Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

6/7/25

Thứ hai TN.XIV: Chạm đến (Mt 9,18-26)

18Người còn đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.” 19Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.

20Bỗng một người đàn bà bị rong huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người, 21vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!” 22Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.

23Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: 24“Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người. 25Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy. 26Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu phục sinh con gái một thủ lãnh Do Thái và chữa lành người phụ nữ loạn kinh.

Ơn xin: Xin cho tôi khao khát được Đức Kitô chạm đến để hồi sinh những gì trong tôi đang chết dần, đang làm tôi kiệt sức và mất niềm vui sống; để tôi được ơn sống cuộc đời mới với Ngài.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Luôn sẵn sàng (cc. 18-19)

Đức Giêsu còn đang trả lời với các môn đệ ông Gioan đến hỏi về việc ăn chay, thì vị thủ lãnh này chen vào vì ông có việc gấp muốn nói với đức Giêsu. Xét trên sự kiện thì không hẳn là gấp vì con gái của ông đã chết rồi! Nhưng đức tin mạnh mẽ của ông thúc đẩy ông đến thưa với đức Giêsu. Ông tin với cái chạm của đức Giêsu, con gái ông sẽ sống lại.

Có điều gì trong bạn “vừa mới chết”? Bạn có tin rằng khi Thiên Chúa chạm đến, nó sẽ được chữa lành, sẽ hồi sinh? Hãy dành thời gian để thân thưa với Chúa Giêsu về điều đó và xin Ngài chạm đến.

Hãy suy nghĩ về sự sẵn sàng lên đường của đức Giêsu. Thiên Chúa luôn sẵn sàng như thế đối với bạn.

2/ Đón nhận sự cố chen ngang (cc. 20-22)

Hãy suy ngẫm về sự vội vã được thể hiện qua bước chân của người cha, của đức Giêsu và các môn đệ. Thế mà đức Giêsu vẫn quay lại phía người phụ nữ bị bệnh đã được chữa khỏi vì lòng tin của bà muốn chạm đến đức Giêsu. Sự vội vã không làm Ngài cảm thấy bị làm phiền khi có sự cố chen ngang.

Đâu là những lúc bạn cảm thấy bị làm phiền? Đã bao nhiêu lần bạn đã “chen ngang” và Chúa luôn đón nhận bạn? Hãy nghiệm câu này để biết chắc điều đó: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.

3/ Chạm đến (cc. 23-26)

Bất chấp sự chế nhạo của những người đang than khóc bé gái đã chết, đức Giêsu đuổi họ ra ngoài, tiến đến, chạm vào xác bé gái, và nó sống lại.

Hãy tự hỏi đã bao nhiêu lần Thiên Chúa muốn chạm đến đời bạn, chạm đến những nỗi đau đang làm bạn mất dần sức sống, thậm chí có những điều đã thật sự chết trong tâm hồn bạn? Hôm nay bạn có muốn được Ngài chạm đến? Đâu là những rào cản làm cho Ngài không chạm được đến bạn? Ngài đang phải nỗ lực “đuổi chúng ra” thế nào?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về bất cứ điều gì nổi lên trong bạn, dù chỉ là một tia hy vọng mong manh.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

29/6/25

Thứ Hai TN.XIII: Thanh thoát (Mt 8,18-22)

18Thấy xung quanh có đám đông, Đức Giê-su ra lệnh sang bờ bên kia. 19Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” 20Đức Giê-su trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

21Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” 22Đức Giê-su bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Giêsu giảng dạy về điều kiện bước theo Ngài.

Ơn xin: Xin cho tôi được ơn thanh thoát khi bước theo Chúa Giêsu trên con đườn Ngài đang đi.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Không chỗ tựa đầu (cc. 18-20)

Mời bạn đặt mình sát bên đức Giêsu ngay trước lúc Ngài muốn cùng với các môn đệ sang bờ bên kia biển hồ Tiberia.

Nhìn ngắm vị kinh sư đang tiếp cận đức Giêsu. Nhớ về vị thế “kinh sư” trong dân Do Thái thời bấy giờ.

Quan sát ông thật kỹ và lắng nghe lời ông nói với đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” – Cảm nghiệm khao khát và tấm lòng của ông.

Lắng nghe câu trả lời của đức Giêsu: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” – Cảm hiểu điều đức Giêsu đang ám chỉ.

Đoạn kinh thánh không cho biết kết quả sau đó. Nếu là bạn, bạn có thực hiện điều lòng bạn khao khát và bày tỏ với đức Giêsu? Bạn có thanh thoát đủ để bước theo Ngài?

2/ Khẩn trương (cc. 21-22)

Bây giờ hãy nhìn một trong số môn đệ đã đi theo đức Giêsu một thời gian. Anh cũng tiến lại và bày tỏ ước nguyện: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã.” – Cảm nghiệm điều anh đang đắn đo trong lòng giữa việc theo đức Giêsu và bổn phận báo hiếu.

Lắng nghe lời đáp của đức Giêsu: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” – Hãy nghiệm lời mời “Hãy đi theo tôi” – bạn được mời.

Kẻ chết, nếu bạn hiểu là cha/mẹ của anh này qua đời thì chắc chắn đức Giêsu không khắc nghiệt đến mức không cho phép anh về thụ tang! “kẻ chết” có thể là những người còn mê đắm hoặc bận bịu với những “chuyện thế gian”. Vậy việc bước theo đức Giêsu ngay lập tức thì quan trọng hơn việc chờ đợi cho đến lúc những người con mê đắm thế gian này qua đi.

Nếu là bạn, bạn chọn lựa thế nào? Bạn có thanh thoát đủ để bước theo Ngài?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về tình trạng theo Chúa của bạn. Nài xin Ngài ban cho bạn khao khát mãnh liệt và lòng thanh thoát để bước đến với Ngài giữa những bận bịu của cuộc sống.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

8/6/25

[Lễ đức Maria Mẹ Hội Thánh]: Ôm lấy (Ga 19,25-34)

25Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” 27Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

28Sau đó, Đức Giê-su biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” 29Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. 30Nhắp xong, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

31Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. 32Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. 33Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. 34Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Đức Maria dưới chân thập giá.

Ơn xin: Xin cho tôi biết yêu mến Mẹ Maria, người Mẹ đã ôm lấy Giáo Hội và chính tôi trong đau khổ để sinh hạ cho tôi thành công dân Nước Trời.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp chiêm niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Đứng dưới chân Thập giá (cc. 19-25)

Mời bạn đặt mình dưới chân thập giá, gần chỗ đức Maria đang đứng cùng mấy phụ nữ thân quen đức Giêsu.

Đọc chậm bản văn vài lần. Chú ý quan sát tư thế đứng đó của đức Maria. Đặt mình vào trong đôi mắt của Mẹ để tiếp nhận tất cả những gì đang diễn ra trên Đồi Sọ chiều hôm đó, nhất là những gì đang diễn ra nơi Con của Mẹ.

Bước vào trong lòng đức Maria để cảm nghiệm nỗi đau “đứt ruột” khi chứng kiến Con mình đang chết dần.

Cảm nghiệm cái giá của Mẹ đức Giêsu – Mẹ Thiên Chúa – Mẹ Giáo Hội.

2/ Ôm lấy (cc. 26-27)

Bây giờ bạn hãy zoom vào ánh mắt của đức Giêsu khi Ngài nhìn gần lại chân thập giá, và nhìn thấy mẹ Maria và người môn đệ thương mến. Chiêm ngắm đôi mắt Ngài. Cảm nghiệm điều đang diễn ra trong lòng Ngài.

Đoạn quan sát mắt đức Giêsu đang nhìn mẹ mình. Lắng nghe lời Ngài nói với mẹ Maria: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (khi Ngài liếc nhìn qua người môn đệ thương mến).

Chiêm ngắm tương tự với người môn đệ thương mến và câu nói của đức Giêsu dành cho anh: “Đây là mẹ của anh” (khi Ngài liếc nhìn qua mẹ mình).

Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. Chiêm ngắm lòng của người môn đệ thương mến. Anh sắp xếp lòng mình để nhận một người vào đời mình.

Áp dụng bản thân: Đức Giêsu hôm nay cũng trao Mẹ Maria cho bạn. Bạn đón nhận Mẹ vào đời mình thế nào?

3/ Thực hiện ước mơ (cc. 28-30)

Lời cuối cùng Mẹ Maria nghe được từ Con mình là “Tôi khát!” – Rồi người gục đầu trao Thần Khí.

Mẹ vẫn hằng thực hiện ước mơ đó của Con mình qua bao thế kỷ… và cho đến đời đời.

Áp dụng: Mẹ Maria đã chịu những đau khổ như thế nào trong hành trình một đời làm mẹ đức Giêsu, và đang làm Mẹ Giáo Hội? Mẹ cũng đau khổ thế nào khi làm mẹ của tôi? Mẹ của nhân loại? Mẹ của vũ trụ?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu và Mẹ Maria về ân huệ cao quý là chính Mẹ Maria được trao cho bạn hôm nay.

Kết thúc bằng một Kinh Kính Mừng.

Ảnh: Internet

2/6/25

Thứ hai PS.VII: Mức độ tin (Ga 16,29-33)

29Các môn đệ Người thưa: “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31Đức Giê-su đáp: “Bây giờ anh em tin à? 32Này đến giờ –và giờ ấy đã đến rồi– anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”

Nhập nguyện

-Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

-Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

-Đặt khung cảnh: Cuộc chuyện trò riêng tư giữa thầy trò đức Giêsu trước khi nào bước vào cuộc khổ nạn.

-Ơn xin: Xin cho tôi biết mở lòng lắng nghe những lời Đức Giêsu muốn kết nối với tôi từ trái tim Ngài. Và xin ơn can đảm chọn lựa trở nên môn đệ Chúa Kitô qua hành động tin.

-Lối cầu nguyện: Suy xét (Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập).

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Hiểu biết (cc. 29-30)

Mức độ thứ nhất là hiểu biết bằng trí óc.

Các môn đệ thấy rằng mình đã hiểu nhiều điều đức Giêsu nói. Điều đó thật tốt vì “vô tri bất mộ”.

Ngày nay việc huấn luyện triết học và thần học cho người tín hữu giáo dân rất được khuyến khích, nhằm giúp người tín hữu không chỉ sống đạo cho mình, mà còn có khả năng giải thích đức tin của mình cho người khác, và giúp đỡ những ai muốn tìm hiểu về đạo.

Hãy đặt mình trước Chúa với lương tâm ngay thẳng, và xét xem mình đã học hiểu về đức Kitô ở mức độ nào? Đâu là những cách thế bạn đã dùng để gia tăng sự hiểu biết về Ngài?

2/ Bị bách hại (cc. 31-32)

Mức độ thứ hai là giữ đạo khi bị bách hại.

Noi gương Chúa Giêsu, Đấng luôn tin rằng Chúa Cha ở với mình trong những lúc khó khăn. Liệu bạn có tin rằng Chúa Giêsu sẽ đồng hành và giải thoát bạn?

Hãy nhớ lại và xem xét cách bạn đã giữ đạo và sống đạo khi gặp những khó khăn trong những chọn lựa khi làm ăn sinh sống, làm chứng cho Chúa, bị phản bác niềm tin vào Chúa…

Thân thưa với Chúa Giêsu về những khó khăn trong việc sống đạo, và xin Ngài ban ơn giúp sức.

3/ Biết và tin (c. 33)

Mức độ thứ ba là biết trước sẽ bị bách hại vì đức tin và tin Chúa sẽ giải thoát.

Đức Giêsu muốn cho bạn biết trước về những khó khăn khi tin và sống theo giáo lý của Ngài, và khi bước theo Ngài: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.”

Bạn có ngạc nhiên về những khó khăn trong đời của bạn đã, đang và sẽ gặp phải chỉ vì bạn là người “có đạo”? Khi gặp những khó khăn, thái độ của bạn thế nào? Liệu bạn có bình an trong Chúa vì “đã biết trước” sự thể sẽ như vậy?

Mời bạn niệm câu này: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.”

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về mức độ tin của bạn, và xin Ngài gia tăng đức tin cho bản thân.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet


26/5/25

Thứ hai PS.VI: Cái giá làm người môn đệ (Ga 15,26-16,4)

1526“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

161“Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Cuộc chuyện trò riêng tư giữa thầy trò đức Giêsu trước khi nào bước vào cuộc khổ nạn.

·       Ơn xin: Xin cho tôi biết mở lòng lắng nghe những lời Đức Giêsu muốn kết nối với tôi từ trái tim Ngài. Và xin ơn can đảm chọn lựa trở nên môn đệ Chúa Kitô.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm ý nghĩa từng lời kinh (Gõ vào ô tìm kiếm Ba phương pháp cầu nguyện dẫn nhập).

Gợi điểm cầu nguyện

Đặt mình vào trong bầu khí thầy trò tâm sự với nhau trước lúc chia tay. Đặt mình vào trong trái tim của thầy Giêsu để cảm nghiệm tình yêu của Ngài dành cho các môn đệ và cho chính bạn hôm nay.

Bản văn

Gợi điểm cầu nguyện

1526“Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 

Chiêm ngắm Thánh Thần trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài là Vị thứ hai được sai đến với nhân loại.

Suy ngẫm về sự nối kết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Các Ngài hiểu nhau, các Ngài làm chứng cho nhau.

27Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

Lời mời gọi ở với Chúa Giêsu, hiểu biết Ngài, làm chứng cho Ngài.

161“Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 

Nghĩ trước để bớt sốc và để làm chọn lựa.

 

2Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 

Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15,20)

Suy ngẫm về hệ quả của việc chọn lựa bước theo Đức Kitô.

Lý do họ bách hại: “họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy.” Làm sao để giúp họ nhận biết?

4Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

Nhắc lại để nhấn mạnh: Hãy nghĩ trước để bớt sốc và để làm chọn lựa.

 

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những kinh nghiệm khó khăn bạn gặp phải khi sống giá trị của Chúa và làm môn đệ của Chúa.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

23/5/25

LINH ĐẠO SINH THÁI

Linh đạo sinh thái, một trong những Mục tiêu của Phong trào Laudato Si’ (Laudato Si Movement), mang đến một góc nhìn độc đáo – một góc nhìn khuyến khích chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cả vẻ đẹp và nỗi đau của tạo thành.

Hiểu biết, và quan trọng hơn, hoàn thành mục tiêu này thông qua các hành động cấp bách và tức thời trong việc chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, được thể hiện qua ba yếu tố chính: chiêm nghiệm, lòng trắc ẩn và sự chăm sóc.

Chiêm nghiệm: Nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi sự

Chiêm nghiệm là nền tảng của Linh đạo sinh thái. Nó bao gồm “nhìn thấy Chúa trong mọi sự” và nhìn vũ trụ như hiện thân của Đấng thiêng liêng. Quan điểm này làm sống lại lòng kính sợ và ngạc nhiên của chúng ta đối với trật tự và vẻ đẹp phức tạp trong thế giới. Qua việc coi vũ trụ là một đền thờ thánh thiêng, chúng ta đưa bản chất của sự chiêm nghiệm vào cuộc sống của mình.

Thuật ngữ “chiêm nghiệmcó gốc từ tiếng Latin “templum”, chỉ một nơi có các vị thần sinh sống. Giống như Đức Chúa đã nói với Môsê trong sách Xuất hành chương 3 câu 5 rằng: ông đang đứng trên vùng đất thánh, chúng ta cũng nên coi toàn bộ tạo thànhthánh thiêng. Các cộng đồng bản địa có thể giúp chúng ta kết nối lại với sự hiện diện thánh thiêng bao phủ trên mặt nước trong quá trình sáng tạo.

Lòng trắc ẩn: Đáp lại tiếng kêu của Trái Đất và của Người Nghèo

Lòng trắc ẩn là một khía cạnh quan trọng khác của Linh đạo sinh thái. Bắt nguồn từ sự nhập thể, chiều kích này khuyến khích chúng ta vun đắp sự dịu dàng và luôn chú ý đến cả tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của những người bị thiệt thòi.

Khi cuộc khủng hoảng sinh thái diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như hạn hán, lũ lụt và ô nhiễm, chúng ta được mời gọi phải nhạy bén với nỗi đau khổ của tạo thành. Điều này đòi hỏi phải thừa nhận tiếng kêu của Trái đất và của những người nghèo khổ, như thể những tiếng kiêu này đang hòa quyện vào nhau.

Đức cố giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng tâm linh không tách biệt khỏi thế giới xung quanh chúng ta. Lòng trắc ẩn chân chính giúp mở ra đến mọi dạng sống, nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và các loài khác.

Chăm sóc: Hành động với trách nhiệm

Chăm sóc thể hiện khía cạnh thực tế của Linh đạo sinh thái. Nó nhấn mạnh vai trò của chúng ta trong việc chăm sóc tạo thành giống như lòng trắc ẩn của Thiên Chúa. Những hành động nhỏ mang ý nghĩa, như được chứng minh bởi “Con đường nhỏ” của Thánh Têrêsa thành Lisieux.

Chấp nhận sống theo tự nhiên và giản dị trở nên quan trọng khi hành tinh này đang đối mặt với hậu quả của việc tiêu thụ quá mức. Lối sống này phù hợp với cốt lõi của Linh đạo sinh thái: sống tiết độ và hài lòng với điều ‘ít hơn.

Trong bối cảnh hiện tại của những thách thức toàn cầu, bao gồm cả sự suy thoái và xung đột môi trường, việc áp dụng “văn hóa chăm sóc” giúp chúng ta mở đường cho một “nền văn minh tình yêu”.

Hành trình biến đổi của Linh đạo sinh thái

Linh đạo sinh thái mời gọi chúng ta bắt đầu một hành trình biến đổi qua việc chiêm nghiệm, lòng trắc ẩn và sự chăm sóc. Chúng ta có thể nuôi dưỡng mối liên hệ sâu sắc hơn với hành tinh và với nhau bằng cách nhận ra sự hiện diện thánh thiêng trong mọi khía cạnh của tạo thành, đáp lại tiếng kêu của Trái đất và những người bị thiệt thòi, và hành động cách có trách nhiệm.

Linh đạo sinh thái có khả năng soi sáng con đường hướng tới một tương lai hài hòa và bền vững cho nhân loại và môi trường – một tương lai được xác định bằng những bước đi cụ thể mà mỗi người chúng ta có thể thực hiện trong cuộc sống hàng ngày nhằm tác động trực tiếp đến ngôi nhà chung của chúng ta và tác động lẫn nhau.

Cha Josh Kureethadam,
Ủy Ban Tòa Thánh về Cổ Võ Sự Phát Triển Con Người Toàn Diện

Nguồn: https://laudatosiactionplatform.org/ecological-spirituality-seeing-all-living-beings-as-interconnected-parts-of-a-greater-whole/

Chuyển ngữ: Nguyễn Thị Thùy Trang

Photo: Internet


12/5/25

Thứ hai PS.IV: Ẩn dụ tình yêu chăm sóc (Ga 10,1-10)

1“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Bài giảng về Người chăn chiên tốt lành.

Ơn xin: Xin cho tôi được không ngừng mở ra với những mặc khải vượt quá kinh nghiệm thường ngày, để tôi nhạy bén với các dấu chỉ mà Chúa gởi đến cho tôi trong ngày sống, qua ngôn ngữ và hình ảnh.

Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Chiêm niệm)

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Ẩn dụ tình yêu chăm sóc (cc. 1-6)

Đức Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc ở xứ du mục: người chăn chiên và đàn chiên. Ngài chọn hình ảnh này để nói về tương quan yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa dành cho con người, vì đặc điểm của người chăn chiên và con chiên diễn tả rất sống động cho tình yêu vô hình của Thiên Chúa.

Nếu đức Giêsu ở sinh trưởng ở xứ sở chúng ta, thì hình ảnh nào diễn đạt tốt về tình yêu chăm sóc này của Thiên Chúa dành cho bạn?

Mời bạn suy ngẫm về cách Ngài giới thiệu mình là người chăn chiên tốt lành:

+ đi qua cửa (chứ không trèo rào)

+ chiên quen tiếng (và quen hơi)

+ anh biết tên từng con chiên một

+ anh dẫn chúng ra và chờ cho chúng ra hết khỏi chuồng

+ anh đi đầu dẫn đưa đến đồng cỏ xanh tươi

+ chiên đi theo anh vì chúng quen tiếng (và quen hơi)

Hãy đặt mình vào bối cảnh để cảm nhận mức độ thân thuộc của bạn trong tương quan với Thiên Chúa của bạn, với Chúa Giêsu. Đoạn thân thưa với Ngài về điều bạn cảm thấy. 

Câu 6: “Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.” – còn bạn?

Ngôn ngữ tình yêu chỉ dành riêng cho những người đang trong mối tương quan tình yêu. Bạn khao khát điều gì cho mình hôm nay?

2/ Tương quan sinh dưỡng (cc. 7-10)

Dừng lại để cảm nghiệm giây phút đức Giêsu nhận ra những người nghe không hiểu Ngài đang muốn nói gì khi kể dụ ngôn… Rồi xem cách Ngài muốn nói rõ hơn bằng cách ngẫm nghiệm các câu sau:

+ Câu 9: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.”

+ Câu 10b: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

Hãy ngẫm nghiệm và áp dụng vào bản thân.

Kết nguyện

Thân thưa cùng Chúa Giêsu về bất cứ điều gì bạn cảm hiểu được trong giờ cầu nguyện.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet. 


26/4/25

Tri ân Marie Adélaïde Champion de Cicé

Hôm nay, chúng ta tôn vinh ký ức về một người phụ nữ đặc biệt, người có cam kết và tầm nhìn không chỉ được ghi nhận trong thời đại của Cô, mà còn tiếp tục truyền cảm hứng cho những người đang hoạt động vì một thế giới công bằng và tươi đẹp hơn. Chúng ta đang nói về Marie Adélaïde Champion de Cicé, được sinh ra vào thời đại mà tiếng nói của phụ nữ thường bị che lấp, nhưng lại là người đã làm cho tiếng nói của mình mình được lắng nghe và để lại dấu ấn trong lịch sử - lịch sử của chúng ta!

Vào ngày 26 tháng 4 năm 1818, Paris đã mất đi một nhân vật tỏa sáng, một người phụ nữ, bằng lòng dũng cảm và quyết tâm của mình, đã sáng lập ra những công trình mà giá trị của nó vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay. Marie Adélaïde Champion de Cicé không chỉ là một phụ nữ của thời đại mình, mà còn là người phóng tầm và là người tiên phong. Xin tôn vinh , người phụ nữ của mọi thời đại!

Sống vào thời đại mà phụ nữ hầu như bị giới hạn trong các vai trò truyền thống, Marie Adélaïde đã chủ động thành lập các tổ chứccó những sáng kiến ​​​​mở đường cho giáo dục và giải phóng phụ nữ. Cô bảo vệ các quyền con người, liên đới và tiến bộ xã hội; Những nguyên tắc này vẫn còn âm hưởng trong các tổ chức do Cô tạo ra và nơi những người mà Cô chạm đến. Tri ân , người phụ nữ can đảm!

Qua những việc làm của mình, Marie Adélaïde đã thể hiện niềm tin đích thực rằng giáo dục là phương cách căn bản để thăng tiến xã hội. Cô đã xây dựng những cầu nối không chỉ giữa các cá nhân mà còn giữa các thế hệ, và nỗ lực truyền lại những giá trị trường tồn cho đến ngày nay.

Những thành tựu của Marie Adélaïde Champion de Cicé vượt xa những gì mà sự công nhận đơn thuần có thể thể hiện được. Cô thể hiện ý tưởng rằng có thể vừa là một người phụ nữ mạnh mẽ vừa là người xây dựng xã hội, một người phụ nữ có đức tin và suy tư, một mẫu gương của kiên trì và lòng nhân từ, một người hành hương hy vọng.

Di sản của Cô không chỉ được đo lường qua các tổ chức do thành lập mà còn bởi tinh thần tương trợ mà đã nuôi dưỡng, cũng như tầm nhìn và sự ủng hộ công bằng xã hội. Marie Adélaïde đã chứng minh rằng phụ nữ, giống như nam giới, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội tươi sáng và công bằng hơn.

Hôm nay, khi chúng ta tưởng nhớ , chúng ta được mời gọi để suy ngẫm về tầm quan trọng của những điều đã thực hiện và tiếp tục đề cao những lý tưởng mà đã bảo vệ. Chúng ta có trách nhiệm truyền lại di sản của cho các thế hệ tương lai và kín múc sự khôn ngoan của để đáp ứng những thách thức của thời đại chúng ta.

Marie Adélaïde Champion de Cicé, bằng tấm gương và sự cống hiến của mình, đã có thể khơi dậy một ánh sáng dẫn đường cho những người ngày nay đang đi theo con đường mà đã đặt ra. Hôm nay chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng sâu sắc đối với Cô.

Ước gì ký ức về Cô sống mãi trong hành động của chúng ta và ước gì tấm gương của tiếp tục hướng dẫn chúng ta, truyền cảm hứng cho chúng ta để xây dựng những cầu nối cho hoạt động giáo dục, xây dựng liên đới và công lý.

Cám ơn.

Bernadette Lingani (Tây Phi)

Nguồn: https://www.societedesfillesducoeurdemarie.org/en


14/4/25

Thứ hai Tuần Thánh: Thái quá (Ga 12,1-11)

1Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: 5“Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” 6Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”

9Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 10Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, 11vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Trong giờ khắc còn lại của đời mình, đức Giêsu quyết định ghé thăm gia đình chị em Matta-Maria-Lazarô.

Ơn xin: Xin cho tôi được tình yêu đặc biệt được diễn đạt một cách thái quá và cá vị trong cuộc viếng thăm này, cùng xin cho tôi có được kinh nghiệm riêng biệt như thế trong tương quan với Chúa Giêsu.

Lối cầu nguyện: Áp dụng ngũ quan [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Áp dụng ngũ quan]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Chọn viếng thăm nhau (cc. 1-3)

Mời bạn cùng đức Giêsu bước vào ngôi nhà ấy. Cảm nghiệm niềm vui tiếp đón của cả ba chị em dành cho cho đức Giêsu và các môn đệ:

+ Chiêm ngắm chị Matta vui vẻ và tất bật nấu nướng và dọn bàn.

+ Chiêm ngắm anh Lazarô đang đồng bàn và chuyện trò với đức Giêsu và các môn đệ.

+ Chiêm ngắm chọn lựa và hành động thái quá của chị Maria khi đổ cả “một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau.”

Cảm nghiệm hương thơm tình yêu tỏa ra từ thức ăn, từ giọng nói, thái độ, và dầu thơm.

2/ Thái quá (cc. 4-8)

Thi thoảng đức Giêsu và các môn đệ vẫn dừng chân tại gia đình chị em Matta. Với các môn đệ, có vẻ như không phải là điều gì “thái quá”. Tuy nhiên, mời bạn hãy đi vào trong trái tim của đức Giêsu để cảm nếm sự chọn lựa của Ngài. Thái quá chăng khi Ngài biết thời gian của mình đang ngắn dần, và Ngài chọn đi thăm viếng ba chị em nhà Matta?

Thái quá chăng khi ba chị em đón tiếp họ nồng hậu cách thái quá?

Nhất là quả là thái quá khi cả một cân dầu thơm nguyên chất được xử dụng cách có vẻ lãng phí. Điều này gây kinh ngạc và phản ứng từ các môn đệ, và cả đối với những người khác. Cân dầu thơm ấy bằng tiền lao động của cả 1 năm! Hãy đi vào tâm tình của ba chị em nhà Matta. Họ mang ơn thầy Giêsu đến mức nào vì đã mang em Lazarô trở về từ cõi chết. Một cân dầu thơm chỉ là biểu tượng cho lòng biết ơn đó. Tình yêu thì vô giá.

Dựa vào thái độ phản ứng của Giuđa Ítcariốt, bạn hãy nghiệm xem cách bạn đo lường và định giá tình yêu thế nào với bản thân mình, với anh chị em, với Thiên Chúa.

Cũng chiêm ngắm cách đức Giêsu rộng mở đón nhận cách người khác diễn đạt tình yêu dành cho mình. Đoạn rút ra bài học cho bản thân.

3/ Chọn liên kết với đức Kitô (cc. 9-11)

Sự kiện gia đình chị em Matta gây thêm sự lo lắng cho giới lãnh đạo Do Thái, vì uy thế đức Giêsu càng được biết đến.

Lazarô nay đồng bàn với đức Giêsu. Anh chia sẻ cùng một chén với đức Giêsu. Chính anh sẽ chung phần đau khổ với đức Giêsu: bị giết vì mối liên hệ của anh với đức Giêsu.

Bạn hãy ngẫm nghiệm và rút ra bài học thiêng liêng cho chính mình.

Kết nguyện

Thân thưa với đức Giêsu, với thánh nữ Matta, thánh nữ Maria, và thánh Lazarô về bất cứ điều gì được gợi lên trong bạn.

Đoạn kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

10/3/25

Thứ hai MC.I: Lưu tâm (Mt 25,31-46)

31“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ 37Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?’ 40Đức Vua sẽ đáp lại rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ 41Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ 44Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ 45Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ 46Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

Nhập nguyện

- Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần

- Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

- Khung cảnh: Đức Giêsu dạy về đời sau bằng dụ ngôn.

- Ơn xin: Xin cho tôi mở lòng để học bài học Ngài dạy, và biết áp dụng vào đời sống từ hôm nay.

- Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]


Gợi điểm cầu nguyện

Mời bạn dành thời gian để suy niệm theo những điểm gợi ý sau:

1/ Nhớ câu chuyện

Trí nhớ giúp ta đi sâu vào nội dung. Nếu chưa kịp tự nhớ chi tiết dụ ngôn này, bạn hãy đọc lại bản văn, và sau đó cho để cho mình tự nhớ lại toàn bộ câu chuyện kể.

2/ Sự thật ẩn giấu

Bạn hãy dành thời gian để suy ngẫm về những sự thật ẩn giấu trong chuyện dụ ngôn này:

+ Phán xét: Sau khi chết, có một cuộc xét xử về toàn bộ cách chúng ta đã sống. Bạn tin vào điều này ở mức độ nào?

+ Tiêu chí xét xử: Tình yêu dành cho những người nghèo khổ, kém may mắn. Trái đất và thiên nhiên đang là đối tượng nghèo nhất và bị lạm dụng nhiều nhất. “Lắng nghe tiếng khóc của người nghèo. Lắng nghe tiếng khóc của Mẹ Đất” (Thông điệp Laudato Si).

+ Thiên Chúa tự đồng hóa mình với đối tượng nghèo (vật chất, tinh thần, thiêng liêng).

+ Thưởng/phạt: không phải là một thời gian có hạn, mà là vĩnh viễn. Điều vĩnh viễn đó sẽ được quyết định bằng mấy mươi năm sống trên trần thế này. Vậy bạn muốn chọn lựa và sống thế nào?

3/ Lưu tâm

Hãy đọc kỹ đoạn câu 35-40. “Đức Vua” nhớ chi tiết từng điều tốt mà họ đã làm cho người cần đến. Những “người công chính” cũng nhớ và xét duyệt từng điều một. Họ sống chậm và lưu tâm từng điều. Họ ghi nhớ và xem xét từng điều. Họ chọn làm điều tốt theo tiếng lương tâm, ngay cả khi không biết đó là mình làm cho Chúa. Hồi ứng lại, “Đức Vua” đã nhận hết những điều tốt họ làm cho người nghèo khó như thể làm cho chính Ngài.

Bạn cũng nên đọc kỹ các câu 42-45. “Đức Vua” kể từng chi tiết những điều tốt họ đã không làm cho người nghèo khổ. Đến lượt mình, những người này thâu tóm và trả lời thật nhanh: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ – Quá nhanh quá nguy hiểm! Mọi sự bị thu gọn, giảm nhẹ, lướt qua… và hầu như không thấy gì, không cảm thấy gì.

Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể dường như phản ánh rất đúng với lối sống công nghiệp ngày nay. Nhịp sống ngày càng nhanh đến mức vợ chồng lướt qua nhau, cha mẹ con cái lướt qua nhau… Vậy thì những người nghèo khổ xa hơn làm sao có thể chạm được đến ta!

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những thực tại trần thế và những hy vọng của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.

3/3/25

Thứ hai TN.VIII: Quyết định khó khăn (Mc 10,17-27)

17Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” 18Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. 19Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” 20Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” 21Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” 22Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” 24Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! 25Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” 26Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” 27Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

Nhập nguyện

Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của con chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

Đặt khung cảnh: Anh thanh niên muốn tìm cách để được sự sống đời đời.

Ơn xin: Xin cho tôi biết tin vào Thiên Chúa, Đấng giàu có vô biên và có thể làm mọi sự, để tôi dám làm một quyết định khó khăn đó là dám buông hết mọi sự chỉ để được sự sống đời đời.

Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm: Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Quyết định khó khăn (cc. 17-22)

- Suy ngẫm về nỗ lực sống đạo từ nhỏ của chàng thanh niên.

- Cùng ngẫm nghĩ về khao khát được hưởng sự sống đời đời, và sự can đảm bộc lộ khao khát này của người thanh niên.

- Đức Giêsu vui vì sự tốt lành của anh. Ngẫm nghĩ về lời Ngài mời gọi người thanh niên: Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Ngài chỉ cho anh cách thức đạt đến điều anh khao khát. Ngài còn mở cho anh điều lớn lao hơn cả sự sống đời đời: được làm môn đệ Chúa Kitô.

- Câu chuyện này kết thúc thật buồn. Người thanh niên hồ hởi đi tìm con đường hạnh phúc, giờ trở nên buồn bã. Điều anh khao khát anh không thực hiện được, thì điều đức Giêsu mời gọi cũng bị bỏ qua.

Mời bạn hãy suy ngẫm về những khao khát tốt lành nơi mình và cách thực bạn thực hiện chúng.

2/ Sự hụt hẫng của các tông đồ (cc. 23-26)

- Đức Giêsu đề cập đến sự bám víu vào của cải. Của cải của tôi là những gì? Tại sao nó cản trở tôi không đến được với sự sống đời đời, và không trở thành người môn đệ Chúa Giêsu?

- Phản ứng của bạn trước lời của đức Giêsu thế nào? Có giống các môn đệ xưa?

Hãy nói với Chúa về mối tương quan của bạn với của cải vật chất.

3/ Câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 23-27)

Bạn hãy dành thời gian đọc bản văn và nhìn ngắm thái độ của đức Giêsu khi nói với các môn đệ về của cải. Ngài có vẻ không nhượng bộ khi các ông tỏ ý phản đối. Ngài đi tới cùng sự không tưởng trong cách nhìn của các môn đệ.

Sự thật, đó là điều không thể đối với con người, nhưng “đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.” Bạn hãy xem cách bạn thực thi những lời mời của Thiên Chúa dành cho mình. Bạn thực hiện chúng bằng sức của mình hay sức của Chúa?

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu và xin Ngài ban ơn cho bạn được sống thanh thoát mà bước theo Ngài.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.