16“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17Quả
vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế
gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18Ai
tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi,
vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19Và đây là bản
án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh
sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20Quả thật, ai làm điều
ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị
chê trách. 21Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng,
để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”
Nhập nguyện
Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào
Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.
Tổng nguyện: “Xin cho
tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca
tụng Chúa”.
Đặt khung cảnh: Đức Giêsu chuyện trò với ông Nicôđêmô vào một
buổi tối.
Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết
lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ lộ cho
tôi nơi đức Giêsu, để được lớn lên trong đức tin vào Ngài.
Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]
Gợi ý cầu nguyện
Con người có khả năng đọc lại những
ký ức của mình để phân tích, nối kết, đánh giá và tìm ra ý nghĩa. Trong cầu
nguyện, thánh I-nhã mời thao viên dùng trí nhớ, trí hiểu và ước muốn để thực hiện
giờ cầu nguyện. Mời bạn sử dụng những khả năng này cho bài cầu nguyện hôm nay.
1/ Thiên Chúa yêu thế gian đến
cùng (cc. 16-17)
Hãy nhớ lại những tình tiết của
cuộc thương khó – tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu mà bạn vừa trải qua trong mầu
nhiệm Vượt Qua của đức Giêsu Kitô.
Bạn hãy lục lại trong trí nhớ xa
hơn của bạn về đức Giêsu trong những năm Ngài hoạt động rao giảng công khai, rồi
lần về tận nguồn gốc của đức Giêsu: ngày Ngài chào đời. Rồi đến tận nguồn cội
xa xưa của Ngài: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời…” (Ga 1)
Rồi hãy đọc hai câu 16-17 để nghiệm
lại điều được phát biểu xem từng chữ, từng câu đó được ứng với cuộc đời đức Giêsu
một cách cụ thể như thế nào. Cũng nghiệm lại điều đó qua chính kinh nghiệm cuộc
đời bạn.
Thân thưa với các Ngài đêìu bạn cảm
nhận hoặc được soi sáng.
2/ Hệ quả của việc đón nhận hay từ
chối (cc. 18-19)
Nhớ lại kinh nghiệm thực hiện những
chọn lựa trong đời bạn. Có kinh nghiệm nào mà bạn cảm thấy “không có con đường
nào khác”! Nghĩa là bạn bị bắt buộc phải chọn điều đó thì được sự lành, không
chọn nó thì nhận hậu quả xấu.
Ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực
hiện nơi đức Giêsu Kitô là một chọn lựa như thế. Nếu bạn đón nhận thì “không bị
lên án”, nếu bạn từ chối thì đương nhiên tự lãnh hậu quả! Hậu quả này không phải
do Chúa phạt, mà là do bạn chọn “làm đều xấu xa”, “chuộng bóng tối hơn ánh sáng”.
Đây không phải là ánh sáng vật lý tạo nên ngày và đêm. Đây là thần Bóng Tối và
thần Ánh Sáng, tức là Ma Quỷ và Thiên Chúa. Lưu ý rằng đây không phải là thần
Ác và thần Lành đối chọi ngang hàng với nhau. Thiên Chúa thì lớn hơn tất cả,
nhưng chúng ta thường bị Ma Quỷ quyến rũ và chúng ta thích những chiêu trò của
nó hơn là “con đường hẹp” để đến với Thiên Chúa Ánh Sáng.
Nhớ rằng ông Nicôđêmô đang trò
chuyện với đức Giêsu ban đêm – bóng tối vật lý; và ông đang tiếp nhận lời của đấng
là Ánh Sáng – Ánh sáng siêu nhiên, ánh sáng ân sủng.
Mời bạn dành thời gian để suy xét
về thái độ của mình trước ơn cứu độ được đức Giêsu Kitô “dâng tặng” cho bạn.
3/ Nguyên nhân sự đón nhận hay từ
chối (cc. 20-21)
Hai câu cuối này đã quá rõ ràng về
nội dung. Bạn chỉ cần nhớ lại những tình huống cuộc đời trong đó mình đã trốn
vào trong Bóng Tối, và những tình huống mình được an nhiên đến cùng Ánh Sáng, ở
trong Ánh Sáng.
Hãy nói với đức Giêsu về những điều
bạn vừa nhớ được. Nhớ rằng, bạn đang nói chuyện với Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh.
Kết nguyện
Tạ ơn Đấng Phục Sinh về những gì
bạn được gợi nhớ, hiểu, và ao ước thay đổi qua giờ (60 phút) này.
Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.
- Ảnh: Internet -