Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

25/7/24

Thứ sáu TN.XVI: Sinh hoa kết trái (Mt 13, 18-23)

18“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. 19Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. 20Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. 21Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. 22Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. 23Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”

Nhập nguyện

·     Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

·     Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·     Đặt khung cảnh: Đức Giêsu kể dụ ngôn.

·     Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra hạt giống Lời Chúa và hạt giống đức tin đã được gieo vào đời mình như thế nào, để tôi biết ơn và chăm sóc cho những hạt giống đó lớn lên và sinh hoa trái cho đời tôi và cho người khác.

·     Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Nghe mà không hiểu Lời Chúa (c. 19)

Lời Chúa được định nghĩa là được con người viết ra dưới ơn linh hứng của Chúa.

Giáo lý của Kitô giáo được nhìn là giáo lý từ trời.

Do vậy, để hiểu được Lời Chúa và những điều Chúa Giêsu dạy thì cần đến ơn của Chúa. Mời bạn suy xét về mức độ mình hiểu Lời Chúa và đem ra thực hành. Thân thưa với Chúa Giêsu và xin Ngài ban Thần Khí của Ngài cho bạn.

2/ Nghe cách nông cạn (cc. 20-21)

Người Việt ta nói: “Nước đổ đầu vịt”, “Nước đổ lá khoai”, “Nghe tai nọ ra tai kia” để nói về cách ta nghe mà như chẳng nghe gì.

Mời bạn suy xét về mức độ chú tâm của bạn khi nghe Lời Chúa. Bạn có thường dễ dàng chấp nhận Lời Chúa nhưng lại không mang vào trong đời sống?

3/ Nghe rồi mất hứng thú (cc. 22)

Bạn đã biết đạo, sống đạo bao năm. Bạn đã được nghe Lời Chúa nhiều năm, nhưng có vẻ những điều trong thế giới này thì hấp dẫn hơn Lời Chúa, vì chúng cho ta cảm giác thoải mái hơn.

Hãy xét xem điều gì trong bạn, trong thế giới này bóp nghẹt Lời Chúa và làm cho nó không thể tác động vào đời bạn.

4/ Nghe cách chăm chỉ (c. 23)

Không chỉ chăm chú lắng nghe mà còn mang ra thực hành trong đời sống. Mời bạn suy xét về những câu Lời Chúa đã làm thay đổi cuộc đời bạn, và làm cho đời bạn sinh hoa trái tốt lành.

Đo lường mức độ Lời Chúa sinh hoa trái trong đời bạn.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về tình trạng lắng nghe và thực hành Lời Chúa của bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

23/7/24

Thứ ba TN.XVI: Mối tương quan thiêng liêng (Mt 12,46-50)

46Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. 47Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” 48Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 49Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 50Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

Nhập nguyện

·     Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài - Xin Chúa ban Thánh Thần.

·     Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·     Đặt khung cảnh: Đức Maria và anh em họ hàng đi thăm đức Giêsu trong thời gian Ngài đi rao giảng công khai.

·     Ơn xin: Xin cho tôi nhận ra những ân huệ lớn lao là được tháp nhập vào gia đình Thiên Chúa, và ơn thi hành thánh ý Chúa Cha trong đời mình.

·     Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm]

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Mối tương quan tự nhiên (c. 46)

Mời bạn ngẫm nghĩ về các mối tương quan tự nhiên: theo huyết thống, mối tương quan bạn bè, đồng nghiệp, chuyên nghiệp…

Ngẫm nghĩ về cách thức đức Maria và anh em họ hàng của đức Giêsu gìn giữ mối tương quan tự nhiên của họ với Chúa Giêsu.

Bạn có quan tâm đến các mối tương quan tự nhiên và tìm cách giữ gìn và xây dựng chúng? Hãy thân thưa với Chúa Giêsu về các mối tương quan tự nhiên của bạn.

2/ Chuyển dịch trong tâm thức (cc. 47-49)

Là con một của mẹ góa Maria, chắc hẳn đức Giêsu rất trân quý mối tương quan máu mủ với mẹ mình. Ngài cũng trân quý mối tương quan với anh chị em dòng họ - những người cùng lớn lên với Ngài. Tuy vậy, Ngài không khép kín trong mối tương quan tự nhiên này.

Đức Giêsu muốn mở rộng mối tương quan đến với mọi người – tương tự tinh thần của thông điệp Fratelli Tutti (Tất Cả Là Anh Em) của đức Phanxicô.

Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 

Mời bạn ngẫm nghĩ về cách bạn nhìn và tương quan với mọi người, nhất là với những người thua kém hơn bạn, thậm chí là phạm nhân. Thân thưa với Chúa Giêsu về điều đó.

3/ Mối tương quan thiêng liêng (c. 50)

Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời,
người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi
.”

Mời bạn suy ngẫm về điều kiện duy nhất để đi vào trong mối tương quan thiêng liêng với Chúa Giêsu và chuyện trò cùng Ngài.

Kết nguyện

Dâng lời tạ ơn vì những mối tương quan thân hữu và nâng đỡ trong đời bạn. Xin ơn chữa lành các mối tương quan đổ vỡ, và xin ơn để mở ra cho những mối tương quan sâu rộng hơn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

18/7/24

Thứ sáu TN.XV: Cái nhìn mới (Mt 12,1-8)

1Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” 3Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? 4Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? 6Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Chúa Thánh Thần.

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu và các môn đệ đi qua cánh đồng lúa khi các ông đang đói.

·       Ơn xin: Xin cho tôi có được đôi mắt của Chúa để tôi có thể nhìn thấy ý nghĩa sau những hiện tượng bên ngoài, và để tôi có lòng nhân từ như Chúa Giêsu.

·       Lối cầu nguyện: Suy xét [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy xét].

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Hiện tượng (cc. 1-2)

Nhìn thấy các môn đệ đức Giêsu bứt lúa trên cánh đồng họ đang đi ngang qua, vò sát trong tay, và ăn trong ngày Sabat.

Điều chưa thấy: “họ đang đói”.

Phản ứng nhanh với đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!”

Đặt mình trước lương tâm ngay thẳng và trước Thiên Chúa, hãy tự vấn lòng mình về cách thức bản thân đã tiếp nhận thông tin, suy nghĩ, nói và hành động thế nào trước những hiện tượng/sự việc xảy ra.

2/ Đọc ý nghĩa (cc. 3-6)

Để giúp những người đang phản ứng kiểu kết án, đức Giêsu kể cho họ hai câu chuyện và mời họ tự sự ngẫm thêm; mong rằng họ sẽ nhận ra “Đấng lớn hơn” đang hiện diện trước họ.

Hồi tâm xét mình là cách thực hành giúp ta đến gần hơn với cảm nghĩ chiều sâu, và đến gần hơn với chân lý.

Với lương tâm ngay thẳng, mời bạn tự vấn về ít nhất một điều gì đó mà bạn đã có thể phán đoán/phán xét sai.

3/ Cái nhìn mới (cc. 7-8)

Để có cái nhìn mới, cần có “cái tâm” mới là LÒNG NHÂN, và nhận ra vị thế của Thiên Chúa trên mọi sự.

Hãy tự vấn bản thân về gốc rễ tạo nên cái nhìn mới này.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về hiện trạng bản thân, và xin ơn được đổi mới cái nhìn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

11/7/24

Thứ sáu TN.XIV: Nói trong Thần Khí (Mt 10,16-23)

16Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.

17“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

21“Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.

23“Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Chúa Thánh Thần.

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ.

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn can đảm để sống và làm theo điều Chúa mời gọi, dù gặp những cản trở hoặc bị bách hại.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm].

Gợi điểm cầu nguyện

Phân chia bản văn: cấu trúc đồng tâm.

A: Tiên báo (c. 16)

B: Bị người đời chống đối (cc. 17-18)

      C: Đừng lo phải nói thế nào (cc. 19-20)

B’: Bị người thân chống đối (c. 21)

A’: Lời hứa (cc. 22-23)

1/ Thiên Chúa bảo đảm cho (cc. 16.22-23)

Mời bạn suy ngẫm về con đường làm môn đệ đức Giêsu trước khi bước vào: “chiên đi vào giữa bầy sói”; và xin ơn để được “khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.

Giữ vững niềm tin vào lời Thiên Chúa bảo đảm chiến thắng cuối cùng dành cho những môn đệ “bền chí đến cùng”.

2/ Đối diện thực tế (cc. 17-18.21)

+ Đối diện với sự chống đối của “người đời” – bị bắt bớ và tra khảo.

+ Chấp nhận bị chính người thân chống đối, thậm chí làm cho bạn phải chết. Giá trị hiếu thảo và mối tương quan gia đình là quan trọng và tốt đẹp; nhưng khi phải chọn lựa giữa Thiên Chúa và những mối tương quan gia đình – những tương quan tạm thời – thì hãy can đảm chọn Thiên Chúa. Hãy xin ơn để bạn làm được điều này.

3/ Nói trong Thần Khí (cc. 19-20)

Theo cấu trúc đồng tâm, đây là tâm điểm. Nền tảng để người môn đệ có thể thực hiện được chọn lựa và trải qua hành trình đầy chống đối là niềm tin rằng: không phải tự sức tôi tài giỏi, mà là chính Thần Khí ở trong tôi đã làm tất cả những điều kỳ diệu.

Lời hứa duy nhất Đức Chúa dành cho các ngôn sứ là “Có Ta ở với ngươi.”


Kết nguyện

Thân thưa với Chúa về những chọn lựa khó trong câu chuyện đời bạn.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha để “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi Sự Dữ.”

Ảnh: Internet

5/7/24

Thứ sáu TN.XI: Định hướng (Mt 6,19-23)

19“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. 20Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. 21Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.

22“Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. 23Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – Xin ơn Chúa Thánh Thần.

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu dạy dỗ dân chúng trong bài giảng trên núi.

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết những điều Chúa dạy ở tầm mức là con Thiên Chúa, để tôi biết sống và hành xử khôn ngoan như con cái Sự Sáng ngay giữa lòng đời hôm nay.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm].

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Kho tàng ở đâu? (cc. 19-21)

Kho tàng là điều gì đó mà tôi cho là có giá trị. Có nhiều điều được xem là quý giá: của cải vật chất, danh tiếng, học vị, tình yêu, sức khỏe, trường thọ, được thỏa mãn đam mê… Có những “kho tàng” mau qua như một bữa ăn thịnh soạn; có những “kho tàng” kéo dài một số năm, thậm chí cả đời người; lại có những “kho tàng” kéo dài đời đời.

Mời bạn dành thời gian hiện diện trước Thiên Chúa và cùng đích đời mình để suy xét về kho tàng của mình và nỗ lực đầu tư vào đó.

Thân thưa với Chúa về những sai lầm trong việc xác định kho tàng và lãng phí trong việc đầu tư.

2/ Con mắt định hướng (cc. 22-23)

Suy ngẫm về những “ánh sáng” đã giúp bạn hiểu biết và phân định chọn lựa được trong đời như: cha mẹ, giáo viên, người hướng dẫn, kiến thức, người đồng hành thiêng liêng, ơn Chúa, các thánh…

Nhớ lại những giai đoạn, những câu chuyện bạn đã trải qua mà bạn cảm thấy mình được soi sáng tỏ tường, hoặc mình đi trong đêm tối lầm lạc. Thử tìm hiểu về nguyên nhân tạo nên ánh sáng hay bóng tối đó là gì? Đoạn thân thưa với Chúa Giêsu.

Kết nguyện

Dâng lên Thiên Chúa khao khát định hướng đúng và đầu tư đúng của bạn. Xin ơn Chúa trợ giúp.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

 

Thứ sáu TN.XII: Ý Chúa trong lề luật (Mt 8,1-4)

1Khi Đức Giê-su ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. 2Bỗng có một người mắc bệnh phong tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 3Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, anh được sạch bệnh phong. 4Rồi Đức Giê-su bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – Xin ơn Chúa Thánh Thần.

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu vừa giảng xong Bài Giảng Trên Núi (bộ sưu tập các bài giảng của đức Giêsu theo thánh Matthêu), và Ngài đi xuống núi cùng với nhiều người khác.

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu biết thánh ý tốt lành của Chúa trên đời tôi và trên mọi sự trong vũ trụ này, để tôi xác tín và tin yêu thực thi điều Ngài muốn.

·       Lối cầu nguyện: Chiêm niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Chiêm niệm].

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Khao khát tiếp chạm Thiên Chúa (cc. 1-2)

Mời bạn trở lại khung cảnh đoàn lũ dân chúng đang đi xuống khỏi núi cùng với đức Giêsu, sau khi họ được nghe Ngài giảng dạy mọi điều cần thiết để trở nên công dân Nước Trời.

Bất chợt có một người phong hủi tiến lại gần họ. Chiêm ngắm hành động can đảm của anh ta, vì anh ta có thể bị ném đá cho chết vì phạm luật “cách li” dành cho họ. Nhìn xem cách phản ứng của mọi người.

Anh ta bái lạy đức Giêsu (quỳ trước mặt Ngài), và xin một điều: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chắc chắn anh ta tin vào đức Giêsu và muốn được chữa lành. Vậy sao anh vẫn nói “Nếu Ngài muốn”?

Áp dụng bản thân. Bạn có nhận ra mình có chứng cùi hủi tinh thần và thiêng liêng nào nơi mình? Bạn có can đảm đến xin Chúa chữa cách công khai? Đặt mình vào vai anh bị phong để trải nghiệm ân huệ chữa lành trong đời mình.

2/ Thánh ý Chúa trong lề luật (cc. 3-4)

Bạn hãy quan sát đức Giêsu. Ngài giơ tay ra, đụng vào anh – điều bị cấm đụng vào người phong. Ngài nói: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Trải nghiệm sự đụng chạm của Thiên Chúa vào chính bạn, và làm cho bạn được “lành bệnh”, và trở nên xinh đẹp tinh tuyền mỗi ngày một hơn.

“Lập tức, anh được sạch bệnh phong.” Nhìn ngắm da thịt anh ấy được lành lại thế nào. Nhiều người cũng nhìn thấy sự thay đổi này.

Đức Giêsu yêu cầu anh ta “đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Chiêm ngắm thái độ khiêm nhu của Con Thiên Chúa khi tôn trọng sự công nhận của loài người qua luật lệ.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về tình trạng tâm hồn của mình. Nài xin ơn chữa lành và học với Ngài thái độ tuân giữ lề luật.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet

4/7/24

Thứ sáu TN.XIII: Tiêu chí chọn người (Mt 9,9-13)

9Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

10Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” 12Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Nhập nguyện

·       Tập trung ý thức - Ý thức Chúa hiện diện và kính cẩn chào Ngài – xin ơn Chúa Thánh Thần.

·       Tổng nguyện: “Xin cho tất cả ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ quy hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa”.

·       Đặt khung cảnh: Đức Giêsu gọi ông Matthêu - người thu thuế - làm tông đồ.

·       Ơn xin: Xin cho tôi được ơn hiểu được ý nghĩa của cách nhìn và sự chọn lựa của Thiên Chúa, để tôi được Ngài biến đổi cách nhìn của tôi.

·       Lối cầu nguyện: Suy niệm [Gõ vào ô tìm kiếm Phương pháp Suy niệm].

Gợi điểm cầu nguyện

1/ Chúa Giêsu chủ ý chọn người tội lỗi (c. 9)

Để lập nhóm nòng cốt gồm 12 người, đức Giêsu quyết định kết nạp Matthêu, một người thu thuế. Ở mọi nơi mọi thời, ít người có cảm tình với những người làm nghề thu thuế; nhất là trong trường hợp của ông Matthêu, ông đang giúp ngoại bang thu thuế trên dân của ông.

Mời bạn dành thời gian đặt mình trước Chúa Giêsu, và đối diện với thánh Matthêu để suy ngẫm, chất vấn các Ngài về chọn lựa đó; đồng thời trải nghiệm hành trình khó khăn của Matthêu để trở thành người môn đệ đức Giêsu, để trở nên người viết sách Tin Mừng.

Thân thưa với các Ngài về câu chuyện theo Chúa của đời bạn.

2/ Chúa Giêsu chọn ăn uống với những người tội lỗi (cc. 10-13)

Không chỉ chọn Matthêu vào làm một trong số 12 môn đệ thân tín, đức Giêsu còn chọn cùng ăn cùng uống với nhiều bạn bè của ông, cũng bị coi là người tội lỗi. Hãy ngẫm xem tiêu chí “chọn bạn mà chơi” của đức Giêsu là gì?

Chọn lựa này của đức Giêsu làm ảnh hưởng đến các môn đệ khác. Bạn cảm thấy thế nào khi trong nhóm/gia đình có những người “yếu kém” làm ảnh hưởng đến bạn? Tại sao đức Giêsu không chỉ chọn “hàng tuyển” để mưu cầu ích lợi cao nhất cho việc kế thừa sứ mạng của Ngài?

“Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?” Sao không chất vấn thẳng đức Giêsu mà lại chất vấn các môn đệ của Ngài? Bạn thấy lộ ra điều gì trong câu chất vấn đó? Hãy ngẫm lại cách bản thân ta nhận xét về người khác.

Chính đức Giêsu thân hành trả lời điều được chất vấn: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” Hãy suy ngẫm để hiểu lòng đức Giêus và thân thưa với Ngài.

Kết nguyện

Thân thưa với Chúa Giêsu về những tâm tình bạn có trong giờ cầu nguyện này, và xin ơn được biến đổi cách nhìn nơi bản thân mình.

Kết thúc bằng một Kinh Lạy Cha.

Ảnh: Internet.