Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

27/1/21

Thứ tư TN.IV: Sập bẫy kiến thức (Mc 6, 1-6)

1Đức Giê-su ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2aĐến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. 2bNhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. 2cHọ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người. 4Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. 6Người lấy làm lạ vì họ không tin.

 

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Hội đường Nazareth vào một ngày Sa-bát.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt luôn ngạc nhiên, đôi tai biết lắng nghe và cõi lòng mở rộng trước mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao quanh tôi.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Dân làng ngạc nhiên (cc. 1-2b)

Con đường giáo dục khoa học tự nhiên và xã hội là đối tượng từ ngoại cảnh tác động vào ngũ quan con người. Các ngũ quan tiếp nhận thông tin và gởi về não bộ xử lý và đưa ra kết quả. Có lúc người ta bị “đơ” do ngũ quan không tập trung tiếp nhận thông tin, do cảm xúc bị trơ, do não bộ mệt mỏi.

Sự ngạc nhiên làm cho con người hứng khởi để tiếp nhận và xử lý thông tin.

Mời bạn suy nghĩ về việc Đức Giêsu trở về quê hương mình, gặp lại những người quen thuộc đã sống với nhau cả 30 năm. Hôm nay có một yếu tố mới là các môn đệ về theo. Yếu tố quen thuộc là cứ đến ngày Sa-bát Đức Giêsu lại đến hội đường. Hôm nay Ngài mở miệng giảng, và người ta ngạc nhiên.

Bạn thấy họ tiếp nhận và sử lý được những thông tin nào?

2/ Dân làng bị sập bẫy kiến thức (cc. 2c-3)

Hãy liệt kê lại những điều họ đã biết về Đức Giêsu trong suốt 30 năm.

Những điều đó đã làm ngũ quan và não bộ của họ bị “đơ”. Họ không thể nhìn Đức Giêsu theo một cách khác xưa. Họ tin vào kinh nghiệm 30 năm của họ về một con người. Họ tin rằng “chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời” (Gv 1, 1-11).

Sự lặp đi lặp lại của thời tiết, của vòng đời, của thời trang, của sinh học và tâm lý… Tất cả làm cho con người tưởng mình nắm biết mọi sự. Người càng có tuổi, và trải nghiệm lại càng tự tin như thế.

Thật ra, mầu nhiệm Thiên Chúa vẫn đang mở ra cho bạn trong những điều bình dị, lặp đi lặp lại. Hãy xin cho mình có được tâm trí luôn mở ra với Thiên Chúa. Ngài đang can thiệp âm thầm trong những gì bạn thấy quá đỗi tự nhiên.

3/ Đức Giêsu ngạc nhiên (cc. 4-6)

Hãy nghĩ về câu chất vấn của Đức Giêsu: sự thân thuộc làm bạn xem thường.

Gốc rễ của thái độ xem thường này là “họ không tin” (c. 6). Khoa học tôn giáo có thể nghiên cứu rất tốt về giáo lý và vị sáng lập tôn giáo, nhưng nhà nghiên cứu đó vẫn “vô thần”. Đã có lúc người ta làm “Kitô học từ dưới lên” đến mức đánh mất cảm thức về sự linh thánh của Thiên Chúa làm người.

Bạn nỗ lực cầu nguyện để biết Đức Giêsu cách thâm sâu hơn, trở nên thân quen với Ngài hơn… Điều đó có làm bạn mất đi sự thành kính đối với Ngài?

 

Kết nguyện

Đối thoại với Đức Giêsu về những căng thẳng giữa việc học biết về Ngài và việc tin kính Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

Thứ tư 27/1/2021: Quảng đại gieo Lời (Mc 4, 1-12)

1Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền ở dưới biển mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. 2Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ.

3“Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống. 4Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. 5Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; 6nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. 7Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. 8Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” 9Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe!”

10Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. 11Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, 12để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: bờ biển hồ Tiberia.

Ơn xin: Xin cho lòng tôi được Chúa chạm đến để biết khao khát Chúa, tai tôi đón nhận Lời Chúa và đời tôi được biến đổi.

Lối cầu nguyện: Suy chiêm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm và Suy niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Khao khát nghe Lời (cc. 1-2)

Mời bạn bước ra bờ biển hồ Tiberia, hòa mình vào trong đám đông đang chen lấn để đến gần Đức Giêsu hơn hầu có thể nghe được rõ hơn.

Đức Giêsu đã phải sắp xếp để có thể giảng cho họ từ trên thuyền. Lúc này bạn và mọi người có thể ngồi xuống và lắng nghe. Đức Giêsu ngồi trên thuyền, và kể chuyện.

Bạn hãy lắng nghe những Lời đang thoát ra từ miệng Đức Giêsu. Bạn hãy lắng nghe lòng mình để cảm biết mức độ bạn khao khát Lời Chúa/ Ngôi Lời/ chính Thiên Chúa.

2/ Quảng đại gieo Lời (cc. 3-8)

Hãy đi vào câu chuyện Ngài kể hôm nay… Này người gieo giống…

Bạn hãy chiêm ngắm cách thế người đó vãi gieo hạt giống trên mọi mảnh đất. Hạt giống rơi xuống mọi chỗ. Người đó có vẻ không quan tâm đến kết quả… cứ vãi gieo mãi.

Thiên Chúa quảng đại đang “vãi gieo” chính mình.

3/ Mức độ hiểu Lời (cc. 9-12)

“Ai có tai thì nghe” (c. 9) – Chắc chắn bạn có tai sinh học để nghe (ngoại trừ người khiếm thính) – nhưng bạn có chắc là mình hiểu Lời Chúa không? Đọc được chữ? Hiểu được nghĩa? Hiểu được bối cảnh? Áp dụng được vào bản thân? Sống mối tương quan mật thiết hơn với Chúa?

“Những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn” (c. 10). Bạn có thân và gần đủ để hỏi riêng Chúa điều gì, nhất là về Lời Chúa/về chính Ngài?

Ơn ban: Cách nói của câu 11-12 cho bạn biết rằng hiểu được Mầu nhiệm Nước Trời trong các câu chuyện Đức Giêsu kể là một ơn, chứ không phải do tài trí của bạn. Có khi nào bạn từng khiêm tốn để xin cho mình được ơn đó chưa?

 

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giê su về điều gì trồi lên trong lòng bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

19/1/21

Thứ tư TN.II: Thiện ý (Mc 3,1-6)

1Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây!” 4aRồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” 4bNhưng họ làm thinh. 5aĐức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. 5bNgười bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” 5cNgười ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Nơi cộng đoàn phụng vụ.

Ơn xin: Xin cho tôi có đôi mắt đầy thiện ý của Chúa để tôi đón nhận sự chữa lành Ngài dành cho tôi và người khác.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

Thử đề nghị một lối phân chia cấu trúc bản văn: Liên tiến đóng khung

A: ĐGS vào Hội đường – 1a

   B: Có người bại tay – 1b

      C: Pharisiêu rình xem - 2

         D: ĐGS gọi anh bại tay và chất vấn Pharisiêu – 3-4a

      C’: Pharisiêu làm thinh – 4b

         D’: ĐSG giận dữ với người Pharisiêu và chữa tay bại – 5ab

   B’: Tay hết bại – 5c

A’: Pharisiêu ra khỏi hội đường - 6

Trước hết hãy chiêm ngắm từng nhân vật rồi suy gẫm về chính mình, cuối cùng nhìn ngắm kết quả của các mối tương quan đó.

1/ Đức Giêsu (A, D-D’)

Mời bạn chiêm ngắm Đức Giêsu đang tiến vào hội đường. Ngài thấy anh bại tay. Ngài quan sát cái nhìn dò xét. Ngài gọi anh bại tai bước ra giữa. Ngài chất vấn những người đang dò xét Ngài. Ngài giận giữ. Ngài nhìn chằm chằm vào họ. Ngài muộn phiền vì họ cứng lòng. Ngài quyết định chữa tay bại cho người thanh niên.

Mọi hành động cứ tiếp nối và tiến tới.

2/ Người bại tay (B-B’, D-D’)

Hãy nhìn sự hiện diện của anh trong cộng đoàn phụng vụ đó. Anh im lặng. Anh bước ra khi được gọi. Anh đưa tay ra khi được yêu cầu. Tay anh được chữa lành.

Anh làm theo và cứ làm theo.

3/ Pharisiêu (C-C’, A’)

Hãy quan sát những người thuộc nhóm có địa vị trong cộng đoàn phụng vụ này, vì họ hiểu biết và nỗ lực sống nghiêm chỉnh. Họ cũng là nhóm người nổi bật trong nhóm vì cách ăn mặc đặc biệt của họ.

Họ đã ở trong hội đường trước khi Đức Giêsu bước vào. Họ để mắt quan sát trật tự lễ nghi và giúp người khác giữ đúng luật ngày lễ nghỉ. Họ nhìn Đức Giêsu. Họ từng nghe về Đức Giêsu. Họ dò xét, “rình xem” Đức Giêsu hành xử thế nào để “tố cáo”.

Khi bị chất vấn nên chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, họ “làm thinh”. Cuối cùng họ chọn bước ra khỏi hội đường.

4/ Hệ quả của cách tương quan với Giêsu

Bạn hãy chiêm ngắm mối tương quan giữa Đức Giêsu và anh bại tay. Đức Giêsu bước vào gặp anh… anh được khỏi bệnh.

Bạn hãy chiêm ngắm mối tương quan giữa Đức Giêsu và những người Pharisiêu trong hội đường hôm nay. Đức Giêsu bước vào gặp họ… họ chọn bước ra khỏi hội đường.

Bạn đang tương quan thế nào với Đức Giêsu? Đặc biệt là trong khung cảnh buổi phụng vụ.

 

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về mối tương quan của bạn với Ngài.

Kết thúc bằng 1 Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)


12/1/21

Thứ tư TN.I: Chữa lành (Mc 1, 29-39)

29Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33Cả thành xúm lại trước cửa. 34Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. 37Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” 38Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Thế giới trong đại nạn Covid-19: bệnh tật, chết, cách ly, thất nghiệp, thiếu nhu yếu phẩm và vắc-xin.

Ơn xin: Xin cho tôi được Chúa chữa lành để tôi biết góp phần với Ngài mà chữa lành thế giới.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ và ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm]

Gợi ý cầu nguyện

1/ Chữa lành bằng hành động (cc. 29-34)

Bạn hãy đọc đoạn Kinh Thánh Mc 1, 29-34, ghi nhận những động từ chỉ hành động của Đức Giêsu, bằng cách gạch chân, tô màu chữ đó. Kết nối các động từ lại và chiêm ngắm chuỗi hành động chữa lành của Đức Giêsu.

Bạn cũng chú ý đến các khung cảnh và thời khắc mà Đức Giêsu thực hiện hành động chữa lành.

Cuối cùng bạn hãy quan sát hành vi và thái độ của dân chúng, và cả của các môn đệ khi được chứng kiến Đức Giêsu thực hiện các hành động chữa lành.

Bạn có nghĩ rằng “cấm nói” cũng là một hành động chữa lành?

 

2/ Chữa lành bằng lời nói (cc. 29-39)

Bạn hãy trở lại cùng một đoạn văn để lắng nghe những điều được trao đổi trên đường giữa Đức Giêsu và các môn đệ; những lời nói được thốt lên trong ngôi nhà của Phê-rô; những lời đồn thổi của dân chúng và những lời trao đổi giữa họ với Đức Giêsu.

Khi thực hiện hành động chữa lành từng bệnh nhân, bạn nghe được Đức Giêsu trao đổi với từng người trong số họ thế nào?

Đâu là những lời nói “chuyển cầu” để việc chữa lành được thực hiện?

 

3/ Chữa lành bằng cầu nguyện (cc. 35-39)

Đa số các chuyên gia tâm lý ngày nay vẫn phải dựa vào yếu tố tâm linh để mong có một sự chữa lành toàn diện và đích thực trong chiều sâu. Bởi vì tâm lý học giúp con người khám phá chính mình, hiểu được nguyên do của các tổn thương, và cung cấp những kỹ thuật để khơi dậy và giải tỏa tạm thời, nhưng khoa trị liệu tâm lý không thể hoàn toàn chữa lành con người, bởi những nguyên nhân gây tổn thương đã đi vượt quá giới hạn của logic con người.

Mời bạn chiêm ngắm một Giêsu thức dậy sớm, thu mình vào trong một không gian tĩnh mịch để cầu nguyện lâu giờ. Ngài cần ơn soi sáng từ trên cao để hiểu được nguyên nhân gây bệnh tật. Ngài cần sức mạnh từ trên cao để có thể tiếp tục chữa lành người khác về thể lý, tâm lý và thiêng liêng.

 

Mời bạn trải nghiệm việc Đức Giêsu chữa lành bạn bằng hành động, lời nói và lời cầu nguyện của Ngài dành cho bạn.

Mời bạn sắm vai một “trợ tá” bên cạnh Đức Giêsu để hành động, nói, và chuyển cầu để ơn chữa lành được thực hiện cho thế giới hôm nay, giữa đại dịch Covid-19.

 

Kết nguyện

Hãy hướng về Đấng Chữa Lành (The Doctor of doctors) để dâng lên Ngài bất cứ tâm tình nào đang trồi lên trong bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha. 

(Ảnh: Internet)

5/1/21

Thứ tư GS.II: Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! (Mc 6:45-52)

45Lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bết-xai-đa trước, trong lúc Người giải tán đám đông. 46Sau khi từ biệt các ông, Người lên núi cầu nguyện. 47Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa Biển Hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. 48Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông và Người định vượt các ông. 49Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. 50Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” 51Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, 52vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội!

Nhập nguyện

·         Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·         Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·         Khung cảnh: Biển hồ Galile vào ban đêm.

·         Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu Đức Giêsu và cảm nhận Ngài đang ở kề bên, để tôi an đảm và bình an bước theo Ngài.

·         Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp suy niệm]

 

Điểm cầu nguyện

1/ Mệnh lệnh khó hiểu (c. 45)

Một mảnh chuyện kể của Mac-cô cho thấy Đức Giê su ra lệnh (bắt buộc/ép buộc) các môn đệ ngưng lại, cắt đứt cảm giác sung sướng, vui mừng, tự hào… về thầy mình sau biến cố hóa bánh ra nhiều. Ghi nhận của Mac-cô có vẻ đi ngược hướng.[1] Cái ngược về địa lý như phản ảnh cái ngược trong tâm lý giữa Đức Giêsu và các môn đệ.

Bạn có từng cảm thấy có những “mệnh lệnh” quá trái ngược tâm lý, lý trí bạn? Bạn thường phản ứng thế nào trước mệnh lệnh đó?

Kitô giáo nói đến “tuân theo ý Chúa”; tu sĩ khấn “vâng phục”. Đó có phải là một chọn lựa khôn ngoan?

 

2/ Khoảng cách (cc. 46-48a)

Đức Giêsu trên núi, trên đất; các môn đệ trên thuyền, trên nước.

Đức Giêsu cầu nguyện; các môn đệ vất vả chèo chống vì ngược gió.

Màn đêm đang đến mỗi lúc một tối hơn, bao phủ cả hai bên. Tâm trạng hai bên rất khác nhau. Bạn hãy cụ thể hóa để hiểu được nguyên nhân tạo nên tâm thế của họ.

 

3/ Đến gần bên (cc. 48b-52)

Đức Giêsu thấy, Đức Giêsu biết sự vất vả và run rẩy của các môn đệ. Ngài quyết định đi đến với họ, và định vượt qua họ.

Ngài chưa vượt thì họ đã quá hoảng sợ! Đức Giêsu trấn an họ: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”

Ngài quyết định lên thuyền của họ, “và gió lặng”. Điều đó có nghĩa là gì đối với bạn?

Bạn cũng có thể phân tích chuyển biến tâm lý của các môn đệ từ lúc “tạm biệt” thầy, cho đến lúc thầy bước vào thuyền của họ, để tự rút kinh nghiệm cho đời mình.

 

Kết nguyện

Hãy xin Chúa Giêsu tỏ mình Ngài cho bạn và giúp đỡ lòng tin của bạn.

Bạn cũng có thể nói với Ngài về những chao đảo của bạn trong cuộc đời.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

(Ảnh: Internet)



[1] https://www.understandchristianity.com/timelines/chronology-jesus-life-ministry: 26-27-28