22Sau
đó, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi
ấy với các ông và làm phép rửa. 23Còn ông Gio-an, ông cũng
đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và
người ta thường đến chịu phép rửa. 24Lúc ấy,
ông Gio-an chưa bị tống giam.
25Bấy
giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và
một người Do-thái về việc thanh tẩy. 26Họ đến gặp
ông Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia
sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm
phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.” 27Ông Gio-an trả
lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. 28Chính
anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô,
mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ 29Ai cưới cô dâu, người ấy
là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì
được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã
trọn vẹn. 30Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.
Nhập nguyện
Tập trung ý thức
- Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động
của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Sông
Giođan.
Ơn xin: Xin cho
tôi nhận ra giá trị của mình và sự hiện diện rất khiêm tốn và ẩn mình của Thiên
Chúa nơi Ngôi Lời Nhập Thể, để tôi sống vui trong địa vị của mình.
Lối cầu nguyện: Suy
niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]
Gợi ý cầu nguyện
1/ Bối cảnh (cc. 22-25)
Sông Giođan là con sông chạy dọc dài hầu hết đất nước Palestin, nối giữa Biển Hồ Galilê và Biển Chết.
Lúc này, Gioan Tẩy Giả chưa bị tiểu
vương Hêrôđê bắt giam. Ông đang làm phép Rửa ở sông Giođan, tại địa danh Salim,
bờ đông của sông Giođan (thuộc vùng Decapolis, phía tây là vùng tiếp giáp giữa
Galilê và Samari).
Cùng lúc đó, đức Giêsu và các môn
đệ đang ở vùng Giuđêa, cũng làm phép rửa tại sông Giođan. Có lẽ ở bờ đông của
sông Giođan.
Xảy ra một cuộc tranh luận về
phép rửa do hai vị thầy cùng thực hiện giữa môn đệ ông Gioan và người Do Thái.
Các môn đệ của Gioan đi trình báo lại với thầy mình là ông Gioan. Hãy phân tích
lời trình báo của họ: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia
sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm
phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.”
- Người kia đã ở với thầy,
đã thuộc về “nhóm” thầy (Gioan)
- Bên kia sông Giođan, chỗ
làm việc cũ của thầy (Gioan)
- Đã được thầy làm chứng
cho: khi đó ‘ông ấy’ vị trí thấp hơn thầy Gioan, đến sau, không nổi tiếng...
- Bây giờ ‘ông ấy’ cũng đang
làm phép rửa – giống với công việc của thầy Gioan: cạnh tranh công việc.
- Thiên hạ đều đến với
ông ấy: thầy Gioan “mất mối”, bị giảm ảnh hưởng và tiếng tăm... Suy rộng ra, tất
cả điều này ảnh hưởng đến họ.
Đây là một cuộc tranh chấp về ý
giá trị của phép rửa (giá trị của công việc), về thẩm quyền của người thực hiện
và cả sự cạnh tranh danh tiếng giữa các vị đứng đầu và các phe nhóm. Mời bạn
suy ngẫm về sự cạnh tranh này giữa các tôn giáo, các hội nhóm trong cùng một
tôn giáo, giữa các hội đoàn trong cùng một giáo xứ. Bạn cũng ngẫm nghĩ về sự
ganh tị và tính cạnh tranh của con người trong đời sống và trong công việc. Bạn
có muốn nói gì với Chúa về những điều này?
2/ Niềm vui thật (cc.
26-30)
Bạn hãy suy ngẫm về cách thế
Gioan Tẩy Giả đã hành xử trong cuộc tranh chấp này.
- Gioan nói với các môn đệ của
mình: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” Ông chân nhận
thẩm quyền làm phép rửa của đức Giêsu là đến từ Trời.
- Gioan mời gọi các môn đệ của
mình: “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải
là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’” Ông nhắc lại
xác tín của mình để giúp họ phá tan sự so bì hơn kém giữa ông và đức Giêsu.
- Gioan xác định vị trí và vai
trò của mình: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể
đứng đó nghe chàng”. Ông là “bạn của chú rể”.
- Gioan bày tỏ niềm vui đích
thực và trọn vẹn trong vai trò “bạn của chú rể”: được nghe tiếng chàng rể, được
thấy chàng rể lên tiếng.
- Gioan bày tỏ khao khát của mình: “Người phải nổi bật lên,
còn thầy phải lu mờ đi.”
Bạn thấy tấm lòng của ông Gioan Tẩy
Giả thế nào? Điều gì làm cho ông có được niềm vui đích thực và trọn vẹn? Còn bạn?
Thánh Phaolô cũng kinh nghiệm nhiều
sự đố kỵ, tranh chấp trong hành trình rao giảng Tin Mừng. Ngài vượt trên và
luôn vui mừng: “Miễn là đức Kitô được rao giảng”, dù cho họ rao giảng bằng
bất cứ động cơ gì (Pl 1, 18).
Kết nguyện
Hãy thân thưa với Chúa Giêsu hoặc
với Gioan Tẩy Giả về những gì trồi lên trong bạn. Hãy xin cho mình ơn sống như
Gioan Tẩy Giả.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.
Ảnh: internet.