Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

5/9/24

Thứ sáu TN.XXII: Ý hướng và hành vi (Lc 5, 33-39)

33Họ nói với Người: “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!” 34Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? 35Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay.”

36Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.

37“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. 38Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. 39Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: ‘Rượu cũ ngon hơn’.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy về việc thiết lập ý hướng, chứ đừng đánh giá từ bên ngoài.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt tinh tường để có thể nhìn thấy, cảm nghiệm sâu và thấu hiểu ý nghĩa sâu xa từ bên trong về những gì tôi thấy diễn ra bên ngoài; và xin cho tôi đừng vội phán đoán nhưng biết dành thời gian suy ngẫm sự việc với Chúa và trong Chúa.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Hiện tượng và phản ứng (cc. 33-35)

Chắc chắn những người đặt vấn đề đã dành nhiều thời gian để quan sát các môn đệ đức Giêsu về chuyện ăn uống và cầu nguyện; cũng như quan sát việc thực hành đạo đức của các nhóm khác. Hiện tượng các môn đệ đức Giêsu ăn uống ở nhiều nơi, với nhiều đối tượng khác nhau là đúng sự thật (vì Thầy họ cũng vậy!). Những người này đặt vấn đề về việc tiết độ trong ăn uống; điều này hữu ích nhằm tu luyện bản thân. Hãy đặt mình trong vai các môn đệ để xét về chọn lựa của mình; và đặt mình trong vai những người quan sát và đặt vấn đề, để hiểu lý do của họ.

Phần đức Giêsu, Ngài thấy gì và nghĩ gì trước hiện tượng này? Ngài nhìn thấy lý do ẩn tàng thật khó thấy: Họ ăn uống vì một Người/một Đấng, vì “Chàng Rể”. Thay vì khổ chế và hãm mình, họ chia vui với Chàng Rể. Có bao giờ bạn đạo đức đến mức quá nghiêm trang, quá nghiêm khắc, quá khắt khe và chi tiết đến độ chẳng còn liên đới với ai, vui không dám cười, buồn không dám khóc…?

Việc ăn uống không còn phải vì mục đích “tu thân” mà vì “bác ái”. Trong cuộc sống, bạn hành xử nghiêng về vế nào nhiều hơn?

2/ Bài học sâu xa (cc. 36-39)

Đức Giêsu thích kể chuyện, vì hình ảnh luôn truyền cảm hứng và gợi lên một không gian tự do hiểu, cảm và chọn lựa.

Câu chuyện vải mới vải cũ, rượu và bầu chứa gợi cho bạn điều gì? Đức Giêsu mời ta đi xa hơn để nhìn thấy giá trị của từng thứ và tương quan hài hòa giữa chúng.

“Rượu cũ ngon hơn” – Sự quen thuộc tạo nên cảm giác an toàn, dễ chịu, dễ tiếp nhận… Có điều gì cũ kỹ bạn gắn kết đến mức không muốn thay đổi, và biện minh cho sự dính bén này? Hôm nay bạn được mời gọi gì liên quan đến sự dính bén đó?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về điều bạn học được qua giờ cầu nguyện này.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

29/8/24

Thứ sáu TN.XXI: Cơ hội ngàn vàng (Mt 25,1-12)

1“Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. 3Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6Nửa đêm, có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi!’ 7Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!’ 9Các cô khôn đáp: ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ 10Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. 11Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài! Mở cửa cho chúng tôi với!’ 12Nhưng Người đáp: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!’ 13Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tiếp tục giảng dạy về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và ngày Cánh Chung ngang qua những dụ ngôn.

Ơn xin: Xin cho tôi có được ơn cảm hiểu và biết áp dụng câu chuyện dụ ngôn đức Giêsu kể hôm nay; để tôi biết chọn lựa sống như những người khôn ngoan.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Giống và khác (cc. 1-4)

Mời bạn nhìn ngắm các cô trinh nữ trang điểm, trang sức, trang phục thật đẹp để đi đón chàng rể trong một tiệc cưới.

Theo phong tục của Do Thái thời đó, đám cưới diễn ra ban đêm, nên những người đi “đón rể” (thay vì đi đón dâu như chúng ta) cần mang theo đèn. Trong đêm tối, cái bạn thấy là chiếc đèn đang được thắp sáng. Cái ta không thấy là chai dầu được 5 cô mang theo. Cái khôn, cái dại hầu như không được tỏ lộ trong đêm tối.

Mời bạn ngẫm nghĩ về chính mình. Bên ngoài bạn có giống những người khác? Bạn tự xếp mình vào nhóm người khôn ngoan hay khờ dại trong cõi đời này?

Đèn, dầu, ánh sáng đối với bạn tượng trưng cho điều gì nơi chính bạn?

2/ Hoàn cảnh và cơ hội (cc. 5-10)

Trong câu chuyện đức Giêsu kể, tất cả 10 cô trinh nữ đều ngủ vì chàng rể đếm chậm.

Trong giấc ngủ ấy, tất cả đều không biết bao lâu, và đèn của họ còn sáng hay đã tắt.

Khi thức dậy vì được gọi dậy bởi tiếng thông báo ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi!’ Bạn hãy nhìn ngắm các trinh nữ mau chóng chuẩn bị mình thế nào để đón chú rể. Lúc này họ biết thực tế đèn của họ còn sáng hay đã tắt.

Câu chuyện thật buồn khi các cô có mang theo dầu (xơ cua) không chịu chia sẻ cho các chị em còn lại.

Hãy ứng dụng từng điều trên để suy ngẫm cho bản thân mình.

3/ Lỡ mất cơ hội (cc. 11-13)

Các cô “đèn tắt” lúc này phải tự thân vận động để đi mua dầu. Kết quả là họ đã bị trễ giờ “khai tiệc” và phòng tiệc đã khóa cửa.

Kết thúc buồn này gợi cho bạn suy nghĩ gì về hành trình đời mình? Bạn có cảm thấy hoang phí khi dành nhiều thời gian và công sức cho một điểm hẹn, giờ hẹn với Thiên Chúa của mình?

Cái lỡ hẹn, cái mất cơ hội này kéo theo hệ quả gì cho đời bạn?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những điều bạn học được với Chúa Giêsu hôm nay, và những điều bạn cần xin ơn để sống như những người khôn ngoan.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

27/8/24

Thứ ba TN.XXI: Tự vấn chính mình (Mt 23,23-26)

23“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. 24Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.

25“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. 26Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu quở trách nặng lời những người sống giả hình để mong họ tự vấn mà thay lòng đổi dạ.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn nhìn nhận bản thân cách đơn thành như Chúa nhìn tôi, để tôi được ơn hoán cải và sống những giá trị Chúa dạy.

Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Ba Phương pháp cầu nguyện dẫn nhập]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Điều nào là quan trọng? (cc. 23-24)

Mời bạn đặt mình trước Chúa và đọc chậm rãi đoạn văn này. Hãy xét xem trong đời sống thường ngày xem bạn thường chú tâm vào những điều nào?

+ Những sai lỗi của người khác

+ Những sự việc diễn ra trước mắt

+ Những vấn đề ảnh hưởng đến toàn xã hội

+ Những vấn đề tinh thần và thiêng liêng

+ …

Đức Giêsu nhắc bạn về nền tảng quan trọng là “công lý, lòng nhân và thành tín”. Bạn có để tâm đến những điều này? Bạn thực hành chúng thế nào trong đời sống hằng ngày?

Đức Khổng từng nói: “chỗ cần dày thì lại mỏng, chỗ cần mỏng thì lại dày” – Mời bạn cùng Chúa tìm lại thế quân bình trong các mối quan tâm của mình.

2/ Mặt nào là quan trọng (cc. 25-26)

Tương tự, mời bạn đặt mình trước Chúa và đọc chậm rãi đoạn văn này. Hãy xét xem liệu mình có sống hai mặt: bên ngoài tỏ ra đường hoàng chính trực, bên trong chất chứa đủ Bảy mối tội đầu?

Một cách nói khác rất hay trong tục ngữ là “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” – Mời bạn suy xét về cách thức bạn dùng để xây dựng “cái bên trong” là những nhân đức.

Kết nguyện

Bày tỏ bản thân mình với Chúa với tất cả sự thành thật. Xin Ngài ban ơn để được làm mới lại bản thân.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet 


16/8/24

Thứ sáu TN.XIX: Khó quá bỏ qua? (Mt 19,3-12)

3Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” 4Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ’, 5và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ 6Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 7Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” 8Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. 9Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”

10Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” 11Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. 12Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu tiếp tục giảng dạy về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa ngang qua những câu chuyện đời thường.

Ơn xin: Xin cho tôi có được ơn cảm hiểu giá trị tuyệt đối trong lời mời gọi của đức Giêsu; để tôi biết chọn lựa sống những giá trị siêu vượt Ngài dạy từ hôm nay.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Thử và thật (cc. 3-9)

Mời bạn đọc đoạn từ câu 3-9. Chú ý đến tâm thế của người đặt câu hỏi và cách họ biện minh.

Suy ngẫm về cách đức Giêsu đối diện với câu hỏi với ý định dò xét ấy. Bạn học được gì trong câu trả lời của Ngài? Bạn có đồng ý với giáo lý của Ngài? Bạn quan sát được gì trong thực tế về sự chung thủy trong đời sống hôn nhân? Hãy thân thưa với Chúa Giêsu về thực tế bạn quan sát được.

2/ Khó quá bỏ qua? (cc.10-12)

Hãy ngẫm nghĩ về phản ứng của các môn đệ đức Giêsu sau khi nghe Ngài dạy giáo lý nguyên thủy về sự chung thủy trong hôn nhân. Bạn đồng thuận? đồng cảm? hay chống lại suy nghĩ, thái độ và ý muốn chọn lựa hành động của các môn đệ?

Câu cửa miệng của người thời nay là “khó quá bỏ qua”. Nó biểu lộ tâm thức gì của con người hôm nay? Có bao giờ bạn từng suy nghĩ và hành động như thế? 

Trong suốt câu chuyện, đức Giêsu liên tục “tiến” dù khởi điểm là một câu hỏi có ý thử thách, hay một thái độ muốn thoái lui. Ngài không chỉ đi đến cùng trong giá trị làm người, mà còn đi đến cùng trong ý nghĩa thiêng liêng: hành vi dâng hiến qua đời sống khiết tịnh vì Nước Trời. Hãy ngẫm nghiệm điều này nới đức Giêsu và nơi bản thân mình. Bạn học được gì nơi đức Giêsu?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về điều bạn học được với Ngài hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

13/8/24

Thứ ba TN.XIX: Thứ tự trong Nước Thiên Chúa (Mt 18.1-6.10.12.14)

1Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” 2Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

4“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

5“Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. 

10“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

12“Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? 14Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.

Nhập nguyện

·     Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·     Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·     Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ về trật tự mới trong Nước Thiên Chúa.

·     Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu những giá trị thuộc về Nước Thiên Chúa, để tôi bắt đầu sống mầu nhiệm Nước Thiên Chúa ngay từ bây giờ.

·     Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Bài học (cc. 1-3)

Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” – Dựa vào câu hỏi của các môn đệ, mời bạn suy ngẫm về:

+ Thiên hướng hay so sánh và sắp xếp thứ tự theo một thứ bậc nào đó nơi con người

+ Kiểm duyệt khuynh hướng đó nơi chính bản thân; hoặc cảm nhận khi mình được/bị “xếp hạng”.

Suy ngẫm về cách đức Giêsu mượn hình ảnh một em nhỏ. Trẻ nhỏ và “người bé mọn” đối lập với điều gì? Tại sao Ngài lại sử dụng hình ảnh một em nhỏ?

Đức Giêsu muốn dạy bạn bài học gì hôm nay? Bạn muốn thân thưa gì với Ngài?

2/ Ứng dụng bài học (cc.4-5)

            + Áp dụng vào bản thân: Ở những điều gì, khía cạnh nào bạn cần trở nên “trẻ nhỏ”?

            + Bạn cảm thấy thế nào khi giá trị người lớn, kẻ nhỏ trong Nước Thiên Chúa bị đảo lộn?

            + Những ai là “trẻ nhỏ” mà bạn cần đón tiếp? Để đón tiếp họ “vì danh Thầy”, bạn sẽ làm gì? Với thái độ nào?

3/ Nền tảng của bài học (cc. 10.12)

Đức Giêsu đưa ra nền tảng để giúp ta hiểu được bài học cần phải tôn trọng, bảo vệ, đón tiếp “trẻ nhỏ”/ “người bé mọn”:

            + “Thiên Thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy.”

            + Chính Chúa Cha “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

Bạn còn cần chứng cớ nào lớn hơn để chấp nhận và thực hiện bài học đức Giêsu dạy hôm nay?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu để xin ơn sống như những người con nhỏ của Chúa Cha; và sống trật tự mới trong Nước Thiên Chúa.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

Ảnh: internet.

2/8/24

Thứ sáu TN.XVIII: Tiêu chí người môn đệ đức Giêsu (Mt 16,24-28)

24Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

27“Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. 28Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu đưa tiêu chí làm môn đệ của Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi có được ơn cảm hiểu giá trị tuyệt đối trong lời mời gọi của đức Giêsu; để tôi biết chọn Ngài trên hết mọi sự ngay khi sống trong trần thế này.

Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kink [Gõ vào ô tìm kiếm: Ba Phương pháp cầu nguyện dẫn nhập]

Gợi điểm cầu nguyện

Bạn cứ tuần tự ngẫm nghiệm từng câu, từng chữ. Dừng lại lâu hơn ở câu/chữ bạn cảm thấy được đánh động. Thân thưa với Chúa Giêsu về bất cứ điều gì.

 

Bản văn

Gợi điểm

1/ Điều kiện người môn đệ

24Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ:

Chính đức Giêsu ngỏ lời nói trực tiếp với môn đệ. Bạn có nghĩ Ngài đang nói với chính bạn?

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 

Điều kiện thứ nhất để theo thầy:

+ có lòng muốn

+ dám từ bỏ chính mình: biết mình, biết Chúa rồi dâng hiến chính mình

+ chấp nhận chính mình

25Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.

Điều kiện để được ơn cứu độ:

+ có khao khát được cứu độ

+ muốn tự cứu mình, tự bảo toàn thì không thể làm nổi

+ dám dùng mạng sống này để sống cho Thiên Chúa thì cứu được mạng sống ấy.

26Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

Điều kiện để chọn lựa

+ Cả thế giới to lớn, giàu có, xinh đẹp này cũng chẳng là gì so với Đấng Tạo Hóa.

+ Được tất cả thế giới và mất mình thì nên chọn điều nào? Vì chẳng có gì sẽ đổi lại mạng sống mình được.

+ Khi phải chọn lựa giữa thế giới cùng với những gì thuộc về nó, và Thiên Chúa, bạn sẽ chọn gì?

2/ Phần thưởng

27“Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người,

Bạn có tin vào sự vinh thắng cuối cùng nơi Thiên Chúa? Nếu có, bạn sống niềm tin đó thế nào trong đời mình?

và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. 

Bạn có tin vào sự thưởng phạt đời sau? Nếu có, bạn sống niềm tin đó thế nào trong đời mình?


28Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.”

Đây là điểm cho thấy niềm tin mãnh liệt của những người đương thời với đức Giêsu. Họ nghĩ điều Ngài nói sẽ xảy ra “ngay và liền”.

Điều này cũng được áp dụng một cách thiêng liêng: Ai sống (sự sống thiêng liêng) thì không phải chết (thiêng liêng) mà đã được hưởng sự sống đời đời khi còn đang sống trên dương thế.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về bất cứ điều gì được gợi lên trong giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

[6/8. Lễ Chúa Hiển Dung]: Vinh quang đích thực (Mc 9,2-10)

2aSáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. 2bNgười đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. 2cRồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. 3Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. 4Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. 5Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” 6Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. 7Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” 8Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. 10Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì. 

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chuẩn bị cho ba môn đệ thân tín đón nhận mầu nhiệm đau khổ của Ngài bằng cuộc biến hình trên núi.

Ơn xin: Xin cho tôi có được những trải nghiệm ơn an ủi thiêng liêng, để tôi đủ sức đi với Chúa trong bình lặng của thường nhật và trong đau khổ.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Người được tuyển chọn (c. 2ab)

Sáu ngày sau là thời gian được tính từ lúc đức Giêsu tiên báo cuộc thương khó của Ngài lần thứ ba. Dành thời gian để cảm nghiệm thông điệp “thương khó” đã đi vào tâm hồn của các môn đệ thế nào, họ cảm hiểu gì?

Cảm nghiệm cách đức Giêsu hiểu lòng các môn đệ của mình.

Ngài quyết định chọn ba vị trong số họ là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an để dẫn các ông đi theo mình, đến chỗ riêng, lên núi cao. Chúng ta tin vào ơn hiện sủng (ơn dành cho từng người trong từng thời đoạn sứ vụ khác nhau). Đối diện với cuộc thương khó của đức Giêsu, ơn hiện sủng không đủ, mà còn cần được chuẩn bị. Hãy dành thời gian để nghiệm về cách thức Thiên Chúa chuẩn bị bạn. Có những điều bạn đã nghiệm được kết quả. Có những điều bạn vẫn đang thắc mắc tại sao mình được trui luyện như vậy.

2/ Ơn thần hiệp (cc. 2c-8)

Hãy nhập vào vai ba môn đệ để cảm nghiệm ơn được Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài cho chính bạn. Mường tượng về khung cảnh, diễn tiến cuộc hiển dung. Cảm nhận về Chúa, về mình.

Xin ơn trải nghiệm vinh quang đích thực không bao giờ tách rời khỏi đau khổ, như hành trình của chính đức Giêsu.

3/ Phân định ơn an ủi không có nguyên do trước (9-10)

Dành thời gian để tạ ơn Chúa về ơn Ngài tỏ lộ vinh quang của Ngài cho bạn hôm nay.

Lắng nghe lời căn dặn của đức Giêsu khi bạn cùng Ngài trở lại đời thường.

Thánh Inhaxio căn dặn phải cẩn trọng khi thiết lập những dự định tốt lành sau khi được ơn an ủi thiêng liêng không có nguyên do trước (hoàn toàn do Thiên Chúa ban không); vì ma quỷ có thể lợi dụng sự dư hưởng tốt lành sau biến cố để đánh lừa ta.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về kinh nghiệm thiêng liêng bạn được ban cho hôm nay.

Kết thúc bằng một kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

Thứ Sáu TN.XVII: Rào cản “biết” (Mt 13,54-58)

54Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? 55Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? 56Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” 57aVà họ vấp ngã vì Người. 57bNhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” 58Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

Nhập nguyện

·     Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

·     Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·     Đặt khung cảnh: Đức Giêsu về quê Nazareth.

·     Ơn xin: Xin cho tôi trở nên người môn đệ của Chúa Giêsu và được ơn chịu khinh rẻ vì Ngài.

·     Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Từ kinh ngạc đến khinh thường (cc. 54-57a)

Dành thời gian để suy ngẫm về sự kinh ngạc đến sửng sốt của những người cùng quê với đức Giêsu khi nghe Ngài giảng trong hội đường. Nội dung, phong thái của Ngài thế nào mà gây sửng sốt?

Trong một làng quên nhỏ bé, người ta biết rất rõ mọi sự về Ngài, gia đình, anh chị em, họ hàng, nghề nghiệp của Ngài. Họ không thể nối kết giữa những gì họ đang chứng kiến hôm nay và những gì họ đã biết về đức Giêsu. Sự tự tin rằng mình “đi guốc trong bụng” được ngăn cản họ không thể tiếp nhận những điều mới lạ đang mở ra trước mắt họ, những điều tai họ đang được nghe. Hãy xét xem bản thân mình có đang bị mắc kẹt vào những điều mình biết? những kỳ vọng và thành kiến về ai đó hoặc sự kiện nào đó?

Thánh Gioan Thánh Giá nói về các đêm tối khả giác và thiêng liêng với 3 mức độ khác nhau (x. Đường lên đỉnh Cát Minh). Bạn có dám thú thật với Chúa rằng con mù tối để xin Ngài chiếu soi ánh sáng của Ngài trên bạn, để chính Ngài sẽ tỏ cho bạn biết Ngài thật sự là Ai?

2/ Ơn chịu sỉ nhục (cc. 57b-58)

Đức Giêsu khá bình thản đối diện với sự thật bị khinh rẻ này. Thử khám phá cách Ngài đã chuẩn bị mình thế nào.

Ngài nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” – Ngài chấp nhận sự thật. Ngài không kỳ vọng mình được trọng vọng hoặc những người quen biết sẽ mở lòng với Ngài.  

Thánh Inhã Loyola dạy về phân định tìm ý Chúa và xin ơn chịu sỉ nhục vì Chúa Kitô; Ngài gọi đó là “bậc khiêm nhường thứ ba”. Đó quả là ơn xin thượng đẳng. Nếu bạn đã sẵn sàng bước theo sát đức Kitô, hãy nài xin cho mình được ơn ấy.

Kết nguyện

Chiêm ngắm Chúa Giêsu và thân thưa với Ngài.

Kết thúc bằng kinh Quảng đại dâng hiến.

Lạy Chúa Giêsu,

Xin dạy con biết sống quảng đại,

Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng,

Biết cho đi mà không tính toán,

Biết chiến đấu mà không sợ thương tích,

Biết làm việc mà không tìm an nghỉ,

Biết hiến thân mà không mong chờ một phần thưởng nào khác 
hơn là biết mình đã hành động theo Thánh ý Chúa. Amen.

 Ảnh: Internet. 

25/7/24

Thứ sáu TN.XVI: Sinh hoa kết trái (Mt 13, 18-23)

18“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. 20Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. 21Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. 22Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. 23Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

Nhập nguyện

·     Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

·     Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·     Đặt khung cảnh: Đức Giêsu kể dụ ngôn.

·     Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra hạt giống Lời Chúa và hạt giống đức tin đã được gieo vào đời mình như thế nào, để tôi biết ơn và chăm sóc cho những hạt giống đó lớn lên và sinh hoa trái cho đời tôi và cho người khác.

·     Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Nghe mà không hiểu Lời Chúa (c. 19)

Lời Chúa được định nghĩa là được con người viết ra dưới ơn linh hứng của Chúa.

Giáo lý của Kitô giáo được nhìn là giáo lý từ trời.

Do vậy, để hiểu được Lời Chúa và những điều Chúa Giêsu dạy thì cần đến ơn của Chúa. Mời bạn suy xét về mức độ mình hiểu Lời Chúa và đem ra thực hành. Thân thưa với Chúa Giêsu và xin Ngài ban Thần Khí của Ngài cho bạn.

2/ Nghe cách nông cạn (cc. 20-21)

Người Việt ta nói: “Nước đổ đầu vịt”, “Nước đổ lá khoai”, “Nghe tai nọ ra tai kia” để nói về cách ta nghe mà như chẳng nghe gì.

Mời bạn suy xét về mức độ chú tâm của bạn khi nghe Lời Chúa. Bạn có thường dễ dàng chấp nhận Lời Chúa nhưng lại không mang vào trong đời sống?

3/ Nghe rồi mất hứng thú (cc. 22)

Bạn đã biết đạo, sống đạo bao năm. Bạn đã được nghe Lời Chúa nhiều năm, nhưng có vẻ những điều trong thế giới này thì hấp dẫn hơn Lời Chúa, vì chúng cho ta cảm giác thoải mái hơn.

Hãy xét xem điều gì trong bạn, trong thế giới này bóp nghẹt Lời Chúa và làm cho nó không thể tác động vào đời bạn.

4/ Nghe cách chăm chỉ (c. 23)

Không chỉ chăm chú lắng nghe mà còn mang ra thực hành trong đời sống. Mời bạn suy xét về những câu Lời Chúa đã làm thay đổi cuộc đời bạn, và làm cho đời bạn sinh hoa trái tốt lành.

Đo lường mức độ Lời Chúa sinh hoa trái trong đời bạn.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về tình trạng lắng nghe và thực hành Lời Chúa của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

23/7/24

Thứ ba TN.XVI: Mối tương quan thiêng liêng (Mt 12,46-50)

46Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Nhập nguyện

·     Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

·     Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·     Đặt khung cảnh: Đức Maria và anh em họ hàng đi thăm đức Giêsu trong thời gian Ngài đi rao giảng công khai.

·     Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những ân huệ lớn lao là được tháp nhập vào gia đình Thiên Chúa, và ơn thi hành thánh ý Chúa Cha trong đời mình.

·     Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Mối tương quan tự nhiên (c. 46)

Mời bạn ngẫm nghĩ về các mối tương quan tự nhiên: theo huyết thống, mối tương quan bạn bè, đồng nghiệp, chuyên nghiệp…

Ngẫm nghĩ về cách thức đức Maria và anh em họ hàng của đức Giêsu gìn giữ mối tương quan tự nhiên của họ với Chúa Giêsu.

Bạn có quan tâm đến các mối tương quan tự nhiên và tìm cách giữ gìn và xây dựng chúng? Hãy thân thưa với Chúa Giêsu về các mối tương quan tự nhiên của bạn.

2/ Chuyển dịch trong tâm thức (cc. 47-49)

Là con một của mẹ góa Maria, chắc hẳn đức Giêsu rất trân quý mối tương quan máu mủ với mẹ mình. Ngài cũng trân quý mối tương quan với anh chị em dòng họ - những người cùng lớn lên với Ngài. Tuy vậy, Ngài không khép kín trong mối tương quan tự nhiên này.

Đức Giêsu muốn mở rộng mối tương quan đến với mọi người – tương tự tinh thần của thông điệp Fratelli Tutti (Tất Cả Là Anh Em) của đức Phanxicô.

Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 

Mời bạn ngẫm nghĩ về cách bạn nhìn và tương quan với mọi người, nhất là với những người thua kém hơn bạn, thậm chí là phạm nhân. Thân thưa với Chúa Giêsu về điều đó.

3/ Mối tương quan thiêng liêng (c. 50)

Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời,
người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi
.”

Mời bạn suy ngẫm về điều kiện duy nhất để đi vào trong mối tương quan thiêng liêng với Chúa Giêsu và chuyện trò cùng Ngài.

Kết nguyện

Dâng lời tạ ơn vì những mối tương quan thân hữu và nâng đỡ trong đời bạn. Xin ơn chữa lành các mối tương quan đổ vỡ, và xin ơn để mở ra cho những mối tương quan sâu rộng hơn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet