Dòng Nử Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM)

13/5/19

Vòng ôm


Tôi bắt đầu làm PA (Personal Assistant) khi căn bệnh ung thư của ba tôi đã tới giai đoạn cuối. Bệnh viện chê, trả về. Hai chân ba đã liệt. Mỗi sáng tôi đẩy xe lăn ra hiên cho ba ngồi phơi nắng. Tôi thích đứng phía sau, nhìn ánh sáng trinh trong chiếu qua mái tóc bạc của ba linh lang, ngập tràn. Một ngày mẹ tôi bảo: “Con không thể ở nhà mãi được. Con phải tiếp tục con đường của mình. Ở nhà đã có mẹ rồi. Đừng lo”. Tôi trở lại Sài Gòn giữa một chiều đỏ ối, lòng vụn vỡ. Mỗi cột mốc km vụt qua, tôi lại thấy mình như đang trôi về một cực xa lắc của hy vọng.

Giữa thành phố vội vã, tôi gắng tìm một điểm để neo mình lại, mong qua đó, tôi lấy lại cân bằng nhưng công việc cứ như bão tố cuốn tôi đi. Một chiều ngang qua Trung tâm Ung bướu, nhìn những chiếc xe lăn ra vào, tôi biết mình cần chuyển việc. Tôi trở thành PA. Tôi đến nhà các bạn khuyết tật, trò chuyện, nấu nướng, chở các bạn đi học, đi làm, đi chơi hoặc đi bất cứ nơi đâu mà bạn ấy muốn. Đi qua những ngày nắng, ngày mưa, những giờ kẹt xe, chờ đợi, tôi là một PA. Nhưng giữa tất cả những công việc của một PA, điều an ủi nhất và cũng đau đớn nhất với tôi chính là mỗi vòng ôm.

Mỗi lần cúi xuống bế một bạn khuyết tật, tôi lại thấy hình ảnh ba hiện ra. Tôi thấy ba như đang giơ tay ra cho tôi nắm, mong mỏi tôi xốc thân hình cạn kiệt sức sống của ba lên. Trong cái khoảnh khắc đó, tôi vội vã lao đến, dốc hết sức bế cho được người ngồi trong xe lăn lên mặc dù tôi biết đó không phải là ba. Cái cảm giác ôm một người trong tay cho tôi một niềm an ủi lớn lao như chính tôi đang ôm phần thiếu thốn của mình. Tôi thấy người tràn đầy năng lượng. Cánh tay, đôi chân tôi trở nên cứng cáp đủ để chịu được sức nặng của người khác. Lòng tôi hân hoan vui sướng như đứa trẻ được quà. Tôi sẽ tranh thủ lúc ôm, hôn lên mái tóc bạn ấy thật nhẹ giống như ba hay làm khi tôi còn nhỏ. Rồi tôi thấy hiện lên tất cả những gì mà tôi yêu mến. Gia đình, bạn hữu, học trò của tôi, những vùng đất tôi đã đi qua, những yêu thương tôi đã để lại trên đường, và cả những người đã làm tôi đau. Tôi ôm tất cả vào lòng, mạnh mẽ và sống động như khi tôi xiết chặt cánh tay chị Muội lúc chạy xuống cầu thang. Nhưng khi rời vòng tay, một nỗi đắng cay cũng êm dịu xen vào. Nó nhắc tôi về thực tại dang dở chưa một lần dám ôm ba, về sự xa cách không gian, về những ước ao chẳng biết đến bao giờ mới chạm được. Giữa hai cảm giác mâu thuẫn giằng xé, tôi vẫn thầm cám ơn những người đang cho (hay bắt) tôi ôm.

Một trưa hè, mẹ gọi điện, giọng hối hả, lo âu: “Ba yếu lắm rồi, con sắp xếp về ngay đi”. Tôi chạy như bay trên đoạn đường mưa lâm thâm, không biết mưa hay nước mắt cứ nhạt nhòa, lênh láng. Hai ngày sau ba đi, thanh thản, nhẹ nhàng giữa khi tôi đang chuẩn một vòng ôm.
Sau đám tang hai tuần, tôi trở lại Sài Gòn, chẳng thể gọi tên bất kỳ cảm xúc gì ngoài nỗi trống rỗng. Tôi như bị đánh trúng tử huyệt. Tâm hồn tôi rách nát, đau thương. Tôi dự tính nghỉ việc.

Một chiều muộn chở chị Muội từ Q.3 về Hóc Môn, giữa đường trời mưa to. Tôi ghé vội một trạm xăng, trạm đầy người trú mưa, loay hoay mãi đến khi tìm được chỗ ngồi cho chị thì hai chị em đã ướt như chuột lột. Không hiểu sao trong cái giây phút đó, tôi thấy giận bản thân mình ghê gớm, giận cả sự bất lực và nhiệt tình của mình. Còn chị thì điềm nhiên. Dường như với chị, ướt hay khô, mưa hay tạnh cũng thế thôi. Chị đã quen và chấp nhận chúng như quy luật tự nhiên. Hốt nhiên tôi nhìn lại những hỗn độn trong lòng mình. Chẳng phải cho tới giây phút này tôi vẫn không chấp nhận sự ra đi của ba đó sao? Tôi vẫn không tin đó là sự thật. Tôi không muốn thừa nhận cái quy luật sinh ly tử biệt của cuộc đời. Nhưng cuộc đời chẳng cần biết đến nỗi đau của tôi. Nó vẫn thản nhiên quay, mặc kệ tôi sống chết. Còn tôi, tôi có muốn sống nữa không?

Mưa tạnh. Tôi bế chị lên xe. Đôi chân chị bất động, lỏng lẻo dính vào cơ thể. Mỗi lần bế chị, tôi lại có cảm tưởng như đang ôm một bình thủy tinh, phải rất nhẹ nhàng, cẩn thận kẻo bể mất. Thế nhưng, ở chị có một sức mạnh nội tâm to lớn khiến mỗi lần nhìn chị, tôi nghĩ tới câu hát “May mà có em, đời còn dễ thương”. Chị dễ thương vì sức sống tiềm tàng trong chị. Sức sống ấy vượt qua mọi tật nguyền, mọi khắc nghiệt để vươn lên như chồi xanh giữa sa mạc khô cằn. Tôi không tật nguyền, nhưng lại thiếu sức sống.

Chúng tôi tiếp tục đi. Đầu tôi vang lên những quy luật cuộc đời.

Tôi không biết mình thoát ra khỏi tình trạng sa sút chính xác vào lúc nào. Tôi chỉ nhớ chiều hôm ấy mặt đường ướt át, trong đầu tôi đầy những quy luật sống. Sau lưng tôi là một người ham sống. Và tôi cần tiếp tục sống.
Khi bầu trời đã xanh trở lại thì cũng là lúc tôi thấy mình không thể ích kỷ, bám víu hoài các bạn khuyết tật được nữa. Tôi biết mình phải ra đi vì ở lại là đông cứng và giậm chân tại chỗ. Tôi phải đi để hoàn thiện chính mình và tìm kiếm cơ hội trở lại. Nhưng ngay cả khi tôi rẽ qua một ngả đường khác, thì các bạn yêu dấu ơi, tôi vẫn mang hình bóng các bạn trong tim và dâng lên Thượng đế lời nguyện cầu mỗi đêm.
TT
(ảnh: Kathy Whaley Ammon)


11/5/19

Đặc nét linh đạo DHM - Men trong bột

Ngày nay, hình ảnh các nữ tu đi tới những vùng truyền giáo xa xôi hay len lỏi vào những con phố để thăm viếng người nghèo, người già, tới bệnh viện trao Mình Thánh Chúa hoặc đứng lớp dạy học là chuyện bình thường đối với người Công giáo. Thế nhưng vào thế kỷ XVIII, người ta không tưởng tượng nổi một nữ tu lại có thể bước ra khỏi cánh cổng tu viện để dấn thân vào đời. Bởi vì công đồng Trento (1545-1563) quy định các nữ tu phải tuân giữ luật nội vi chặt chẽ. Phải chờ đến cuối thế kỷ XIX thì Tòa Thánh mới châu phê các dòng nữ sống ngoài nội vi.[1] Chính vì thế, sự xuất hiện của Dòng Nữ Tử Trái Tim Mẹ Maria (DHM) vào năm 1791 với đường lối “sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian” là điều gì đó rất khác biệt.

Sống giữa thế gian…

Trước hết, sự khác biệt này đã được Thiên Chúa đã chuẩn bị trong âm thầm, lặng lẽ nơi cõi lòng cô Adelaide de Cice, một phụ nữ quý tộc người Pháp một lối sống thuộc trọn về Chúa trong đời sống tu trì và phục vụ người nghèo trong mọi bối cảnh xã hội. Thế nhưng vào thời ấy, không một tu viện nào có lối sống như vậy. Adelaide vẫn kiên trì tìm kiếm lối sống đó trong suốt 13 năm cho đến khi gặp được cha Pierre de Cloriviere, dòng Tên. Cha đã lắng nghe tâm tư của cô, linh hướng và từng bước giúp Adelaide xác tín vào lời mời gọi của Thiên Chúa trên cuộc đời cô. Năm 1789, cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, một cách nào đó đã gián tiếp biến ước mơ của Adelaide thành hiện thực.

Ngày 19 tháng 7 năm 1790 cha Cloriviere nhận được ơn linh hứng về một lối tu mới rất hữu ích cho Giáo hội. Cha lập tức chia sẻ điều này với các Đấng Bản quyền và nhất là với Adelaide vì nhận thấy nơi cô có cùng một thao thức. Cha mời Adelaide cộng tác… và Dòng Nữ tử Trái tim Mẹ Maria đã ra đời vào năm 1791 tại Paris.

Từ ngày thành lập cho đến nay, nhà Dòng vẫn trung thành với đặc sủng mình là làm chứng tá cho Chúa Kitô như một người tận hiến ở giữa môi trường sống. Dòng không có sứ vụ riêng biệt nhưng phục vụ theo nhu cầu của thời đại và nơi chốn. Các chị không mặc tu phục hay đeo huy hiệu, nhưng chọn trang phục phù hợp với môi trường phục vụ của mình.

Sự phong phú của sứ vụ kéo theo sự đa dạng trong lối sống cộng đoàn. Các nữ tu, tùy theo sứ vụ được sai đi, có thể sống chung mái nhà với cộng đoàn hoặc ở tại gia đình hay sống riêng. Sự đa dạng về sứ vụ và nơi hiện diện tạo nên nét phong phú của Dòng Nữ tử Trái tim Mẹ Maria. Chính sự linh hoạt trong đời sống cộng đoàn và sứ vụ này tạo cơ hội cho nhiều người thuộc mọi tầng lớp, mọi nền văn hóa, sắc tộc… theo đuổi ơn gọi trong Dòng. Tất cả những năng động này giúp các chị trở nên “men trong bột” và lan tỏa hương thơm của Chúa Kitô trong bất kỳ môi trường sống và làm việc nào.

…nhưng không thuộc về thế gian

Nhìn bề ngoài, các Nữ tử Trái tim Mẹ Maria cũng giống như bao phụ nữ khác, nhưng thật ra, đời sống của họ được hướng dẫn bởi lời khấn dòng: Vâng Phục – Khiết Tịnh – Khó Nghèo. Lời khấn này tạo nên căn tính tu sĩ nơi các chị và xây dựng mối tương quan sâu đậm của từng chị với Chúa Kitô và với nhau. Cha Cloriviere, vốn là tu sĩ Dòng Tên, khi soạn Hiến Pháp và Luật Sống cho Dòng, đã không ngần ngại phác thảo đời sống thiêng liêng cho các chị theo linh đạo Inhã. Theo đó, có rất nhiều thực hành đạo đức giúp các chị tăng trưởng đời sống nội tâm như: cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng, xét mình, tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể, Linh Thao, lần chuỗi Mân Côi… Thêm vào đó, các chị em sống chung với nhau theo tinh thần và mẫu gương của cộng đoàn tiên khởi. Điều này giúp các chị xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất trong đa dạng và yêu thương.

Linh đạo của trái tim  

Nếu tên gọi thể hiện căn tính sâu xa của một ai đó thì tên Dòng cũng vậy. Dòng mang tên Nữ tử Trái tim Mẹ Maria cho thấy các chị chú trọng vào đời sống nội tâm. Dẫu rằng ẩn khuất nhưng trái tim điều khiển và là nguồn mạch của mọi sinh lực bên trong chúng ta, là nơi kiến tạo một đời sống thiêng liêng vững vàng.

Trái tim còn là biểu tượng của tình yêu nên ơn gọi của các chị chính là đem yêu thương đến với mọi người. Tự sức mình, các chị không làm được. Vì vậy, các chị được mời gọi chiêm ngắm đặc biệt trái tim Mẹ Maria, để qua Mẹ kết nối với trái tim Chúa Giêsu là nguồn mạch tình yêu.

Tên tiếng Anh của Dòng là the Society of the Daughters of the Heart of Mary (DHM), nghĩa là con gái của trái tim Mẹ Maria. Điều này muốn nói lên rằng:

Trong trái tim Mẹ, con rất dấu yêu.

Suốt cuộc đời Mẹ chỉ có Chúa Giêsu trong tim. Con hãy để Chúa Giêsu làm chủ trái tim mình.

Trái tim Mẹ là ngôi trường thinh lặng. Con sẽ học biết thế nào là hiền lành, nhân hậu và khiêm cung.

Trái tim Mẹ là căn phòng ấm êm. Con sẽ tìm thấy chính mình trong tình yêu dịu dàng của Mẹ.

Trái tim Mẹ là tu viện của con, nơi con được chở che, chăm sóc và sai đi.  

Trái tim Mẹ hòa nhịp đập nhân sinh cho con thỏa sức trên cánh đồng sứ vụ.