mẫu gương Trái Tim Mẹ Maria đã đập những nhịp đập yêu thương của Trái tim Chúa Giêsu, các Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria cũng sống linh đạo trái tim, âm thầm làm chứng nhân yêu thương giữa đời thường. “Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy… Anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 15, 10.12). Trung thành với nguồn gốc Linh đạo của mình, Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria tiếp tục phục vụ Giáo Hội và thế giới tùy theo nhu cầu của thời đại và nơi chốn.

Hạt giống bé nhỏ gieo trên đất Pháp nay đã hiện diện tại bốn châu lục và hoạt động ở hơn 30 quốc gia. Hơn 200 năm qua, các Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria vẫn âm thầm hiện diện giữa lòng thế giới để thánh hóa thế giới từ bên trong. Họ như những hạt men bé nhỏ Thiên Chúa vùi vào khối bột lớn lao là thế giới này. Họ như những hạt cải nhỏ bé được Thiên Chúa gieo vào mảnh đất thế giới, hầu mong có ngày những hạt cải nhỏ bé này góp phần tạo nên chỗ trú ẩn cho những sinh vật yếu đuối và khơi lên niềm tin-yêu-hy vọng cho những ai cần đến. Họ được mời gọi để trở nên chứng nhân của Đức Kitô phục sinh và cho sức mạnh giải phóng của Tin Mừng.

Liên hệ

Chúng tôi tiếp nhận các bạn đến tìm hiểu vào mọi thời điểm trong năm.

Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

Điện thoại: (+84) 833 095 571 (gặp chị Trang)

Email: lienlacdhm@gmail.com

8/6/21

Thứ tư TN.X: Trở nên vĩ đại (Mt 5,17-19)

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng và các môn đệ qua bài giảng trên núi.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thực hành những điều Ngài truyền dạy.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Mời bạn mường tượng về một triền đồi, đức Giêsu giảng dạy trong tư thế ngồi. Ngài như một Môsê mới đang hướng dẫn luật sống cho các môn đệ và cho mọi người thành tâm thiện chí. Họ ngồi vây quanh Ngài. Các môn đệ ngồi sát bên Ngài.

1/ Kiện toàn, thay vì bãi bỏ (cc. 17-18)

Luật Môsê từng giúp cho dân Do Thái trong Cựu Ước đến mức được ca ngợi rằng: “Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!” (Đnl 4, 6). Theo dòng thời gian, người ta thêm thắt và diễn giải luật đó thành một hệ thống luật phức tạp. Thêm vào đó các “chức sắc” sống không giống những điều họ dạy. Dân chúng thời đức Giêsu mơ tưởng về một luật sống mới.

Câu 17, đức Giêsu trân quý tiến trình làm cho dân tộc Do Thái trở nên vĩ đại và khôn ngoan, được sàng lọc và bồi đắp qua bao thế hệ nỗ lực tin và sống Lời Chúa. Ngài muốn giúp họ trở về với những điều căn cốt và kiện toàn, “nâng tầm” nó, chứ không tuyên bố “vô hiệu hóa”/bãi bỏ. Thánh Phaolô nhìn nhận vai trò “người quản giáo” của lề luật. Nó giúp bạn “thuần hóa” chính mình và chuẩn bị đủ điều kiện để tiến đến việc trở nên môn đệ Chúa Kitô và chia sẻ sứ vụ của Ngài. Mời bạn tự suy xét về cách thức giữ luật và nỗ lực nâng tầm trong việc sống luật theo các mức độ: luật cấm, luật buộc, luật hướng dẫn, luật của Thần Khí tự do.

Câu 18, đức Giêsu tuyên bố sự trường tồn của luật. Mời bạn tự duyệt xét về mức độ nhìn nhận và tuân theo luật của mình: luật tự nhiên, luật xã hội/nhân luật, luật Chúa/thiên luật. Hãy nhớ lại lời khuyên của thánh Phaolô cho các tín hữu về việc tôn trọng chính quyền Rôma (Rm 13, 1-7).

2/ Trở nên vĩ đại hoặc tầm thường (cc. 18-19)

Cách thức đức Giêsu đưa ra rất đơn giản: “bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế” thì trở nên kẻ tầm thường (the least); Còn “tuân hành (cả điều nhỏ nhất) và dạy (người khác) làm như thế” thì trở nên người vĩ đại (the great); không chỉ trong thế giới hiện tại, mà là Trong Nước Trời.

Mời bạn làm một chọn lựa cho chính mình hôm nay.

Kết nguyện

Tâm sự với Đức Kitô, Đấng ban Lời là chính Ngài, Đấng tôn trọng tiến trình trưởng thành đức tin của bạn.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.


1/6/21

Thứ tư 2/6/2021: Lầm to (Mc 12, 18-27)

18Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: 19“Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.’ 20Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. 21Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. 22Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ.”

24Đức Giê-su nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? 25Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. 26Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. 27Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tranh luận với nhóm Xa-đốc.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và tránh được những u mê lầm lạc.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Rắc rối cuộc đời (cc. 18-23)

Sống trong cùng một thời đại, một nơi, nhưng lại có sự phân hóa giàu nghèo, ý thức hệ, niềm tin. Sự khác biệt tạo nên những tranh luận không ngừng. Rắc rối sẽ đến khi những người tham gia tranh luận không biết dựa vào nền tảng nào để biện luận. Bạn có kinh nghiệm gì về những cuộc tranh luận do sự khác biệt?

Thay vì giúp nhau tìm ra chân lý, người ta thích tạo nên những câu chuyện, những lý lẽ phức tạp đến mức chính họ cũng không tìm được giải đáp thỏa mãn. Mời bạn đọc lại bản văn để kinh nghiệm thêm về điều này.

Hãy nhớ lại và kể cho Chúa nghe những câu chuyện rắc rối bạn từng gây ra, hoặc người khác gây ra cho bạn. Bạn rút được kinh nghiệm gì trong Chúa?

2/ Lầm to (cc. 24-27)

Mời bạn đọc kỹ câu 24. Đức Giêsu nêu ba lý do làm cho người ta lầm tưởng (Đức Khổng gọi là U minh) dẫn đến lầm lạc, đó là “Không biết Kinh Thánh”, “Không biết quyền năng Thiên Chúa” và “Không biết Thiên Chúa của kẻ sống.”

“Không biết Kinh Thánh”: Lời Chúa, chính Chúa (Ngôi Lời) được diễn đạt ngang qua kinh nghiệm và ngôn ngữ con người. “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” (thánh Giêrônimô). Muốn biết Đức Kitô thì cần Đọc, Hiểu, Tin, Sống Tin Mừng/Kinh Thánh. Mời bạn tự xét lại mình về việc thực hành bốn điều này. Bạn có dành thời gian trong ngày sống của mình cho điều đó chưa? Mức độ thế nào?

“Không biết quyền năng Thiên Chúa”: Có bao giờ bạn dành thời gian để chiêm ngắm kỳ công của Thiên Chúa trong thiên nhiên, trong lịch sử xã hội loài người, trong lịch sử tôn giáo, trong câu chuyện dòng tộc và đời bạn? Bạn có thể kể ra những gì bạn cho là “quyền năng Thiên Chúa”?

“Không biết Thiên Chúa của kẻ sống”: Thiên Chúa của lịch sử, nhưng Ngài đang sống - bạn có thể đọc tông huấn Christus Vivit để trải nghiệm về lời khẳng định về sự thật này. Nếu Ngài “không sống” thì như thành Phaolo nói: Chúng ta là những người đáng thương nhất! (x. 1Cr 15, 17). Ngài là Thiên Chúa sự sống, Thiên Chúa của kẻ sống. “Chỉ Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích chi” (Ga 6, 63). 

Cầu nguyện theo phương pháp Linh Thao cho bạn cơ hội để kinh nghiệm về Thiên Chúa ngang qua Kinh thánh và sự kiện đời thường. Có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ tặng lại Chúa một khoảng thời gian năm bảy ngày trong tổng thời gian 365 ngày mà Ngài ban cho bạn để tham dự một cuộc Linh thao hoặc một khóa cầu nguyện thinh lặng? Hay mỗi ngày tặng lại Ngài 30 phút đến 1 giờ trong tổng 24 giờ để hiện diện với Ngài?

Câu 25-27, đức Giêsu mặc khải những điều giúp họ đặt nền để tránh đi vào “u minh” mà tranh luận luẩn quẩn. Mời bạn tự xét duyệt chính mình dựa trên điều Ngài mặc khải.

Sự sống đời sau là sự sống viên mãn, trổi vượt tự nhiên nên không cần “nhân giống” và cũng không cần những tình yêu và sự chăm sóc trung gian giữa vợ và chồng.

Kết nguyện

Hãy tâm sự với Chúa Giêsu về những u mê lầm lạc của mình.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: Internet

30/5/21

                                          TRỞ VỀ


Đâu đó, vẳng trong tai nó lời tâm sự: “Có nhiều con đường để đi, nhưng chỉ có một lối để về”. Rồi nó chợt suy nghĩ: “Mà đi đâu và về đâu?” Nó nhớ đến những bài thánh ca trong mùa Chay: “Hãy trở về với Ta”; “Trở về bên Chúa”; “Hãy quay về”

Trở về có nghĩa là quay về chốn cũ, chỗ đã từng ở, đã từng ra đi. Nó đã ở đâu? Nó đã từ đâu ra đi và nó đã ra đi khi nào?

Nó thấy lòng bồi hồi. Nó muốn hồi hương. Nó muốn trở về nơi nguyên thủy nó đã ra đi. Mà về đâu? Nó đi tìm nhưng chỉ thấy lặng thinh …Và rồi, đâu đó những lời của các bài hát cũng phần nào giúp nó lờ mờ nhận ra “về bên Chúa”. Nhưng Chúa ở đâu? Nó đi tìm Chúa nơi những bài học, rồi nó cũng thấy vô vọng với mớ kiến thức đầy khô khan và lý thuyết. Nó lang thang đi tìm Chúa nơi công việc. Thành công đó nhưng rồi nó vẫn thấy lòng trống vắng. Nó cất bước ra đi tìm Chúa nơi những mối tương quan, sau cùng nó cũng phải chân nhận với chính mình rằng con người bản chất là thánh thiện, nguyên tuyền, đầy Chúa đó, nhưng rồi con người đầy bất toàn bởi ngay khi còn trong dạ mẹ con người đã dầm mình trong những tổn thương di truyền nơi môi trường thế giới, gia đình, văn hóa. Nó lại lang thang ra đi, đi mãi, đi mãi. Một ngày nó thảng thốt nhận ra “Chúa ở ngay trong lòng” nó. Người ở trong tất cả những gì nó là, trọn vẹn con người nó, ngay cả trong những hạnh phúc, tổn thương của nó. Thật ra, nó đã từng hạnh phúc ở lại bên Chúa trong chính cõi lòng, nhưng thời gian và lực hút của môi trường, của thế gian, của những thế lực ngoài tầm kiểm soát của nó đưa đẩy làm rời xa dần mà nó không ý thức.

Đến một ngày, trong nội tâm nó chợt vang lên: “Này con, Ta sẽ lập với con một giao ước mới.  Ta sẽ ghi vào lòng dạ con, sẽ khắc vào tâm khảm con Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của con, còn con sẽ là dân của Ta” (Gr 31, 31-34). Thế rồi nó hiểu sâu hơn, xác tín hơn rằng trở về bên Chúa là cuộc lội ngược dòng trở về trong chính nội tâm mình để gặp gỡ Thiên Chúa. Người đã ở đó, Người luôn ở đó và mãi mãi ở đó, chỉ cần nó ý thức và trở về trong thẳm sâu cõi lòng, nó sẽ gặp Người.

Hân Nhi


25/5/21

Thứ tư 26/5/2021: Thời khắc chọn lựa (Mc 10, 32-45)

32Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: 33“Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. 34Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”

35Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” 36Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” 37Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” 38Đức Giê-su bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” 39Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giê-su bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

41Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. 42Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; 44ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đường lên Giêrusalem. Đức Giêsu đi đầu. Các môn đệ kinh hoàng, những người theo sau (dân chúng) thì sợ hãi.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và can đảm bước đi với Ngài trong đời thường.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Chọn lựa của Đức Giêsu (cc. 32-34)

Chẳng phải là người ta luôn tìm đủ mọi cách để thoát khổ? Cùng đích đời người chẳng phải là đạt được hạnh phúc sao? Bạn không thể hiểu được chọn lựa “lao vào khổ” của đức Giêsu, nếu bạn không biết kinh nghiệm và sự xác tín của Ngài rằng đó là “thánh ý Chúa Cha”. Điều đó có nghĩa là gì? Chắc chắn Thiên Chúa không tạo ra sự dữ, sự xấu, đau khổ, mất nhân tính… Nhưng để cứu những con người đang trở nên sự dữ, sự xấu, đau khổ, mất nhân tính… không có con đường nào khác là phải chịu khổ trong tay họ, chết trong tay họ… rồi quyền năng tình yêu Thiên Chúa mới cứu họ được.

Đau khổ gây ra tổn thương và giết chết con người. Đức Giêsu chỉ có thể đi qua đau khổ mà đến được “phục sinh” bởi Ngài được đặt nền trên tình yêu trung tín và thương xót của Chúa Cha.

Kitô giáo mời gọi bạn bước theo đức Kitô, kinh nghiệm tình yêu tha thứ, niềm vui cứu độ… rồi cùng Ngài bước vào “bể khổ” để cứu người anh em. Đó là ơn gọi chung cho mọi loại hình ơn gọi.

“Lên Giêrusalem” là lối nói chỉ việc tự nguyện đi vào đau khổ. Mời bạn đọc chậm rãi các câu 33-34 để trải nghiệm những đau khổ mà đức Giêsu biết mình sẽ trải qua. Cũng hãy nhớ lại những đau khổ mà bạn phải chịu, nhất là những đau khổ vì hy sinh vì yêu. Nếu còn sự tổn thương nào do đau khổ còn đọng lại nơi mình, bạn hãy cầu xin Đấng Phục Sinh chữa lành bạn.

2/ Chọn lựa của Giacôbê và Gioan, cùng các môn đệ khác (cc. 35-41)

Bạn hãy đọc đoạn văn này để trải nghiệm sự tìm kiếm thường tình của loài người nói chung: danh vọng – quyền lực – hưởng thụ.

Xem cách ứng xử khéo léo của đức Giêsu qua việc đặt câu hỏi (câu 38) – sự phản ứng cách thiếu hiểu biết của hai ông (câu 39).

Kết luận của đức Giêsu cho thấy, đối với Ngài không có con đường nào khác để đến được vinh quang đích thực, ngoài con đường đau khổ vì yêu thương.

3/ Cách chọn lựa đúng đắn (cc. 42-45)

Đức Giêsu nêu gương phục vụ khiêm nhường và mời các môn đệ cùng chọn và sống như vậy. Mời bạn cũng xét duyệt lại việc tham gia phục vụ của mình trong các hội nhóm, hoặc sự hiện diện của bạn nơi công sở, trong gia đình… Người khác là đối tượng bạn phục vụ hay là “bệ” để bạn bước lên những nấc thang cao hơn của danh vọng – quyền lực – hưởng thụ?

Sự phục vụ như đức Kitô là trở nên thấp hơn người mình phục vụ và nâng họ lên. Để xin ơn biết phục vụ khiêm nhường, bạn hãy chiêm ngắm Con Thiên Chúa tự hạ nhập thể, chết trên thập giá (Pl 3, 6). Thánh I-nhã coi khiêm nhường là nhân đức cao cả nhất, làm phát sinh ra mọi nhân đức khác.

Những chọn lựa quan trọng thường có những thời khắc riêng của nó trong hành trình đời mỗi người. Hãy nhận ra thời khắc quyết định này và biết nguyên tắc phân định chọn lựa để làm được những quyết định đúng đắn cho đời mình.

Kết nguyện

Cầu xin với Đấng đang đi đầu lên Giêrusalem để được ơn biết chọn lựa và can đảm thực thi.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha. 

- Ảnh: Internet -

23/5/21

TIẾNG GỌI GIỮA GIAN TRUÂN (2)

                       

Cuộc đời Cha Pierre-Joseph de Cloriviere, SJ
1735 - 1820



Bản văn của Chantal Reynier, DHM
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Bùi Quang Minh, SJ

........................................................................................................


CHƯƠNG II: THỬ THÁCH

Được huấn luyện dần dần trong tinh thần Dòng Tên, năm 1758 thầy Pierre-Joseph Clorivière tuyên khấn lần đầu. Cũng trong thời gian này, chiến dịch bôi bác và bách hại các cha Dòng Tên (còn gọi là Giêsu hữu) lan rộng khắp nước Pháp. Tuy nhiên, điều này đã không làm nhụt chí dấn thân vào Dòng của thầy.

Năm 1762, các Giêsu hữu bị trục xuất khỏi nước Pháp. Thầy Pierre-Joseph trẩy đi Liège (Vương quốc Bỉ) để sống chung với các anh em gốc Anh. Thầy học thần học ở đây và sau đó lãnh tác vụ linh mục. Sau khi hoàn tất năm huấn luyện cuối cùng, còn được gọi là năm “Tập Ba” và một thời gian làm tông đồ tại Anh, cha Clorivière được cử làm phụ tá Giáo Tập ở Grand (Bỉ). Năm 1772, cha được chuẩn nhận khấn cuối trong Dòng. Lời khấn này xác chuẩn long trọng và vĩnh viễn cha là một tu sĩ Dòng Tên. Một năm sau, Đức Thánh Cha Clêmentê XIV giải thể Dòng Tên trong Hội Thánh.

Cha Clorivière cảm nghiệm đau đớn cơn thử thách này, nhưng người quyết trung thành với ơn gọi Dòng Tên của mình. Từ đây, cuộc đời của người sẽ là hành trình tìm vinh danh Chúa hơn trong cuộc thương khó của Dòng. Người sẽ làm tất cả trong tinh thần Linh Thao của Thánh I-nhã, tức kinh nghiệm thiêng liêng đã làm hoán cải trái tim người.




18/5/21

Thứ tư 19/5/2021: Gìn giữ các môn đệ (Ga 17, 11b-19)

11b “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nhớ lại khung cảnh Đức Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha cho các môn đệ trước khi Ngài đi vào cuộc khổ nạn.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thêm gắn bó với Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đặt khung cảnh

Mời bạn đặt lại mình vào trong khung cảnh trước ngày chia tay giữa thầy trò Giêsu, một cuộc chia tay bất bình thường nhưng thầy Giêsu biết rất chắc chắn rằng nó rất gần kề. Càng đặt khung cảnh tốt, bạn càng chiêm niệm tốt và cảm nếm sâu tấm lòng của Thầy Giêsu dành cho người môn đệ.

Đoạn này được đặt giữa cảnh “bữa tiệc rửa chân” và trước khi đức Giêsu bị bắt. Thánh sử Gioan đã viết thêm bốn chương thật dài nhằm lột tả hết tấm lòng của thầy Giêsu dành cho các môn đệ. Trước viễn cảnh chia lìa, đức Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha cho người môn đệ.

Để chiêm niệm bài này, bạn chỉ cần chăm chú nhìn vào cái nhìn của thầy Giêsu đang chăm chú lên Chúa Cha và nói với Ngài về bạn. Bạn có thể chiêm ngắm theo từng câu, hoặc chọn bất cứ câu nào bạn được đánh động.

Câu 11b, chiêm ngắm sự tha thiết nài xin của thầy Giêsu cho bạn, và cho “nhóm” bạn: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.”

Câu 12a, chiêm ngắm lại cách thầy Giêsu đã gìn giữ bạn; bây giờ Ngài nói với Cha về điều đó: “Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con.”

Câu 12b, chiêm ngắm nỗ lực gìn giữ của thầy Giêsu dành cho từng người, và sự tự do của từng người có muốn nhận sự chăm sóc đó không: “Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.” 

Câu 13, chiêm ngắm sự tế nhị của thầy Giêsu khi không muốn cho người môn đệ phải buồn vì sự chia ly: “Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.”

Câu 14 và 16, chiêm ngắm niềm vui trong trái tim thầy Giêsu khi thấy người môn đệ được cùng chia sẻ “chén đắng” và phần phúc đời mình: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.”

Câu 15 và 17, chiêm ngắm sự tha thiết nài xin của thầy Giêsu cho bạn: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.”

Câu 18, chiêm ngắm sự tín nhiệm thầy Giêsu dành cho bạn: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.”

Câu 19, chiêm ngắm tình yêu dâng hiến của thầy Giêsu dành cho bạn: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

Kết nguyện

Hãy thân thưa với thầy Giêsu, Đấng đang cầu nguyện với Chúa Cha cho bạn?

Kết thúc, bạn hãy đọc 1 Kinh Lạy Cha cùng với thầy Giêsu của bạn. 

- Ảnh: Internet -

11/5/21

Thứ tư PS.VI: Sự thật toàn vẹn (Ga 16,12-15)

 12“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nhớ lại khung cảnh Đức Giêsu tâm tình với các môn đệ trước khi Ngài đi vào cuộc khổ nạn.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thêm gắn bó với Ngài.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Mời bạn đặt lại mình vào trong khung cảnh trước ngày chia tay giữa thầy trò Giêsu, một cuộc chia tay bất bình thường nhưng thầy Giêsu biết rất chắc chắn rằng nó rất gần kề. Càng đặt khung cảnh tốt, bạn càng chiêm niệm tốt và cảm nếm sâu tấm lòng của Thầy Giêsu dành cho người môn đệ.

Đoạn này được đặt giữa cảnh “bữa tiệc rửa chân” và trước khi đức Giêsu bị bắt. Thánh sử Gioan đã viết thêm bốn chương thật dài nhằm lột tả hết tấm lòng của thầy Giêsu dành cho các môn đệ. Trước viễn cảnh chia lìa, đức Giêsu trấn an người môn đệ bằng lời hứa ban Thánh Thần.

Để chiêm niệm bài này, bạn chỉ cần chăm chú nhìn vào trái tim của thầy Giêsu và lắng nghe chậm rãi từng lời thầy thốt ra để cảm hiểu tâm tình của thầy. Bạn có thể chiêm ngắm theo từng câu, hoặc chọn bất cứ câu nào bạn được đánh động.

Câu 12, hãy lắng nghe nỗi bận tâm của thầy: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.”

Câu 13a, chiêm nghiệm về Thần Khí Sự Thật và sự thật toàn vẹn: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.”

Câu 13b, Chiêm nghiệm về cùng một cách thức, đức Giêsu làm những điều đã thấy đã nghe nơi Chúa Cha; Thần Khí Sự Thật sẽ nói lại những gì được nghe (nơi đức Giêsu): “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.”

Câu 14, chiêm niệm tương tự câu 13b - đức Giêsu tôn vinh Chúa Cha, Thần Khí tôn vinh đức Giêsu.

Câu 15, chiêm niệm dòng chảy mọi phúc lành và sự giàu có từ Chúa Cha à đức Giêsu à Thánh Thần à người môn đệ.

Kết nguyện

Dành thời gian để tâm sự với Chúa Cha, Chúa Giêsu hoặc Chúa Thánh Thần; hoặc cả ba Vị.

Kết thúc bằng kinh Sáng danh.

- Ảnh: Internet -

4/5/21

Thứ tư 5/5/2021: Như cây liền cành (Ga 10, 1-8)

1“Thầy cây nho thật, và Cha Thầy người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy Ở LẠI trong Thầy như Thầy Ở LẠI trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

5“Thầy cây nho, anh em cành. Ai Ở LẠI trong Thầy và Thầy Ở LẠI trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em Ở LẠI trong Thầy và lời Thầy Ở LẠI trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa tráitrở thành môn đệ của Thầy.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu nói về mối tương quan mật thiết của người môn đệ với Ngài như là cành nho gắn liền với thân nho.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài và thêm gắn bó với Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Đặt khung cảnh

Hẳn bạn biết điển tích: “Như chim liền cánh, như cây liền cành” nói về tình yêu không thể chia cắt giữa vợ và chồng. Sau khi chết, trên mộ họ mọc lên 2 cây và cành chúng vươn ra quấn lại với nhau. Rồi có đôi chim “một cánh” nương vào nhau để cùng bay lên - Một điển tích đẹp về tình yêu keo sơn, một tình yêu mạnh hơn cái chết.

Để cảm nếm được sự gắn bó giữa đức Giêsu và bạn, mời bạn hãy đọc thật chậm bản văn Kinh thánh hôm nay, chú ý đến từng động từ (đã được gạch chân trong bản văn ở trên). Bạn hãy đọc đi đọc lại nhiều lần và xin ơn Được Ở Lại.

2/ Tình yêu qua lại (mutual love)

Chú ý rằng vế mời gọi bạn “ở lại” luôn được đặt trước (xem cc. 4. 5. 7), trong điều kiện Thầy/Lời Thầy đã “ở lại” trong bạn rồi, thể hiện bằng từ “như”, dù được đặt ở vế sau.

Mời bạn dành thời gian để chiêm ngắm mầu nhiệm Tình yêu đi bước trước của đức Giêsu, và lời mời của Ngài dành cho bạn: “hãy ở lại trong Thầy”. Thiên Chúa không muốn “yêu đơn phương” bạn. Ngài mong chờ bạn đáp lại tình yêu Ngài dành cho bạn.

3/ Tình yêu sinh hoa trái

Câu 4-5, “ở lại trong Thầy” trở thành điều kiện tiên quyết cho việc sinh hoa trái. “ở lại” thì sinh nhiều hoa trái. “không ở lại” thì không sinh hoa trái, bị khô héo, bị đốt cháy thành tro bụi. Bạn có cảm thấy khó chịu về lời khẳng định này? Hãy nghiệm xem lời khó chịu đó đang mặc khải cho bạn chân lý nào?

Câu 7, nếu bạn chấp nhận “ở lại” trong Thầy thì bạn được toại nguyện mọi điều mình xin. Bạn muốn điều đó được cụ thể hóa thế nào ngay lúc này?

Câu 8b, bạn nối kết thế nào giữa việc “sinh nhiều hoa trái” và “trở thành môn đệ Thầy”? Nếu chỉ có một vế thì sao?

Câu 8a, bạn có muốn tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng cách vừa sinh nhiều hoa trái, đồng thời là môn đệ của thầy Giêsu?

Kết nguyện

Hãy cầu nguyện với đức Giêsu là “gốc nho”, là nguồn mạch làm cho bạn sống và sinh hoa trái.

Hãy tạ ơn Chúa Cha đã trồng Gốc Nho Giêsu, và gắn kết bạn vào gốc nho ấy.

Hãy xin với Mẹ Maria, để Mẹ chuyển cầu cho bạn có được kinh nghiệm “ở lại trong Thầy”. 

- Ảnh: Internet -